Friday, April 19, 2024

Chùa Huệ Quang đón lễ rằm Thượng Nguyên

Văn Lan/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Trưa Thứ Sáu, 2 Tháng Ba (nhằm ngày 15 Tháng Giêng năm Mậu Tuất), theo thông lệ hằng năm, chùa Huệ Quang, Santa Ana, tổ chức lễ cúng rằm Thượng Nguyên (hay Thượng Ngươn theo cách phát âm của người miền Nam).

Tại sân chùa, trời như còn vương hơi Xuân khi sáng sớm có màn sương nhẹ bay lất phất, và những giọt sương mai còn đọng trên cành đào nở muộn trước sân chùa.

Từ sáng sớm, dòng người đổ về chùa mỗi lúc mỗi đông. Phật tử xếp hàng lễ Phật trên chánh điện, sau đó xếp hàng để mua thức ăn chay “to go” hoặc thưởng thức tại chỗ do đầu bếp nhà chùa trổ tài nấu nướng.

Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, viện chủ chùa Huệ Quang, và là viện trưởng Trung Tâm Văn Hóa Phật Giáo Việt Nam tại Orange County, cũng tất bật dưới bếp, phụ giúp việc sắp xếp thức ăn và đẩy xe thức ăn ra phía trước.

Hòa Thượng Thích Minh Mẫn đẩy nồi kiểm mới nấu, thết đãi đồng hương Phật tử. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hòa thượng cho hay: “Một năm có ba ngày cúng rằm lớn, đó là rằm Thượng Nguyên (ngày 15 Tháng Giêng đầu năm Âm Lịch), rằm Trung Nguyên, và rằm Hạ Nguyên. Sau đêm Giao Thừa, tiếp theo là ngày đầu năm, người Phật tử thường đi các chùa, tự viện để chiêm bái, xin lộc, cầu nguyện mọi điều tốt lành cho năm mới.”

“Sau đêm trừ tịch, người Phật tử còn những điều lo toan, chưa trọn vẹn, nên vẫn lo không biết năm mới ra sao. Theo luật tuần hoàn của vũ trụ Xuân Hạ Thu Đông, con người cũng vẫn sinh lão bệnh tử, nhưng chúng ta phải biết sống một cách an lạc, phải biết buông bỏ những điều còn tính toán, phải biết sống theo lời Phật dạy, sống thoải mái, phải biết cái gì cần giữ và cái gì phải buông bỏ đi,” hòa thượng nói tiếp.

Vì vậy ngày đầu Xuân năm mới là dịp của những lễ hội, và rằm Tháng Giêng Âm Lịch là một lễ hội lớn. Trong niềm tin của văn hóa Phật Giáo, ngày rằm Thượng Nguyên là ngày trăng tròn đầy đủ, tiết Xuân phơi phới xua đi những ưu tư năm cũ, với những gì ước muốn, tạo nên những sinh khí mới mong cho được tròn đầy mãn nguyện.

“Điều quan trọng không phải là cầu nguyện, mà phải có đức tin, phải rộng mở tình thương, buông xả hết những ưu tư phiền muộn trong lòng. Cũng giống như người bệnh cứ đóng cửa ở trong nhà hoài thì làm sao ánh nắng Xuân rực rỡ tràn vào nhà được, làm sao mà hết bệnh được!”, hòa thượng nhấn mạnh.

Sư Cô Như Niệm (trái), tác giả món kiểm, thết đãi Phật tử trong lễ hội. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hòa Thượng Thích Minh Mẫn hoan hỉ nói tiếp: “Trong năm Mậu Tuất này, chúng tôi mong rằng mọi người, theo niềm tin tôn giáo của mình, phải biết rộng mở trái tim, bỏ hết những gì muộn phiền trong năm cũ, giống như mình dọn garage phải bỏ hết đồ cũ ra hiến tặng cho người khác, thì sẽ có chỗ chứa đồ mới, không dọn đi cái cũ thì lấy gì có cái mới!”

Phật tử Thiện Phúc, cư dân Irvine, cùng vợ đi lễ chùa ngày rằm, cho biết đi lễ chùa lòng bâng khuâng khi thấy giống ngày xưa ở quê nhà, không khí thật rộn ràng, nhất là những buổi cơm chay, mọi người có dịp làm quen chào hỏi nhau, được thết đãi những món chay thắm tình đạo vị, lòng càng thanh thản hơn.

Bên hông chùa là dòng người dài bất tận xếp hàng chờ nhận lãnh phần thức ăn do nhà chùa khoản đãi, gồm có cơm, mì xào, đồ xào, kho, có cả chè, thạch để tráng miệng. Hai hàng dài người ngồi thưởng thức món chay tinh khiết và nghe nhạc do ban văn nghệ chùa Huệ Quang cúng dường.

Đặc biệt có cả món kiểm, một món không thể thiếu được trong những dịp cúng rằm.

Sư Cô Như Niệm, người đứng nấu trực tiếp món kiểm, hoan hỉ khi nói với nhật báo Người Việt: “Ở miền Tây thuộc đồng bằng sông Cửu Long, món kiểm là món không thể thiếu được dọn lên bàn thờ cúng vào sáng ngày mùng Một và ngày rằm, bởi vì đầu năm là ngày ăn chay, không chỉ ở trong chùa mà mọi người dân quê đều ăn chay ngày mùng Một Tết và ngày rằm.”

Dòng người xếp hàng nhận thức ăn ngày rằm Thượng Nguyên tại chùa Huệ Quang. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

“Người đi chùa thường mang theo món gì ở nhà có sẵn, người trái cà người trái mướp, có khi cả trái bầu lớn, khoai môn, khoai lang, đậu que, đậu đũa, hột sen… và nhà chùa thường nấu hết tất cả những loại thực phẩm mà người dân cúng dường, thành ra món này cũng giống như thập cẩm,” sư cô nói tiếp.

“Không biết tên gọi ‘kiểm’ là xuất xứ từ đâu nhưng mỗi khi cúng rằm là phải có món này, nhà chùa nấu lên thành món đãi khách thập phương. Từ đó thành một món đặc biệt không thể thiếu được. Một nồi kiểm này có mười mấy món, nấu chung nhau với nước cốt dừa. Cắt gọt các loại rau củ quả mới thật là công phu, nhưng nấu thì nhanh lắm. Năm nay chùa Huệ Quang ra sức nấu món này để đãi Phật tử, ăn mà nhớ đến hồn quê!” sư cô vui vẻ nói.

Phật tử Diệu Hạnh ngồi múc món kiểm không ngơi tay, cho biết món này đắt hàng lắm, mọi người chiếu cố tận tình, tuy nấu cực nhưng thấy bà con vui thì bà cũng hoan hỉ.

Trong chánh điện, chư tôn đức và Phật tử trang nghiêm lễ thí thực đầu năm, và phía trước sân chùa là ba bàn dài với đầy đủ hương hoa phẩm vật trong trai đàn chẩn tế rằm Thượng Ngươn.

Sau đó là lễ phóng sinh, buổi chiều cùng ngày là lễ quy y cho Phật tử. (Văn Lan)

Mời độc giả xem chương trình nấu ăn “Cách làm món tôm rang muối”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT