Friday, April 19, 2024

Bà quả phụ trung tá nhảy dù sang Mỹ thăm đồng đội cũ của chồng

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trưa Thứ Tư, 13 Tháng Bảy, nhật báo Người Việt được ông Nguyễn Văn Vỹ, thành viên Hội Ái Hữu Cựu Sĩ Quan Khóa 11 Đồng Tiến, giới thiệu một vị khách đặc biệt, đó là bà quả phụ Trung Tá Nhảy Dù Trần Văn Sơn, nhũ danh Nguyễn Thị Xa, từ Việt Nam sang.

Bà Xa cho biết: “Chuyến đi này quả thật đặc biệt với tôi, và có lẽ là chuyến đi lần đầu, cũng như cuối cùng của tôi, vì sức khỏe tôi không được tốt. Hơn nửa đời người tôi không có chồng bên cạnh, nhưng tôi được sự giúp đỡ của các đồng đội cũ của chồng tôi. Điều may mắn nhất là tôi được gặp bạn bè xưa, đồng đội cũ của chồng tôi trên đất Mỹ, một điều mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến.”

“Tôi qua đây được là nhờ cựu Trung Úy Nguyễn Thành Thiện, thuộc Tiểu Đoàn 9 của Sư Đoàn Nhảy Dù QLVNCH, mời qua, bởi vì chú là chi hội trưởng Gia Đình Mũ Đỏ Austin, Texas. Khi qua đây tôi có cầm theo $400, đây là tiền do các đồng đội cũ của chồng tôi từ Mỹ gửi về. Lần đầu tiên đi máy bay tôi không ăn được, nhưng điều đó không có gì đáng lo bằng chuyện tôi chỉ sợ lỡ có chuyện gì thì không biết liên lạc sao với mọi người,” bà nói.

Bà kể: “Trong những lần họp mặt anh em ở Việt Nam, mấy chú mới hỏi tôi là tôi có muốn qua Mỹ chơi không. Tôi mới nói là tôi không mơ chuyện này đâu. Vậy mà đùng một cái, tôi được thông báo là các chú đã mua vé máy bay cho tôi qua Mỹ vào đúng dịp đại hội của binh chủng nhảy dù ngày 1 Tháng Bảy bên Houston, Texas.”

“Và sau đó tôi sẽ gặp gỡ với anh em sinh viên sĩ quan khóa 11 Đồng Tiến, là khóa chồng tôi học trước đây, tại miền Nam California vào ngày 16 Tháng Bảy. Mọi người tuy chỉ là đồng đội với chồng tôi thôi, có người biết tôi, cũng có người không biết, nhưng đón tiếp tôi rất tử tế, ai thấy tôi cũng đều thương yêu, giúp đỡ cái này cái kia, mời ăn uống, chở đi chơi…” bà kể tiếp.

Bà quả phụ Trung Tá Trần Văn Sơn chia sẻ: “Khi đi phỏng vấn tại tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ ở Sài Gòn, họ hỏi tôi qua Mỹ với mục đích gì, tôi nói là đồng đội cũ của chồng tôi bảo lãnh vì đã 41 năm rồi chúng tôi không có dịp gặp nhau. Họ hỏi tiếp tôi có mấy đứa con, tôi nói 9 đứa. Rồi hỏi mấy đứa con ở đâu, tôi nói con tôi vẫn sống ở Việt Nam. Cuối cùng họ hỏi tôi qua Mỹ thì ở bao lâu, tôi nói không biết mấy ông cho tôi đi bao lâu nhưng chừng một tháng là đủ rồi. Vậy là họ cho đi và còn chúc tôi đi vạn sự bình an nữa.”

Kể về cựu Trung Tá Trần Văn Sơn, bà nói: “Chồng tôi khi ra trường khóa 11 Ðồng Tiến của Liên Trường Võ Khoa Thủ Ðức là chuẩn úy Tiểu Đoàn 5, sau về Tiểu Đoàn 3, rồi sau đó về Tiểu Đoàn 9 nắm tiểu đoàn trưởng. Chừng một năm thì chồng tôi về làm lữ đoàn phó, Lữ Đoàn 2. Sau thời gian ở Lữ Đoàn 2 thì chồng tôi hy sinh ngày 16 Tháng Tư, 1975, chết mất xác luôn.”

“Đời binh nghiệp của chồng tôi hầu hết đều phục vụ cho các điểm nóng trong giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến. Tháng Tư, 1975, chiến tranh ác liệt lắm, tôi lo cho anh nên có lên Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn và căn cứ ở Long Bình để hỏi tin tức về anh thì được biết ngày 15 Tháng Tư anh có trả lời phỏng vấn trên đài. Tuy nhiên, đến ngày 16 thì không còn tin tức gì nữa,” bà kể.

“Từ đó chiến tranh đã vào tới Sài Gòn. Suốt thời gian đó tôi có thấy bạn bè anh chạy về được, nên tôi cố gắng đợi. Nhưng đến ngày 28 Tháng Tư tôi vô Sư Đoàn Nhảy Dù để hỏi và được biết sau ngày đó sẽ không còn chuyến bay nào từ Phan Rang chở những người còn sống sót về nữa. Và tôi đã chờ đến nay là 41 năm,” bà ngậm ngùi nói.

Bà Nguyễn Thị Xa cho biết: “Tháng Năm, 1975, tôi cùng em chồng đi tìm chồng tôi. Lúc đó tôi có chị bạn, là vợ của ông Nguyễn Thu Lương, lữ đoàn trưởng, còn chồng tôi là lữ đoàn phó. Chị nói là anh Lương còn sống và đang ‘học tập cải tạo’ tại đầm Bà Thìn, đoạn từ Nha Trang tới Phan Rang. Tôi cũng nghĩ chồng tôi ở đó, nên tôi xin phép chính quyền Cộng Sản đi thăm chồng tôi, nhưng họ không cấp giấy cho đi.”

“Nóng lòng quá, tôi đi luôn. Vừa đi tôi vừa hỏi thăm mọi nơi, từ Nha Trang đi ngược trở vô Phan Rang-Tháp Chàm. Dưới chân Tháp Chàm tôi thấy một chiếc xe Jeep có huy hiệu binh chủng Nhảy Dù bị lật bên đường, nhưng khi hỏi người dân ở đây thì không ai biết vì họ nói xác chết nhiều lắm và cũng không ai còn giữ thẻ bài. Lúc đó thì tôi về, và không còn tin tức gì hết. Sau đó thì đồng đội cũ của chồng tôi kể là chồng tôi bị bắn ở phi trường Phan Rang từ ngày 16 Tháng Tư,” bà rướm nước mắt nói.

Vậy là từ đó bà chỉ biết chồng không còn sống, nhưng chưa một lần tìm được thi thể. Đến khoảng năm 1980-1981, bà gửi bảy người con ở nhà mẹ của mình và dắt theo hai người con trai đi kinh tế mới ở Cụ Bị, Bà Rịa, để làm cao su.

“Đi được năm năm thì tôi về, vì thấy không thể sống được, bởi vì con trai tôi lại bị mủ cao su bắn vào mắt làm hư mắt. Sau đó tôi về lại nhà mẹ mình ở Sài Gòn và mua bán qua ngày để nuôi con. Căn nhà nhỏ của mẹ tôi khi đó chứa đến 13 người, gồm 10 mẹ con tôi và ba mẹ con của người chị tôi, còn cha mẹ tôi thì đã qua đời,” bà cho hay.

Theo bà, hàng chục năm tảo tần nuôi con và cho con yên bề gia thất, một lần nữa bà lại đi lên núi Ngỗng ở Phan Rang để tìm tin tức hay kỷ vật về cựu Trung Tá Trần Văn Sơn vào năm 2013, nhưng không có kết quả. “Cuối cùng, đến Tháng Bảy, 2013, tôi và vài người đồng đội cũ của chồng đã lập một cái am trên núi Ngỗng để thờ chồng tôi và đồng đội của chồng. Chúng tôi chỉ khắc tên, nhưng không ghi cấp bậc,” bà nói.

Hỏi bà khi trở về Việt Nam, bà sẽ mua gì làm quà? Ngập ngừng thật lâu, bà nói: “Tôi không biết mang cái gì về, nhưng chắc tôi sẽ nhờ mua thuốc về xương, thuốc bổ để trị bệnh. Còn các cháu thì mua vài bộ quần áo cho chúng. Tôi qua từ 22 Tháng Sáu, đến 22 Tháng Bảy thì về.”

Hỏi bà có ước mong gì trong thời gian tới, bà cũng lại ngập ngừng rồi nói: “Hơn 40 năm sống nhờ nhà của mẹ, của chị, tôi chưa lo được gì nhiều cho con cháu. Nếu có tiền, tôi sẽ cho cháu tôi ăn học nên người, bởi vì cha mẹ chúng không có điều kiện để học. Xin liên lạc với tôi tại địa chỉ 134/70 Lý Chính Thắng, phường 7, quận 3, Sài Gòn, điện thoại (84-8) 8435549.”

Chia sẻ về việc tiếp đón vợ của bạn mình tại Mỹ, ông Nguyễn Văn Vỹ nói: “Tôi là bạn rất thân của cố Trung Tá Trần Văn Sơn, vì cùng học khóa 11 Đồng Tiến, cùng ở chung một phòng trong suốt một năm cho đến ngày ra trường thì anh Sơn đi nhảy dù, còn tôi đi lực lượng đặc biệt.”

“Trong một cơ may đi dự đám cưới ở Santa Ana khoảng năm 2000-2001, tôi ngồi bên cạnh cựu Đại Úy Trần Đình Thái (nay đã mất), là anh ruột của anh Sơn. Anh Thái mới nói chuyện anh Sơn cho tôi nghe về sự khó khăn của chị Xa. Tôi hứa với anh Thái, sẽ vận động sinh viên sĩ quan toàn khóa của tôi đóng góp mỗi người một ít để giúp đỡ gia đình chị Xa đang khó khăn ở Việt Nam,” ông cho biết.

“Hồi trước anh Thái ở Bộ Tổng Tham Mưu, còn anh Sơn thì ở mặt trận nên hai anh em không có cơ hội gặp nhau. Khi anh Sơn mất thì anh Thái cũng không biết, rồi tiếp theo anh Thái bị đi tù cải tạo, rồi sau đó được sang Mỹ theo diện HO,” ông nói.

Ông Vỹ cho biết: “Khóa 11 Đồng Tiến có truyền thống là luôn luôn giúp đỡ nhau mọi hoàn cảnh. Khóa học này có hơn 800 sinh viên sĩ quan nhập khóa tại Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức vào đầu năm 1961 và đúng một năm sau mới ra trường. Đặc biệt khóa 11 được Tổng Thống Ngô Đình Diệm đến chủ tọa lễ mãn khóa và đặt tên cho khóa là khóa Đồng Tiến.”

“Vào Thứ Bảy, 16 Tháng Bảy, Hội Ái Hữu Cựu Sĩ Quan Khóa 11 Đồng Tiến và Gia Đình Mũ Đỏ Nam California sẽ họp mặt đón mừng chị Nguyễn Thị Xa lúc 2 giờ chiều tại nhà hàng Seafood Place, 12181 Brookhurst St., Garden Grove, CA 92840. Xin liên lạc qua số điện thoại (818) 618-1493, (805) 300-1118,” ông cho hay. (QUỐC DŨNG)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT