Thursday, March 28, 2024

Nhiều đồng hương được luật sư giúp đỡ miễn phí


Hội thiện nguyện APALC và Legal Aid OC

 

 

 

Nguyên Huy/Người Việt

 

WESTMINSTER (NV) – Hai tổ chức luật sư thiện nguyện cùng tổ chức buổi tham khảo miễn phí về luật pháp cho cộng đồng Việt Nam vào sáng Thứ Bảy. Buổi tham khảo do Trung Tâm Dịch Vụ Luật Pháp cho người Mỹ gốc Á (APCLC-Asian Pacific American Legal Center) phối hợp cùng Hội Phụ Giúp Pháp Lý Quận Cam (Legal Aid Society of Orange) tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt ở Westminster.

Cô Caroline Lê, một thiện nguyên viên giải đáp pháp lý trong buổi Tham Khảo Pháp Lý do APALC tổ chức tại nhật báo Người Việt.

Gần 100 đồng hương người Việt đã đến suốt từ 10 giờ sáng cho đến 1 giờ trưa để tham khảo về những vấn đề liên quan đến pháp lý trong cuộc sống của mình. khoảng hai mươi luật sư và các sinh viên đang học ngành luật tại Nam California đã theo lời mời gọi của APALC đến phụ trách giải đáp những vấn đề có liên quan đến luật pháp.

Bốn lãnh vực về luật pháp đã được APALC chọn làm đề tài tham khảo chính là Gia Ðình gồm các vấn đề ly dị, giám hộ, liên hệ phụ tử và bạo lực trong gia đình. Lãnh vực thứ hai là Trợ Cấp Xã Hội gồm CalWorks: Trợ cấp tiền mặt, phiếu trợ cấp thực phẩm Food Stamp, trợ cấp y tế Medical và trợ cấp an sinh xã hội. Lãnh vực thứ ba là Di Trú gồm điều chỉnh tình trạng di trú và luật cấm hành hung phụ nữ. Lãnh vực thứ tư là Gia Cư gồm bị đuổi nhà và tình trạng nhà ở. Lãnh vực thứ năm là Lao Ðộng gồm các vấn đề lương bổng và quyền lợi thất nghiệp. Lãnh vực sau chót là quyền lợi của người tiêu thụ như sự thu nợ và lường gạt.

Cô Rutan, một trong những người phụ trách buổi tham khảo pháp lý này cho biết:

“APALC cứ một tháng lại tổ chức một lần tại nhiều địa điểm khác nhau tại Nam California. Chúng tôi được sự hỗ trợ của hai tổ chức Cơ Quan Trợ Giúp Tư Vấn Pháp Lý Quận Los Angeles (Legal Aid Foundation of Los Angeles) và Hội Phụ Giúp Pháp Lý của Quận Cam (Legal Aid Society of Orange).”

Ðối tượng phục vụ, cô Rutan cho biết, “là cư dân gốc Á Châu-Thái Bình Dương như Ðại Hàn, Việt Nam, Trung Hoa, Phi Luật Tân… Giúp đỡ trực tiếp cho APALC trong những buổi này là một số luật sư của APALC và các luật sư thiện nguyện cùng là các anh chị em sinh viên đang theo học ngành luật tại các đại học Hoa Kỳ. Chúng tôi nhận giải đáp những vấn đề về pháp lý liên quan đến Di trú (Immigration), Gia đình (Family Law) và nhiều vấn đề pháp lý khác.”

Vào lúc 10 giờ 30, khách đến tham khảo đông chật phòng hội. Sau khi ghi danh và được phân phối đến các bàn có các thiện nguyện viên pháp lý đang chờ, khách có thể nêu những câu hỏi riêng tư về pháp lý mà trên nguyên tắc những câu hỏi này các người phụ trách phải giữ kín. Ngay cả việc chụp hình, ban tổ chức cũng yêu cầu các phóng viên không được chụp rõ mặt những người đến tham khảo.

Trong khi đó thì ngoài cửa phòng hội cũng có hàng chục người phải chờ đến lượt. Ông Peter Nguyễn, cựu nhân viên của một hãng sản xuất Chip điện tử, trong số người chờ đợi này cho biết: “Tôi có một vấn đề về trợ cấp thất nghiệp. Ðó là tình trạng tôi phải bồi hoàn một số tiền trợ cấp mà theo tôi thấy là vô lý, nên đến đây để hỏi xem tôi sẽ khiếu nại thế nào, ở đâu, đơn từ nộp ra sao”.

Anh David Bùi ở Costa Mesa vừa rời khỏi bàn giải đáp cũng cho biết: “Em có vấn đề về bảo lãnh vợ chưa cưới và em đã được giải thích cho biết rõ hơn và chỉ cách cho em thực hiện. Em rất cảm ơn đã có buổi tham khảo này”.

Cô Caroline Lê, sinh viên năm thứ 2 đại học Luật Chapman University, một trong những bạn trẻ phụ trách giải đáp, vui vẻ trả lời cuộc phỏng vấn ngắn của Người Việt: “Ðược APALC mời tại trường học, cháu thấy đây là dịp cho cháu hiểu biết thêm về ngành mình đang học. Và, cũng là để xem mình có thể giúp được gì cho đồng hương trong khả năng những điều mà mình đã học không. Cháu học về Luật Di Trú (Immigration) nên cháu đã được phân phối trả lời cho 4 trường hợp về di trú của các bác đến hỏi. Xin lỗi cháu không thể cho biết những vấn đề mà các bác đến hỏi cháu”.

Luật pháp trong xã hội Hoa Kỳ rất là phức tạp, áp dụng đến từng chi tiết nhỏ trong cuộc sống của người dân nhằm để bảo vệ mọi người được sống trong công bình, hợp lý. Theo nguyên tắc “đương nhiên” về pháp luật thì “mọi người dân đều phải hiểu biết luật pháp” nên khi phạm luật khi ra tòa không thể nêu lý do không biết để bào chữa. Chính quyền Hoa Kỳ đã có những cơ quan trợ giúp pháp lý cho người dân, đồng thời cũng khuyến khích và hỗ trợ cho các tổ chức tư nhân vô vị lợi cùng hoạt động tích cực cho người dân Hoa Kỳ được hiểu biết tổng quát về luật pháp Hoa Kỳ. Công việc của APALC tổ chức những buổi tham khảo pháp lý miễn phí cho các cộng đồng thiểu số ở Hoa Kỳ là điều đã mang lại lợi ích trong cuộc sống của người dân Mỹ gốc Á vì những người dân này từng đã sống trong những nền luật pháp không thích ứng với xã hội Hoa Kỳ.

____

Liên lạc người viết: [email protected].

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT