Friday, March 29, 2024

Người Việt ở Mỹ có thích cà phê xuất xứ từ Việt Nam?

Trúc Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nhiều người Việt sống ở Mỹ từ lâu có tâm lý e dè cà phê có xuất xứ từ Việt Nam vì nhiều cơ sở chế biến cà phê bẩn bị phát hiện. Mới đây, các nhà chức trách tỉnh Đắk Nông phát hiện hàng chục tấn cà phê bẩn, được nhuộm đen bằng lõi pin Con Ó. Vậy cà phê Việt Nam xuất cảng sang Mỹ có thực sự an toàn không? Và, người Việt uống cà phê Việt vì tin tưởng, vì thói quen hay vì lý do khác?

Cà phê Việt Nam xuất sang Mỹ có an toàn?

Cơ sở chế biến cà phê bị các nhà chức trách phát hiện nói trên, ở thôn 13 xã Đắk Wer, huyện Đắk Lấp. Theo truyền thông trong nước, chủ cơ sở này thu mua hàng tấn cà phê thải, phế phẩm vỏ cà phê, cà phê vụn, sau đó dùng lõi pin hòa với nước, nhuộm đen cà phê, đóng gói bán ra thị trường. Từ đầu năm 2018 đến nay, cơ sở này đã bán ra thị trường hơn 3 tấn cà phê được nhuộm bằng lõi pin. Tại hiện trường, còn có hơn 10 tấn cà phê đã “chế biến”, chưa kịp phân phối.

Sự việc này gây rúng động dư luận, bởi từ trước đến nay chưa có vụ chế biến cà phê bẩn nào tàn ác đến như vậy.

Phóng viên báo Người Việt đến Green Farm Market, tình cờ gặp ông Hung Le, người sáng lập EYT Coffee Inc. Khi được hỏi ‘có nghe vụ cà phê được nhuộm đen bằng lõi pin, mới bị phát hiện ở Việt Nam chưa?, ông Hung Le cho hay “vụ này bà con đang bàn tán quá trời”. Và, là người trong ngành cà phê mấy chục năm nhưng còn thấy “sốc”.

Trên kệ trong khu vực trà, cà phê ở Green Farm Market, có hơn chục loại cà phê được sản xuất tại Việt Nam như Nest Cafe Việt, nhiều nhãn hiệu khác nhau của cà phê Trung Nguyên, cà phê EYT… mà nhiều nhất là cà phê hòa tan.

Ông Bùi Thọ Khang, Giám đốc của hệ thống Green Farm Market, nói rằng ngày nay cà phê hòa tan bán chạy hơn cà phê pha phin, bởi sự tiện lợi, nhanh gọn. Còn những người mua cà phê bột thì lại thích mua cà phê hạt rồi xay tại chỗ nhiều hơn cà phê bột đóng gói, bởi cà phê hạt “real” cà phê hơn, thơm hơn.

Ông Bùi Thọ Khang, giám đốc Green Farm Market, giới thiệu một số thương hiệu cà phê trong siêu thị của ông. (Hình: Trúc Linh/Người Việt).

“Qua báo chí, nhiều người nghe về cà phê trộn chất này, chất nọ ở Việt Nam và họ e dè với cà phê Việt, điều này là không đúng. Nếu ai biết về xuất nhập khẩu hàng hóa sang Mỹ sẽ hiểu rằng: để xuất được hàng vào Mỹ, phải qua nhiều khâu kiểm duyệt về chất lượng từ Việt Nam. Đến Mỹ rồi vẫn phải còn qua sự kiểm duyệt chất lượng của U.S. Department of Agriculture (USDA), cho nên rất an toàn”, ông Bùi Thọ Khang cho hay.

Cũng theo ông Khang, ở Green Farm Market chi nhánh Los Angeles, phần lớn khách hàng mua cà phê là người Mỹ và người Hispanic. Họ thích cà phê Việt bởi ngon và rẻ hơn cà phê Starbucks. Còn tại chợ Á Đông mà ông là chủ tịch, thì doanh số bán cà phê trong năm 2017 tăng khoảng 20% so với những năm trước đó. Ông nói, cũng không biết tại sao tăng, có lẽ do càng ngày người ta càng thích sự tiện lợi.

Còn ông Qưới Phạm, Giám đốc chợ Saigon City cũng nói rằng, khách hàng hoàn toàn có thể yên tâm khi mua cà phê Việt xuất sang Mỹ, bởi tất cả đều được các cơ quan hữu quan kiểm duyệt kỹ lưỡng.

“Cà phê đóng gói, cũng như bao nhiêu sản phẩm đóng gói, đóng hộp khác trên thị trường, dĩ nhiên không thể thơm ngon và ‘healthy’ bằng các sản phẩm tươi, dĩ nhiên họ có chất bảo quản nhưng tất cả đều nằm trong phạm vi cho phép và được sự kiểm duyệt khắt khe của các cơ quan về an toàn vệ sinh thực phẩm”, ông Qưới Phạm trấn an.

Người ghiền cà phê nói gì?

Khi phóng viên hỏi có nghe vụ cà phê được nhuộm đen bằng lõi pin ở xảy ra không? Tất cả những người được hỏi đều trả lời “có”.

Ông Trần Vũ, cư dân thành phố Westminster nói rằng, từ rất lâu rồi ông không uống cà phê được sản xuất trong nước, vì “nghe nhiều, thấy nhiều” nên không tin tưởng.

“Không hiểu sao cà phê của mình có màu đen kỳ lạ và không hiểu tại sao lại phải đen đặc như thế? Khi tôi mua cà phê hạt trong các chợ Mỹ rồi xay tại chỗ, hay mua cà phê bột Starbucks, không hề có màu đen như thế. Cà phê của người ta khi uống có cảm giác ‘fresh’ hơn và thơm hơn”, ông Trần Vũ cho hay.

Cũng là một người nghiện cà phê nhưng từ mười mấy năm nay ông Thomas Nguyễn, sống ở thành phố Westminster bỏ hẳn cà phê sản xuất trong nước, mà chuyển sang uống một loại cà phê được đóng gói tại Mỹ.

“Tôi không tiện kể lại những gì tôi nhìn thấy trước đây ở Việt Nam khi đi thăm một số nơi chế biến cà phê. Từ đó, tôi quyết định bỏ uống cà phê trong nước. Mười mấy năm nay, khi thì uống cà phê Starbucks, khi thì mua cà phê hạt rồi xay. Ai sành về cà phê sẽ cảm nhận được sự khác biệt giữa cà phê hạt xay tại chỗ và cà phê đóng gói từ trong nước. Khác rất nhiều”, ông Thomas Nguyễn nói thêm.

Còn ông Dũng Hoàng ở thành phố Garden Grove thì cho rằng cà phê tươi, theo ông là cà phê hạt xay tại chỗ, giúp tỉnh táo tốt hơn loại cà phê đặc quánh trong nước.

Trà, cà phê Việt trên kệ hàng ở Green Farm Market. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Ông nói: “Cà phê trong nước, nghe nói, trộn với hạt bắp rang đen thui để tạo màu đen và giúp cho cà phê đặc quánh. Khi uống có cảm giác như cà phê này ‘nặng đô’ nhưng thực ra không nhiều cafein như cà phê tươi. Nếu muốn thực sự tỉnh táo, mua một ly Starbucks hoặc tự pha một ly bằng cà phê tươi. Tôi thì vẫn vừa uống cà phê trong nước, vừa uống cà phê rang xay ở đây. Tôi không nghĩ các công ty cà phê lớn cho các chất có hại vào cà phê đâu”.

Tuy nhiên, cũng có người biết là không tốt nhưng vì ghiền loại cà phê đậm đặc trong nước nên vẫn uống như bác Cao Duy ở thành phố Santa Ana. “Quen rồi cô ơi, tôi uống hơn 60 chục năm rồi. Thực phẩm mình ăn mỗi ngày, chắc gì đã an toàn. Mấy đứa cháu mua cho nhiều loại cà phê của Mỹ, Mễ gì đó, ngửi mùi thì thơm lắm nhưng khi pha phin nó không thơm, lỏng, kỳ lắm, không phù hợp với kiểu uống xưa nay của người Việt”, ông Cao Duy phân trần. (Trúc Linh)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Nghệ Sĩ và Đời Thường” cùng trò chuyện với “Người đẹp Thanh Nhã nói gì về ‘Người đẹp và đại gia?’” (phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT