Thursday, March 28, 2024

Thu Hội Ngộ cựu sinh viên các đại học Nam California

 

Nguyên Huy/Người Việt

SANTA ANA, California (NV)“Nhằm mục đích kết nối tình thân, Dạ tiệc Thu Hội Ngộ liên trường của cựu sinh viên và thân hữu CSULB và các đại học SJSU, UCI, CSULA, CSUF, Cal Poly… rất ấm cúng với văn nghệ thính phòng, nhưng không kém phần sôi nổi với những tiết mục: xổ số, trình diễn vẻ đẹp áo dài, khiêu vũ và sinh hoạt mở rộng vòng tay, hướng thượng nhiều ý nghĩa.”




Sinh viên Việt Nam tại Nam California tổ chức Hội Chợ Tết hàng năm tại công viên Garden Grove. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Ðó là phần mở đầu trong thông báo của Ban Tổ Chức Thu Hội Ngộ được gửi trên Internet.

Trong cuộc tiếp xúc với ông Lê Ðức, người phụ trách liên lạc và giải đáp thắc mắc của ban tổ chức Thu Hội Ngộ, nhật báo Người Việt được biết, anh chị em cựu sinh viên các đại học Nam California hội ngộ với nhau được 4, 5 lần rồi mà lần nào cũng có đến hơn 400 anh chị em tham dự.

Ông Ðức tâm tình: “Sau những năm miệt mài học để có tấm bằng ra trường cho nhanh để còn giúp đỡ gia đình trong giai đoạn chân ướt chân ráo đến Mỹ, chúng tôi đã có biết bao nhiêu kỷ niệm vui buồn mà chắc giới sinh viên địa phương không thể nào có được. Ðến khi ra trường, vì sinh kế, chúng tôi đã tản lạc đi khắp nơi, kể cả theo hãng xưởng trở về VN nơi mà chỉ ít năm trước chúng tôi đã cùng gia đình, hay đơn thân độc mã mà bỏ ra đi thì chúng tôi hầu như chẳng có dịp nào gặp lại nhau nữa, cho dù có ở cùng địa phương. Nên lòng khao khát được gặp lại nhau trong chúng tôi cứ dâng tràn lên mãi, nhất là đến nay thì đã có một số anh chị em đến tuổi hưu nên tương đối có thì giờ để đứng ra hò nhau tổ chức.”

Trong một câu hỏi chúng tôi muốn tìm hiểu về nội dung những cuộc gặp gỡ thường có những gì, hay chỉ là hàn huyên chuyện cũ, nhớ lại một thời “vào đời” trên phần đất mới, rồi ai lại về nhà nấy, thì ông Lê Ðức cho biết sau một vài giây suy nghĩ: “Chúng tôi cũng thường tự nhận với nhau rằng, chúng tôi, phần nhiều là sinh viên thuộc hai trường Cal State Long Beach và Fullerton đã là cái nôi tạo ra phong trào sinh hoạt văn nghệ trong cuộc sống của cộng đồng người Việt mới nhập cư vào Hoa Kỳ. Chúng tôi đã tổ chức được những lễ hội vào dịp Tết đầu tiên, làm sống lại vẻ đẹp Áo Dài của người con gái VN, nhắc nhớ đến dòng lịch sử oai hùng của dân tộc và truyền thống văn hóa VN qua những chương trình văn nghệ Tết để tất cả cùng bùi ngùi nhớ về một quê hương mà không biết khi nào mới trở lại được. Dù chúng tôi khi ấy chỉ mới tuổi đôi mươi, sự hiểu biết về truyền thống VN rất hạn hẹp nhưng rất may là có các vị giáo sư người Việt đã giúp đỡ, chỉ bảo cho chúng tôi rất nhiều.”

Người viết mạnh dạn đặt một câu hỏi thuộc nội dung các cuộc sinh hoạt hội ngộ rằng: “Các cựu sinh viên theo học các đại học Hoa Kỳ, có bao giờ nghĩ rằng mình, thế hệ mình, chính là những người đi tiên phong, mở đường để hòa nhập được vào cuộc sống trong dòng chính của Hoa Kỳ không. Và có bao giờ nhìn lại trong quá trình sinh hoạt sau khi ra trường, mình có đóng góp được gì vào trong xã hội mới không. Và cũng có nghĩ đến cộng đồng gốc gác của mình là người Việt không. Có bao giờ nhìn lại quê hương với ý nghĩ tìm giúp cho quê hương trong khả năng của mình không, có bao giờ có ý định truyền lại cho thế hệ sau mình những kinh nghiệm ‘vào đời’ của thế hệ mình không…”

Hơi ngạc nhiên trước những câu hỏi dồn dập của chúng tôi, ông Lê Ðức như băn khoăn trước khi trả lời: “Một số anh chị em chúng tôi cũng đã có nghĩ tới và cũng đã có làm, nhưng chưa thể thực hiện quy mô được được vì nhiều lý do. Tôi chỉ xin trả lời anh trong tư cách cá nhân mà thôi. Về quê hương đất nước, làm người, nhất có được chút học vấn thì ai mà chẳng có lòng yêu nước thương dân, nhất là nước với dân mình lại đang phải trong một giai đoạn khó khăn về mọi mặt. Nhưng làm gì bây giờ khi mà chúng tôi còn đang phải tìm một phương hướng sau khi đã đạt được cái khó khăn nhất là đoàn tụ lại được trong đoàn kết, thưa anh.”

Chúng tôi gợi ý: “Chẳng hạn, bên cạnh những lần hội ngộ, mình có thể tổ chức thêm những buổi hội thoại, đàm luận về những chủ đề trên trong ‘thế hệ Gạch Nối’ của mình…”

Rất vui vẻ, ông Lê Ðức trả lời ngay: “Ý kiến hay, tôi sẽ đề cập với anh chị em về việc này. Nếu có thực hiện, chắc chúng tôi cũng phải nhờ đến giới truyền thông khua động hộ, nhất là báo Người Việt.”

Trở lại với buổi Thu Hội Ngộ của cựu sinh viên và thân hữu CSULB và các đại học Nam California, ông Lê Ðức cho biết địa điểm sinh hoạt hội ngộ kỳ này sẽ diễn ra vào lúc 6 giờ chiều Thứ Bảy, 2 Tháng Mười Một, tại nhà hàng Emerald Bay, 5015 W. Edinger Ave., Santa Ana, CA 92704.

Ðể có tiền trang trải tổ chức, người tham dự sẽ góp phần mua vé đồng hạng $35 và VIP $50. Nếu còn dư sau khi chi phí, sẽ dùng số tiền này vào một công tác xã hội do anh chị em lựa chọn.

––
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT