Thursday, March 28, 2024

‘Lòng trần còn tơ vương khanh tướng’

Sổ Tay Phóng Viên

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Tôi không là người thuộc thế hệ chiến tranh, tao loạn. Nhưng lại cũng không xa lạ với “Sắc Hoa Màu Nhớ,” với “Phiên Gác Đêm Xuân,” đặc biệt là “Chiều Mưa Biên Giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Lứa chúng tôi, khi vào tuổi mới lớn, đã được nghe các bản nhạc này từ những băng đĩa đầu tiên của Thúy Nga-Paris By Night do ai đó “chuyển lậu” về nước cuối thập niên 80.

Nghe, nhớ, thuộc và day dứt với những nỗi niềm mơ hồ của một thế hệ…

Để rồi, trong những ngày này, lại lần tìm, nghe lại và miệng khe khẽ hát, không phải chỉ tôi, cả những đồng nghiệp xung quanh, những câu hát của người nhạc sĩ – cũng là một người lính – vừa nằm xuống, như một cách tưởng niệm lẫn tri ơn ông.

Và, thêm một lần nữa, sau những bâng khuâng, bồng bềnh trong hình ảnh “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/ thì đường trần mưa bay gió cuốn…” tôi lại cảm thấy quá bất ngờ khi biết rằng tác giả của “Phiên Gác Đêm Xuân” cũng là người viết nên “Đoạn Tuyệt” với những câu tê tái “Nào ai lấy thước đo tấc lòng/ Tình như mây khói trên làn sóng…”

Có quá nhiều người đã nói về sự ra đời của “Chiều Mưa Biên Giới” – một trong những bài hát viết về đời lính hay nhất xưa nay, theo tôi – nhưng trong thời khắc tiễn ông, chắc cũng không quá thừa khi điểm lại đôi dòng về tuyệt tác này.

Trong một bài trả lời phỏng vấn ký giả Trường Kỳ trước đây, nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông từng cho biết ông viết “Chiều Mưa Biên Giới” vào năm 1956, khi đang là trung úy trưởng phòng hành quân của chiến khu Đồng Tháp Mười.

“Lần đó tôi dẫn đầu một nhóm biệt kích bí mật đi điều nghiên chiến trường dọc theo biên giới Miên-Việt và Đồng Tháp Mười. Trên đường về, anh em chúng tôi lâm vào cảnh trời chiều gió lộng, mưa gào như vuốt mặt. Giữa cánh đồng hoang vắng tiêu sơ, lối vào tiền đồn thì xa xôi, thoáng ẩn hiện những nóc tháp canh mờ nhạt ở cuối chân trời. Và từng chập gió buốt kéo về như muối xát vào thịt da. Từ trong cảnh ấy, tận đáy lòng mình đã nghe nẩy lên những cung bậc rung cảm, những trường canh đầu tiên buồn bã cho bài Chiều Mưa Biên Giới anh đi về đâu…”

Lời tự sự của ông về hoàn cảnh ra đời của bài hát đã giúp người nghe cảm nhận rõ hơn những câu chữ xuất hiện trong “Chiều Mưa Biên Giới,” cảm nhận được đến tận cùng sự khắc nghiệt của chiến tranh – không phải là chết chóc, không phải là chia lìa, không bom rơi, súng nổ – mà là nỗi cô đơn, nỗi nhớ thương đến thắt lòng về một chốn nao.

Vốn dĩ những gì chạm đến trái tim thì tự khắc nó lan tỏa. “Chiều Mưa Biên Giới” cũng vậy. Nhất là khi nghệ sĩ Trần Văn Trạch, vào năm 1961, đã thu âm bài hát này trên đài Europe No.1 và Ðài Truyền Hình Pháp. Để từ đó, tiếng vang nơi trời Âu lại dội ngược về quê hương, “khiến chỉ trong vòng ba tháng, nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam của nhạc sĩ Lê Mộng Bảo, đã bán hết 60,000 bản nhạc lẻ, phá kỷ lục số ấn bản lớn nhất từ xưa, ở thời điểm đó. Âm vang của ca khúc ‘Chiều Mưa Biên Giới’ lại được khuếch tán thêm nữa, khi cũng trong năm 1961, nghệ sĩ Trần Văn Trạch, lần đầu tiên, trình bày ca khúc ấy tại ‘Ðại nhạc hội Trăm Hoa Miền Nam’ với dàn nhạc của Ðài Truyền Hình Pháp, thu “play back.” (Theo Du Tử Lê trong “Nguyễn Văn Ðông và, điểm đứng chông chênh giữa hai đầu tả, hữu”).

Vợ chồng Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông chụp tại tư gia của ông năm 2014 cùng các ca sĩ Giao Linh, Phương Hồng Quế, Trang Thanh Lan, Phương Hồng Ngọc, Kim Anh , Michael, nhạc sĩ Trần Quốc Bảo (Hình: nhạc sĩ Trần Quốc Bảo cung cấp)

Thế nhưng…

Cuộc đời luôn có chữ “Nhưng” để tránh mọi sự hoàn hảo, khỏi làm Ông Trời nổi cơn ghen tức.

Sức lan tỏa của “thứ cảm xúc” kiểu “Tình anh theo đám mây trôi chiều hoang” hay “Về đâu anh hỡi mưa rơi chiều nay” đã khiến cho Bộ Thông Tin Sài Gòn ra quyết định cấm phổ biến bài hát với lý do: “Nội dung ‘phản chiến!’ Có thể đưa tới sự sa sút tinh thần của những người lính trấn đóng ở những vùng hẻo lánh, núi non, biên giới…”

Quân lệnh như sơn! Nhưng. Lại “Nhưng.” Lòng người như thác lũ, có thể cuốn luôn núi non thành quách. “Chiều Mưa Biên Giới” vẫn sống, bởi, đằng sau nỗi buồn tơi tả của lòng người trong “rừng chiều âm u rét mướt” vẫn còn đó cái ngạo nghễ kiêu hùng của người trai thời loạn, dẫu mang dáng dấp của một… kiếm khách “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng/ thì đường trần mưa bay gió cuốn/ Còn nhiều anh ơi…”

Tôi nghĩ, không có được hình ảnh này, “Chiều Mưa Biên Giới” đã không là bài hát mà nhiều người đều có thể cùng bật ra trong lúc này.

Mặc dù, trong “Hồi Ký Nguyễn Văn Đông,” người nhạc sĩ này tự nhận “tôi mang cấp bậc Trung úy khi mới 24 tuổi đời, còn bạch diện thư sinh. Tuy hồn vẫn còn xanh nhưng tâm tình đã nung trong lửa chín ở quân trường,” nhưng bên cạnh những ca khúc chứa đầy hình ảnh người lính nơi tiền đồn, thì ông lại có những bản tình ca rất đời. Và “Đoạn Tuyệt” mà tôi nhắc ở trên chính là một trong những bài hát nằm trong số này.

“Một mai em có đi lấy chồng. /Vòng tay ân ái thay hình bóng. /Xác pháo tươi hồng như trái tim, /Êm ái trao lòng tôi vết thương. /Em biết không em?”

Hình như không có bất kỳ bài báo nào viết về “tình trường” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông. Ngay cả khi tôi có dịp nói chuyện với nhạc sĩ Trần Quốc Bảo, chủ nhiệm tập san Thế Giới Nghệ Sĩ, người mà tôi nghĩ cũng khá thân với tác giả “Sắc Hoa Màu Nhớ”, thì anh cũng chỉ nói cho tôi biết rằng, “Chưa bao giờ nghe ai nói gì đến con của thầy. Còn vợ thì chỉ biết cô Nguyệt Thu là người đã chăm sóc thầy trong thời gian thầy đi tù cải tạo và sau khi ra tù, cho đến tận ngày ông qua đời.”

Hoàn toàn là chủ quan, nhưng “Đoạn Tuyệt” của ông, tự dưng khiến tôi nghĩ rằng ông là người chung tình.

“Một mai đôi ngã xa cách rồi. /Người say duyên mới quên thề ước. /Xin chiếc khăn nồng hương cố nhân, /Đôi mắt em màu xanh ái ân để nhớ muôn đời.”

Không một chữ bóng bẩy. Không một câu trau chuốt. Chỉ là những câu từ như mình vẫn thường dùng để nói với nhau hằng ngày đó thôi. Nhưng sao mà nó thấm, nó đau, nó buồn đến tưởng như có giọt nước mắt nào đó âm thầm chảy ra từ trong tim, không lau được. Phải chăng từ cách chọn cung nhạc?

“Nào ai lấy thước đo tấc lòng. /Tình như mây khói trên làn sóng. /Anh sẽ đi tìm trong lãng quên, /Nhưng cố quên lại càng nhớ thêm. /Vì trót yêu rồi.”

Tôi nhớ trong đoạn cuối Hồi Ký của mình, ông có viết “tôi nghiệm rằng những gì có giá trị nghệ thuật, dù bị vùi dập vì sự ganh tỵ hay hiểu lầm, sẽ có ngày được mang trả lại vị trí đích thực của nó. Tôi chỉ tiếc đời người ngắn ngủi mà tôi đã phí phạm quãng thời gian dài 30 năm. Thật lấy làm tiếc!”

Tôi thì lại không thấy tiếc. Bởi, cả quá trình sáng tác, chỉ cần bấy nhiêu câu ca nằm mãi trong lòng người, qua bao năm tháng, là đã xứng đáng cho một đời.

Tiễn biệt ông. Trời Cali cũng “mưa bay gió cuốn”. (Ngọc Lan)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Điều khó diễn đạt của vết thương lòng nơi trẻ em”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT