Wednesday, April 24, 2024

Cựu học sinh Nông Lâm Súc Bình Dương khắp nơi hội ngộ tại Little Saigon

Lâm Hoài Thạch/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – “Một Thời Áo Nâu” là chủ đề của Đại Hội Nông Lâm Súc Bình Dương lần thứ 5 vừa được khai mạc vào sáng Thứ Bảy, 24 Tháng Tám, do Hội Cựu Học Sinh Nông Lâm Súc Bình Dương Nam California tổ chức tại nhà in Song Hỷ, Garden Grove.

Theo ban tổ chức, đặc biệt lần này, ngoài những thầy cô, bạn hữu và gia đình đến từ những tiểu bang khác tại Hoa Kỳ còn có những người từ Úc, Canada về, và 14 người từ Việt Nam sang.

Khi bước vào khuôn viên tổ chức, một khung cảnh rất đặc thù của quê hương Việt Nam với cổng trường Trung Học Nông Lâm Súc Bình Dương rất to. Khi bước vào bên trong thì những người đến dự phải ngạc nhiên với những khung cảnh ngày xưa của ngôi trường Nông Lâm Súc Bình Dương và những nơi kề cận.

Theo ban tổ chức, nhà in “Song Hỷ” có địa điểm thuận tiện và có sân rộng rãi để thiết kể những cảnh trí của ngôi trường cũ ngày xưa, nên ban tổ chức mới mượn nơi này để thiết kế những khung cảnh cho phù hợp với cảnh vật ngoài trời và những hình ảnh kỷ niệm xung quanh ngôi trường cũ. Chính chủ nhân cũng là cựu học sinh của Nông Lâm Súc Bình Dương.

Hội Trưởng Lưu Xẻn đứng trên tạo cảnh cây cầu ngang và Sa Quạt Nước An Mỹ. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ngành Nông Lâm Súc cũng giống như ngành Kỹ Thuật, đó là thực tế. Người đầu tiên chủ trương thành lập tất cả các trường Nông Lâm Súc ở miền Nam là Bác Sĩ Thú Y Đặng Quang Điện. Bác sĩ có tiêu chí là “Học để làm, làm để học, tạo tiền để sống, và sống để phụng sự.” Đó là căn ngôn của ngành Nông Lâm Súc.

Hội Trưởng Lưu Xẻn, cựu học sinh ngành Công Thôn, khóa 2 Nông Lâm Súc Bình Dương (1969-1972), cho hay: “Vì chuyên ngành về Nông Lâm Súc nên đại hội kỳ 5 này chúng tôi muốn tổ chức ở ngoài trời để trông có mùi vị đồng quê, và cho những người đến dự chiêm ngưỡng lại một không gian và thời gian đã đi qua trong cuộc đời mình. Tuy cảnh cũ không còn nữa, nhưng vẫn trường tồn trong tâm khảm của chúng tôi.”

Cũng theo hội trưởng, ban tổ chức đã thực hiện tại vị trí này có cổng trường Nông Lâm Súc Bình Dương ngày xưa đã được dựng lên vào 50 năm trước tại Bình Dương. Cũng có những cảnh cũ như Sa Quạt Nước ở An Mỹ, và có cái cầu ngang, vì trường cũ nằm ở Chợ Búng có biểu tượng là một cái cầu ngang mà đối với dân Bình Dương thì ai cũng biết cầu này. Trước khi qua cầu ngang thì có Quán Cơm Xã Hội, và ban tổ chức cũng làm mẫu một quán cơm này ở đây, mà ngày xưa các học sinh đến ăn trưa được trả rẻ tiền. Rồi cũng có thiết kế một trạm xá y tế tại Gò Dậu gần An Mỹ, và nhiều cảnh trí khác.

Cô giáo Bạch Thị Vàng. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Nói đến Bình Dương thì phải nhắc đến Chợ Búng có bánh bèo Mỹ Liên, bánh bèo Ngọc Hương mà đám học sinh chúng tôi thường ghé đến đó. Từ trường này, đi qua cầu ngang thì có những vườn dâu, vườn măng cụt, vườn sầu riêng… và cái thú nhất trong đám học sinh của chúng tôi là vào những buổi trưa, chúng tôi kéo một đám vào những khu vườn tược này để mua trái cây và ăn uống,” ông hội trưởng kể thêm.

Ông Nguyễn Văn Có, cựu học sinh khoa Công Thôn Khóa 3 (1970-1975), hiện là phó chủ tịch ngoại vụ, kể: “Trường thành lập năm 1968. Chương trình học của chúng tôi học khác với các trường trung học, có nghĩa là chúng tôi luôn học suốt cả ban ngày, gồm buổi sáng học về phổ thông, còn buổi chiều học về chuyên khoa. Tôi ra trường năm 1975, sau đó tôi không làm việc được với chế độ của Cộng Sản nên chỉ về nhà làm ruộng và tìm đường ra khỏi nước mà thôi. Khi ra hải ngoại, chúng tôi vẫn liên kết với mọi người được vì việc học ngày trước rất gắn bó, đã nối liền với cuộc đời của chúng tôi.”

Ông Trần Văn Hai, lớp Canh Nông Khóa 1 (1968-1969), kể: “Khi trường mới thành lập thì tôi được vào lớp 10. Tôi học tại trường này ba năm, sau khi tốt nghiệp xong Tú Tài Phần Hai, thì tôi bước vào Đại Học Văn Khoa. Vài năm sau thì tôi bị động viên vào quân đội. Tôi có viết một bài ‘Hãy Thương Một Dòng Sông’ đăng lên trang web của Bình Dương Việt Nam. Vì dòng sông quê hương đó là sự gợi nhớ của chúng tôi, đó là nơi tôi sinh ra và lớn lên tại Bình Dương. Có đôi lúc tôi nhìn lại những cảnh cũ, nó ghi cho tôi những cảm xúc là tình người của Bình Dương cũng theo dòng sông của quê hương tôi, đó là thật thà, chất phác và chúng thủy.”

Vợ chồng ông Phạm Văn Nghĩa, chủ nhân nhà in Song Hỷ, nơi tái hiện cổng trường Nông Lâm Súc Bình Dương ngày xưa. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Ông Phạm Văn Nghĩa, khóa 2 Ban Công Thôn (1969-1970), chủ nhân nhà in Song Hỷ, cho biết thêm: “Trường Nông Lâm Súc có ba ngành chính, đó là Nông Nghiệp, Lâm Nghiệp và Súc Khoa (chăn nuôi). Sau này có thêm ngành Công Thôn (công tác nông thôn), chuyên đi công tác để phục vụ cho ba ngành kia, vì thế ban Công Thôn này không có trong thời mới thành lập trường Nông Lâm Súc.”

“Sau khi tốt nghiệp, tôi đi vào Cao Đẳng Nông Lâm Súc, rồi sau đó tôi về dạy cho trường ở Cái Bè. Cho đến 1975, thì tôi cũng được chính quyền Cộng Sản cho đi dạy tiếp tục. Bởi vì, tôi không có dính đến lính tráng. Khi Cộng Sản chiếm miền Nam thì họ đã xóa tên tất cả những trường Nông Lâm Súc của VNCH, nhưng họ vẫn cho chúng tôi đi dạy học lại. Nhờ chúng tôi học về Công Thôn của Nông Lâm Súc, nên chúng tôi giỏi về toán, và họ cho tôi dạy về môn toán của các trường trung học phổ thông,” ông Nghĩa kể thêm.

Trong số những người từ Việt Nam sang, bà Ngọc Hương, cựu học sinh thuộc ngành Mục Súc khóa 2 (1972-1975), sang Mỹ dự đại hội được hai lần, cho biết: “Tôi từng sang Úc để dự những buổi họp mặt của cựu học sinh Nông Lâm Súc Bình Dương, thì ở đâu cũng vậy, mặc dù cựu học sinh chúng tôi rải rác khắp nơi ở hải ngoại, nhưng cái tình cảm của những người xa quê hương vẫn thấy gắn bó và ấm áp vô cùng.”

Các cựu học sinh Nông Lâm Súc Bình Dương họp mặt lần thứ 5 tại Garden Grove. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Kế bên, bà Nguyễn Thị Phượng, bạn học cùng ngành, cùng khóa với bà Ngọc Hương, cũng có lời chia sẻ: “Tôi may mắn từ Việt Nam sang Mỹ dự đại hội được hai lần. Học trò của Nông Lâm Súc không giống như những trường phổ thông khác, vì chúng tôi vừa học phổ thông và vừa thực hành những công việc về đồng án như chăn nuôi, làm ruộng, làm rẫy… nên chúng tôi rất có nhiều tình cảm mật thiết với nhau từ hồi lúc còn đi học. Vì thế sau hơn 50 năm rời khỏi mái trường thân yêu cũ, chúng tôi vẫn còn gắn bó đến ngày hôm nay.”

Bà Ngọc Dung, cựu học sinh thuộc ngành Canh Nông khóa 7 (1970-1974), cũng từ Việt Nam sang, ngậm ngùi tâm tình trong nước mắt: “Năm 1972 tôi không còn học ở Nông Lâm Súc nữa. Lý do tôi bị gián đoạn vì ngày xưa tôi ở Bình Nhâm, một vùng thôn quê cách xa 11 cây số để đến trường, chiến tranh kéo về trên đoạn đường tôi đi học nên việc học của tôi cũng bị ảnh hưởng. Ba mẹ tôi thấy quá nguy hiểm khi tôi đến trường hằng ngày mới khuyên tôi nên nghỉ học. Đây là điều đau lòng nhất trong cuộc đời của tôi vì chiến tranh mà tôi phải xa thầy bạn cùng trường. Cũng vì tình thầy trò, tình bạn hữu, mặc dù tôi không được học hết chương trình của Nông Lâm Súc, nhưng tôi cũng phải có mặt trong lần đại hội này.”

Tham dự đại hội có quý thầy cô Nguyễn Ngọc Ẩn, Nguyễn Thị Quới, Nguyễn Thượng Hạng, Bạch Thị Vàng, Trịnh Thị Kim Loan, Nguyễn Thị Kim Chi, Đặng Tấn Luân, Quỳnh Thị Hương, Trần Hào, Nguyễn Hữu Giao, và Nguyễn Thị Thu. (Lâm Hoài Thạch)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT