Thursday, March 28, 2024

Viện Việt Học và đêm nhạc thính phòng ‘Gặp Nhau’

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV)
“Gặp Nhau” là chủ đề trong đêm nhạc thính phòng do Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học tổ chức tại trụ sở của viện ở Westminster vào Thứ Bảy tuần qua, với sự phối hợp của Little Saigon Music Academy, ca sĩ Lâm Dung, và nhạc sĩ Trần Kính. Ðiều hợp chương trình là hai MC Anh Ðào và Bùi Khánh.
Câu lạc bộ này đã được chỉnh sửa đôi chút trông có vẻ rộng rãi hơn lúc trước, ẩn hiện những màu sắc và ánh sáng theo kiểu Ðông phương và đầy nét văn hóa và dân tộc Việt Nam.



Ban tam ca (từ trái) Hoài Hạnh, Ngọc Quỳnh và Lâm Dung, với liên khúc “Dân Ca Ba Miền.” (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Nguyễn Minh, thành viên câu lạc bộ, ngỏ lời chào đón khán giả và giới thiệu các tiết mục, những tiếng hát và ban nhạc đóng góp trong chương trình của đêm nhạc thính phòng.
Theo ông Nguyễn Minh Lân, một thành viên trong ban tổ chức, gặp nhau giữa con người và con người, gặp nhau giữa con người với thiên nhiên và động vật, lý do gặp được là trong sự gặp gỡ có những ước vọng.
“Ước vọng gặp nhau tay bắt mặt mừng là để dựng xây, bồi đắp cho cuộc sống thêm an vui, hạnh phúc. Như đêm nay khán giả đến với Viện Việt Học này để thưởng thức một chương trình văn nghệ thính phòng với chủ đề ‘Gặp Nhau,’” ông Lân nói.
Nữ MC Anh Ðào nói một cách duyên dáng: “Từ thời tiền sử, văn hóa bản địa của lưu vực sông Hồng đã gặp nhau với nền văn hóa Ấn-Hoa. Rồi từ đó, trong cuộc tương tác, tương sinh, tiến hóa, người xưa đã học và để cho các thế hệ sau bài học làm người Việt nhân ái. Theo dòng thời gian chồng chất, gặp nhau ở một nội dung và không gian rộng lớn hơn giữa Ðông và Tây, rồi do những dị biệt, chấp kiến, con người gây khổ đau cho chính mình và cho đồng loại.”



Ban nhạc thiếu nhi hòa tấu bài “Minuet” của Beethoven. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Từ bài học gặp nhau mà tổ tiên đã để lại, chúng ta sẽ làm gì cho hiện tại và chuẩn bị gì cho những lần gặp nhau ở tương lai với ước vọng đã nêu trên, vừa gìn giữ được cái quốc tính Việt, cái lửa hương của người xưa, vừa thâu hóa tinh hoa của văn hóa người,” MC Anh Ðào nói thêm.

Chương trình được mở đầu bằng ca khúc “Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội,” một trong những sáng tác của nhạc sĩ Phạm Ðình Chương được nhiều người biết đến, qua phần hợp ca của Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học.
Âm nhạc của Tây phương đã mang những dòng nhạc đến nước Việt Nam trải qua nhiều thời gian. Vì thế, nền âm nhạc Việt Nam đã thay đổi rất nhiều. Từ nhạc cổ truyền gặp gỡ nhạc Tây phương để có được nền tân nhạc Việt Nam.
Ngoài ra, Việt Nam còn có dân ca, nhạc hòa tấu, như bài “Minuet” của Beethoven và bài “Hát Hội Trăng Rằm” do ban Bolsa Strings hòa tấu với 10 vĩ cầm và một dương cầm. Sau đó Lý Vi độc tấu dương cầm qua bài “In The Fields of The Valley” của nhạc sĩ Glinka.
Chương trình cũng bao gồm những bài nhạc tiền chiến trữ tình Việt Nam, những dòng nhạc của Ðoàn Chuẩn và Từ Linh, những ca khúc được nhiều người biết đến và rất yêu thích.
Số lượng sáng tác tuy không nhiều nhưng đều trở thành những giai điệu quen thuộc của nhiều thế hệ, như các bài “Gửi Gió Cho Mây Ngày Bay,” “Lá Thư,” “Thu Quyến Rũ”… Các sáng tác của họ thường nhắc đến mùa Thu. “Với bao tà áo xanh đây mùa thu…” là câu mở đầu bài nhạc. “Tà Áo Xanh” tiếp nối chương trình với tiếng hát Hàn Phúc. Kế tiếp liên khúc dân ca ba miền qua ba bài “Cây Trúc Xinh,” “Lý Ngựa Ô,” và “Lý Quạ Kêu,” qua ba tiếng hát Lâm Dung, Ngọc Quỳnh và Hoài Hạnh.

Ông Nguyễn Minh Lân và MC Anh Ðào cảm ơn khán giả. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Rồi Kim Thoa trình bày ca khúc “Trở Về Bến Mơ” của nhạc sĩ Ngọc Bích, qua tiếng đệm keyboard chuyển qua âm tính dương cầm của nhạc sĩ Quang Khiêm.

Sau đó là “Nocturne” hay “Dạ Khúc về Ðêm” của nhạc sĩ Lê Văn Khoa và bài “Capri Basque” của Pablo de Sarasate do nhạc sĩ vĩ cầm Ðặng Trần Kính và nữ nhạc sĩ dương cầm Ðặng Thị Cúc Phương hòa tấu.
Ông Nguyễn Minh Lân chia sẻ: “Tôi xin được chia sẻ một ít sự suy nghĩ của tôi về nhạc sĩ Lê Văn Khoa trong công việc đóng góp dòng nhạc Việt Nam để hội nhập vào nét nhạc của Tây Phương. Ðây là một trong những công trình rất quan trọng trong vấn về đối mặt giữa văn hóa của Việt Nam và văn hóa của xứ người. Nhạc sĩ đã thành công qua rất nhiều bài nhạc và đã được ‘trình làng’ tại Hoa Kỳ cũng như nhiều nước trên thế giới trong những buổi hòa nhạc giao hưởng (symphony).”
Nguyên Phong, có giọng hát tuy không đặc biệt, những rất thích hợp với những bài nhạc ngoại quốc được chuyển sang lời Việt.
Anh đã cho mọi người nhớ lại phim The Godfather (Bố Già), sản xuất năm 1972, và bài nhạc được mang tên “Speak Softty Love” hay “Thú Yêu Thương” là bài nhạc nền trong phim này.
Chương trình được tiếp nối với nhiều tiết mục khác, của Việt Nam và của ngoại quốc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT