Thursday, April 18, 2024

Thiền viện Sùng Nghiêm ra mắt sách Phật ngày Xuân

Nguyên Huy/Người Việt 


GARDEN GROVE (NV) “Tại sao không mở mắt vãng sanh khi đang hiện sống?” là tựa đề của cuốn sách mới được tác giả là Ni Sư Thích Nữ Chân Thiền Thanh Tịnh Liên thuộc tu viện Sùng Nghiêm, Garden Grove, cho ra mắt nhân dịp Xuân Nhâm Thìn 2012.


Ðây là một trong những cuốn “khảo luận” về Phật pháp của tác giả Thanh Tịnh Liên, và cũng là thêm một cái nhìn mới về những lời Phật dậy qua kinh kệ được lưu truyền đến ngày nay.










Lễ Phật ngày Xuân. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Tác giả có nhiều cái nhìn rất thực tế về ý nghĩa của kinh kệ trong Phật pháp qua những tác phẩm đã xuất bản. Tác giả đọc kinh kệ, suy nghĩ, tìm tòi và nhận ra những điều rất “nhập thế” cho người Phật tử mà từ trước đến nay, người Phật tử cũng như nhiều vị tu hành đã không khai triển cho việc tu hành.


Tác giả đã tìm thấy trong “Bát Nhã Tâm Kinh” ý nghĩa vãng sanh ngay khi còn sống. Diễn giải về “Bát Nhã tâm Kinh,” tác giả nhìn trên hai phương diện hình tướng và vô hình tướng như cái tâm và cái trí để nắm bắt sự vật sau màn vô minh (tham, sân, si) cũng như mọi tạp khí như vui, buồn, giận, yêu, ghét mà chúng ta đã phá bỏ được. Nhưng đã là con người thì mấy ai không mắc phải cái màn vô minh nên cứ nghĩ chỉ khi chết mới mở mắt vãng sanh thì theo tác giả “đã quá muộn rồi.” Ngay khi còn sống nếu chúng ta nhận diện được “chân lý” ví như một đồng tiền có hai mặt và hai mặt ấy không thể rời nhau, mà nếu rời được nhau thì không phải là đồng tiền. Với đạo và đời thì cũng như vậy. Do lẽ đó mà trong kinh có nói: “Phật pháp không rời thế gian pháp.”


Ðể tâm trí mà suy nghiệm thì hẳn đã thấy mặt vô tướng cũng như mặt hữu tướng là hai mặt đạo và đời. Mặt đạo là vô tướng mà người đời đặt cho nó những danh từ làm cho chúng ta nhầm lẫn, khó hiểu. Còn mặt đời vì là hữu tướng nên cũng dễ nhận biết. Nhưng chân lý là mặt đời không rời mặt đạo nên nếu chấp mặt đời phải tiêu diệt đi rồi vứt bỏ đi để đi kiếm cái vô tướng là cực lạc thì chúng ta đã có “trí mà không có thân” là hoàn toàn đi ngược lại với chân lý cũng là đi ngược lại với những Kinh Bát Nhã, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa, Duy Ma Cật.


Vẫn theo tác giả Thanh Tịnh Liên thì “vì chân lý là giải thoát sinh tử nên cũng khó hiểu và khó thâm nhập được là lẽ đương nhiên, nhất là đối với những ai ít chịu suy tư, nông cạn, lười biếng, chưa đủ duyên lành. Trái lại, đối với những ai đã chán ngán cuộc đời dâu bể, vô thường nên muốn xả bỏ vô thường và khao khát chân lý là cái giải thoát sinh tử thì chẳng ngại gì chông gai, những hành giả này lúc nào cũng khắc khoải, suy tư, dù có khó cách mấy cũng nỗ lực để hiểu và vượt qua.”


Ðúng vậy. Khi chúng ta còn say mê cuộc sống (mặt đời), đuổi theo những hư ảo giầu sang phú quí vợ đẹp con khôn, coi nhẹ mặt đạo, chờ đến khi chết đi buông xuôi hai tay không mang được gì mới cầu mong chuyện vãng sanh nơi miền cực lạc thì chẳng những đã muộn mà còn là hư ảo nữa. Nên lo chuyện vãng sanh khi hiện tiền cũng là trả cho đồng tiền có hai mặt hợp với chân lý.


Lời nhắn nhủ của Ni Sư Thích Chân Thiền Thanh Tịnh Liên qua tập khảo luận Phật pháp “Tại sao không mở mắt vãng sanh khi đang hiện sống” như một lời nhắn nhủ mọi người thiện nam tín nữ trong ngày Xuân đi lễ Phật theo truyền thống tín ngưỡng của người dân Việt.


Tác giả đã chọn đúng đêm giao thừa Nhâm Thìn để phát hành 500 cuốn sách này cho Phật tử và đồng hương như một món quà đầu Xuân của thiền viện Sùng Nghiêm. Những ai đã có duyên quả nhận được sách xin đọc để cùng tác giả suy luận thêm, tìm hiểu thêm về mặt đạo mặt đời để tôn giáo và đời sống không phải bị cắt chia riêng biệt, giúp cho con người sống sạch đẹp may ra nhân loại mới tránh được khổ đau, chinh chiến mà cùng nhau làm cho mặt đất này đâu cũng là miền cực lạc.


Những ai chưa có sách xin liên lạc với thiền viện Sùng Nghiêm, 11561 Magnolia St., Garden Grove, CA 92841, điện thoại (714) 636-0118.


 


––-


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT