Monday, March 18, 2024

Chơi cây kiểng, bonsai và non bộ: Thú đam mê của nhiều người ở Little Saigon

Trúc Linh/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Trong cộng đồng người Việt ở Little Saigon có nhiều người đam mê thú chơi tao nhã, như chơi cây kiểng, bonsai, non bộ hay hoa lan… Và từ đây, các Hội Cây Kiểng Việt Nam, Hội Hoa Lan được thành lập với số thành viên lên đến hàng trăm người đồng thời tổ chức nhiều cuộc triển lãm hàng năm.

Trong hai ngày cuối tuần qua, hôm ngày 7 và 8 Tháng Bảy, tại chùa Việt Nam ở thành phố Garden Grove, diễn ra cuộc Triển lãm Cây Kiểng Bonsai và Non Bộ năm thứ 20.

Đây là năm thứ 20 Hội Cây Kiểng Việt Nam tổ chức triển lãm, với trung bình 2 cuộc triển lãm hằng năm, trong đó một cuộc tổ chức riêng và một cuộc chung với Hội Hoa Lan.

Trong đợt triển lãm kỳ này, có 26 tác phẩm của 20 tác giả tham dự, trong đó có những nghệ nhân đã gắn bó với Hội từ những ngày đầu, có những nghệ nhân chỉ mới tham gia một vài năm.

Nói về chơi cây kiểng, nhiều người nghĩ người chơi là người già, nghỉ hưu nhưng trên thực tế không phải hoàn toàn như vậy. Có nhiều nghệ nhân ở tuổi còn đang đi làm, có nghệ nhân thậm chí chỉ ngoài 20.

Một trong những tác phẩm của nghệ nhân Ngân Phạm. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Nghe các nghệ nhân kể về những khó khăn, thời gian dài chăm sóc cây, từ 5-7 năm cho đến hàng chục năm để mới ra đời một cây kiểng đẹp, mới thấy hết nghề chơi này thật lắm công phu.

Như ông Thông Phạm, bắt đầu thú chơi này hơn 10 năm trước, cho đến nay trong vườn nhà ông có hơn 20 cây bonsai lớn, có những cây mất đến gần 10 năm mới ra hình dáng đẹp. Ông bảo không nỡ bán một cây nào vì “bán đi sẽ buồn lắm.”

Chỉ vào cây bonsai có tên “California Juniper,” ông Thông Phạm giải thích: “Cây này làm bạn với tôi gần 10 năm rồi, tính từ ngày tôi đào được thân cây trên núi ở vùng sa mạc Mojave của California, cách đây khoảng 4 giờ lái xe. Mà không phải cứ lên núi là tìm được cây ưng ý đâu, mà phải mất thời gian tìm kiếm và cộng thêm may mắn nữa. Khi tìm được mang về nhà, phải 4, 5 năm sau, cây mới bắt đầu phát triển lá để mình uốn nắn theo hình dáng mong muốn,” ông Thông Phạm nói.

Theo lời ông Thông Phạm thì thời gian để đào cây mang về phải là mùa lạnh, từ khoảng Tháng Mười Một cho đến Tháng Ba, vì mùa nóng cây dễ chết hơn. Tuy nhiên, kể cả khi mùa lạnh thì không phải cây nào mang về cũng sống. Nhưng điều khó khăn của loại cây Juniper so với cây khác là khi mang về nhà chăm sóc, phải mất đến cả năm sau mới biết cây sống hay chết. Vì kể cả khi cây chết, trong khoảng một năm đầu, lá vẫn vẫn cứ xanh đều như vậy. Dấu hiệu để biết cây còn sống là sau một năm, nhìn thấy chồi mới mọc thêm trên phần nhánh lá cây.

Ông Dan Nguyễn bên tác phẩm “Hòn non bộ” của ông và bên phải là tác phẩm “Chinese Elm” của con gái. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

“Thời gian chăm sóc nhiều như vậy, mỗi ngày cây như một người bạn, một đứa con, nên khi nó ra hình dáng đẹp đẽ rồi, làm sao đành lòng bán đi, buồn lắm,” ông Thông cười hiền khô.

Ông Dan Nguyễn, hội trưởng Hội Cây Kiểng Việt Nam, cho biết, cả gia đình của ông đều đam mê cây kiểng. Ông, vợ của ông và con trai 26 tuổi, con gái 21 tuổi đều có tác phẩm trưng bày trong cuộc triển lãm này. Vì cả gia đình có chung niềm đam mê nên rất thú vị, có cái gì đó chung để nói và cùng làm với nhau những lúc rảnh rỗi.

Bên cạnh nghệ nhân nữ là vợ và con gái của ông Dan Nguyễn, còn có những nghệ nhân nữ khác như: Ngân Phạm, Mỹ Phạm, Ly Lưu. Bà Ly Lưu, là nhân viên liên bang của WIC (Women, Infants and Children, thuộc USDA) cho biết, bà rất đam mê cây cảnh và chỉ mới bắt đầu chơi được 4, 5 năm nay. Lúc đầu vì không biết cách chăm sóc nên cây bị chết hoặc không ra dáng đẹp. Sau này khi tham gia Hội Cây Kiểng Việt Nam, được ông Thông Phạm giúp đỡ, bà đã biết cách chăm sóc cây tốt hơn.

Ông Dan Nguyễn cho hay, Hội Cây Kiểng Việt Nam là nơi để những người yêu cây kiểng gặp gỡ nhau, trao đổi kinh nghiệm cũng như hướng dẫn những người mới bắt đầu biết cách chăm sóc cây. Trong hai ngày triển lãm, đều có chương trình “demo” cắt tỉa cây và hướng dẫn kỹ thuật làm cũng như nuôi cây. Tác phẩm sau khi hoàn thành sẽ được đấu giá gây quỹ.

Bà Ly Lưu bên tác phẩm “Shimpaku Juniper” của bà. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Hội viên tham gia Hội sẽ đóng lệ phí $20 một năm. Phí này dùng để gửi thư cho các Hội viên biết khi có các chương trình liên quan. Ngoài ra, hội không thu bất kỳ một khoản phí nào khác, các tác phẩm trong các cuộc triển lãm chỉ là trưng bày, hoàn toàn không bán.

“Hội đơn thuần chỉ là nơi để những người có cùng sở thích gặp nhau. Nếu bạn thực sự yêu cây cảnh, bỏ ra ít nhất vài chục phúc một ngày chăm sóc cây, bầu bạn với cây trong suốt nhiều năm, bạn sẽ không nỡ bán cây đi, cũng không thể quy đổi giá trị thành tiền được. Chơi cây kiểng là thú vui tinh thần, lành mạnh. Nhìn thấy cây kiểng đẹp trong sân vườn nhà mình, tạo cho mình cảm giác nhẹ nhàng, thư thái, sẽ xua tan đi những mệt mỏi của cuộc sống thường ngày,” ông Lê Quang Bình, cựu hội trưởng Hội Cây Kiểng Việt Nam nói. (Trúc Linh)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT