Tuesday, April 23, 2024

Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông ra mắt sách ở miền Tây

 


‘Ảnh Trường Kịch Giới’ và ‘Nhìn Lại Lịch Sử VN’


 


Nguyên Huy/Người Việt


WESTMINSTER Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích chủ trương vừa cho ra mắt hai tác phẩm giá trị, một của nhà văn Hồ Trường An viết về lịch sử điện ảnh Việt Nam (tựa đề “Ảnh Trường Kịch Giới”) và một của Giáo Sư Lê Mạnh Hùng viết về lịch sử Việt Nam, tập III (tựa đề “Nhìn Lại Lịch Sử Việt Nam.”)








Ðồng hương độc giả đến tham dự kín phòng sinh hoạt của Viện Việt Học. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Buổi ra mắt sách được tổ chức vào chiều 4 Tháng Ba, 2012, tại Viện Việt Học, Nam California.


Ông Nghiêm Xuân Trường, đại diện Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông khai mạc buổi ra mắt sách, giới thiệu nhà văn, đạo diễn Ðỗ Tiến Ðức, cựu Giám Ðốc Nha Ðiện Ảnh VNCH, trình bày về cuốn sách viết về điện ảnh mà một thời gian ông từng phục vụ.


Nhà văn Ðỗ Tiến Ðức bày tỏ lòng kính phục tác giả Hồ Trường An, một người viết báo đã 75 tuổi mà còn say mê bỏ hết thì giờ, vận dụng được trí nhớ để viết nên tác phẩm này. Và nhà xuất bản Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông đã chọn để phổ biến như một đóng góp tích cực vào sinh hoạt văn hóa của người Việt khắp nơi.


Theo diễn giả Ðỗ Tiến Ðức, có một vài điểm cần được bổ túc. Như viết về cuốn phim “Người Tình Không Chân Dung,” Hồ Trường An phê bình cốt truyện lạ thì có lạ nhưng cũng kỳ quặc. Với tư cách là người duyệt truyện phim, diễn giả giải thích rằng truyện phim một cô gái đi yêu một người tình mặt mày nát bấy vì thương tích thì không phải chỉ là người lính đó mà là người lính VNCH nói chung đã phải hy sinh rất nhiều trong cuộc chiến này. Những người lính đó là vô hình, không chân dung để nói lên sự cao cả của người lính VNCH.








Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích trao tặng sách của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông cho phóng viên Người Việt. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)


Trong hơn 1 tiếng đồng hồ, diễn giả Ðỗ Tiến Ðức đề cập đến cả một giai đoạn lịch sử điện ảnh Việt Nam trước năm 1975 dựa trên những điểm mà tác giả Hồ Trường An đề cập đến trong cuốn sách.


Sau cùng, diễn giả kết luận, “Xin được cảm ơn tác giả Hồ Trường An vì đã bỏ công ghi lại nghệ thuật điện ảnh trong thời VNCH. Qua cuốn sách của ông, người đọc ghi nhận được sự tự do trong nghệ thuật ở hai miền Nam và Bắc Việt Nam trong thời gian đó.”


Giới thiệu cuốn sách thứ hai của Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông, “Nhìn Lại Lịch Sử Việt Nam” của Lê Mạnh Hùng, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích đã thay mặt tác giả Lê Mạnh Hùng nói về cuốn sách này.


Ðây là cuốn III trong toàn tập 7 cuốn mà tác giả Lê Mạnh Hùng dầy công nghiên cứu để viết tập sử mới cho Việt Nam. Tác giả tốt nghiệp tiến sĩ sử học tại Anh Quốc sau khi tốt nghiệp nhiều ngành nghề khác nhưng không có đất dụng võ. Tác giả Lê Mạnh Hùng còn là người am hiểu nhiều ngôn ngữ, trong đó có Hán văn, mà ông tự học khi còn trong tù cải tạo của cộng sản.


Với khả năng tra cứu sách vở tài liệu viết bằng Anh ngữ, Pháp ngữ, Hoa ngữ, tác giả Lê Mạnh Hùng khám phá ra nhiều sự việc mà trong các sách sử Việt Nam trước đây không thấy đề cập đến, chẳng hạn như người Việt Nam có Tết riêng từ thời lập quốc. Ðó là vào Tháng Tám âm lịch lấy ngày trăng rằm để ăn Tết sau một năm cực nhọc đồng áng. Sau này bị Hán thuộc đến cả ngàn năm nên người Việt mới có thêm Tết Nguyên Ðán do ảnh hưởng người Trung Hoa.


Theo Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích, cho đến nay cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim vẫn còn được coi như chính sử trong các chương trình giáo dục của Việt Nam trước 1975. Nhưng cuốn Việt Nam Sử Lược đã được học giả Trần Trọng Kim viết từ hơn 90 năm, tất nhiên là có nhiều thiếu sót. Hơn nữa, ngày nay với những tiến bộ khoa học trong môn khảo cổ học mà thời học giả Trần Trọng Kim chưa được phổ biến thì sử Việt Nam sẽ có được cái nhìn mới.


“Công trình của Lê Mạnh Hùng đáp ứng được nhu cầu này.” Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích kết luận.


Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông hiện do Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích chủ trương, phát hành hàng chục cuốn sách giá trị trong gần 20 năm nay. Bày tỏ về công việc làm này, người chủ trương Tổ Hợp Xuất Bản Miền Ðông, Giáo Sư Nguyễn Ngọc Bích thổ lộ: “Công việc có là bận rộn, vất vả, vừa phải tìm và đọc những bản thảo giá trị, vừa lo in ấn, thêm thắt tài liệu hình ảnh với nhiều công việc linh tinh khác, nhưng rất vui vì góp được công nhỏ vào sự phát triển văn hóa Việt Nam.”


 


–––––-


Liên lạc tác giả: [email protected]


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT