Friday, April 19, 2024

Nghêu ngao mỗi sáng Chủ Nhật cùng Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng

Quốc Dũng/Người Việt

LITTLE SAIGON, California (NV) – Thoắt cái mà đã ba năm Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng hát nghêu ngao trong chương trình phát thanh “Những Câu Chuyện Sáng Chủ Nhật” do ông chủ trương phát trên làn sóng 106.3 FM, từ 6 giờ sáng đến 9 giờ sáng Chủ Nhật.

Hỏi ông, hát nghêu ngao có gì hấp dẫn mà “Những Câu Chuyện Sáng Chủ Nhật” tồn tại đến những ba năm mà không cần quảng cáo, đến nỗi ông phải làm riêng cho mình hai phòng thu, một tại nhà, một tại phòng mạch?

Ông cười xòa, nói: “Khi lên radio, tôi chia sẻ những gì cuộc đời đưa tới cho mình, những kiến thức chính xác, thiết thực nhất trong đời sống tới mọi người. Có lẽ vì vậy mà ‘gia đình lớn’ dành nhiều tình cảm cho tôi.”

1. Ông gọi thính giả của mình là “gia đình lớn” với một giọng trầm ấm, nghe trong đó là một sự xúc động xen lẫn yêu thương.

“Hồi đó, biết đài 106.3 FM có giờ trống, nên tôi mua giờ với hy vọng phục vụ thêm cho bệnh nhân, cho đồng hương, trong tinh thần phục vụ xã hội, một điều mà tôi mơ ước khi mới bắt đầu làm bác sĩ,” ông chia sẻ.

Không chỉ phục vụ xã hội một cách chung chung, mà trong chương trình của mình, ông “bắt” nó làm sao để “giúp mọi người sống vui, khỏe, bao dung và thương yêu nhau hơn,” Bác Sĩ Hoàng nói.

Chính vì vậy, ông xây dựng chương trình phát thanh rất bài bản, dù chuyên môn chính của ông là bác sĩ, chưa bao giờ “dính” đến truyền thông. Nếu chương trình chỉ “ta với ta” thì sẽ nhàm chán, ông được sự cộng tác của rất nhiều người, hoàn toàn với công việc thiện nguyện, như nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh, thầy giáo Nguyễn Ngọc Thành, Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng, Dược Sĩ Trần Hưng Thịnh…

Đến nay, “xương sống” của chương trình “Những Câu Chuyện Sáng Chủ Nhật” gồm, đầu tiên là mục “Điểm Tin Trong Tuần Nhìn Từ Nhiều Phía,” với các tin tức được lấy từ nhiều nguồn, đưa một cách trung dung, không theo phía nào và cũng không đưa quan điểm riêng, để khán giả tự rút ra kết luận. “Đặc biệt, phần cuối của điểm tin là ‘Tin Không Tức’ để cho phần tin nhẹ nhàng, đó là những tin về người tốt việc tốt, những câu danh ngôn…” ông nói.

Mục đọc truyện “Đọc và Suy Gẫm,” với nghệ sĩ Ngọc Đan Thanh, là những câu chuyện ý nghĩa, kiểu như tâm hồn cao thượng. Sau khi đọc xong câu chuyện, bác sĩ và nghệ sĩ cùng bàn về câu chuyện đó.

“Câu Chuyện Giáo Dục” với sự góp mặt của thầy Nguyễn Ngọc Thành, giáo viên trường trung học La Quinta, Westminster, xoay quanh những mẩu chuyện gia đình với nhà trường, chuyện dạy con cái trong nhà, chẳng hạn gia đình hỗ trợ gì với nhà trường khi con đi học, hay làm sao cho con tự có tinh thần tự giác học tập…

“Do cũng có con nên tôi muốn làm điều gì đó để giúp cho con của mình, nên tiện đó tôi không chỉ để mình biết mà còn để chia sẻ cho nhiều người cùng biết,” ông tâm sự.

Mục “Chuyện Luật Pháp” do Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng phụ trách, chủ yếu là luật pháp thường thức, chẳng hạn khi mua nhà để ý gì, khi mướn nhà để ý gì, ra đường bị cảnh sát chặn lại thì nên làm gì… tất cả là những tình huống rất thiết thực.

Với “Câu Chuyện Thuốc Men,” Dược Sĩ Trần Hưng Thịnh trao đổi với mọi người về cách sử dụng thuốc, chẳng hạn khi đi mua thuốc thì để ý gì, khi uống thuốc chú ý gì, tác dụng phụ khi dùng thuốc; hoặc những người lớn tuổi thì để ý gì khi thay đổi Medicare và MediCal…

Còn mục “Câu Chuyện Sức Khỏe Sáng Chủ Nhật” của Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng thì có những ba phần.

Đầu tiên là “Sức Khỏe Tâm Thần,” bác sĩ nói những gì để tinh thần thoải mái, chẳng hạn ngày Mother’s Day thì nói về mẹ, tình thương đối với mẹ ra sao, đổi xử với người lớn tuổi ra sao, để làm sao cho an lạc, đầu óc thoải mái.

Kế đến là “Hát Nghêu Ngao,” mỗi tuần bác sĩ hát một bài hát nào đó và chia sẻ ý nghĩa nội dung bài hát.

Sau cùng là “Trả Lời Thính Giả và Cập Nhật Tin Y Khoa,” với phần đầu là đọc những tin y tế cập nhật trong tuần, nói sao để khán giả dễ hiểu, áp dụng được trong cuộc sống; và phần cuối dành 30 phút để mời khán giả gọi điện thoại, cùng trò chuyện với bác sĩ.

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng tại chi nhánh mới, số 10666 Chapman Ave., Garden Grove. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

2. Để làm nên những chương trình này, ông cũng phải chạy lăng xăng tới lui như những phóng viên chuyên nghiệp, bởi vì ông muốn: “Chương trình phải rất cụ thể, rất đời thường, đụng đến những gì mọi người cần.”

Khách mời nếu không tiện đến phòng thu, thì “Tôi xách máy đến chỗ khách mời ngồi để thâu. Như chương trình của Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng, mỗi kỳ phát thanh 15 phút, tôi thâu một tiếng được bốn chủ đề. Mỗi tháng chỉ cần thâu một lần thôi là đủ. Hay chị Ngọc Đan Thanh, thầy Nguyễn Ngọc Thành nhà gần phòng mạch nên đến rồi vào phòng thu luôn,” ông kể.

Để có ba tiếng cho chương trình, mỗi ngày ông bỏ ra khoảng một tiếng hay hơn để làm từ từ. Sau 2 giờ chiều Thứ Bảy, ông bắt tay vào dựng chương trình và hầu như tuần nào cũng phải làm suốt từ chiều Thứ Bảy cho đến 3 hoặc 4 giờ sáng Chủ Nhật mới xong. Sau đó ông ngủ một chút, để 6 giờ sáng thức dậy phát chương trình.

“Thứ Bảy nào cũng phải thức khuya làm nhưng tôi rất hạnh phúc vì thấy học được rất nhiều, nhất là nhận được phản hồi tích cực của nhiều thính giả nên cảm thấy vui. Làm chương trình cũng là hình thức tự bắt mình phải học hỏi thêm về mặt y khoa. Tự mình ép mình phải học, hiểu biết thêm kiến thức để có thêm nhiều chương trình. Vì vậy mà tôi chưa bao giờ bị bí đề tài, bởi vì cuộc sống rất đa dạng,” Bác Sĩ Hoàng tâm sự.

“Tôi nói những chủ đề thật cụ thể, thực dụng, chứ không phải nói trên trời dưới đất mà không ứng dụng được trong cuộc sống hằng ngày. Càng làm radio tôi càng học được nhiều, giúp cho mình tiến bộ mà cũng chia sẻ những hiểu biết của mình với mọi người. Tôi làm radio không phải để ‘dạy đời’ hay ‘giáo dục’ người này, người kia, mà nảy nở từ nhu cầu của bản thân, của những người theo dõi chương trình, hướng về nhu cầu thực sự của độc giả, thính giả, khán giả, bệnh nhân của mình. Và đó cũng là nhu cầu của mình, bởi vì mình cũng là người bình thường như bao người muốn tìm hiểu kiến thức,” ông chia sẻ.

3. “Có nhiều bệnh nhân đến với tôi vì người ta nghe chương trình radio. Phần lớn tôi hỏi vì sao bác tới, thì họ nói nghe bác sĩ nghêu ngao, chứ không phải chỉ nghe bác sĩ trả lời câu hỏi y khoa. Nghe cũng vui vui,” ông kể.

Và nhờ nghêu ngao mà thính giả, bệnh nhân coi ông như một người thân.

“Nhiều người tới khám bệnh chỉ là một phần, phần còn lại là để giãi bày chuyện gia đình, chẳng hạn như con tôi giờ này kia quá không biết làm sao, hay chồng tôi giờ sinh tật, rồi vợ tôi giờ lại mắc bệnh hay lo… Từ những câu chuyện này, mỗi lần lên radio tôi có dịp chia sẻ với ‘gia đình lớn’ của mình,” ông cho hay.

Chính vì lẽ đó, phòng mạch của ông luôn treo câu “Tận Tâm Đối Với Bệnh Nhân Như Là Chăm Sóc Người Thân Trong Nhà,” là phương châm làm việc của ông, cũng như toàn thể các cộng sự viên phòng mạch.

Bác Sĩ Hoàng chia sẻ: “Cuộc đời tôi cũng ba chìm bảy nổi. Ngày xưa ba tôi đi ‘cải tạo,’ gia đình gặp đủ thứ chuyện. Khi được theo diện H.O. qua Mỹ, tôi cũng phải chùi nhà vệ sinh, đi bỏ báo… và tự nhủ phải cố gắng vươn lên để vượt qua những khúc quanh đó. Và để có được như hôm nay là nhờ sự thương yêu của bà con đồng hương, nên tôi mở đài radio này để chia sẻ với mọi người những hiểu biết của mình.”

Sau khi tốt nghiệp y khoa năm 1988, nội trú bệnh viện ở New York, chuyên về người lớn và người già, ông hành nghề y cho đến nay.

Ông vừa mở thêm một chi nhánh mới tại số 10666 Chapman Ave., Garden Grove, CA 92840 (giữa Brookhurst và Euclid), làm việc toàn thời gian, liên tục, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu. Phòng mạch cũ ở 16040 Harbor Blvd., # G, Fountain Valley, CA 92708, vẫn tiếp tục hoạt động bình thường, toàn thời gian, năm ngày một tuần, kể cả Thứ Bảy, và tăng thêm giờ làm việc buổi chiều. Với những người lớn tuổi, không có phương tiện di chuyển, phòng mạch có thiện nguyện viên giúp đưa đón miễn phí.

Ông cho hay: “Phòng mạch vừa nhận được sự cộng tác của hai bác sĩ cũng rất giỏi và tận tâm, là Bác Sĩ Nguyễn Lê Minh, từng là bác sĩ quân y Thủy Quân Lục Chiến, chăm sóc cả trẻ em lẫn người lớn; và Bác Sĩ Định Nguyễn, ngoài việc chăm sóc của trẻ em lẫn người lớn, cũng làm các tiểu phẩu rất kỹ lưỡng và khéo tay.”

“Tôi mở chi nhánh thứ hai này để phục vụ cư dân phía Bắc Orange County. Chỗ cũ thì mướn, còn chi nhánh mới thì tôi mua riêng cho mình. Buổi sáng tôi làm ở chỗ cũ, buổi chiều mới sang chỗ mới. Vả lại trước đây tôi cũng làm tới 1 giờ chiều là nghỉ để làm những việc khác như báo chí, radio,” ông cho biết.

Ngoài công việc y khoa và chương trình “Những Câu Chuyện Sáng Chủ Nhật” của riêng mình trên làn sóng 106.3 FM, từ 6 giờ sáng đến 9 giờ sáng Chủ Nhật, Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng còn là cộng tác viên của nhật báo Người Việt, phụ trách mục “Bác Sĩ Của Bạn” trên trang Sức Khỏe ra mỗi Thứ Sáu; mục “Điểm Tin Sức Khỏe” trên tuần báo Việt Tide, cũng ra mỗi Thứ Sáu; mục “Kiến Thức Y Khoa” mở trực tiếp cho khán thính giả gọi vào trên KVLA TV băng tần 56.5, từ 3 giờ 30 phút đến 4 giờ 30 phút mỗi chiều Thứ Sáu, phát lại từ 7 giờ đến 8 giờ sáng Thứ Bảy và Chủ Nhật; mục “Y Khoa và Đời Sống” trên Việt Phố TV băng tần 57.10, lúc 7 giờ tối Chủ Nhật, 8 giờ sáng Thứ Hai và 1 giờ chiều Thứ Năm.

“Dù công việc phòng mạch rất bận nhưng qua việc viết báo, làm chương trình TV và radio, tôi cảm thấy đó là duyên lớn. Cuối mỗi chương trình tôi đều nói: ‘Aloha, I love you, and Good bye’ với ý nghĩa, Aloha là một ngôn từ có xuất xứ từ Hawaii với nhiều nghĩa như sự chào hỏi, là tình yêu, là hòa bình, hữu nghị, cảm ơn, tạm biệt và cả xin chào. Đối với người Hawaii, Aloha được sử dụng như một lời chào hỏi khi gặp nhau cũng như khi chia tay. Và tôi luôn muốn cảm ơn tất cả mọi người,” Bác Sĩ Hoàng tâm sự. (QUỐC DŨNG)

—–

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT