Thursday, March 28, 2024

Cái tình của những cựu tù Thanh Cẩm

Quốc Dũng/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Sáng Chủ Nhật, 26 Tháng Hai, hàng chục cựu tù nhân thuộc trại cải tạo Thanh Cẩm, Thanh Hóa, gặp gỡ nhau, tay bắt mặt mừng sau một năm dài mới được gặp nhau tại hội trường của khu Mobile Home Mission Del Amo, trên đường Bolsa, Westminster.

Họ là những người bị giam cầm và phải lao động khổ sai trong nhà tù Cộng Sản vào những năm sau ngày 30 Tháng Tư, 1975. Nay gặp nhau tại hải ngoại, thay vì thành lập như một hội tương trợ, thì những cựu tù chọn tên tổ chức là gia đình để gần gũi hơn. Và đúng như tên gọi Gia Ðình Cựu Tù Thanh Cẩm, ở đây mọi người như anh em một nhà.

Trước khi buổi họp mặt diễn ra, ông Dư Văn Hạ, người được ủy nhiệm làm gia trưởng suốt từ năm 1994 khi gia đình được thành lập, xin rút nhiệm vụ vì ông cho rằng tuổi mình đã cao và sức khỏe cũng có hạn. Tuy nhiên, ông Lê Sơn, thành viên ban tổ chức buổi họp mặt, nói rằng: “Anh không được rút khi chưa có ‘chữ ký’ của tôi. Anh phải ở lại, vì anh như linh hồn của gia đình.”

Cái tình ấm áp của Gia Ðình Cựu Tù Thanh Cẩm còn là cái nghĩa với đồng đội cũ. Với người cựu tù Thanh Cẩm, việc quan hôn tang tế của nhau không chỉ là một hoạt động mang tính ngoại giao mà phải ẩn chứa được cả những tình cảm sâu lắng của nhau.

Ông Phạm Phú Minh, thủ quỹ của gia đình, báo cáo số quỹ hiện có là $4,100.

“Vừa qua anh em có lập một quỹ để giúp cho gia đình cựu tù Tôn Thất Tuấn ở Việt Nam. Trước đây gia đình đã giúp anh Tuấn rồi vì anh bệnh nặng lắm. Sau khi anh qua đời, để giúp vợ anh có một số vốn để làm ăn nên anh em có lập quỹ giúp được $2,300,” ông Minh nói.

Không khí thật sự sôi nổi khi các cựu tù đóng góp vào quỹ sinh hoạt của gia đình. Ông Minh cho biết quỹ của gia đình ít khi dư dả, nhưng đủ để có thể hoàn thành tốt đẹp trong việc tương tế, tương trợ.

Gia Trưởng Dư Văn Hạ cho biết: “Gia đình Thanh Cẩm chúng ta năm nào cũng bị mất anh em, hoàn toàn trừ chứ không cộng. Năm nay cũng như mọi năm. Trước đây chúng ta một năm gặp nhau hai lần, một lần vào Tháng Năm cùng gặp Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ. Mấy năm gần đây Cha Lễ không qua được, và một số anh em ở xa cũng không có điều kiện đến tham dự nên mỗi năm gia đình chỉ họp mặt được một lần. Trong ngày họp mặt Tân Xuân này, tôi chỉ có mong muốn, được sống bên anh em Gia Ðình Cựu Tù Thanh Cẩm với cái tình với nhau.”

Các cựu tù đóng góp vào quỹ sinh hoạt của gia đình. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)
Các cựu tù đóng góp vào quỹ sinh hoạt của gia đình. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Chia sẻ về thời gian khó trong tù, ông Nghĩa Trần, cựu tù 1975-1983, nói: “Tôi ở hơn bảy năm trong trại Thanh Cẩm. Sau 30 Tháng Tư thì tôi bị đưa đi hết chỗ này, chỗ khác, sau cùng thì ra miền Bắc. Khí hậu miền Bắc khắc nghiệt, cộng thêm thực phẩm bị hạn chế tới mức tối đa, nên sức khỏe ai cũng xuống dốc rất rõ.”

“Mới đầu, họ chỉ nói ‘học tập cải tạo’ thời gian ngắn, nhưng khi vào tù thì tôi không còn tin vào họ nữa và gần như không còn nghĩ tới chuyện về nữa. Khi nào cho về thì về, không cho thì thôi. Đến khi ra tù, cảm xúc về đến nhà khó diễn tả lắm. Bởi vì lúc đó tôi sợ nhất là không được gặp mặt mẹ mình và những người lớn tuổi không còn sống. Bao nhiêu năm trời xa cách, về nhìn thấy mẹ già là một hạnh phúc lớn,” ông nói thêm.

Đối với ông Trần Đình Vinh, cựu tù 1975-1981, thì: “Khi họ đưa tôi ra Bắc vào Tháng Mười Hai, 1975, thì tôi không còn bỡ ngỡ nữa, từ lúc đó tôi hiểu là Cộng Sản sẽ nhốt lâu. Khi ra Bắc chúng tôi ăn đói nhưng phải đi làm việc, đi lao động. Do ăn đói mà tôi chứng kiến một số bạn bè phải ra đi vì sức tàn lực kiệt. Trong ba năm, từ 1976 đến 1978, tôi chứng kiến bạn bè mình ra đi khá nhiều.”

“Ở với Cộng Sản nên chúng tôi hiểu Cộng Sản, không thể tranh đấu được với họ. Tuy nhiên, một số người là sinh viên Phục Quốc khi bị đưa ra trại tù Thanh Cẩm thì có kiến nghị với họ là phải được ăn uống đầy đủ, đối xử tử tế hơn. Chỉ hai tuần sau khi những sinh viên đưa ý kiến đó thì Cộng Sản đưa những sinh viên này đi đâu, ở đâu, tôi hoàn toàn không biết. Từ đó tôi biết Cộng Sản mưu mô lắm, và có thêm kinh nghiệm với họ,” ông kể.

“Tôi có năm năm rưỡi ở trại Thanh Cẩm, trước đó là sáu tháng ở nhà tù Long Thành. Phải nói rằng, nếu dùng từ khổ sai thì cũng đúng phần nào chứ không phải không. Như tôi hằng ngày phải gánh 20 đôi nước từ sông lên đồi, nhiều người làm cực hơn như hốt phân, chặt cây, đập đá. Làm việc khổ sai nhưng phải ăn đói. Đến năm 1979 mới bắt đầu cho thăm nuôi. Khi được thăm nuôi thì tình trạng chết trong tù không còn nữa. Anh em nào không có người thăm nuôi thì được bạn bè chia sẻ thực phẩm,” ông kể thêm.

Ông Đinh Bá Tâm, cựu tù 1975-1982, cho hay: “Đi tù là cuộc trả thù có hệ thống của Cộng Sản đối với những người lính VNCH. Những năm ở tù tôi hiểu thế nào là đói. Khi đói dẫn dắt con người ta đến hai cách, một là làm bậy, hai là tự tử. Chính vì vậy mà một số người đã nhận làm ăng-ten, tay sai để được về sớm, nhưng thực ra đó là những người phải ở lâu nhất. Suốt thời gian bị cầm tù, mặc dù nhớ nhà nhưng chúng tôi gạt nước mắt bỏ qua.”

Buổi họp mặt tiếp tục sôi nổi khi mọi người quây quần quanh chiếc bàn rộng, trên đó được những người vợ đảm đang, tảo tần sương gió một thời đi thăm nuôi chồng, soạn sẵn những món ăn.

Các món ăn không cao lương mỹ vị, không tiếng nổ của sâm banh rượu chát nhưng tràn ngập tình thương yêu, gợi lại những bữa ăn hàng chục năm trong ngục tù cải tạo với cái đói, cái thiếu thốn mà chế độ tù đày của Cộng Sản dành cho người tù cải tạo… (QUỐC DŨNG)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT