Friday, March 29, 2024

Tang lễ đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Dung


Linh Nguyễn/Người Việt


WESTMINSTER, California (NV) Hàng trăm chư tăng và đồng bào Phật Tử đến tham dự lễ di quan đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Dung được tổ chức trọng thể lúc 2 giờ 30 chiều Thứ Tư, 26 Tháng Ba, tại nghĩa trang Peek Family, Westminster, tiễn đưa ngài lần cuối về nơi an nghỉ.









Di ảnh cố đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Dung.(Hình Linh Nguyễn/Người Việt)


Trước đó, từ sáng sớm đã có rất đông Phật tử trong những chiếc áo lam hay nâu sòng thuộc ban tiếp tân đến phòng số 4 để chuẩn bị bàn thờ. Trên lối vào, bên trái dưới một cái lều lớn, Phật tử trưng bày kinh, sách, hình ảnh và DVD về ngài, nhất là các tác phẩm do hòa thượng dịch sang tiếng Việt, nổi tiếng nhất là cuốn Kinh Dược Sư được dịch từ chữ Hán.


Bên phải là một bàn ghi danh và di ảnh của hòa thượng bên quốc kỳ Mỹ, Việt và Phật giáo kỳ.


Bên trong là bàn thờ Phật và kế phía sau là bàn thờ với di ảnh của đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Dung với các đáo hoa hồng đỏ và vàng tươi thắm. Sau bức di ảnh là quan tài mở nắp để chư tăng, quan khách và Phật tử thăm viếng ngài lần cuối, từ buổi trưa hôm trước. Bên tường là các vòng hoa tỏ lòng tiếc thương vị đại lão hòa thượng hy sinh một đời vì đạo pháp và chúng sinh.


Đối diện là các hàng ghế dành cho các chư tăng Phật giáo từ khắp nơi về tham dự, hiên diện gồm có Hòa Thượng Thích Phước Thuận, thành viên Hội Đồng Giáo Phẩm Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ (HĐGPPGVNTNHK); đại lão Hòa Thượng Thích Thắng Hoan, chánh văn phòng  HĐGPPGVNTNHK; Hòa Thượng Thích Quảng Ba, phó hội chủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Úc Châu và New Zealand; Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Phó Thượng Thủ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Trên Thế Giới, kiêm viện chủ chùa Liên Hoa, Garden Grove, và rất nhiều chư đại đức tăng, ni khác nữa.


Sau khi ban tổ chức giới thiệu các vị lãnh đạo Phật Giáo, và đọc tiểu sử cố đại lão Hòa Thượng Thích Huyền Dung, Hòa Thượng Thích Phước Thuận,  Hòa Thượng Thích Thắng Hoan và  Hòa Thượng Thích Quảng Ba được mời chủ lễ trước bàn thờ Phật. Sau đó là quý chư tăng cùng các Phật tử hiện diện đọc kinh cầu nguyện trước khi quan tài được đậy nắp và bắt đầu lễ di quan.









Phật tử và chư tăng bên quan tài. (Hình Linh Nguyễn/Người Việt)


Cư sĩ Quảng Định, tên thật là Vũ Đức Thắng, người phụ trách điều hợp tang lễ, chia sẻ sự tôn kính và tiếc thương hòa thượng: “Thầy luôn là một vị thầy đạo hạnh, khả kính, như một người cha, như là cây đại thụ, bóng mát che chở Phật tử. Tôi không thể nào quên được những buổi sáng tinh sương vào Chủ Nhật, thầy luôn ra chánh điện sớm để hướng dẫn Phật tử những thới công phu, lễ lạy sám hôi.”


“Thầy luôn dạy Phật tử cùng nhau suốt đời giữ hạnh bốn hòa để thân tâm thanh tịnh, tự tại giải thoát, thành Phật trong tương lai,” vị cư sĩ nói thêm.


Một Phật tử khác, ông Cao Công Đắc, 75 tuổi, cư dân Stanton, tâm sự: “Điều tôi nhớ nhất về thầy là thầy rất giữ giáo luật và công minh. Thí dụ  nói chuyện với thầy phải giữ khoảng cách ba bước. Nếu là nữ Phật tử một mình thầy không tiếp chuyện trừ phi có người thứ ba. Thầy với Hòa Thượng Thích Huyền Quang rất gần gũi như thể anh em.”


Trở lại công đức của vị cố hòa thượng, cư sĩ Quảng Định nói: “Thầy rất giỏi tiếng Anh. Thầy dịch Kinh  Dược Sư từ nguyên bản chữ Hán ra song ngữ Anh-Việt. Tôi tình nguyện đánh máy cho thầy.


Trong số người tham dự có người cháu của ngài là Luật Sư John P. Lê Phong. Ông nói: “Thật là bất ngờ, chúng tôi mới vào thăm thầy ở viện dưỡng lão cách đây 10 ngày. Thân nhân thầy chỉ có bốn người và thầy sống ở ngoại quốc từ năm 16 tuổi. Thật là một mất mát lớn không những trong gia đình, mà là của chung đồng bào Phật tử khắp nơi trên thế giới.”


Thượng Tọa Thích Minh Dung, viện chủ chùa Quang Thiện ở Ontario, nói: “Hòa thượng là bậc đạo sư vô cùng khả kính. Cả đời ngài sống cho đạo pháp, rất nghiêm mật giữ gìn giáo luật, một dịch giả được mọi người quý trọng.”


Cư sĩ Huỳnh Tấn Lê, chủ tịch Tổng Hội Cư Sĩ Phật Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ nói với vẻ xúc động: “Tôi nhớ nhất một điều là thầy nói sẽ làm gì là thầy quyết tâm thi hành.









Chư tăng dự lễ. (Hình Linh Nguyễn/Người Việt)


Bà Tâm Hương Hoàng Hoa, 75 tuổi, cư dân Redondo Beach, nghẹn ngào: “Thầy có lòng từ bi, tinh tấn, luôn sống đời tu tập để giúp đời. Tôi đến để thắp dâng ngài một nén hương lần cuối.”


Cư sĩ Quảng Định dặn dò:“Thầy dạy: Giới hòa đồng tu, khẩu hòa không tranh cãi, ý hòa đồng vui đẹp và kiến hòa đồng giải bày.”


Hòa thượng Thích Huyền Dung, thế danh là Lê Diêu, Pháp danh Như Lễ. Ngài sinh năm 1918 tại thôn Thanh Mai, xã Nhơn Hạnh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định. Thân Phụ ngài là cụ ông Lê Cừu, pháp danh Như Trung, thân mẫu là cụ bà Phạm Thị Đĩnh, pháp danh Diệu Trực. Ngài là con út trong gia đình có tám người con, anh kế Ngài là Lê Siền, hiện còn đang sinh sống tại quê nhà với tuổi đại thọ 102.


Trang nhà  www.quangduc.com ghi rằng năm 1932, Ngài xuất gia, khi đó Ngài vừa tròn 14 tuổi tại chùa Bích Liên với Bổn sư là Hòa thượng Thích Chơn Giám. Ngài được trực tiếp học giáo pháp và tu tập với Hòa thượng Bổn sư cho đến năm 1939 và cũng trong năm này Hòa Thượng thọ đại giới.


Năm 1940, Ngài ra Huế, tu học tại Phật học viện Bảo Quốc, dưới sự hướng dẫn của sư huynh là Hòa thượng Thích Trí Độ. Năm 1945, Ngài được chỉ định vào Sài Gòn để cùng Hòa thượng Thích Trí Tịnh làm Phật sự, khai sáng Phật học đường Liên Hải và làm chủ bút báo Từ Bi Âm.


Năm 1949, Ngài là sáng lập hai viện Phật học và làm giám đốc: Phật học đường Mai Sơn và Phật học đường Sùng Đức tại Phú Lâm, Chợ Lớn. Năm 1951, do nhu cầu hoằng pháp trong phạm vi rộng lớn cần đến sự kết hợp các Phật học đường lại với nhau, ngài đã hợp Phật học đường Liên Hải, Phật Học đường Mai Sơn và Sùng Đức thành Phật học đường Ấn Quang. Ngài vừa là một thành viên trong Ban Giám đốc, vừa là Giáo sư bậc Cao đẳng tại Phật học đường Ấn Quang. Và cũng cùng năm ấy, do nhu cầu thống nhất Phật giáo Bắc Nam Trung, Ngài cùng với chư Tăng sáng lập Giáo hội Tăng già Nam Việt và Ngài đảm nhiệm chức vụ Tổng Trị sự Trưởng Giáo hội.


Năm 1953, Hòa thượng xuất ngoại, hoằng pháp, nghiên cứu Phật pháp ngoại điển tại Anh Quốc cho tới năm 1999, và Ngài tốt nghiệp Cử nhân Xã hội Triết học và Thạc sĩ Kinh tế Triết học tại đại học Luân Đôn.









Hòa Thượng Thích Phước Thuận chủ lễ. (Hình Linh Nguyễn/Người Việt)


Năm 1995, Giáo sư Trần Quang Thuận, người từng du học tại Luân Đôn, mời Ngài sang Hoa Kỳ thăm viếng các thiền viện, các chùa, chư Tăng Ni thuộc tiểu bang California; nhưng mãi tới năm 1999, theo lời thỉnh mời của cố Hòa thượng Thích Đức Niệm, viện chủ Phật Học Viện Quốc Tế, Ngài chính thức sang Hoa Kỳ và định cư để chung lo Phật sự với chư Tăng Ni Hoa Kỳ. Ngài được chư Tăng Ni suy cử vào chức vụ Chủ tịch Hội đồng Giám sát Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất hải ngoại, tại Hoa Kỳ.


Trong thời gian sống tại Nam California, Ngài tổ chức các lớp tu học Phật pháp cho Phật tử trong hai vùng Los Angeles và Orange. Ngài tổ chức các lớp tu học Thiền và Tịnh độ để giảng dạy cho cả Phật tử Mỹ và Việt. Chương trình học 5 năm, được hoàn tất năm 2008. Chương trình này có phát thanh hàng tuần vào ngày Chủ nhật trên đài Hương Sen của Tổng hội Cư sĩ Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ.


Về tác phẩm Phật học, Ngài dịch kinh Dược Sư và Thủy Sám. Vì nhu cầu giảng dạy Phật pháp tại hải ngoại, ngài biên soạn rất công phu những bài giảng kinh Pháp Hoa và kinh Duy Ma Cật cho Phật tử Việt và Mỹ.


Ngài hoằng pháp tại Hoa Kỳ từ năm 1999, thành lập Phật Quang Thiền Viện tại Reseda, sau dời về Chatsworth, California. Ngài lập thêm Pháp Hoa Thiền Viện ở Garden Grove năm 2008. Ngài hướng dẫn các lớp tu học Thiền và Tịnh độ từ đó.


Ngài viên tịch vào lúc 3 giờ 58 chiều ngày 15 Tháng Ba năm 2014, (nhằm ngày 15 tháng 2 năm Giáp Ngọ) tại Garden Grove Hospital, Garden Grove, California, Hoa Kỳ, thọ thế 96 tuổi.



Liên lạc tác giả: [email protected]


 


 



 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT