Saturday, April 20, 2024

Cúng cô hồn Rằm Tháng Bảy ở Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Ngày Rằm Tháng Bảy là ngày Lễ Hội Vu Lan chính thức. Năm nay, ngày này rơi vào Thứ Năm, 15 Tháng Tám, 2019. Chùa Huệ Quang, Santa Ana, đã long trọng tổ chức Ngày Xá Tội Vong Nhân, Cúng Cô Hồn, và Ngày Chay Tịnh để đồng hương Phật tử có dịp đến chùa tỏ lòng kính yêu cha mẹ hiện tiền và cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp.

Mới 9 giờ sáng, trong khuôn viên chùa đã đông nghẹt đồng hương đến để thắp hương niệm Phật tại bàn thờ Tượng Đức Quan Âm Bồ Tát lộ thiên, cũng có số đông đến thắp hương cho thân nhân đã quá vãng được thờ phượng tại chùa.

Bên hông sân chùa, một dãy bàn thật dài là nơi đồng hương đến nhận các món chay tịnh buffet miễn phí. Những Phật tử có nhiệm phục vụ đồng hương tại đây đã có mặt sớm, người thì lo sắp xếp bàn ghế, kẻ thì mang những khay thực phẩm chay đặt trên dãy bàn dài.

Bà Diệu Minh, Phật tử của chùa Liên Hoa, Garden Grove, nhưng mỗi Mùng Một và ngày Rằm Âm Lịch trong tháng thì bà đã đến chùa Huệ Quang để phụ giúp vào công việc này, nói: “Mỗi tháng hai kỳ, tôi bỏ công sức và tiền để mua thực phẩm đóng góp công đức cho chùa về việc nước giải khát, thường thì tôi mua hột é, mủ trôm, lừ ư… rồi pha trộn để làm nước giải khát. Hôm nay là ngày Rằm Tháng Bảy, trời rất nóng nên tôi đã chuẩn bị trên 700 ly nước hột é để phục vụ cho đồng hương đến dùng thực phẩm chay miễn phí. Nói nào ngay, mình là Phật tử thì đóng góp một ít trong ngày chay tịnh thì không là bao nhiêu, cũng làm cho mình thấy vui. Mỗi tháng chùa đãi cơm chay, còn tôi thì đãi nước uống và cũng có mấy cô cậu giúp tại quầy giải khát này. Mọi người đều làm với cái lòng của mình thôi, không tính toán gì hết.”

Đồng hương tham dự Lễ Cúng Cô Hồn Rằm Tháng Bảy tại chùa Huệ Quang, Santa Ana. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Kế bên là cô Quảng Hiền, cư dân Garden Grove, Phật tử của chùa Huệ Quang, cũng thố lộ tâm tình: “Tôi là Phật tử của chùa đã trên hai năm, chuyên phụ giúp ban trai soạn. Lúc còn ở Việt Nam thì tôi chưa phải là Phật tử, nhưng khi sang đây thì thường đi theo cha mẹ để đến chùa trong những ngày lễ hội của Phật Giáo nên tôi học được thêm giáo lý của Phật Giáo. Cũng nhờ sư cô chỉ dạy nên tôi mới biết mình không phải chỉ có cha mẹ hiền tiền là cha mẹ của mình thôi, mà còn cha mẹ nhiều đời trong nhiều kiếp trước nữa. Bởi vậy, mỗi tháng tôi ráng dành dụm một ít tiền để tặng cha mẹ tôi, coi như mình tỏ lòng hiếu thảo. Còn đối với cha mẹ nhiều đời kiếp, thì tôi đến chùa làm công đức để họ được sớm vãng sanh.”

Gần chánh điện cũng có những Phật tử phụ giúp việc xắt trái cây, và họ cho biết vì trong nhà bếp quá đông người làm việc, nên họ mới đến gần chỗ đãi ăn để làm việc phụ giúp nhà bếp. Trong số này, Phật tử Huệ An nói: “Nhiệm vụ của chúng tôi hôm nay là gọt trái cây để cúng dường cho đại chúng vào ngày Rằm Tháng Bảy. Ba má của tôi đã mất hết rồi, vì thế, là người con Phật mình muốn báo hiếu với cha mẹ thì mình phải đến chùa làm công đức để hồi hướng cho những bậc sinh thành dưỡng dục mình được mau siêu thoát.”

Đồng hương tham dự Lễ Cầu Siêu. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Phật tử Chúc Đức đang gọt trái cây cũng bày tỏ: “Cha mẹ tôi còn đủ, nhưng ông bà vẫn còn ở Việt Nam. Vì thế, tháng nào tôi cũng gởi chút đỉnh về tặng cha mẹ. Mặc dù số tiền không là bao nhiêu, nhưng cũng làm cho tôi thấy yên lòng vì phần nào cũng báo hiếu cha mẹ. Thật ra, vấn đề báo hiếu thì mình cho cha mẹ bao nhiêu cũng không sánh được công lao của song thân đã lo cho mình lúc mới ra đời cho đến khi trưởng thành. Nhưng, nếu trong lúc này mình được phụng dưỡng cha mẹ trong lúc tuổi già, sức yếu thì mới đúng nghĩa của sự báo hiếu.”

Tại khu nhà bếp, một gian hàng thực phẩm chay rất nhiều món được bày biện rất bắt mắt. Những món ăn này đồng hương đến tự lựa chọn món ăn, và trả tiền để chùa gây quỹ tổ chức cho quầy chay tịnh miễn phí. Đặc biệt nhất là món bún bò kho chay và món kiểm của miền Tây.

Bà Nguyễn Thị Trinh, cư dân Westminster, vừa ăn xong tô bún bò kho chay, nói: “Ngày xưa tôi cũng là Phật tử, nên khi sang Mỹ, những ngày Mùng Một và Ngày Rằm thì chúng tôi cũng thường đến lễ Phật ở những ngôi chùa tại Little Saigon. Cha mẹ tôi đã mất hết rồi, nên trong mùa Vu Lan vợ chồng tôi thường đến chùa để lạy Phật và cùng với chư tăng ni đọc Kinh Vu Lan để sám hối tội lỗi của mình. Vì lúc cha mẹ còn sống, có những khi mình đã làm cho cha mẹ buồn. Đối với tôi, những ai còn cha mẹ thì đó là Đức Phật đã ban cho mình niềm hạnh phúc nhất, nhưng phải nhớ là đừng bao giờ làm cho cha mẹ mình khóc.”

Lễ Cúng Cô Hồn và rải tiền cho bá tánh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Khoảng 10 giờ 30 phút sáng, đồng hương Phật tử vân tập tại chánh điện cùng các chư tăng, ni tụng Kinh Vu Lan Báo Hiếu.

Đến 11 giờ trưa thì quầy buffet chay tịnh miễn phí bắt đầu phục vụ. Hàng trăm đồng hương đã xếp hàng thật dài để đến nhận cơm trưa miễn phí, và thưởng thức chương trình văn nghệ.

Trong chương trình văn nghệ, Hòa Thượng Thích Minh Mẫn, viện chủ chùa Huệ Quang, chia sẻ: “Lễ Cúng Cô Hồn là cơ hội để cho những người chết trên biển, người chết trong tù, ngươi chết vì tai nạn… chưa siêu thoát được về hưởng lộc cúng kiến của trần gian, cũng như họ được nghe kinh cầu siêu của chư tăng ni trong mùa Vu Lan để cho linh hồn họ sớm nhẹ nhàng thanh thoát. Riêng về giới trẻ sẽ học được thêm một lễ hội truyền thống của người Việt là Lễ Mang Ơn Cha Mẹ, cũng như người Mỹ đã có ngày Lễ Cha và Lễ Mẹ vậy.”

Quầy bán thức ăn chay. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Đối với Phật Giáo, Rằm Tháng Bảy là ngày rằm lớn và quan trọng. Tại Việt Nam, đến ngày này thì nhà nhà của những người con Phật đều cúng cô hồn còn lây lất trên trần gian có dịp về hưởng những thực phẩm do người còn sống đãi họ. Cũng tại Việt Nam, nói là cúng cho cô hồn chết, nhưng có một số người còn sống (cô hồn sống) lại đến để tranh nhau giành lấy những thực phẩm này. Ngoài ra, các chủ nhân cúng quảy cũng rải tiền để cho các cô hồn sống đến giành lấy.

Từ truyền thống đó, nên mỗi Rằm Tháng Bảy, chùa Huệ Quang tổ chức Lễ Cúng Cô Hồn rất long trọng, do các chư tăng ni đọc kinh cầu siêu cho những oan hồn uổng tử còn vướng mắc chốn trần gian về nghe kinh để được dễ siêu thoát. Những kẹo, xôi chè, bánh mứt, trái cây… để cúng cô hồn đầy đủ lễ vật, và cũng có truyền thống rải tiền cho bá tánh. (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT