Thursday, April 25, 2024

Nhiều học khu Mỹ có thêm chương trình song ngữ Việt-Anh

GARDEN GROVE, California (AP) – Hiện đang có các nỗ lực ở nhiều học khu trên nước Mỹ để vận động thành lập chương trình song ngữ Việt-Anh ở cấp tiểu học, từ những người trước đây là con cái người tị nạn đến Mỹ sau khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt năm 1975. Họ nay đã trưởng thành và có chỗ đứng trong xã hội Mỹ, muốn duy trì ngôn ngữ Việt cho con cái của họ cũng như các thế hệ về sau.

Theo các dữ kiện gần đây nhất của cuộc thống kê dân số thì hiện có khoảng 1.9 triệu người gốc Việt sinh sống tại Mỹ, với khoảng 1/3 trong số này sinh ra ở nơi đây.

Trong vài năm qua, các trường học ở tiểu bang Texas và Washington đã khởi sự chương trình song ngữ (Dual Language Immersion DLI), Một chương trình nữa sẽ khởi sự ở tiểu bang Oregon vào mùa Thu năm nay. Học Khu Garden Grove Unified School District ở tiểu bang California hồi tháng qua bỏ phiếu thăm dò việc khởi sự một chương chình tương tự tại khu vực được coi là một trong những nơi tập trung người Mỹ gốc Việt đông đảo nhất trên nước Mỹ.

Cô giáo Thảo Trần và một lớp mẫu giáo ở White Center Heights Elementary School, Seattle. (Hình: AP Photo/Elaine Thompson)

Các chương trình DLI này dạy học sinh các môn học khác nhau, từ toán đến xã hội học, bằng tiếng Anh và bằng một ngôn ngữ khác. Các lớp học thường có học sinh nói thông thạo tiếng Anh và học sinh đang phải học tiếng Anh, để các học sinh có thể học cùng nhau và giúp lẫn nhau để làm bài tập.

Thời gian giảng dạy cho hai ngôn ngữ được chia ra tùy theo học trình và tuổi của học sinh. Phần lớn các chương trình này khởi sự từ lớp mẫu giáo cho đến cuối năm bậc tiểu học.

Trong vài năm trở lại đây, các chương trình DLI đã phát triển nhanh chóng trên toàn nước Mỹ, theo lời Julie Sugarman, một nghiên cứu gia tại Trung Tâm Ngôn Ngữ Ứng Dụng. Có hàng trăm chương trình DLI được thành lập từ thập niên 80 đến nay, phần lớn là tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Chỉ mới gần đây, mô hình này mới được phát triển sang các ngôn ngữ khác như tiếng Hoa, tiếng Hàn và tiếng Việt.

Ông Bảo Nguyễn, 33 tuổi, một ủy viên hội đồng học khu Garden Grove, người đưa ra vấn đề thành lập chương trình DLI cho tiếng Việt tại học khu này, phát biểu “Cha mẹ chúng tôi thật sự không có tiếng nói trong việc giáo dục của chúng tôi và đó cũng là điều dễ hiểu. Nay chúng tôi có chỗ đứng trong xã hội và muốn đóng góp, chúng tôi muốn nơi này tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người. Chúng tôi có tiếng nói, và đây là điều chúng tôi đang làm. Ðó là hành xử tiếng nói của mình.” (V.Giang)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT