Thursday, March 28, 2024

Nghệ sĩ gốc Việt Bảo Võ dùng màu sắc ‘vẽ’ âm nhạc

Kalynh Ngô/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – Nếu thành công của một người trưởng thành thường được định lượng bằng kết quả công việc hoặc sự đầy đủ trong cuộc sống, thì với Bảo Võ, một thuyền nhân gốc Việt, thành công của anh chính là được tự do đi đến tận cùng niềm đam mê của mình, trở thành một nghệ sĩ dùng màu sắc “vẽ” âm nhạc.

Nghệ sĩ Bảo Võ, người dùng màu sắc “vẽ” âm nhạc. (Hình: Bảo Võ cung cấp)

Từ cậu bé thuyền nhân có tài hội họa

Là con út trong một gia đình có năm anh chị em, Bảo Võ sinh ra và lớn lên ở phố núi sương mù Đà Lạt, nơi ghi dấu ấn của nhiều tác giả và tác phẩm bất hủ của âm nhạc Việt Nam. Tuy nhiên, tuổi thơ của Bảo không gắn bó nhiều với Đà Lạt vì vào năm 1985, cậu bé mới 2 tuổi cùng gia đình trở thành “thuyền nhân.” Sau sáu tháng ở Philippines, cả gia đình Bảo được định cư tại miền Nam California.

Từ nhỏ, Bảo đã thể hiện mình là một cậu bé thích vẽ và có năng khiếu hội hoạ. Bàn tay với các ngón thon, dài của anh như một “điềm” báo trước cho các thành viên trong gia đình về một nghệ sĩ tương lai. Những năm học trung học, Bảo thích thú và nổi bật với những môn nghệ thuật như điêu khắc, đồ hoạ, thiết kế… Thầy cô giáo trong trường ai cũng khen.

Sở thích cùng với khả năng đã đưa Bảo đến với Art Center College ở Houston để theo đuổi giấc mơ trở thành hoạ sĩ.

Trong thời gian bay bổng với màu sắc, cọ vẽ, Bảo nhận ra một điều: “Mình vẽ ra một bức tranh, rồi mình mang đi bán đứa con tinh thần đó để nhận về một số tiền. Những người không có nhiều tiền thì sẽ không mua được. Bảo không thích như thế. Bảo muốn làm gì cho tất cả mọi người đều được nghe, thưởng thức.”

Từ nhỏ, Bảo đã thể hiện mình là một cậu bé thích vẽ và có năng khiếu hội hoạ. (Hình: Bảo Võ cung cấp)

Bảo quyết định rẽ sang hướng đi khác, tuy mới, nhưng không hẳn là mới, đó là “Environmental Design.”

Bảo nói: “Với ngành này, Bảo vừa được sử dụng khả năng của mình, vừa làm ra được sản phẩm không quá cao cấp để mọi người đều có thể có.”

Đến ban nhạc Ming & Ping

Trong một năm “nghỉ ngơi” để tìm hướng đi mới đó, Bảo có nhiều thời gian dành cho âm nhạc hơn. Với kiến thức chơi dương cầm của mình, Bảo tự học thêm các nhạc cụ khác như trống, tây ban cầm, nhạc lý, hoà âm, và cả sáng tác. Năm 2002, “ban nhạc” đầu tiên của Bảo Võ ra đời – ban nhạc “Ming & Ping,” gồm “một người với hai nhân vật.”

Bảo kể lại về ý tưởng độc đáo của anh: “Bảo tự nghĩ ra hai nhân vật có tên Ming và Ping. Họ là hai anh em và cùng làm một ban nhạc. Dĩ nhiên, một mình Bảo đóng vai cả hai nhân vật. Bảo chụp hình (mình) hai lần rồi ghép vào nhau, cho mặc trang phục khác nhau. Từ năm 2002, ‘ban nhạc’ ra đời và được nhiều người theo dõi.”

Bảo Võ có khả năng hát ở cả hai quãng: Một rất trầm và một rất cao. Anh cười thích thú và nói: “Người nghe không ngờ là hai giọng hát chỉ từ một người mà ra.”

“Ban nhạc” hai anh em Ming & Ping tồn tại được 10 năm với khoảng sáu, bảy CD và nhiều đơn đặt hàng từ các nhà sản xuất phim. Bây giờ kể lại chuyện Minh và Ping, Bảo nói anh cảm giác như đang “nói về đời khác.”

Ban nhạc một người Ming & Ping. (Hình: Bảo Võ cung cấp)

Và nghệ sĩ Bảo Võ

Sau khi tốt nghiệp đại học, Bảo làm giám đốc sáng tạo cho một công ty quảng cáo. Công việc này cho anh nguồn tài chính ổn định để theo đuổi đam mê âm nhạc. Những ngày nghỉ, anh dồn hết thời gian vào sáng tác. Ngày lễ, anh đi diễn cùng ban nhạc. Thế nên, “bây giờ suy nghĩ lại, hơn 20 năm rồi, mình không  có ngày nghỉ. Đi làm nguyên ngày, tối về làm nhạc,” Bảo nói.

Từ một hoạ sĩ, rồi nhà thiết kế, rồi nhạc sĩ, vai trò nào Bảo thấy mình hạnh phúc nhất khi hoá thân?

Anh trả lời rất nhanh: “Là một người thiết kế sản phẩm, Bảo cũng rất thích, nhưng khi làm xong, nó là của người khác, không còn là của mình, nên không được vui lắm. Còn khi làm nhạc, hát cho mọi người nghe, Bảo cảm thấy vui lắm.”

Thêm vào đó, từ một hoạ sĩ với kiến thức về màu sắc và kinh nghiệm làm việc cho công ty quảng cáo, Bảo nhận thấy anh có khả năng diễn đạt cho người khác hiểu những gì trong suy nghĩ của mình. Khi trong đầu Bảo xuất hiện một ý nào đó, Bảo sẽ giải thích lại bằng âm nhạc và viết lời rất nhanh.

Album nhạc mới nhất của Bảo gồm 14 ca khúc, chủ đề là “Perpetual Heartbreak” (Niềm Đau Vĩnh Cửu).

Giải thích về chủ đề thoạt nghe có vẻ rất buồn bã này, Bảo nói: “’Perpetual Heartbreak’ không nhất thiết phải là một nỗi đau da diết, bất tận của một trái tim tan vỡ. Với Bảo, nó có thể được hiểu là mình cho phép mình được cảm nhận nỗi đau đó.”

Ca khúc chính Perpetual Heartbreak trong album cùng tên chỉ có một nửa là có lời nhạc. (Hình: Bảo Võ cung cấp)

Nghe nhạc của Bảo, như lời anh đề nghị, hãy đeo một cái “tai nghe, nhắm mắt và cảm nhận.” Đúng như thế. Nhắm mắt và cảm nhận từng dòng chảy trong âm nhạc của Bảo, lúc réo rắt, lúc da diết, lúc nhẹ nhàng như một dòng suối băng ngang qua một khung vẽ dở dang của người hoạ sĩ. Màu sắc loang lổ một cách “trật tự” trong âm nhạc của Bảo. Gam màu nóng lạnh hòa lẫn vào nhau, tạo nên một bức tranh âm thanh mát dịu.

Ca khúc chính “Perpetual Heartbreak” trong album cùng tên chỉ có một nửa là có lời nhạc.

Theo lời Bảo giải thích, anh muốn “người nghe tự cảm nhận và tự viết đoạn còn lại cho riêng mình.”

Cũng có người nói với Bảo là nhạc của Bảo buồn, cô đơn. Nhưng Bảo có một quan điểm rằng, đừng bao giờ sợ cô độc nếu bạn muốn trở thành một người mạnh mẽ. Khi chúng ta cô đơn và tự lập, chúng ta sẽ là một người tốt lành,” Bảo nói về cách anh “vẽ” âm nhạc cũng như chính con người của mình.

Đặc biệt hơn cả, ca khúc thứ ba trong album có tên “Mơ Có Mẹ,” Bảo không dùng tiếng Anh để đặt tên cho ca khúc này vì anh muốn dành một tình yêu vô bờ bến cho mẹ của mình.

Bảo Võ và mẹ chụp tại Đà Lạt năm 1982. (Hình: Bảo Võ cung cấp)

Kể về vị khán giả đặc biệt, người mà Bảo gọi là “fan hâm mộ,” anh nói: “Mẹ của Bảo là ‘biggest fan’ của Bảo. Mỗi lần Bảo có sáng tác mới là Bảo gửi ngay cho mẹ nghe. Hồi mới qua Mỹ gia đình rất nghèo. Cả nhà đi nhặt lon, giấy carton để bán kiếm tiền. Nhưng mẹ thấy Bảo có khả năng nghệ thuật nên ủng hộ lắm. Đi học hay cần tiền mua giấy vẽ, màu vẽ, mẹ không bao giờ từ chối.”

Không chỉ là người ủng hộ, tin tưởng, “biggest fan,” mẹ của chàng nghệ sĩ Bảo Võ còn là người rất hiểu những điều hoàn toàn nằm ngoài thế giới của bà, đó là âm thanh và màu sắc.

Khi vừa nghe album “Perpetual Heartbreak” của Bảo, bà thốt lên: “Ồ cái này khác với Minh và Ping quá hen!”

Bảo khẽ nói: “Nếu ngày đó mẹ không ủng hộ, chắc Bảo không dám đi học để trở thành nghệ sĩ. Có thể Bảo đã là một kỹ sư. Vì mẹ ủng hộ, tin tưởng thì mình thấy mình mạnh mẽ hơn.”

Margaret Mitchell, tiểu thuyết gia nổi tiếng người Mỹ, tác giả của “Cuốn Theo Chiều Gió,” từng nói: “Sự tỏa sáng một phần là tài năng, hai phần là trí tuệ, và ba phần là đam mê.”

Chàng nghệ sĩ Bảo Võ, con của gia đình thuyền nhân gốc Việt, đã đam mê, đã tự hào, tỏa sáng trong niềm đam mê của mình. [đ.d.]

—-

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT