Thursday, March 28, 2024

Cựu học sinh nữ trung học Lê Văn Duyệt đại hội toàn cầu 2017

Văn Lan/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – “Đại hội năm nay mang chủ đề ‘Nét Đẹp Quê Hương,’ một quê hương với bao nét đẹp thiên nhiên thơ mộng, biển trời mênh mông, núi rừng hùng vĩ, nét đẹp của một dân tộc không chịu khuất phục trước ngoại xâm, nét đẹp của người phụ nữ với tấm lòng thủy chung hy sinh vô bờ bến.”

Đó là lời phát biểu khai mạc của hội trưởng Đặng Kim Kiểm, trong Đại Hội Toàn Cầu 2017 lần thứ 26 của nữ trung học Lê Văn Duyệt, vào chiều Chủ Nhật, 24 Tháng Chín, tổ chức tại nhà hàng Seafood Place, Garden Grove.

Sau nghi thức khai mạc, các nữ sinh với tà áo dài xanh lục truyền thống, cùng đồng ca “Lê Văn Duyệt Hành Khúc.”

Phó hội trưởng Cao Thị Minh Châu giới thiệu các giáo sư về tham dự, như Vũ Ngọc Mai, Lê Thị Thu, Nguyễn Ngọc Đường, Phó Đức Long, Nguyễn Thị Thục, Nguyễn Thị Tịnh, và Nguyễn Đức Long.

Cùng đến tham dự có nhiều hội đoàn, các hội ái hữu cựu học sinh các trường trung học VNCH và thân hữu, cùng nhiều cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt từ các nơi xa về như Úc, Bỉ, North và South Carolina, Việt Nam, Virginia, Seatle, Washington, Nam và Bắc California.

Hội trưởng Đặng Kim Kiểm, cũng là trưởng ban tổ chức, phát biểu chào đón thầy cô, quan khách tham dự và cảm tạ những đóng góp quý báu tiếp tay ủng hộ, đóng góp tài lực của tất cả cựu nữ sinh, anh rể, bạn bè thân hữu, giúp cho đại hội thành công.

Học sinh tặng hoa thầy cô. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ban chấp hành Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt nhiệm kỳ 2017-2019 được giới thiệu gồm có: Cao Minh Châu (phó hội trưởng), Huỳnh Kim Phượng (tổng thư ký), Phạm Mai Lan (tổng thủ quỹ), và Đặng Kim Kiểm (hội trưởng).

Cô An Hảo, cựu hội trưởng, tặng tân ban chấp hành bó hoa với lời chúc sức khỏe để lèo lái con thuyền Lê Văn Duyệt.

Hội trưởng Đặng Kim Kiểm nói tiếp: “Thời đẹp nhất của chúng ta là thời áo trắng học sinh dưới mái trường Lê Văn Duyệt. Trường là mái nhà chung, trong đó có bạn bè thân yêu, quý thầy cô đã truyền đạt cho học trò những kiến thức, dạy dỗ khuyên bảo nhân cách sống và kinh nghiệm trường đời. Với sự kính trọng, trong ngày đại hội này, xin kính chúc quý thầy cô dồi dào sức khỏe, kính dâng lên quý thầy cô những bó hoa nồng thắm nghĩa tình.”

Tiếp theo các giáo sư được mời lên sân khấu nhận những bó hoa nồng thắm từ các cựu nữ sinh.

Giáo Sư Vũ Ngọc Mai, cố vấn của hội, phát biểu: “Chủ đề ‘Nét Đẹp Quê Hương’ năm nay đã ghi lại trong lòng chúng ta biết bao nhiêu kỷ niệm ngày cũ nơi quê nhà, nơi đã đào tạo nhiều anh hùng liệt nữ, nơi có lịch sử oai hùng, một nền tảng gia đình vững chãi, tình xóm giềng keo sơn gắn bó, nơi có biết bao danh lam thắng cảnh, một đời còn thương còn nhớ, bao nhiêu thế hệ học trò với nền tảng giáo dục dân tộc, nhân bản và khai phóng.”

“Đêm nay trong buổi hội ngộ này, chúng tôi muốn nói đến nét đẹp của tình thầy trò, của bạn đồng môn, một tình cảm gắn bó và thiêng liêng hơn nửa thế kỷ qua. Trò đi thăm thầy khi đau ốm, săn sóc cô khi thầy nằm xuống, những hình ảnh hết sức cảm động, tình thầy trò là thế. Trong hơn 26 năm lập hội, trải qua nhiều vui buồn có nhau, chúng ta coi nhau như một đại gia đình, có tình chị ngã em nâng, yêu thương đùm bọc, thông cảm khách quan và rộng lượng, vị tha. Các em hãy tận hưởng những giây phút quý hiếm này và gói trọn kỷ niệm ngày vui hôm nay.”

Lời phát biểu của vị giáo sư cố vấn khiến mọi người hết sức cảm động.

Chương trình văn nghệ bắt đầu với nhạc cảnh “Hòn Vọng Phu,” với sự tích nàng Tô Thị ở Lạng Sơn ôm con mòn mỏi đợi chồng mà hóa đá. Đó là nét đẹp tuyệt vời trong văn hóa Việt, đức tính thủy chung của người phụ nữ Việt Nam được ca tụng, thăng hoa gây cảm động đến lòng người. Ngoài ta còn có tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của dân tộc, mà những người con dân đã phải hy sinh chịu cảnh chia lìa đau thương.

Tân ban chấp hành Hội Ái Hữu Cựu Nữ Sinh Lê Văn Duyệt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Nhạc cảnh này theo bản nhạc của Lê Thương, do các cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt và các anh rể, thân hữu trình diễn, dàn dựng tập luyện công phu từ nhiều tháng trước, nhận được tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt.

Tiếp theo là những màn văn nghệ độc đáo khác như hoạt cảnh “Lời Mẹ Âu Cơ” của Câu Lạc Bộ Hùng Sử Việt San Diego, nhạc cảnh “Ba miền Bắc Trung Nam,” tam ca “Trường Làng Tôi” do các cựu nữ sinh Lê Văn Duyệt trình diễn.

Đặc biệt có giọng hát của Giáo Sư Vũ Ngọc Mai với đơn ca “Bay Đi Những Cánh Chim Biển” phổ từ bài thơ tiếng Anh của Giáo Sư Ngô Thị Vân, cô Thu Lê phỏng dịch tiếng Việt, và Thanh Hằng diễn ngâm tiếng Anh, và đơn ca “Có Những Niềm Riêng” của Giáo Sư Vũ Ngọc Đường nhận được tràng pháo tay không dứt.

Cô Đặng Kim Kiểm, từ Charlotte, North Carolina, đến, cho biết học sinh nữ ngày xưa cũng nghịch ngợm lắm, cột hai đuôi áo dài vào nhau, chạy chơi u trốn tìm, hoặc những giờ trưa, hay ra các ao quanh trường vớt cá. Màu áo đồng phục Lê Văn Duyệt là màu xanh lục, để nhớ về ngôi trường có nhiều cây trúc trồng trong sân.

“Ra hải ngoại gặp nhau thường xuyên trong những ngày lễ Thanksgiving, hoặc Christmas, hoặc hai lần gặp gỡ vào dịp Hè hoặc đại hội thật là vui, gặp lại thầy cô và bạn bè, được sống lại thời áo trắng ngây thơ ngày nào, cảm động lắm, nhất là thầy cô giờ đã trên 80 rồi,” cô nói tiếp.

Cô Kiều Hạnh, cựu nữ sinh khóa 1972, cho biết: “So với các trường khác thì Lê Văn Duyệt không bề thế lắm, nhưng học hành giỏi và tỷ lệ thi đậu rất cao, không thua kém các trường danh tiếng khác. Nói về kỷ niệm trường xưa thì nhiều lắm, nhất là những ngày Tết đi bán báo Xuân, giao lưu với các trường bạn, hay viết thư cho lính trong những dịp thăm chiến sĩ ngày Xuân.”

Mời độc giả xem phỏng vấn “Cô gái gốc Việt chế cải lương dạy Việt ngữ trên Youtube hơn 2 triệu người xem”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT