Thursday, March 28, 2024

Little Saigon: Cùng một lớp vẽ-nhạc, mỗi em học được một điều khác nhau

WESTMINSTER, California (NV) – Hàng chục cư dân nhỏ tuổi ở Little Saigon cùng phụ huynh có mặt tại hội trường nhật báo Người Việt để dự lớp học hội họa, âm nhạc “Mindful Art and Music – Creativity in Community” đầu tiên hôm Chủ Nhật, 29 Tháng Bảy.

Đây là lớp học được tổ chức thành hai buổi vào ngày 29 Tháng Bảy và 12 Tháng Tám do hai giáo viên là họa sĩ Nguyễn Cao Hiệp và Giáo Sư Đỗ Bằng Lăng phụ trách. Trong đó, họa sĩ Hiệp phụ trách dạy vẽ, còn Giáo Sư Bằng Lăng dạy nhạc cho các em.

Họa sĩ Nguyễn Cao Hiệp và Giáo Sư Đỗ Bằng Lăng, hai giáo viên của buổi học. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Cả hai giáo viên cho biết chương trình này có mục đích kéo các em ra khỏi thế giới điện tử và vì Little Saigon có ít lớp dạy âm nhạc, hội họa nên đó là lý do khiến họa sĩ Hiệp và giáo sư Bằng Lăng muốn tổ chức chương trình trên. Ngoài ra, cả hai giáo viên còn muốn thay đổi cách nhiều phụ huynh gốc Việt nhìn hội họa và âm nhạc.

Như anh Hiệp từng cho nhật báo Người Việt biết, chương trình “Mindful Art and Music – Creativity in Community” dạy cho các em khả năng thích nghi, biểu lộ, tương tác, giải quyết vấn đề và quan trọng nhất là “mindful,” tức là để ý chung quanh.

Khoảng 1 giờ chiều, có khoảng 20 học viên trong độ tuổi từ 9 đến 12 cùng một số phụ huynh có mặt tại hội trường nhật báo Người Việt để dự buổi học đầu tiên. Anh Hiệp chào mừng các em và cha mẹ có mặt tại đây rồi chia sẻ với họ buổi học này là dự án mới của anh. Tại buổi học này các em sẽ vẽ tùy ý và hai giáo viên sẽ kết hợp âm nhạc, mỹ thuật để giúp dạy các em những kỹ năng nói trên.

Tác phẩm đĩa giấy của các em. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Họa sĩ Hiệp mở đầu buổi học bằng cách kêu các em xoay vòng trong và cùng anh hát những câu tô điểm cái đẹp ở quanh và bên trong chúng ta. Cả hai giáo viên cùng các em múa hát để tạo không khí đầy nhộn nhịp cho lớp học này. Sau đó là Giáo Sư Bằng Lăng với bài khởi động bằng cách lắng nghe tiếng nhạc. Theo giáo sư, bài tập này giúp các em tập trung vào cách thở và lắng nghe những âm thanh chung quanh mình.

Sau khi khởi động xong, anh Hiệp bắt đầu dạy các em vẽ. Bài vẽ đầu tiên của các em là vẽ lên chiếc đĩa giấy. Anh Hiệp muốn các em vẽ theo kiểu đối xứng xuyên tâm, tức là vẽ từ trung tâm của chiếc đĩa ra ngoài viền và hình vẽ phải có sự đối xứng. Anh muốn các em vẽ tùy ý từ giữa đĩa ra ngoài viền, vẽ từ từ và nhớ thở đều khi đang vẽ. Sau khi vẽ được một lúc, anh Hiệp kêu các em đưa chiếc đĩa đang vẽ giữa chừng cho bạn khác hoàn tất giùm. Anh nói đây là cách dạy các em tương tác với nhau.

Giáo Sư Đỗ Bằng Lăng dạy các em hành khúc. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Vẽ xong các chiếc đĩa rồi thì cô Bằng Lăng dạy một chút âm nhạc cho các em. Cô đưa ra hai chiếc trống và hỏi các em biết trống nào có âm thanh lớn hơn. Điều này làm cho các em rất tò mò và muốn lên đánh trống thử để có câu trả lời. Sau đó, cô phát trống cho và dạy hành khúc cho các em. Cô dặn các em phải nhìn cô và các bạn chung quanh để làm điệu nhạc không bị đứt quãng. Tiếng trống vang cả hội trường cùng tiếng dậm chân của các em và phụ huynh.

Học nhạc xong và nghỉ một chút, các em bắt đầu vào bài tập cuối cùng của buổi học. Bài tập này là để thử thách sự sáng tạo của các em vì họa sĩ Hiệp muốn các em chọn những tấm thẻ có hình vẽ sẵn rồi vẽ lại và kết hợp các hình đó lại thành một hình. Không chỉ vậy, anh còn muốn các em có thể thêm những hình dáng như hình hộp, hình ống, hình kim tự tháp vào bức tranh tùy ý, không cần phải sợ sai sót gì. Sau khi nghe hướng dẫn, các em rất nhiệt tình chọn hình và vẽ từng hình của mình. Em nào cũng thoải mái vẽ và rất tập trung vào bức tranh trước mắt. Hai giáo viên thì đi ngang qua từng em để hướng dẫn tận tình và liên tục nhắc các em đừng ngại phạm sai lầm vì sẽ không có gì trên bức tranh là sai cả.

Các em tập trung vẽ dưới sự hướng dẫn của hai giáo viên. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Đến khoảng 3 giờ 45 buổi học chấm dứt, các giáo viên và học sinh ngồi lại với nhau để xem lại hôm nay các em đã học được gì. Có em thì nói học được cách vẽ ba chiều (3D), em khác nói học được cách tận dụng không gian trên tờ giấy, còn em kia thì học được cách pha trộn, kết hợp ý tưởng, mỗi em học được một điều khác nhau.

Phụ huynh nghĩ sao về buổi học này? Phóng viên Người Việt gặp được bà Tammy Đặng, dẫn hai cháu Charlie và Aline đến học. Bà cho biết: “Vì tôi thích nghệ thuật và hai bé nhát nên tôi đưa đến đây để học và tiếp xúc với nhiều bạn khác. Tôi từng dẫn hai đứa đi tham gia một chương trình dạy hội họa khác và hai đứa nói ‘Mẹ ơi con thích’ nên tôi phải dắt đến đây hôm nay. Tôi thấy chương trình rất thú vị, rất bổ ích và nên tổ chức mỗi tháng một lần.”

Một phụ huynh khác, xin không nói tên, cũng có suy nghĩ như bà Tammy. Ông nhất định sẽ dắt con gái đến học buổi thứ hai của chương trình “Mindful Art and Music – Creativity in Community”.

Tác phẩm của sự sáng tạo và kết hợp của các em. (Hình: Thiện Lê/Người Việt)

Họa sĩ Nguyễn Cao Hiệp chia sẻ cảm nghĩ của mình về buổi học hôm nay: “Tôi rất vui vì các em tò mò và vẽ rất nhiệt tình. Bình thường thì tôi thấy các em ở độ tuổi này rất rụt rè, nhưng những em có mặt hôm nay rất siêng phát biểu, rất năng động. Không chỉ như vậy, các em còn lắng nghe hướng dẫn rất tốt. Tôi hy vọng buổi học sau sẽ có nhiều em đến hơn.”

Chương trình “Mindful Art and Music – Creativity in Community” sẽ tiếp tục tổ chức tại hội trường nhật báo Người Việt vào ngày Chủ Nhật, 12 Tháng Tám từ 1 giờ đến 4 giờ chiều. (Thiện Lê)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT