Thursday, March 28, 2024

Chuyện người gây giống bào ngư tại California

GARDEN GROVE, California (NV) – Cách nay không lâu lắm, tìm bắt bào ngư là chuyện dễ dàng đối với dân tắm biển ở California. Muốn bắt bào ngư chỉ cần nhảy lên cái “surfboard,” bơi ra cụm san hô hay đá ngầm là tha hồ mà bắt về.

Người Mỹ trắng nấu bào ngư rất đơn giản, cho bào ngư vào nồi, nấu với rượu vang trắng, chung với tôm hùm và các loại cá vừa bắt dưới biển lên.

Những vị cao niên, tuổi khoảng 70 đến 80, kể rằng, thời 1950-1960, chính vì thích bắt bào ngư mà họ tập lặn.

Một ông nói: “Khi nước trong, mỗi lần thấy bào ngư từ ‘surfboard,’ tôi phóng xuống rồi chỉ việc dùng tay mà gỡ ra. Nhiều lắm.”

Rồi chuyện này trở thành dĩ vãng vì phong trào lặn bắt bào ngư gia tăng quá độ làm động vật này trở thành hiếm hoi ở California.

Trong lúc mọi người cho rằng sẽ không bao giờ được bắt bào ngư tại đây nữa thì một phụ nữ, vừa cố gắng hết sức để bảo vệ môi sinh duyên hải California và cũng vừa muốn phục hồi sự sinh sản của bào ngư nữa.

Bà tên Nancy Caruso, là nhà hải dương học (marine biologist), sáng lập viên hội bất vụ lợi “Get Inspired.”

“Chúng ta phải nhớ những gì mình đã có và phải nhắc nhở mọi người như vậy,” bà Caruso nói với nhật báo The Orange County Register (OCR).

Lịch sử bào ngư

Theo OCR, California có bảy loại bào ngư. Khoa học gia tìm thấy vỏ của những loại bào ngư này của người da đỏ để lại, bà Caruso nói.

Bà cho biết thêm, người Trung Hoa đến California trong thập niên 1920, họ ăn bào ngư là loài động vật cũng sống ở Á Châu. Rồi người Nhật bắt đầu nuôi bào ngư.

Bà Caruso giải thích: “Tùy theo độ sâu mà có từng loại khác nhau.”

Bà Nancy Caruso, nhà hải dương học muốn gây giống bào ngư lại tại biển California. (Hình: Chụp từ màn ảnh YouTube)

Đầu thế kỷ 20, sau khi nhiều nhà phê bình ẩm thực ca tụng món bào ngư tên “Abalone King” tại một nhà hàng ở Monterey của ông “Pop” Ernest Doelter, vừa là đầu bếp, vừa là chủ nhân, quần chúng Mỹ bắt đầu biết ăn bào ngư, khởi đầu cho một phong trào lặn bắt bào ngư, bà Caruso nhắc lại.

Hồi đó có quá nhiều bào ngư đến nỗi chính phủ cho mỗi người bắt đến 120 tá, tức là 1,440 con bào ngư một ngày.

Bà khoe: “Tôi có hình chụp hết núi vỏ bào ngư này đến núi khác phía trước lò lóc thịt từ San Diego đến Moro Bay, mỗi núi cao tới 6 thước.

Bào ngư gần như tuyệt chủng

Nhưng tới thập niên 1970, bào ngư bắt đầu hiếm dần vì người ta bắt nhiều quá.

Thập niên 1980, chứng “Withering Syndrome,” bệnh teo bắp thịt, ảnh hưởng đến cả bảy loại bào ngư. Rồi môi trường biển ô nhiễm, làm rong biển “kelp” là nguồn thực phẩm chính của bào ngư cũng mất dần.

Mãi đến năm 1990, chính quyền California cấm bắt bào ngư. “Ngưng đã quá trễ,” bà Caruso than.

Các trại nuôi bào ngư cũng đóng cửa gần hết.

Phục hồi loài bào ngư

Hiện thời, dự án Bào Ngư Xanh (Green Abalone Restoration Project) của hội “Get Inspired” do bà Caruso chủ trương, đang muốn nuôi 100,000 bào ngư trong 10 năm, dọc theo bờ biển California.

Với OCR, bà nói: “Chúng ta quên rằng đã có thời mình rất thích ăn bào ngư. Chúng ta quên rằng bào ngư là một phần của văn hóa ẩm thực của mình.”

Hội “Get Inspired” là hội đầu tiên có giấy phép nuôi bào ngư trong 20 năm nay. Nếu thành công, đây là công trình lớn nhất trong việc phục hồi sự phát triển của động vật biển, theo website của hội.

Trong 10 năm tới, khoảng 40,000 sinh viên của bà Caruso sẽ nuôi bào ngư con trong lớp học.

Bà cũng đã có kế hoạch nuôi trong các bồn cá khắp nơi trong California trước khi có thể thả xuống biển.

Đây là công việc đòi hỏi sự kiên nhẫn cao độ vì bào ngư con lớn rất chậm.

Bà Caruso cho báo OCR coi những hình ảnh của 91 bào ngư bà nuôi 18 tháng trước.

Một năm rưỡi sau, chúng chỉ lớn bằng ngón tay cái. Bây giờ, chỉ 39 con còn sống.

Nghiên cứu cho thấy phải từ năm đến bảy năm, bào ngư mới lớn bằng bàn tay. Lúc đó mới có thể thả chúng xuống biển.

Cũng nhờ bà cùng 10,000 sinh viên giúp rong biển “kelp” mọc lại từ năm 2002, và bây giờ, 16 năm sau, biển đã có đủ loại rong này.

Rong biển “kelp” sẽ là thức ăn cho bào ngư trong tương lai.

Bà Caruso nói với OCR: “Có thể trong 30 năm tới, chúng ta lại được ra biển ăn bào ngư tươi rói ngư ngày xưa.” (ĐG)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT