Tuesday, April 16, 2024

‘Áo Trắng với Cung Đàn’, đêm thính phòng lóng lánh sắc màu của các bác sĩ

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Áo Trắng với Cung Đàn”, một chương ca nhạc đặc biệt giới thiệu những dòng nhạc mới của năm bác sĩ gốc Việt được tổ chức tại Viện Việt Học, Westminster lúc 7 giờ 30 tối Thứ Bảy, 9 Tháng Sáu, được khán giả nồng nhiệt đón nhận.

Trước giờ diễn cả 40 phút mà hội trường đã hết ghế vì khán giả ngồi chật kín.

Bà Kim Ngân, Giám đốc Viện Việt Học kiêm Trưởng Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học giới thiệu: “’Áo trắng’ ở đây không phải là màu áo học trò mà là màu áo của những người thầy thuốc đã nhiều năm đóng góp trong ngành y.”

Như lời nhạc sĩ Võ Tá Hân, đây là một chương trình văn nghệ đặc biệt vì “không hề có bóng dáng của một siêu sao của Thúy Nga Paris hay Asia, và cũng không có những nhạc phẩm của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn hay Ngô Thụy Miên mà khán giả đã quá quen thuộc.”

Trước giờ bắt đầu, ông Võ Tá Hân cười xuề xòa, không nhận công lao to lớn của mình trong việc đôn đốc và khuyến khích các vị bác sĩ/nhạc sĩ thực hiện “Áo Trắng với Cung Đàn”.

Ông nhỏ nhẹ nói một cách dí dỏm: “Tôi chỉ làm ‘ông mai’, giới thiệu ‘đàng trai’ (các nhạc sĩ) đến với ‘đàng gái’ (Viện Việt Học) mà thôi, công lao gì đâu.”

‘Yêu Em và Yêu Em’, bác sĩ Vương Đức Hậu và phu nhân Minh Ngọc. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Áo Trắng với Cung Đàn” là một luồng gió mới thổi sinh khí vào sinh hoạt văn hóa của chúng ta tại hải ngoại khi toàn chương trình gồm 25 ca khúc đều do năm vị bác sĩ tại Hoa Kỳ sáng tác.

Ông Phạm Gia Cổn vừa là nhạc sĩ, vừa là ca sĩ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bác Sĩ Dương Đình Hưng, một trong năm nhân vật chính của đêm, nói: ‘Đây là cơ duyên rất hay để những sáng tác của tôi được dịp đến với thính giả.”

Xuất hiện trong  “Áo Trắng với Cung Đàn”, các vị bác sĩ yêu nghệ thuật đã tạm thời trút bỏ vai trò chữa bệnh của mình để đến với khán giả yêu nhạc bằng cảm xúc cũng như ước vọng sâu kín của những nghệ sĩ.

Ngay từ nhạc phẩm hợp ca “Vì Sao Tôi Hát”, sáng tác của Bác Sĩ Trần Anh Dũng đã chứng minh với mọi người rằng chương trình văn nghệ này hoàn toàn không có mùi alcohol, không đo áp huyết, cũng không có chẩn bệnh. Hãy cứ lắng nghe tâm tư rất nhân bản của ông để không gian tràn đầy âm nhạc thành liều thuốc chống âu lo, muộn phiền.

‘Mẹ Ơi Con Yêu Mẹ’ ca sĩ Nam Trân trong một sáng tác của Trần Anh Dũng. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hãy nghe ông chia sẻ: “Vì sao tôi hát/Hát cho đời sống/Hát cho ngày mới/Hát cho sầu vơi…”, ông hát cho mọi người, ông hát cho cuộc đời.

Bà Nguyễn Minh Khúc, ở Westminster, nhận xét: “Mỗi khi phải đi bác sĩ, tôi rất ghét. Mình ợi lâu mà mấy ổng làm như cái máy, coi hồ sơ nhanh nhanh rồi ‘phán’ vài câu qua loa, không thèm quan tâm. Té ra, mấy ổng cũng …’không tới nỗi’. Chắc ở nhà, mấy ổng cũng… như mình. Bản nhạc này rất ‘tình cảm con người.’”

Tình cảm con người của nhạc sĩ Trần Anh Dũng lại một lần nữa dạt dào qua ca khúc “Mẹ Ơi Con yêu Mẹ” với giọng ca tinh khiết của ca sĩ Nam Trân.
“…Ngày con xong đại học, mẹ nhìn con vui mừng rơi nước mắt… Ngày con lên xe hoa, mẹ bảo con từ nay lo cho nhau…”

Ca sĩ Xuân Thanh trong ‘Chiều Cali’. Một ca khúc của Trần Văn Khang. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Trương Thanh Nhàn, cư dân Fountain Valley, nói: “Lâu nay, tôi cứ quen nhìn mấy ông bác sĩ như là ‘cái gì đó’ khác mình rất xa mà quên đi rằng họ cũng là con, là chồng là cha như mình thôi.”

Qua nhạc phẩm “Yêu Em và Yêu Em” của bác sĩ nhạc sĩ Phạm Anh Dũng, người nghe càng cảm nhận thêm cái hồn thơ của các vị thầy thuốc. “Em như làn gió mát, thoáng qua trời mùa Hạ/Anh như hàng cây biếc, đón Thu về thay lá…”

Bác Sĩ /nhạc sĩ Phạm Gia Cổn gởi đến khán giả nhạc khúc “Hẹn Ước”, phổ từ thơ Phan Xuân Hiệp. Và chính nhạc sĩ cũng góp giọng ca cho “Áo Trắng với Cung Đàn” luôn.

Bà Phan Lệ Hòa, ở Westminster, tấm tắc: “Mấy ông bác sĩ này tính ‘giành nghề’ của người ta hết hay sao mà đã viết nhạc còn làm ca sĩ nữa. Mà ông này ca có hồn mới chết.”

“Tôi thích bài Chiều Cali” của ông Trần Văn Khang vì nó nhộn nhịp, trẻ trung nhất. Cô Xuân Thanh hát rất hay,” ông Nguyễn Thế Trà, ở Garden Grove nhận xét.

“Chiều Tây Đô”, một sáng tác của nhạc sĩ Khanh Phương (nghệ danh của Bác Sĩ Trần Văn Khang) bồi hồi ôn lại những giây phút tim ông rộn ràng chờ tình yêu chớm nụ. Qua giọng ca Ái Liên, Hồng Tước và Lâm Dung, cuộc tình ngày ấy bỗng tưng bừng sống động.

Nhạc sĩ tâm sự: “Ngày ấy, tôi mừng quá vì có học bổng đi Úc. Rồi tình cờ gặp cô gái. Tình cờ chúng tôi yêu nhau ở Tây Đô. Thế là dẹp Úc qua một bên, tôi ở lại ‘tử thủ Tây Đô’. Cô gái ấy, giờ là bà xã tôi, cũng đang có mặt ở đây.”

Một tràng pháo tay nổ vang chúc mừng cho một mối tình lâu bền.

Nhạc phẩm bi hùng nhất của chương trình có tên “Cánh Hoa Dù” của Bác Sĩ, nhạc sĩ Dương Đình Hưng do ca sĩ Trần Thạch trình diễn một cách thành công.

Nhạc sĩ cho biết ông lấy cảm hứng để viết bài này từ truyện “Tháng Ngày Tao Loạn” của cựu y sĩ nhảy dù Vĩnh Chánh.

Nhạc phẩm “Hoa Vông Vang”, một sáng tác khác của Dương Đình Hưng do cô Lâm Dung thể hiện cũng được nhiều người tán thưởng.

‘Chiều Tây Đô’, kỷ niệm một chuyện tình qua giọng ca Ái Liên, Hồng Tước và Lâm Dung. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Nhạc sĩ tiếp: “Bài này, tôi lấy cảm hứng lấy từ truyện ngắn của Đỗ Tốn kể về chuyện tình thầm kín của người anh thầm yêu em họ của mình. Sau cùng anh bơi rồi chết đuối. Chuyện đẹp quá, tôi không thể quên được.”

“Áo Trắng với Cung Đàn” đột bất ngờ đổi không khí một cách thích thú khi nhạc sĩ Trần Anh Dũng trình diễn ca khúc “Chỉ Một Lần” của chính mình bằng tiếng Anh để tặng “một người hoàn toàn không biết tiếng Việt mà vui vẻ ngồi suốt chương trình dài bốn tiếng.”

Người được ca tặng là bà Sally Phạm, phu nhân Bác Sĩ Phạm Văn Cao.

Bà Sally cười tươi: “Tôi không hiểu, nhưng tôi có thể ca theo chứ bộ. Và tôi thật tình thưởng thức chương trình này. Lần sau, nếu có chương trình, tôi có đến dự nữa không? Dĩ nhiên. Tôi sẽ đến và đến sớm nhất.”

Quả như sự tiên đoán của nhạc sĩ Võ Tá Hân, “Áo Trắng với Cung Đàn” thành công ngoài tưởng tượng, tuy không có ca sĩ siêu sao quen thuộc và những tình khúc nhiều năm quen thuộc của những tác giả quá quen thuộc.

Làng âm nhạc Việt Nam ở hải ngoại cần có những điều mới mẻ như thế để có thêm sinh khí và tăng phần phong phú cũng như thay đổi sắc màu vốn quá hiếm hoi. (Đằng-Giao)


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT