Thursday, April 18, 2024

Bật mí của khám phá vũ trụ: Nhiều ứng dụng thiết thực trong đời sống

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Một vấn đề đang được rất nhiều khoa học gia chú ý đến là khám phá vũ trụ, và đang có nhiều câu hỏi cần trả lời. Khám phá vũ trụ còn đặt ra một câu hỏi khác là có thể giúp con người tìm ra những cách mới để sống còn trên Trái Đất hay không?

Chương trình Artemis sẽ giúp con người khám phá nhiều điều mới về Mặt Trăng. (Hình minh họa: Chandan Khanna/AFP via Getty Images)

Để thảo luận về những câu hỏi đó, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời một số chuyên gia trong ngành không gian dự hội thảo hôm Thứ Sáu, 23 Tháng Chín.

Trong thời gian gần đây, kính thiên văn James Webb chụp được nhiều hình ảnh mới của những chòm sao cũ, làm các khoa học gia có nhiều thắc mắc mới.

Những thắc mắc đó tạo ra nhiều câu hỏi mới. Vũ trụ có sinh vật sống khác ngoài con người hay không? Các hành tinh khác có hình dáng ra sao? Chúng ta có thể thường xuyên lên Sao Hỏa hay Mặt Trăng không?

Nhiều quốc gia đang hợp tác và có những chương trình vũ trụ đặc biệt để trả lời các câu hỏi đó, trong đó có Hoa Kỳ và cơ quan NASA. Họ đang đầu tư rất nhiều vào những dự án, những công nghệ mới để giúp con người khám phá vũ trụ.

Diễn giả đầu tiên là Tiến Sĩ Alexandra de Castro, chuyên gia khoa học và công nghệ của tổ chức PASQAL đang cư ngụ ở Hòa Lan, nói về những lợi ích của khám phá vũ trụ.

Bà mở đầu bằng nói về chương trình Artemis, kế hoạch khám phá Mặt Trăng bằng con người và người máy do NASA dẫn đầu và hợp tác với các cơ quan không gian của Âu Châu với Canada. Đây là chương trình tiếp nối của Apollo, từng đưa con người lên Mặt Trăng lần đầu trong thập niên 1970.

Từ trái, Tiến Sĩ Alexandra de Castro, Marcio Melendez và Nicole Arulanantham. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Theo bà, khám phá nhiều điều mới lạ là một phần không thể thiếu của con người, nên dĩ nhiên phải khám phá vũ trụ, một nơi mà chưa ai hiểu rõ được hoàn toàn.

Bà cho hay một lợi ích của khám phá vũ trụ là mang lại kiến thức mới, và đưa ra một số ví dụ như con người hiểu được trọng lực trên Mặt Trăng ra sao khi phi thuyền Apollo 15 đáp xuống. Bà còn nói con người khám phá được khí Helium từ Mặt Trời vào năm 1868, và đến nay có nhiều ứng dụng cho khí đó trong y học.

Khám phá vũ trụ còn giúp con người hiểu rõ hơn về thế giới họ đang sinh sống như tìm tòi về nguồn gốc Hệ Mặt Trời, hiểu được về Trái Đất nhiều hơn, và biết được có sự sống ở nơi khác trong vũ trụ hay không.

Không chỉ vậy, khám phá vũ trụ còn liên kết nhiều quốc gia, tạo ra một sự hợp tác đầy tích cực giữa gần 20 nước cho chương trình Artemis.

Những chương trình về vũ trụ mang lại nhiều tiến bộ trong khoa học và công nghệ như sáng chế được nhiều loại vệ tinh, người máy trong các trạm không gian đang được sử dụng trong phòng mổ của các bệnh viện.

Các công nghệ cho ngành không gian còn được ứng dụng ở nhiều nơi khác như bình hơi nén cho lính cứu hỏa, vệ tinh cho các hệ thống định vị của nhân viên công lực, máy tập thể dục và thực phẩm sấy khô lạnh.

Kinh thiên văn James Webb. (Hình: Alex Wong/Getty Images)

Diễn giả thứ hai là Tiến Sĩ Marcio Melendez, khoa học gia của Học Viện Kính Thiên Văn Không Gian ở Baltimore, Maryland, nói về kinh thiên văn James Webb.

Theo ông, kính thiên văn đó được đưa lên vũ trụ vào Tháng Mười Hai, 2021, và đang bay trên quỹ đạo cách Trái Đất khoảng 1 triệu dặm. Kính này có thể thấy được thân nhiệt của một con ong trong khoảng cách từ Trái Đất đến Mặt Trăng, có nghĩa là gần 240,000 dặm.

Nhờ kính thiên văn mới này, các khoa học gia lấy được nhiều hình ảnh mới của vũ trụ, phát hiện được các dải ngân hà mới, các tinh vân mới cách xa Trái Đất đến mấy ngàn năm ánh sáng.

Phi thuyền Apollo 15 mang lại nhiều khám về vũ trụ cho nhân loại. (Hình: Space Frontiers/Archive Photos/Getty Images)

Diễn giả cuối cùng là Tiến Sĩ Nicole Arulanantham, chuyên gia nghiên cứu của Học Viện Kính Thiên Văn Không Gian ở Baltimore, Maryland.

Bà nói về sự hình thành của một ngôi sao được các khoa học gia phát hiện và được các họa sĩ vẽ hình lại để nghiên cứu. Một ngôi sao được hình thành qua nhiều giai đoạn, và là một điều cần được khám phá nhiều hơn.

Tiến Sĩ Arulanantham và hai diễn giả trước dùng những nghiên cứu đó để nhấn mạnh trong vũ trụ lúc nào cũng có sự sống, nhưng chưa chứng minh được có sinh vật sống ở các hành tinh khác ngoài Trái Đất hay không.

Tuy chưa biết tương lai của ngành không gian ra sao, nhưng các diễn giả rất vui mừng vì ngành này đã mang lại nhiều tiến bộ cho thế giới. [qd]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT