Thursday, March 28, 2024

Blogger Phạm Đoan Trang được trao giải ‘Press Freedom Prize 2019’

BERLIN, Đức (NV) – Vào rạng sáng giờ Việt Nam hôm Thứ Sáu, 13 Tháng Chín, blogger, nhà báo tự do Phạm Đoan Trang vinh dự là một trong ba người cùng được trao giải “Press Freedom Prize 2019” của Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Without Borders).

Buổi lễ trao giải diễn ra trang trọng tại Nhà Hát Deutsches ở Berlin. Người thay mặt blogger Phạm Đoan Trang đi nhận giải là ông Trịnh Hữu Long, tổng biên tập Luật Khoa Tạp Chí.

Bà Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách bị cấm lưu hành ở Việt Nam: “Chính Trị Bình Dân,” “Cẩm Nang Nuôi Tù,” “Phản Kháng Phi Bạo Lực”…

Bà được trao giải cho hạng mục “The Prize For Impact” (Giải Cho Nhà Báo Có Tác Động).

Nhà báo Phạm Đoan Trang được chọn trao giải “The Prize For Impact” (Giải Cho Nhà Báo Có Tác Động). (Hình: Facebook Pham Doan Trang)

Hai người còn lại là nhà báo Saudi Arabia Eman al Nafjan và nhà báo người Malta Caroline Muscat. Điều đặc biệt là cả ba đều là nữ nhà báo.

Thông cáo của Phóng Viên Không Biên Giới ghi: “Giải Cho Nhà Báo Có Tác Động được trao cho nhà báo có tác phẩm đem lại những cải tiến cụ thể về tự do báo chí và đa nguyên, hoặc tăng cường nhận thức về những vấn đề này, được trao cho nhà báo và blogger người Việt Nam Phạm Đoan Trang. Bà là đồng sáng lập viên của Luật Khoa, một tạp chí trực tuyến chuyên cung cấp thông tin về các vấn đề pháp lý, và cũng tham gia biên tập trang The Vietnamese bằng tiếng Anh giúp người dân Việt Nam bảo vệ quyền con người của họ và chống lại sự cai trị độc đoán của đảng CSVN. Phạm Đoan Trang là tác giả của nhiều cuốn sách trong đó có một cuốn bảo vệ quyền của cộng đồng LGBT Việt Nam. Bà đã bị công an đánh đập vì các tác phẩm và từng bị bắt giam hai lần trong nhiều ngày hồi năm 2018.”

Trước thời điểm lễ trao giải diễn ra, nhà báo Phạm Đoan Trang giải thích với đài VOA Việt Ngữ về quyết định không đi Đức dự sự kiện này: “Theo tôi biết thì đại sứ Đức có can thiệp với phía chính quyền Việt Nam để họ trả lại quyền mang hộ chiếu cũng như đảm bảo quyền tự do xuất nhập cảnh của một số nhà hoạt động Việt Nam trong đó có tôi. Phía Đức rất nhiệt tình, nhưng theo kinh nghiệm của tôi thì kiểu gì cũng phải đàm phán với phía công an Việt Nam như: không được đi vận động, không tuyên truyền, không nói xấu đất nước… nếu không thì họ sẽ khởi tố; họ cũng sẽ cho rằng họ sẽ khó xử liệu tôi có đi về hay không, cho nên tốt nhất là tôi quyết định không đi.”

Ba nữ nhà báo được trao giải “Press Freedom Prize 2019.” (Hình: Facebook Pham Doan Trang)

Hồi cuối Tháng Tám, khi tin đề cử giải “Press Freedom Prize 2019” được lan truyền, nhà báo Phạm Đoan Trang viết trên trang cá nhân: “Tôi cũng muốn nhân dịp này để bày tỏ sự tri ân đến vô số người đã giúp đỡ tôi trong những năm tháng qua, thầm lặng hay công khai, với những việc mà có thể với họ là nhỏ nhặt. Như bao người đã lo lắng hỏi thăm sức khỏe và gửi thuốc cho tôi. Như hàng ngàn độc giả đã tìm mua, tìm đọc ‘Chính Trị Bình Dân,’ ‘Cẩm Nang Nuôi Tù,’ ‘Phản Kháng Phi Bạo Lực’… bất chấp sự rình rập, săn đuổi của công an và dư luận viên, bất chấp những giấy triệu tập vì tội ‘đọc sách phản động.’”

“Tôi biết làm gì để trả ơn họ? Tôi hiểu rằng không bao giờ tôi có thể tri ân tất cả họ, và không lời cảm tạ nào là đủ. Chỉ biết thốt lên rằng: Đối với tôi, có giải hay không đều chẳng quan trọng, vì không giải thưởng nào quý giá bằng tình cảm của các bạn dành cho tôi. Và để trả ơn thì không gì bằng nỗ lực, với tất cả những gì có thể, để góp phần làm cho Việt Nam dân chủ, tự do – trong đời chúng ta,” theo Facebook Pham Doan Trang.

Các cuốn sách của nhà báo Phạm Đoan Trang, “Chính Trị Bình Dân,” “Phản Kháng Phi Bạo Lực,” “Cẩm Nang Nuôi Tù” và “Politics of A Police State” (tiếng Anh) do nhà xuất bản Tự Do phát hành. (Hình: Facebook Pham Doan Trang)

“Chiến đấu cho tự do phải chấp nhận mất một phần lớn tự do và nhiều thứ khác nữa” 

Sáng 13 Tháng Chín, ngay sau khi biết tin được trao giải thưởng, nhà báo Phạm Đoan Trang trả lời phỏng vấn riêng của nhật báo Người Việt.

*Người Việt: Nhìn lại hành trình từ một phóng viên báo nhà nước tới giải Tự Do Báo Chí 2019 của tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, bà tự thấy mình đã phải đánh đổi, hay mất mát những gì?

-Nhà báo Phạm Đoan Trang: Tôi nghĩ tôi cũng mất khá nhiều, nhưng tôi không muốn nói về những mất mát đó, bởi vì quan niệm của tôi lâu nay là “làm đừng kêu, kêu đừng làm.” Đã chấp nhận đi vào con đường chiến đấu cho tự do thì chắc chắn phải mất một phần lớn tự do và nhiều thứ khác nữa.

Nhà báo Phạm Đoan Trang trong một lần giới thiệu sách. (Hình: Facebook Pham Doan Trang)

*Người Việt: Cùng thời điểm chị nhận giải thì người phát ngôn Bộ Ngoại Giao CSVN bác bỏ tin Việt Nam thuộc top 10 nước kiểm duyệt báo chí gắt gao nhất thế giới, bà có bình luận gì?

Nhà báo Phạm Đoan Trang: Tôi không lạ cũng chẳng phẫn nộ trước phản ứng đó của Bộ Ngoại Giao Việt Nam và nhà nước Việt Nam nói chung. Có điều, tôi biết chắc chắn là bà Lê Thị Thu Hằng, ở cương vị phát ngôn viên của Bộ Ngoại Giao, bà ấy có bề dày kinh nghiệm tiếp xúc với báo giới Việt Nam, có quan hệ sâu rộng với các nhà báo Việt Nam và bà ấy quá hiểu thực tế Việt Nam có kiểm soát tự do báo chí hay không, kiểm soát chặt đến mức nào… Đã hiểu quá rõ sự thật ấy mà còn bác bỏ được thì ta phải công nhận là quan chức, cán bộ của đảng và nhà nước Cộng Sản Việt Nam rất giỏi sống hai mặt cũng như dối trá mà không thấy thẹn.

*Người Việt: Theo bà, những người làm báo ở Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức, hoặc nỗi khổ, dằn vặt nào nếu như họ yêu nghề và có lương tâm với nghề báo?

Nhà báo Phạm Đoan Trang: Câu hỏi hay nhưng rộng quá, để trả lời nó, tôi sẽ cần viết ít nhất một cuốn sách. Một cách ngắn gọn hết sức có thể, thì với tôi, nỗi dằn vặt lớn nhất với một nhà báo Việt Nam có lương tâm là cảm giác bất lực, không thể làm gì để thay đổi thực trạng, giải quyết vấn đề, cứu giúp những nạn nhân của bất công, nghèo đói và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. (T.K.)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT