Tuesday, April 16, 2024

Cựu học sinh Chu Văn An họp mặt trong tinh thần tôn sư trọng đạo

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trong tinh thần tôn sư trọng đạo, cựu học sinh Chu Văn An đã tề tựu trong buổi họp mặt Hè 2018 vào chiều Chủ Nhật, 5 Tháng Tám, do Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Chu Văn An Nam California tổ chức tại nhà hàng Seafood World, Westminster.

Đặc biệt lần này, ngoài những cựu giáo sư Chu Văn An về tham dự còn có rất nhiều cựu sinh viên sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức cũng đến tham dự, vì trong số này có rất nhiều người là học trò của các giáo sư Chu Văn An.

“Buổi họp mặt Hè là để tạo cơ hội cho thầy trò và thân hữu gặp lại nhau, tay bắt mặt mừng, chia cho nhau những kinh nghiệm sống trên xứ người. Nhất là được gặp lại thầy cũ. Chúng tôi chỉ còn một vài người thầy đã dạy lúc còn ở quê nhà, và may mắn thay, chúng tôi lại được gặp nhau trên xứ người thì không gì hạnh phúc bằng. Đồng thời chúng tôi cũng có tiết mục đóng góp một ít ngân khoản để yểm trợ cho Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH,” ông Trần Thế Ngữ thành viên trong ban tổ chức cho biết.

Sau nghi thức Tế Tổ Tiên Sinh Chu Văn An, ông Nguyễn Văn Thu, thành viên trong ban tổ chức giới thiệu tiểu sử từng vị thầy đến tham dự .

Các cựu giáo sư Chu Văn An trong buổi cựu học sinh Chu Văn An họp mặt 2018 tại nhà hàng Seafood World, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Theo ông Thu, Giáo sư Vũ Ngọc Ánh đã đào tạo rất nhiều nhân tài từ cấp quận trưởng đến cấp tỉnh trưởng và nhiều cấp đại tá. Thầy dạy tại trường Chu Văn An từ miền Bắc cho đến khi trường di chuyển vào Nam. Ngoài ra, ông còn dạy nhiều trường tại Hà Nội, Đà Lạt và Sài Gòn như Nguyễn Huệ, Bảo Long, Trần Hưng Đạo, Nguyễn Khuyến,… Ông còn soạn nhiều sách biên khảo, giáo khoa về văn chương, lịch sử Việt Nam và từng là thượng nghị sĩ dưới thời VNCH.

Thầy Nguyễn Hy Vọng, nguyên là bác sĩ y khoa. Thầy dạy Chu Văn An từ 1950 cho đến 1956. Thầy là người đất Thần Kinh, nhưng thầy đã dạy cho trường ở miền Bắc và sau này trường Petrus Ký tại Sài Gòn. Sau đó thầy còn dạy ở trường Quốc Học, Huế. Ngoài ra, thầy còn là tác giả của nhiều sách nghiên cứu không phải là y khoa mà nghiên cứu về văn học, những cái tương quan về chữ nghĩa của Việt, Miên, Lèo, Thái Lan và những miền sơn cước nó gần gần giống nhau.

Thầy Dương Ngọc Sum là thầy của các vị thầy, bởi vì thầy dạy trường Sư Phạm chuyên đào tạo các thầy giáo, nên thầy là thầy của các vị thầy. Nhưng đặc biệt là thầy được gọi động viên vào khóa 14 Trừ Bị Thủ Đức, thế nên, thầy cũng đã làm tròn bổn phận làm trai. Khi thầy được giải ngũ rồi, một thời gian sau, thầy được lệnh gọi tòng quân nữa. Cuối cùng, thầy là cựu Thanh Tra Bộ Giáo Dục VNCH, phụ tá Vụ Đặc Biệt Tổng Trưởng Đặc Trách Khối Nghiên Cứu và Phát Triển Giáo Dục, cũng từng dạy nhiều trường như Sư Phạm Sài Gòn, Petrus Ký,…

Ông Nguyễn Văn Thu (trái) và Bác Sĩ Đặng Trần Hào trong buổi cựu học sinh Chu Văn An họp mặt 2018 tại nhà hàng Seafood World, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Cũng có sự hiện diện của Giáo Sư Châu Minh Ba tốt nghiệp kỹ sư công chánh ở bên Pháp. Nhưng khi về nước làm việc một thời gian thì ông cũng được gọi tòng quân nhập ngũ theo lệnh tổng động viên để làm tròn nhiệm vụ người trai trong thời chinh chiến.

Hội Trưởng Nguyễn Thái Hanh cho biết: “Tôi học Chu Văn An Hà Nội 1952, tốt nghiệp Chu Văn An Sài Gòn 1959. Nói đến các thầy thì tôi không thể quên được công ơn mà các thầy đã dạy dỗ để cho chúng ta có được những kiến thức như ngày hôm nay. Nếu không có các thầy thì chúng ta chỉ học được những kiến thức của cha mẹ quanh quẩn trong gia đình mà thôi. Bởi vì kiến thức là sức mạnh nên tôi muốn vinh danh các thầy trong ngày hôm nay.”

Những vị thầy mà ban tổ chức vinh danh gồm có các Giáo sư Vũ Ngọc Ánh, Nguyễn Hy Vọng, Dương Ngọc Sum, Lê Trung Khảo, Lê Trung Nguyên, Vũ Văn Lộc, Trần Văn Mại, Vũ Khắc Khoan, Nguyễn Văn Bùi, Trần Văn Tiên, Bạch Văn Ngà, Nguyễn Văn Đỉnh, Nguyễn Văn Hanh.

Bác Sĩ Đặng Trần Hào, cựu học sinh Chu Văn An, trưởng ban tổ chức nói về những điểm son của Tiến Sĩ Chu Văn An. Bác sĩ có kể: “Lúc còn đang thời ông Chu Văn An có nói: Tôi đi học không phải để thi cử, mà đi học để ra làm thầy. Và sau đó, ông đậu tiến sĩ thì vua cho làm chức tước, nhưng ông xin phép đi về, vì mục đích của ông không muốn như vậy. Rồi ông có nói với Vua Trần Minh Tông: ‘Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Thần đọc sách chưa thấy nước nào không coi trọng sự học mà có thể tiến lên được. Xin bệ hạ cho hạ thần về nhà để mở trường dạy học để góp phần bồi bổ sự học cho nước nhà.”

“Sau đó, chỉ trong vòng một năm thì có đến 3,000 học sinh đến học tại trường của ông, kể cả những vị hoàng tử cũng đến xin đi học. Không bao lâu, vua nghe sự thành công về vấn đề dạy học của Tiến Sĩ Chu Văn An, Vua Trần Minh Tông mới mời ông về làm quan với chức vụ để giữ Quốc Tự Giám, Chu Văn An mừng và chấp nhận,” Bác Sĩ Hào kể thêm.

Cũng theo Bác Sĩ Hào, trong thời đó, thế giới chưa có bao nhiêu trường đại học mà Việt Nam lập được Quốc Tự Giám cũng là một đại học rất hay cho từ đời Lý và mãi đến sau này. Đó cũng là nhờ một phần của Tiến Sĩ Chu Văn An.

Phần trình diễn của CLB Tình Nghệ Sĩ trong buổi cựu học sinh Chu Văn An họp mặt 2018 tại nhà hàng Seafood World, Westminster. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Tôi cũng là một cựu học sinh Chu Văn An và quý thầy có mặt trong hôm nay có người cũng đã dạy học cho chúng tôi. Tôi xin đại diện cựu học sinh Chu Văn An xin cám ơn sự dạy dỗ của quý thầy đã hướng dẫn cho chúng con được thành người như ngày hôm nay. Chúc quý thầy sức khỏe dồi dào, và chúng ta hy vọng thời gian rất gần, chúng ta sẽ có thể gặp nhau ở Việt Nam để làm một chút gì cho đất nước mình,” Bác sĩ tâm tình thêm.

Sau đó, Bác Sĩ Đặng Trần Hào đại diện ban tổ chức trao một số hiện kim cho bà Nguyễn Thanh Thủy, Hội trưởng Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH.

Ông Quang Chiểu, thành viên trong ban tổ chức nói: “Năm nào cựu học sinh Chu Văn An cũng tổ chức gây quỹ cho những anh em thương phế binh VNCH tại quê nhà. Chúng tôi lúc nào cũng ưu tư, nhớ đến những anh em thương phế binh đã từng hy sinh một phần thân thể của mình để gìn giữ miền Nam Việt Nam. Với sự chia sẻ này chỉ là một chút quà mọn, nhưng cũng thể hiện tình cảm từ anh em cựu học sinh Chu Văn An với những chiến sĩ đã hy sinh đời trai cho tổ quốc.”

Bà Nguyễn Thanh Thủy xúc động nói: “Cám ơn tất cả quý vị đã ủng hộ giúp cho những gia đình của thương phế binh VNCH còn tại quê nhà. Tôi rất xúc động khi nhận sự giúp đỡ của các cựu học sinh trường Chu Văn An.”

Bác Sĩ Đặng Trần Hào cũng tâm tình: “Vì tôi cũng là một cựu quân nhân của QLVNCH, nên khi nhắc đến thương tích trong chiến trận thì tôi cũng nhớ đến hai câu thơ: ‘Giọt máu đào loang trên áo trận/Anh mỉm cười ôm nhẹ vết thương đau’. Vì tôi cũng là người đã từng ôm nhẹ vết thương đau, nhưng bây giờ thì tôi vẫn còn đi đứng đến nơi này. Vì thế, tôi rất thông cảm và cám ơn những anh em thương phế bình còn ở lại quê nhà.”

Ông Trần Thế Ngữ, cựu học sinh Chu Văn An cho biết: “Được thành lập từ năm 1908, tiền thân của trường Chu Văn An có tên là Lycée du Protectorat của thời Pháp thuộc, mà người Việt Nam mình hay gọi là trường Bảo Hộ, và cũng có người gọi trường này là trường Bưởi, lý do là trường Lycée tọa lạc tại làng Bưởi, và người Việt mình không muốn gọi tên trường do sự bảo hộ của người Pháp mà gọi là trường Bưởi. Sau khi Pháp trả lại độc lập cho Việt Nam thì chính phủ Trần Trọng Kim mới đổi tên trường này là Chu Văn An.”

Buổi tổ chức có phụ diễn phần văn nghệ, với sự yểm trợ của CLB Tình Nghệ Sĩ và một số ca nghệ sĩ tại Nam California.

Một xã nghèo có năm người chết, 42 người bị nhiễm HIV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT