Friday, April 19, 2024

“Rác” của Họa Sĩ Ann Phong sắp triễn lãm tại LA Artcore


Thiên An/Người Việt


LOS ANGELES (NV)- Phòng triển lãm nghệ thuật LA Artcore chuẩn bị trưng bày tác phẩm của ba họa sĩ nữ đến từ ba nền văn hóa khác nhau, Ann Gooding- Mỹ, Ann Phong- gốc Việt, và Kaoru Mansour- gốc Nhật, từ 3 Tháng Tư đến hết 27 Tháng Tư, tại địa chỉ: 650 A South Avenue 21, Los Angeles, CA 90031.









Tranh của 3 nữ họa sĩ sẽ được cùng triển lãm tại LA Artcore. Trong hình là một tác phẩm của Họa Sĩ Ann Phong. (Hình: Họa sĩ Ann Phong cung cấp)


Tuy tên tuổi của họa sĩ gốc Việt Ann Phong, từng gắn liền với những bức tranh về biển, những tác phẩm được đặc biệt mời tham dự trong chương trình lần này lại là chuỗi sáng tác trong chủ đề “Rác” và môi trường gần đây của nữ họa sĩ.


Trung tâm triễn làm sẽ mở cửa từ 12 giờ trưa đến 5 giờ chiều vào Thứ Năm đến Chủ Nhật. Buổi tiếp tân khai mạc với sự tham dự của các nữ họa sĩ sẽ diễn ra vào Chủ Nhật, 6 Tháng Tư, từ 1 giờ đến 3 giờ chiều.


“Đây là một buổi triễn lãm của ba phụ nữ có cá tính đặc biệt trong sáng tác nghệ thuật.” Ông Robert Seitz, đại diện từ LA Artcore, viết trong một thư gửi báo giới.


“Chương trình là một dịp để cảm nhận cách mà họa sĩ, tuy khác trường phái nhưng đều sở hữu sự tự tin qua tay vẽ điêu luyện, có thể hòa quyện trong không gian mỹ thuật của cùng một phòng triễn lãm. Những triễn lãm như thế này thể thiện một góc cạnh tinh tế của nghệ thuật, đó là sự hài hòa tồn tại một cách tự nhiên giữa những cách thể hiện kỹ năng khác nhau.”









Ba nữ họa sĩ trong chương trình đến từ ba nền văn hóa, ba trường phái mỹ thuật khác nhau. Trong hình là Họa Sĩ Ann Phong, gốc Việt, vẽ tranh sơn dầu. (Hình: Họa sĩ Ann Phong cung cấp)


Theo ông Seitz, lối vẽ của Họa Sĩ Ann Phong sâu sắc và có sự “khuấy động” trên bề mặt  “như sóng vỗ bờ.” Ông đề cập đến việc tạo hình, cách phối màu “độc đáo” của người họa sĩ.


Về hai nữ họa sĩ còn lại, ông Seitz nói tranh của Ann Gooding kích thích người xem và đổi mới theo từng cuộc triển lãm, đưa những gam màu sáng tối tự nhiên vào hội họa một cách trừu tượng, trong khi tranh của Kaoru Mansour có nét sang cả không lẫn lộn với các họa sĩ khác, vừa cân đối vừa có nhịp điệu như nhạc Jazz.


Nữ họa sĩ Ann Phong chia sẻ: “Sống tại miền Nam Cali, tôi có dịp đến gần biển. Nhìn nước, tôi thấy thiên nhiên thân thiện với tôi, thấy được những sinh vật dưới nước, đang sống đồng hành với cuộc sống của tôi. Gần đây tôi thấy nhiều nơi, cả duới nước và trên mặt đất bị ô nhiễm, càng tân tiến chúng ta càng thải rác nhiều.”


“Khi ngồi trước giá vẽ, tôi tưởng tượng mình như những vật thể dưới nước, đang bị ảnh hượng của môi trường. Tôi tự thử thách là vật lộn sống còn với rác, với các chất hóa học mà con người thải ra. Khi sáng tác, tôi nhìn chung quanh, lấy những món vật mà ngày trước còn được xem là quý và cần thiết, mà hôm sau đã bị ruồng bỏ thành rác… để vào tranh, như một lời nhắc nhở. Khi màu sắc hình dạng ý nghĩa đã quyện vào nhau, đó là khi tác phẩm đã xong,” Bà nói thêm về những tác phẩm mới nhất.


Họa sĩ Ann Phong tốt nghiệp bằng thạc sĩ mỹ thuật tại Đại Học Cal State Fullerton, chuyên về tranh sơn dầu. Bà hiện là giáo sư đang dạy hội họa tại trường đại học Cal Poly Pomona. Từ 1992 đến nay, Ann Phong dự hơn 80 triển lãm, từ gallery đến viện bảo tàng như Laguna Museum, Kytakishu Museum ở Nhật, Queen Art Gallery ở Bangkok Thái Lan, Gang Dong Art Center ở Seoul Nam Hàn. Các tác phẩm được nhiều tư nhân và nơi công cộng sưu tầm, như Cal Poly Pomona, Cal State U Fullerton, UC Riverside Sweeney Gallery, hay Queen Art Gallery ở Thái Lan. Ngoài ra, bà Ann Phong hiện là đồng chủ tịch của VAALA  (Hội Văn Học Nhgệ Thuật Việt Mỹ).


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT