Friday, April 19, 2024

Nhân Tháng Giêng, kể chuyện Hoàng Sa

 


Huy Phương/Người Việt 


Chúng ta đã được đọc, nghe nhiều về trận chiến Hoàng Sa ngày 19 Tháng Giêng, 1974, nhưng có những sự thật bên trong dần dần qua thời gian, rõ ràng người Mỹ đã tạo ra cơ hội cho tàu chiến Hải Quân VNCH có mặt tại Hoàng Sa, trong khi tàu Trung Cộng đã chờ sẵn, khiêu khích và chờ cho Hải Quân Việt Nam nổ súng để tấn công chiếm đảo. Nhân chứng Thiếu Tá Phạm Văn Hồng là người đã đi, sống và bị bắt làm tù binh chung với Gerald E. Kosh, nhân viên tình báo Mỹ, sẽ có cái nhìn từ trên bộ (đảo Hoàng Sa) và nhận định về nhân vật người Mỹ này. 










Tù binh Phạm Văn Hồng tại phi trường Tân Sơn Nhất.
(Hình tư liệu của Cục Tâm Lý Chiến VNCH)


Ngày thứ ba: Nổ súng 


Chúng ta nhớ lại câu chuyện ngày hôm qua, phái đoàn công binh trở lại HQ 16 là chiếc tàu đã đưa họ ra đảo. Buổi chiều phái đoàn được chuyển sang soái hạm HQ 5, nhưng tối đến, chính Ðại Tá HQ Hà Văn Ngạc, hải đội trưởng (người chỉ huy trận đánh) đã ra lệnh phái đoàn trở lại đảo theo lời yêu cầu nhân viên người Mỹ. Ông đã nói: “’Moi’ có thằng bạn này, nó nhát quá, thôi ‘toi’ chịu khó đem nó trở lại đảo giùm.” Khi xuống đảo, Kosh có nói với Thiếu Tá Hồng là “ở trên tàu rất nguy hiểm!”


Sau này Thiếu Tá Hồng mới nhớ lại, khi sống với nhau trên đảo, tình cờ ông thấy Kosh, ngoài áo quần, khẩu browning, đã mang theo mình hai cây thuốc lá và các vật dụng thoát hiểm mưu sinh. Dù là trên danh nghĩa một chuyến quan sát hai ngày, Kosh dự trù những tình huống đặc biệt, nguy hiểm có thể xẩy ra vì chắc chắn sẽ có cuộc đụng độ giữa hải quân hai bên như sắp đặt của phía Mỹ. Do đó, Kosh nhất quyết đòi xuống đất liền ngay trong đêm 18 Tháng Giêng, dù lúc đó đã quá khuya.


Ngày 19 Tháng Giêng, 1974 nhằm ngày 27 Tháng Chạp Âm Lịch, Thiếu Tá Phạm Hồng thức giấc sớm vì tiếng heo kêu. Buổi sáng anh em trong trung đội trú đóng trên đảo chuẩn bị làm heo đãi phái đoàn từ đất liền ra, cũng để chuẩn bị ăn Tết. Vào khoảng 10 giờ sáng, Trung Úy Hy gọi Thiếu Tá Hồng: “Không xong rồi, thiếu tá ơi!” Trên mặt biển súng bắt đầu nổ. Lúc bấy giờ trong vùng đã có đủ bốn tàu Hải Quân Việt Nam như chúng ta đã biết là HQ 16, HQ 4, HQ 5 và HQ 10. Trận chiến xẩy ra chỉ trong vòng nửa giờ, và sau đó trên mặt biển chỉ còn lại những chiến hạm và tàu đổ bộ của Trung Cộng. Những sự việc gì xẩy ra, những người trên đảo như Thiếu Tá Hồng không thể biết vì tầm quan sát bị hạn chế, và máy PRC 25 của ông đã mất liên lạc. Ðể báo cáo tình hình, Thiếu Tá Hồng đã phải nhờ máy Motorola của toán khí tượng, nhưng không liên lạc được với Ðà Nẵng mà tình cờ bắt được băng tần của Phú Quốc. Ông nhờ Phú Quốc gọi về Sài Gòn, Sài Gòn gọi ra Ðà Nẵng, Ðà Nẵng mới gọi ra Hoàng Sa, từ đó Thiếu Tá Hồng mới nhờ thông báo với Quân Ðoàn yêu cầu cử người sang bên đài khí tượng Ðà Nẵng để báo cáo tình hình. Vòng vo như vậy, khi xong chuyện thì tiếng súng trên biển cũng đã ngưng.


Những chiến sĩ trên đảo đang hoang mang vì trên biển không còn chiếc tàu nào của Hải Quân VNCH nữa thì lực lượng Trung Cộng bắt đầu tấn công lên đảo. Theo nhận xét của Thiếu Tá Phạm Văn Hồng thì lực lượng địch chừng một tiểu đoàn, trong khi chúng ta chỉ có một trung đội Ðịa Phương Quân không đủ quân số, lực lượng quá chênh lệch. Mặt khác anh em Ðịa Phương Quân Quảng Nam này gần như là những người “bị đày” ra đảo, vì hầu hết họ là những quân nhân vô kỷ luật, bị phạt nhiều ngày, gom từ nhiều đơn vị. Nhưng ra đây binh sĩ được an toàn hơn là ở trong đất liền đi hành quân, hầu như hết thời gian là để vui chơi, ăn uống và ngủ nghê “dưỡng sức.” Chính Trung Úy Phạm Hy cũng thú nhận mình là một sĩ quan bị kỷ luật nên mới phải đổi ra đây.









Tù binh VNCH từng bị Trung Cộng bắt. Hình chụp tại Trại An Dưỡng Gia Ðịnh. (Hình tư liệu của Cục Tâm Lý Chiến VNCH)


Cũng để tránh những việc không hay xẩy ra cho đám lính “ba gai,” giá súng được ông trung đội trưởng khóa kỹ, còn các quân nhân trong phái đoàn từ đất liền ra thì toàn súng ngắn. Thiếu Tá Phạm Văn Hồng cho biết trên đảo Hoàng Sa (Pattle) này khi Trung Cộng tấn công lên đảo, bên ta không có ai chết hay bị thương vì Trung Cộng chỉ bắn ở tầm cao, gần như là chỉ thiên, để tránh nguy hiểm cho nhân viên tình báo Gerald E. Kosh. Nếu thật sự là một cuộc tấn công chiếm đất, chắc chắn toàn bộ quân nhân và nhân viên khí tượng dân chính hiện diện trên đảo đã bị tàn sát hết.


Sau này, trong thời gian ở tù với Trung Úy Phạm Hy, Thiếu Tá Phạm Văn Hồng được nghe kể, là vài tháng trước đó, vào mùa mưa bão, trinh sát Trung Cộng đã giả dạng ngư dân bị bão dạt vào đảo, cùng ăn ở chơi đùa chung với Ðịa Phương Quân trên đảo để nắm vững quân số. Chúng tinh ma đến đỗi lúc rảnh rỗi còn bày ra chơi trò trốn tìm để có thể chạy khắp hang cùng ngõ hẻm trên đảo để thám sát các công sự phòng thủ và địa thế của mình. Ngây thơ, trung đội Ðịa Phương Quân không biết mình đang nuôi trinh sát Trung Cộng ngay trong nhà. Trung Úy Phạm Hy đã báo cáo về Quân Ðoàn về chuyện “ngư dân tránh bão” này, nhưng không nghe Quân Ðoàn có ý kiến gì. Theo lời kể của người anh là Phạm Phan, trong trại tù Kỳ Sơn-Tiên Lãnh, Trung Úy Hy đã tự sát khi miền Nam thất thủ. Khi bắt được Thiếu Tá Hồng là người cuối cùng, chúng còn biết gọi “thiếu tá.” Bọn lính này được đưa đến từ đảo Hải Nam rất rành tiếng Việt.


Tối 19 Tháng Giêng, tù binh được tập trung ngồi hàng dài trên đảo, cho đến tối thì được tàu nhỏ của Trung Cộng đưa về Hải Nam. Ngày hôm sau từ Hải Nam các sĩ quan và nhân viên người Mỹ được đi máy bay về Quảng Châu. Từ Quảng Châu, họ đi xe nhỏ về trại tù binh Thu Dung. Trong hành trình, tuy đi chung, Kosh có xe riêng và khi lên máy bay, phi hành đoàn đưa Kosh lên phòng lái. Một ngày sau đến trại tù binh, toán hạ sĩ quan và nhân viên dân chính khí tượng mới về đến.


 


Những sự thật


 


Sau một tuần, lấy lý do nhân đạo đối với những người bệnh tật, nhân viên tòa lãnh sự Mỹ Gerald E. Kosh với giấy khai bệnh “viêm gan B” (?)được thả về cùng với bốn quân nhân và nhân viên dân chính Việt Nam khác ngày 31 Tháng Giêng, 1974. Sau bốn tuần bị giam giữ, nhóm người bị bắt được giao lại cho Hội Hồng Thập Tự Quốc Tế tại Thẩm Quyến là tô giới của Hồng Kông-Trung Cộng và lên máy bay Air Vietnam 727 từ Hồng Kông về Tân Sơn Nhất buổi chiều cùng ngày.


Chúng ta cũng biết trong những ngày Ðệ Thất Hạm Ðội của Mỹ đang hoạt động trong vùng tranh chấp nhưng không can thiệp cũng như cứu vớt những người bị nạn trôi giạt. Ngày 22 Tháng Giêng, 1974, tàu Kopionella, quốc tịch Hòa Lan đã vớt được 23 quân nhân của hộ tống hạm HQ 10 và ngày 29 Tháng Giêng, 1974 ngư phủ ở Qui Nhơn cứu được 15 quân nhân, thuộc toán hải quân đã đổ bộ lên đảo Vĩnh Lạc.


Sau những sự đón tiếp nồng hậu và những vòng hoa cho những người tù binh trở về từ Trung Cộng, Thiếu Tá Phạm Văn Hồng đã viết lại những chuyện xẩy ra trên đất liền tại Hoàng Sa. Trong cuốn hồi ký mang tên “Hoàng Sa Dậy Sóng” này ông đã nhận xét về nhân vật tình báo Gerald E. Kosh và ý nghĩ của ông về sự sắp đặt của Hoa Kỳ trong vụ Hoàng Sa, có vẻ tình cờ trong một trận “tao ngộ chiến” nhưng thật ra là tạo cơ hội cho tàu Hải Quân VNCH ra đảo, trong khi tàu Trung Cộng đã chờ sẵn. Nhiều giới chức cao cấp trong Hải Quân VNCH, vì sợ đụng chạm tới chủ quyền, vẫn cho rằng nhân viên tòa lãnh sự Mỹ Kosh chỉ xin quá dang ra đảo đi chơi, nhưng sự thật vẫn là sự thật.


Cuốn “Hoàng Sa Dậy Sóng” đã không được xuất bản trong thời điểm ấy vì lời phê của tổng trưởng Dân Vận Chiêu Hồi: “…chưa thích hợp trong lúc này.” Và hơn một năm sau đó, miền Nam rơi vào tay cộng sản, như kế hoạch của Hoa Kỳ, theo như lời nói của Kissinger với Chu Ân Lai năm 1972: “Và chúng tôi đã không có ý định tiêu diệt họ hoặc ngay cả đánh bại họ (ám chỉ Việt Cộng). Sau khi chiến tranh chấm dứt chúng tôi sẽ triệt thoái xa 12 ngàn dặm. Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa bây giờ vẫn chỉ cách Sài Gòn 300 dậm. Ðó là một thực tế…”


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT