Thursday, March 28, 2024

Chiều thơ nhạc ‘Người Lính và Nỗi Quốc Hận’ tưởng niệm 30 Tháng Tư

 

Văn Lan/Người Việt

WETMINSTER, California (NV) – Để tưởng niệm Quốc Hận lần thứ 43 và cùng chia sẻ nỗi đau của người lính đánh mất quê hương, chương trình thơ nhạc “Người Lính và Nỗi Quốc Hận” do người lính Hải Quân Trần Trọng An Sơn chủ xướng được tổ chức vào chiều Thứ Sáu, 20 Tháng Tư tại Thư Viện Việt Nam, Westminster.

Buổi văn nghệ này có sự tham dự của các binh chủng QLVNCH, Thủy Quân Lục Chiến, Hải Quân, Không Quân, các bà vợ có chồng đi tù.

Ngoài Ban Hợp Ca Bạc Liêu còn có sự đóng góp của những tiếng hát giúp vui.

Chương trình có sự tham gia của ông Nguyễn Phục Hưng trong vai trò điều hợp ban nghi lễ Nguyễn Phục Hưng, và MC Minh Tâm, Xuân Thanh, Thu Trâm.

Nói về lý do khởi xướng chiều thơ nhạc này, người lính già Trần Trọng An Sơn và phu nhân của ông, bà Phương Hằng, cho biết: “Buổi thơ nhạc này được đề ra vì hai lý do. Thứ nhất, sự hy sinh của những người lính QLVNCH quá to lớn mà kết quả lại quá phũ phàng. Thứ nhì, người lính do dân mà ra, vì dân mà chiến đấu. Và khi nói về nỗi quốc hận thì người lính phải mang gấp đôi: của dân và của lính!”

Người lính già Trần Trọng An Sơn và phu nhân Phương Hằng trong chiều thơ nhạc “Người Lính và Nỗi Quốc Hận”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông thêm: “Vì thế, hình ảnh của những người lính không bao giờ phai mờ trong lòng chúng ta.”

Tháng Tư tiết trời vào Xuân, lá hoa rực rỡ, tưng bừng nắng ấm, thế mà lòng người Việt tha hương lại quặn thắt nỗi buồn quốc hận. Nỗi niềm này vẫn còn đeo đẳng mãi khi nhìn quê hương ngày thêm tan nát,” ông chia sẻ.

Lời bài thơ “Tháng Tư Buồn” trích trong tập thơ “Nỗi Lòng” như một tâm tư trĩu nặng của người lính già Trần Trọng An Sơn, còn vang mãi trong thính phòng với sự diễn ngâm của Hoàng Kim, khiến không gian như chìm xuống.

“Tháng Tư buồn lắm, Tháng Tư ơi/Giang sơn hoa gấm ở đâu rồi? Đất khách lê hoài thân tị nạn/Quê người mòn mỏi nước mắt rơi… Tháng Tư buồn lắm tháng Tư ơi/Biền biệt xa quê lâu quá rồi/Văng vẳng bên tai lời sông núi/Sao nỡ quên thề với nước non?”

Bác Sĩ Quân Y TQLC Trương Minh Cường dẫn đầu trong toán hợp ca “Giọt Máu Quê Hương”, bài hát được ông viết trong 4 giờ liền với nhiều cảm xúc.

Bác Sĩ Cường cho hay: “Ngày 30 Tháng Tư là một ngày lịch sử, ngày mà hai miền Nam Bắc thôi không còn giết nhau bằng súng đạn, và tôi tin rằng những lớp trẻ Việt Nam có đủ sức để làm lại lịch sử. Qua sự lớn mạnh của thế hệ trẻ, sinh ra và lớn lên ở Mỹ, và chỉ có lớp trẻ Việt Nam mới làm được việc này. Đó chính là hoài vọng tương lai của những người con Việt!”

Cựu HQ Trung Úy Người Nhái Trần Xuân Tin nói với tâm tư trĩu nặng: “Ngày 30 Tháng Tư là điểm mốc trong một giai đoạn lịch sử. Chúng tôi là những chiến sĩ cầm súng chiến đấu nhưng không được quyền thắng.”

Ông giải thích: Theo Hiệp Định Geneve 1954, chiến tranh Việt Nam là một cuộc chiến tranh quy ước. Hai miền Nam Bắc ở yên vị trí, không ai được quyền lấn chiếm, tấn công nhau. Thế nhưng Miền Bắc vẫn luôn luôn muốn xâm lấn Miền Nam, và Hiệp Định Paris 1973 lại được ký kết. Bây giờ lịch sử đã rõ ràng, cả thế giới đều biết Mỹ muốn rút khỏi chiến tranh Việt Nam trong danh dự.”

Bác Sĩ TQLC Trương Minh Cường (đứng đầu) và toán hợp ca nhạc phẩm “Giọt Máu Quê Hương”. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Ngày 30 Tháng Tư là ngày ngày buồn thảm cho cả hai miền Nam Bắc. Nhưng không phải là chúng ta thua cuộc, Những người ra đi tị nạn không phải là những người mất quê hương, họ chỉ tạm lánh nạn với niềm hy vọng, chờ đợi ngày sum họp của dân tộc mà thôi, và chỉ có người dân Việt, với hơn 90 triệu đồng bào trong nước, hãy thức tỉnh đứng lên làm lại lịch sử, xóa bỏ chế độ cộng sản bạo tàn!”

“Hiệp Định Paris sẽ trở lại bàn hội nghị quốc tế với những nước có tham gia ký kết, việc này đã từng xảy ra trong lịch sử thế giới. Tôi muốn gởi những lời tâm tình này cho những hậu duệ của Việt Nam, khi người dân đã thấu hiểu và nếu không muốn bị cai trị dưới môt chế độ hà khắc, chính người dân Việt trong nước phải đứng lên đòi lại chủ quyền này.” Ông Tin nói.

Buổi chiều thơ nhạc “Người Lính Và Nỗi Quốc Hận” tiếp tục sục sôi với những nhạc phẩm tràn đầy khí thế, trong những màn hợp ca, tam ca, cùng những ngọn cờ vàng phất cao trong tiếng vỗ tay đầy nhiệt tình.

Quê hương có khổ mấy cũng là “nhà” của mình. Đất người có giàu đẹp cũng chỉ là đất tạm. Nỗi niềm ấy luôn trăn trở trong lòng người tị nạn.

Toàn ban văn nghệ và người tham dự cùng đứng lên, cất cao tiếng hát trong nhạc phẩm “Đường Về Quê Hương” sáng tác của Lam Phương, với ước mơ một ngày trở về hạnh phúc ngập tràn.

Mời độc giả xem bình luận “Tháng Tư lại về”(Phần 1)

MỚI CẬP NHẬT