Thursday, March 28, 2024

Chuyện hậu sự – điều người Việt thường không dám tính trước

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Tôi nhớ gia đình đó có người cha qua đời. Cô con gái chở mẹ đến đây để hỏi chuyện làm đám tang. Sau khi hỏi giá cả, cô nói với mẹ, ‘Giờ nhà mình có mỗi cái xe, nếu con bán thì đủ tiền lo cho ba, nhưng con lại không có xe đi làm.’ Người mẹ đề nghị ‘Con đi cầm thôi, rồi mẹ mượn tiền trả lần lần.’ Sau đó, cô gái cầm $1,500 đến đưa tôi, bảo ‘Đây là tiền em mới cầm cái xe để lo cho ba em.’ Đó là một trong những trường hợp mà mình vừa làm việc với họ vừa rơi nước mắt. Thật sự là họ không có chuẩn bị trước.”

Cô Linda Nguyễn Trần, người chuyên lo việc sắp xếp cho các tang lễ tại nhà quàn Peek Funeral Home, nêu lên một câu chuyện tiêu biểu trong số rất nhiều câu chuyện xảy ra tại nơi mà ai rồi cũng phải một lần ghé đến, liên quan đến sự lúng túng trong việc lo chi phí đám tang khi có người thân trong nhà bất ngờ qua đời.

Mà, cũng không phải chỉ lúng túng trong vấn đề tài chánh. Vì, như anh Sean Hadad, giám đốc của Peek Funeral Home, thì “khi gia đình có người mất, có cả triệu điều phải lo.” Ngoài chuyện tiền bạc, thì có những thủ tục, giấy tờ đôi khi không ai nghĩ tới nhưng lại gây ra những trở ngại đến khôn lường cho việc chôn cất, ma chay.

Không lo chỉ vì… sợ xui 

Với kinh nghiệm hơn 20 năm làm việc tại nhà quàn – nơi không ai muốn được đưa vào – cô Linda nhận xét, “Phong tục của Mỹ và Việt Nam rất khác biệt. Người Mỹ sống đã lo hậu sự của họ trước, sau đó họ cứ thoải mái ăn chơi, lo cho cuộc sống hiện tại. Người Việt thì ngược lại, ăn cái đã, chơi cái đã, chuyện hậu sự tính sau.”

Thực sự, văn hóa người Việt không có thói quen tính trước chuyện hậu sự, vì điều đó “rất là xui xẻo” chứ không hẳn vì họ không có điều kiện kinh tế tài chánh để lo.

Chị Liên Trần, ngoài 55 tuổi, hiện ở Santa Ana, trả lời ngay lập tức bằng những cái lắc đầu nguầy nguậy khi nghe hỏi, “Có bao giờ chị nghĩ đến chuyện phải lo chuyện hậu sự của mình không?”

“Không, không, không bao giờ, nghe sợ lắm, không bao giờ dám nghĩ tới đâu,” chị vừa nói vừa ôm mặt như thể không muốn nhìn thấy điều kinh khủng đang xảy ra trước mắt.

Chiếc hòm giấy được dùng để hỏa táng là lựa chọn cho những gia đình không dư dả về tài chánh. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cô Phương Nguyễn, ở Anaheim, 45 tuổi, tỏ ra điềm tĩnh hơn, “Tôi chưa bao giờ nghĩ đến chuyện này cho mình. Nếu có nghĩ thì chỉ nghĩ cho ba má tôi là những người đã lớn tuổi, mà cũng nghĩ thôi chứ không có nói cho họ biết, cũng không có chuẩn bị gì hết.”

“Mà nghĩ chi đến mấy chuyện đó, xui thấy mồ. Mình chết thì có người nhà lo chứ mình lo chi,” cô Phương nói huỵch toẹt.

Ông Linh Nguyễn, hơn 70 tuổi, ở Westminster, ra chiều suy nghĩ về câu hỏi trên trong chốc lát rồi trả lời, “Tôi chỉ nghĩ đến chuyện nên viết di chúc, dặn dò lại vợ con những gì cần làm thôi, như là đám ma thì nên chôn hay thiêu. Vậy thôi. Nhưng mà tôi cũng chưa làm gì hết. Nghĩ trong đầu thôi.”

“Mà người Việt mình đâu ai tính trước mấy chuyện này,” ông nói thêm.

Với cô Mary Trần, một người làm nghề cố vấn tài chánh, 38 tuổi, ở Anaheim, thì có khác hơn một chút. “Tôi có dành sẵn một khoản tiền để lỡ mai này tôi qua đời thì người thân có thể dùng tiền đó làm đám tang, chứ tôi không có nghĩ đến chuyện chọn nhà quàn nào hoặc mua sẵn đất, hay làm đám tang ra làm sao hết,” cô cho biết.

Đám tang của một người vô gia cư được cử hành tươm tất do tìm được thân nhân vào giờ cuối. (Hình minh họa: Ngọc Lan/Người Việt)

Trong số những người được hỏi, chỉ có ông Long Nguyễn ở Westminster, ngoài 80 tuổi, là có sự chuẩn bị trước phần nào. “Vợ chồng tôi đã mua sẵn đất chôn ở ngay nghĩa trang Peek Family từ 7-8 năm trước. Tôi có một ông bạn tôi không có con cái, cũng mua miếng đất ngay cạnh bên, vì ổng muốn mai mốt khi tụi tui mất, ổng mất, các con tôi ra thăm sẽ đốt luôn cho ổng nén nhang. Tôi đã dặn lại các con tôi ý nguyện của ông bạn như vậy rồi.”

Anh Sean, giám đốc của Peek Funeral Home, nêu cảm nhận được sau nhiều năm làm việc với cộng đồng người Việt tại Mỹ, “Nhiều người ngại không dám hỏi để chuẩn bị trước chuyện hậu sự vì sợ xui. Sợ đến mức họ không muốn hỏi, không muốn nghe đến.”

Anh kể, “Có lần tôi phải đi đến nhà của một ông già qua đời để cho bà vợ của ông ký một số giấy tờ theo luật định, vì bà tuy tỉnh táo, sáng suốt, nhưng lại không tự đi đứng, lái xe được. Tuy nhiên, rất ngạc nhiên là các cô con gái của bà đều không nói cho bà biết về chuyện ông đã qua đời, vì họ sợ là bà sẽ không chịu đựng được.”

“Mà không nói thì làm sao bà biết để có thể góp ý về tang lễ cho chồng mình được, mà bà là người có quyền đó,” anh thắc mắc.

Và, điều khiến anh Sean ngạc nhiên nhất là “khi tôi nhờ một cô đứng ra ký giấy mua đất chôn cho ông, thì cô này cũng không cho tôi đọc giấy tờ để giải thích cho cô hiểu, cũng không dám nhìn vào xem giấy đó viết gì. Cô yêu cầu tôi phải khoét một cái lỗ trên tờ báo rồi dùng tờ báo đó che hết giấy tờ, chỉ chừa đúng cái lỗ cho cô ký tên là được, cô nói không muốn động đến giấy tờ gì liên quan đến nghĩa trang.”

“Thiệt tình là chưa bao giờ tôi thấy chuyện như thế. Tôi nghĩ không có lý do gì để họ phải sợ đến như vậy ngoài chuyện mê tín,” người giám đốc Mỹ nói tiếng Việt “giỏi như ăn gỏi” vừa cười vừa kể lại câu chuyện.

Đám tang của một em bé bị chết oan được cả cộng đồng Việt khắp nơi đóng góp. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Khi gia đình có người qua đời, thủ tục phải bắt đầu từ đâu? 

“Tùy, mỗi trường hợp khác nhau,” anh Sean trả lời.

Anh giải thích, “Với trường hợp người đã mua sẵn chương trình tang lễ, chọn cả quan tài, bông hoa, thì khi họ mất, người nhà chỉ cần gọi nhà quàn để nhà quàn lo hết, gia đình không phải làm gì cả.”

“Với người không có sự chuẩn bị trước, thì gia đình phải lo tìm nơi muốn làm lễ, phải chờ đợi xem khi nào có chỗ. Với những cái chết đột ngột như tai nạn, đột quỵ… thì phải gọi cảnh sát, phải đi bệnh viện để làm giấy khai tử… Mỗi trường hợp đều khác nhau. Nhưng nói chung tất cả nhà quàn đều sẵn sàng giải thích, hướng dẫn cụ thể cho từng trường hợp,” anh Sean cho biết.

Tuy nhiên, theo anh, “Khi gia đình có người mất thì có cả triệu điều phải lo. Cho nên, những điều nào mình có thể đưa cho nhà quàn lo thì nên để họ lo hết, dành thời gian và tâm sức cho những việc khác.”

Với anh Sean, “Phong tục người Việt luôn phải tổ chức đám tang cho người mất, có thăm viếng, có đọc kinh hay tụng kinh tùy tôn giáo. Trong khi nhiều sắc dân khác lại rất đơn giản, không có thăm viếng, không có tang lễ, không có bất cứ điều gì làm họ phải mất công sức. Nhiều người Mỹ lớn tuổi không muốn có bất kỳ lễ nào khi họ mất, không muốn người ta thấy mặt họ, chỉ muốn đưa thẳng cho nhà quàn lo thủ tục trước khi đưa vào thiêu hay chôn. Rồi gia đình muốn tổ chức tưởng niệm gì sau đó cũng được.”

Cũng theo anh Sean, một điều rất quan trọng mà ít người để ý đến đó là giấy ủy quyền cho người đứng ra tổ chức đám tang chôn cất khi mình qua đời, nhất là với những ai không có người quan hệ thân thích ruột rà.

Anh Sean Hadad, giám đốc của Peek Funeral Home, người rất sẵn lòng giải thích các thắc mắc của mọi người liên quan đến chuyện hậu sự. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Anh Sean nêu một trường hợp, “Có hai người cặp bồ ở chung với nhau mấy chục năm nhưng chưa bao giờ làm giấy hôn thú, thì khi một trong hai người mất mà không có thân nhân nào khác đến nhận thì người đó cũng bị xem như người vô gia cư, tức là cảnh sát yêu cầu chờ 30 ngày xem có người thân đến nhận không, rồi sau đó cảnh sát mới bắt đầu điều tra, thời gian có thể kéo dài sáu tháng đến một năm trước khi cho chôn cất hay hỏa táng, vì người còn sống kia không có giấy tờ hợp pháp chứng nhận mối quen hệ giữa hai người. Pháp luật California rất khó về vấn đề này.”

Cô Linda nêu câu chuyện cụ thể về trường hợp sư cô Liên Thi mất cách đây vài năm trong nhà kho của một ngôi chùa ở Midway City. “Vì sư cô không có người thân, nên người ta phải giữ xác cô gần cả một năm trời, may sau tình cờ mẹ cô từ Việt Nam sang đây tìm con, mới hay tin để đi nhận xác cô đưa đi thiêu.”

“Trong khi chỉ cần làm giấy ủy quyền, giao quyền cho một người nào đó mình tin tưởng thì mọi việc trở nên đơn giản vô cùng khi có hữu sự. Nhưng rất nhiều người không biết điều này,” anh Sean nói.

Cô Linda tiếp lời, “Không có tiền thì chúng tôi có thể đi xin tiền giúp, nhưng không có tờ giấy ủy quyền thì không ai có thể làm gì được hết. Mà chính vì không có thân nhân, bà con nên ai ở trong hoàn cảnh đó càng phải lo chuẩn bị trước, để khi mình nằm xuống khỏi phiền ai.”

Chuẩn bị trước chuyện hậu sự 

Bằng kinh nghiệm của mấy mươi năm chứng kiến những cảnh dở khóc dở cười trong chặng cuối của đời người, cô Linda khuyên, “Nhà quàn có những chương trình để mọi người chuẩn bị trước cho chuyện hậu sự của mình, đó là những chương trình trả trước.”

“Có tiền lo theo kiểu có tiền, không tiền lo theo kiểu không tiền. Mình có thể chôn hay thiêu. Chôn thì vừa lo nhà quàn vừa lo nghĩa trang. Thiêu thì có nhiều cách, có tiền thì mua quan tài tốt, không thì mua quan tài thường thường. Không có khả năng làm đám tang ba tiếng thì chỉ cần đến nhìn rồi đưa vô thiêu thì mỗi tháng chỉ trả trước vài chục đồng thôi. Nhưng khi có chuyện xảy ra thì mình yên tâm đã làm tròn bổn phận của người cha, người mẹ, người anh em của mình,” cô giải thích.

Cô Linda Nguyễn Trần, người chuyên lo việc sắp xếp cho các tang lễ tại nhà quàn Peek Funeral Home, là người luôn sẵn sàng đứng ra tìm kiếm sự giúp đỡ cho những gia đình gặp khó khăn trong lúc tang gia ngặt nghèo. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Anh Sean, người tự lo chuyện hậu sự của mình khi bước vào tuổi 30, cho biết thêm, “Cũng có nhiều chương trình mà người dân không biết, như khi người qua đời là nạn nhân của một tội phạm nào đấy, như khủng bố, cướp của giết người… thì chính phủ có chương trình phụ giúp riêng cho họ.”

Cô Linda cũng nêu có những trường hợp gia đình khó khăn đến mức không thể nào kiếm đủ tiền để cho một đám tang, dù ở mức thấp nhất, vào khoảng $2,000 bao gồm chiếc hòm giấy, một hủ đựng tro và có khoảng 30-45 phút cho các linh mục hay sư thầy đến cầu nguyện tùy theo tôn giáo.

“Trong những trường hợp như vậy, chúng tôi cho họ thiếu đến một thời hạn nhất định, bên cạnh đó tôi cũng đi xin cho họ,” cô nói.

Cô Linda chia sẻ, “Phải nói rằng cộng đồng người Việt ở đây rất dễ thương, từ tâm, và tốt bụng. Trong điện thoại tôi có cả một danh sách những người sẵn sàng đóng góp ít nhiều, từ $20, $50, cho đến $100, thậm chí $1,000 khi biết có người đang gặp cảnh túng quẫn không có tiền làm ma chay, mà không bao giờ hỏi người đó là ai.”

“Cộng đồng Việt Nam ở đây có nhiều cái hay. Nhiều người có kinh nghiệm trải qua sự khó khăn này nên giờ đây cũng sẵn lòng để giúp cho những người nghèo gặp hoàn cảnh như họ đã từng. Có người đến nhà quàn hỏi tháng này có ai mất mà không có tiền chôn không để họ giúp, hay kêu gọi thêm bạn bè cùng giúp,” anh Sean nói bằng thái độ cảm kích.

“Cũng có nhiều người Việt lại nghĩ là nhận tiền như vậy là người chết thiếu nợ, nhưng cuộc sống mà, mình luôn thiếu nợ thế gian. Thì trong hoàn cảnh ngặt nghèo, mình nhận sự giúp đỡ từ người này, rồi sau đó mình có điều kiện sẽ giúp lại người khác,” cô Linda bày tỏ.

Là người đối diện quá nhiều với những hỉ nộ ái ố diễn ra tại nhà quàn Peek Funeral Home, cô Linda, người chuyên lo chuyện sắp đặt hậu sự cho người quá cố, khuyên, “Cái chết không chừa một ai, mình không tránh được cũng không nhường được cho ai, cũng không muốn ai nhường mình, kẻ đi trước người đi sau. Cho nên mình phải đối diện với nó trong sự chuẩn bị thì tốt hơn. Khi có sự chuẩn bị rồi thì không còn thấy sợ hãi hay lo lắng nữa, rất là an tâm.” (Ngọc Lan)

—-
Liên lạc tác giả: [email protected]

MỚI CẬP NHẬT