Thursday, March 28, 2024

Chia địa hạt công bằng vô cùng quan trọng với người thiểu số

Thiện Lê/Người Việt

LOS ANGELES, California (NV) – Hiện nay, nhiều tiểu bang ở Hoa Kỳ đang trong giai đoạn vẽ lại địa hạt. Tuy nhiên, nhiều nhà lập pháp muốn vẽ lại địa hạt để giảm sức mạnh trong lá phiếu của các cộng đồng thiểu số, và nhiều tiểu bang còn thông qua những luật giới hạn quyền bỏ phiếu của người dân.

Các tiểu bang nên chia địa hạt công bằng để các cộng đồng thiểu số được bầu cử công bằng. (Hình minh họa: Michael M. Santiago/Getty Images)

Nhằm nói về tầm quan trọng của việc vẽ địa hạt công bằng đối với người thiểu số, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mở một buổi hội thảo qua Zoom hôm Thứ Sáu, 3 Tháng Mười Hai.

Buổi hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia về luật pháp và đại diện cho các cộng đồng thiểu số ở những nơi đang vẽ lại địa hạt.

Bà Jennifer Farmer, sáng lập viên của tổ chức Spotlight PR, và là người điều phối buổi hội thảo, phát biểu: “Vẽ lại địa hạt là để cho người dân địa phương có tiếng nói, chọn đúng người đại diện cho họ và những quyền lợi họ nhận được. Chúng ta không thể coi thường chuyện này được vì vẽ lại địa hạt sẽ ảnh hưởng chúng ta trong nhiều năm. Nếu vẽ lại địa hạt không công bằng, các cộng đồng người da màu sẽ chịu nhiều thiệt thòi.”

Diễn giả đầu tiên là ông Michael Li, chuyên gia tư vấn cho chương trình dân chủ của tổ chức Brennan Center for Justice.

Ông cho biết hiện nay chỉ có khoảng 20 tiểu bang vẽ xong địa hạt mới của Quốc Hội, và 22 tiểu bang vẽ xong địa hạt lập pháp của năm 2021.

Từ trái, bà Jennifer Farmer, ông Michael Li, và ông Kyle Brazile. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Theo ông, việc chia lại địa hạt tại các tiểu bang trong năm 2021 phức tạp hơn so với nhiều năm trước vì những thông số trong thống kê dân số được đưa ra vào Tháng Tám, chứ không phải vào đầu năm như trước, vì nhiều trở ngại do đại dịch COVID-19 gây ra.

Ông Li nói một lý do làm cho việc chia địa hạt công bằng rất quan trọng là dân số. Các cộng đồng thiểu số ngày càng đông dân hơn, trong đó, cộng đồng người Latino tăng 11.6 triệu dân từ năm 2010 đến 2020, và cộng đồng Á Châu tăng 5.1 triệu dân trong 10 năm.

Trong khi đó, dân số da trắng giảm khoảng 5.1 triệu người trong 10 năm.

Sau đó, ông đưa ra một số bản đồ địa hạt mới đáng chú ý để nói về tầm quan trọng của việc chia địa hạt công bằng.

Một bản đồ là Địa Hạt 4 của Texas, và bản đồ mới sẽ chia cách cộng đồng Á Châu của Collin County, đưa họ vào một địa hạt khác, và đa số người sống trong địa hạt đó là người da trắng, làm cộng đồng Á Châu mất tiếng nói.

Một bản đồ khác là Địa Hạt 6 mới của Texas, bao gồm chín quận hạt gần Dallas. Bản đồ đó sẽ đưa cộng đồng Latino ở Địa Hạt 33 cũ vào một địa hạt có đa số cử tri là người da trắng.

Bản đồ Địa Hạt 4 Texas mới của Quốc Hội Hoa Kỳ. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Diễn giả thứ hai là ông Kyle Brazile, giám đốc hành chánh của NC Counts Coalition, nói về chia địa hạt ở tiểu bang North Carolina.

Ông cho biết tiểu bang này ngày càng đa văn hóa hơn vì các sắc dân như Latino và người Á Châu đông hơn, cũng như có thêm đại diện trong Quốc Hội.

Tuy nhiên, North Carolina đang gặp một vấn đề trong việc chia địa hạt là Quốc Hội nắm quyền vẽ lại bản đồ địa hạt, và tiểu bang không có quyền đó, dẫn đến việc chia địa hạt không công bằng và có nhiều vụ kiện tại tòa án.

Không chỉ vậy, địa hạt mới còn chia cử tri không công bằng, với một địa hạt có khoảng 11 người theo đảng Cộng Hòa và chỉ có 3 người theo Dân Chủ, không chia đều như địa hạt cũ.

Ông Brazile nói có nhiều tổ chức địa phương đang đấu tranh để kêu gọi thay đổi địa hạt, giúp người dân được đại diện công bằng hơn, và sẽ cùng họ thực hiện điều đó.

Diễn giả thứ ba là bà Iliana Satillan, tổng giám đốc tổ chức bất vụ lợi El Pueblo, nói về tầm quan trọng của việc chia địa hạt đối với cộng đồng Latino ở North Carolina.

Bà cho biết nhiều người trong cộng đồng này không muốn tham gia thống kê dân số vì hiểu nhầm các thông tin về quốc tịch, và nhiều người không hiểu tiến trình thống kê ra sao.

Không chỉ vậy, những buổi họp để giải thích về thống kê dân số cho cộng đồng Latino không có người thông dịch qua tiếng Tây Ban Nha cho họ, và tổ chức họp thường ở các đại học, nơi không quen thuộc với cộng đồng này.

Bà Satillan cho biết cộng đồng Latino còn nhận được ít thông tin về chia địa hạt bằng tiếng Tây Ban Nha.

“Khi có thông tin song ngữ, chúng tôi chỉ nhận được một tờ giấy đầy chữ trên hai mặt,” bà nói.

Vì vậy, cộng đồng Latino không hiểu rõ việc chia địa hạt, không biết bản đồ ra sao để trình bày suy nghĩ của họ.

Để giúp đỡ cộng đồng ở North Carolina, tổ chức El Pueblo phải mở một trang web mới để đăng nhiều thông tin quan trọng và sử dụng nhiều phương tiện truyền thông để giúp họ hiểu tiến trình chia địa hạt.

Bà Iliana Satillan (trái) và ông Evan Milligan. (Hình: Chụp từ màn hình Zoom)

Diễn giả cuối cùng là ông Evan Milligan, tổng giám đốc tổ chức Alabama Forward, nói về tình hình chia địa hạt ở Alabama.

Ông nói các tổ chức địa phương ở Alabama phải bỏ ra nhiều nỗ lực để vận động người dân đưa thông tin cho chính phủ để chia lại địa hạt.

Trước khi Cục Thống Kê Dân Số đưa ra thông tin vào Tháng Tám năm nay, Alabama Forward và nhiều tổ chức khác thường gặp nhau trước đó hai tháng để có những biện pháp vận động cộng đồng.

Theo ông Milligan, Alabama thường gặp nhiều căng thẳng giữa những cư dân bất đồng chính kiến, và chia địa hạt công bằng là cách để cư dân trình bày quan điểm chính trị của họ. [đ.d.]

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT