Wednesday, April 17, 2024

Cựu học sinh Đà Nẵng làm lễ giỗ thứ 92 chí sĩ Phan Châu Trinh

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – Trưa Chủ Nhật, 25 Tháng Ba, Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng và Hội Ái Hữu Quảng Nam Đà Nẵng đồng trang trọng tổ chức lễ giỗ lần thứ 92 cụ Phan Châu Trinh tại nhà hàng Golden Sea, Anaheim.

Trên sân khấu, một bàn thờ trang trọng được thiết lập với di ảnh của cụ Phan Châu Trinh.

“Hằng năm, hội chúng tôi luôn cử hành lễ giỗ cụ Phan Châu Trinh. Những lần hội ngộ làm lễ giỗ cụ, chúng tôi lại có dịp nhắc nhớ đến tinh thần yêu nước và những chủ trương thức thời của cụ. Từ đó thấy rằng chủ trương bất bạo động của cụ trước thực dân Pháp vẫn còn giá trị thực tiễn trong công cuộc tranh đấu của chúng ta trước cường quyền Cộng Sản đang ngự trị đất nước ngày nay,” ông Phan Ứng Thời, hội trưởng Hội Ái Hữu Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, cho biết.

Ông Huỳnh Tuấn, thành viên trong ban tổ chức, nói: “Chí sĩ Phan Châu Trinh là một tấm gương sáng trong phong trào Duy Tân đầu thế kỷ 20. Ông là người có tư tưởng dân chủ trước nhất trong các nhà nho yêu nước tiến bộ. Ông chọn con đường dấn thân tranh đấu, nhưng ôn hòa bất bạo động. Ông coi dân chủ cấp bách hơn độc lập và coi việc dùng luật pháp, cai trị quy củ có thể quét sạch chủ bại phong kiến. Ông đã lựa chọn một con đường mà hướng đi mới chưa từng có trong lịch sử dân tộc, đó là con đường cách mạng theo ngọn cờ dân chủ tư sản.”

Giáo Sư Thái Doãn Ngà, cựu hiệu trưởng Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng (1966-1973), phát biểu cảm tưởng: “Hy vọng một ngày nào đó con cháu của chúng ta sẽ trở lại Việt Nam và đem lại hạnh phúc cho dân tộc. Và tôi cam đoan với quý vị rằng, một ngàn năm giặc Tàu không bao giờ đồng hóa được dân Việt Nam, thì một ngày nào đó, con cháu của chúng ta sẽ có một cách mạng để giải phóng cho đất nước. Tôi hy vọng như vậy và quý vị cũng có quyền hy vọng, vì một ngàn năm không làm gì được thì cho đến bây giờ họ cũng không làm gì được.”

Ban Hợp Ca Cựu Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng đồng ca bài “Thề Không Phản Bội Quê Hương” trong lễ giỗ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Vũ Đình Huân nói về đề tài “Phan Châu Trinh người đi trước thời đại” theo bài viết của Giáo Sư Trần Gia Phụng: “Cụ Phan Châu Trinh kêu gọi dân chủ dưới chế độ quân chủ, là một điều quá mới mẻ và táo bạo ở Việt Nam vào đầu thế kỷ 20, vì người Việt đã trải qua cả hàng ngàn năm quân chủ. Một điểm rất mới hơn nữa của Phan Châu Trinh, đi trước thời đại cả trăm năm, và cho đến ngày nay vẫn còn mới mẻ, là ông dừng lại ở chủ trương dân chủ, không đi vào chủ nghĩa Cộng Sản.”

“Chủ trương và hoạt động của Phan Châu Trinh cho thấy ông là nhà chính trị rất sáng suốt, cấp tiến, luôn luôn đi trước thời đại. Ông tỏ ra sáng suốt và tiến bộ cả trăm năm trước. ‘Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh,’ đúng là chín chữ vàng của người Việt Nam, và cũng là chín chữ vàng của toàn thế giới, vì thời nào, lúc nào, ở đâu, nước nào cũng luôn luôn cần mở mang trình độ dân chúng, nâng cao tinh thần dân chúng và phát triển đời sống dân chúng,” ông nói thêm.

Có mặt trong buổi lễ, ông Phan Thanh Thắng, thành viên của Việt Nam Quốc Dân Đảng, và ông cũng trong vai trò là con cháu của nhà cách mạng Phan Châu Trinh, chia sẻ: “Chúng tôi rất hãnh diện về cụ Phan Châu Trinh. Vì cụ được sinh ra ở một làng quê Tây Lộc, Huế cũng là nơi sinh ra của cá nhân tôi, và làng này có một hồ sen rất đẹp, cho nên cụ mới lấy hiệu là Tây Hồ. Tư tưởng của cụ đã đi trước thời cuộc, vì cho cả bao nhiêu chục năm nay, tư tưởng của cụ vẫn còn giá trị một cách tuyệt đối. Bởi vì lúc bây giờ cụ Phan không muốn chiến tranh bạo động thì phải tắc tử, cho nên cụ đã chủ trương ôn hòa, và đã làm cho ngoại bang phải khiếp sợ tinh thần dân tộc Việt Nam.”

Theo bài viết của Giáo Sư Trần Gia Phụng, ông Phan Châu Trinh đỗ cử nhân năm 1900, đỗ phó bảng năm 1901, ra làm quan năm 1903. Năm sau, ông đột ngột từ quan, trở về đời sống thường dân, hoạt động văn hóa chính trị một cách tự do. Đây là một quyết định hết sức táo bạo, đi trước thời đại, vì lúc đó, đỗ đại khoa, ra làm quan, là ước mơ của nhiều người để được công danh phú quý.

Năm 1904, cụ Phan cùng một số thân hữu mở ra phong trào Duy Tân, hoạt động công khai, bất bạo động, vận động trực tiếp với quần chúng, theo chủ trương “Khai dân trí, chấn dân khí, hậu dân sinh.” Vận động Duy Tân công khai trực tiếp với dân chúng cũng là một điểm mới lúc bấy giờ.

Giáo Sư Thái Doãn Ngà, cựu hiệu trưởng Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng, phát biểu cảm tưởng về chí sĩ Phan Châu Trinh. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Mở đầu việc khai dân trí, cụ hô hào bỏ chữ Nho, bỏ lối thi cử cổ điển, chuyển qua dùng quốc ngữ, vì quốc ngữ dễ học, dễ phổ biến, có thể dùng làm phương tiện để mở mang dân trí, phát triển đất nước.

Không kể Nam Kỳ là thuộc địa, tại Trung và Bắc Kỳ cho đến năm 1919, tức 15 năm sau lời kêu gọi của Phan Châu Trinh, triều đình mới chính thức bãi bỏ việc học chữ Nho và thi Nho học. Về quốc ngữ, cho đến năm 1925, tức hơn 20 năm sau lời kêu gọi của cụ, Pháp mới đưa quốc ngữ vào chương trình tiểu học của nền giáo dục mới. Như thế Phan Châu Trinh đi trước triều đình Huế và trước cả nhà cầm quyền Pháp.

Từ năm 1905, cụ mở rộng cuộc vận động Duy Tân ra khắp nước. Khi đi về phương Nam, đến Bình Thuận, cụ khuyến khích các nhân sĩ địa phương lập công ty thương mại Liên Thành và mở trường Dục Thanh dạy quốc ngữ. Sau đó, ra Bắc năm 1906, cụ giúp các nhân sĩ Hà Nội lập Đông Kinh Nghĩa Thục.

Tiếp theo, cụ qua Nhật Bản quan sát, vì từ thời Minh Trị Thiên Hoàng, Nhật Bản là trung tâm ánh sáng của cả Châu Á. Trên đường đi, tại Quảng Châu, Phan Châu Trinh gặp Phan Bội Châu, và cả hai cùng qua Nhật Bản.

Từ Nhật Bản trở về, cụ Phan bắt đầu cổ xúy dân quyền. Ông khẳng định với cụ Phan Bội Châu rằng: “Chỉ nên đề xướng dân quyền, dân đã biết có quyền thì việc khác có thể tính lần được.”

Vào thời bấy giờ, chế độ thực dân Pháp đang siết chặt gọng kèm cai trị, khai thác tài nguyên, bóc lột dân chúng. Vì vậy, vận động dân quyền để “việc khác có thể tính lần được,” với các nhà cách mạng là việc đòi hỏi tự do độc lập cho đất nước. Đây là một chủ trương “mềm,” hết sức mới mẻ, khác với các cuộc võ trang chống Pháp trước đây.

Kết quả “đề xướng dân quyền” nổi bật nhứt là các cuộc biểu tình rầm rộ, xin hạ thuế, giảm xâu của dân chúng, phát xuất từ huyện Đại Lộc tỉnh Quảng Nam từ Tháng Ba, lan rộng ra các tỉnh miền Trung đến Tháng Sáu, 1908. Nhà cầm quyền Pháp cho rằng đây là kết quả công cuộc vận động dân quyền của Phan Châu Trinh, nên dù cụ không tổ chức, không tham gia biểu tình, Pháp vẫn bắt cụ Phan Châu Trinh tại Hà Nội ngày 31 Tháng Ba, 1908.

Nhờ Hội Nhân Quyền Pháp can thiệp, cụ Phan Chu Trinh không bị tử hình, mà bị đày đi Côn Lôn (Côn Đảo), và bị đưa về an trí ở Mỹ Tho giữa năm 1910. Theo yêu cầu của cụ Phan, Pháp cho cụ cùng với con trai là Phan Châu Dật rời Sài Gòn qua Pháp ngày 1 Tháng Tư, 1911. (Lâm Hoài Thạch)

Mời độc giả xem chương trình “Con Yêu” với đề tài “Con em chúng ta cần phải học được những bài học vấp ngã”(Phần 2)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT