Thursday, March 28, 2024

Cựu nhân viên đài Tiếng Nói Tự Do, Mẹ Việt Nam hội ngộ

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều tối Chủ Nhật, 2 Tháng Tư, sắp tới, cựu nhân viên các đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do (VOF), Mẹ Việt Nam và Gươm Thiêng Ái Quốc trong “Nhà Số 7” sẽ có một cuộc họp mặt thân mật tại nhà hàng Seafood World, 15351 Brookhurst St., #101, Westminster, CA 92683.

Bà Đinh Kim Khuê, thành viên ban tổ chức, cho biết: “Chỉ là chuyện nội bộ của anh chị em chúng tôi nên ít khi được thông báo rộng rãi. Đây cũng là ý kiến của đa số anh chị em, trong đó có cố Trung Tá Vũ Quang Ninh, giám đốc đài VOF trước năm 1975. Dù đã 42 năm qua, từ ngày đài sẩy đàn tan nghé không ai là không muốn có những cuộc hội ngộ hằng năm. Trước để thăm hỏi nhau, sau là để nhớ lại một thời gian cùng làm việc với nhau mà rất ít ai biết cơ sở làm việc của mình lại là một phần công tác tình báo chiến lược của Nha Kỹ Thuật, Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH.”

Bà cũng cho biết, điểm chính hội ngộ lần này vẫn là hàn huyên tâm sự với nhau, không chỉ là những kỷ niệm êm đềm nơi “Nhà Số 7” ngày nào nên hầu hết các buổi hội ngộ đã qua đều không có chương trình ca nhạc giúp vui, mặc dầu cựu nhân viên đến tham dự có nhiều người vốn là những ca nhạc sĩ tiếng tăm thời VNCH.

Chuyện được nhắc nhở nhiều nhất là hơn một tuần lễ nao núng chờ đợi di tản tại Phú Quốc. Lệnh cho biết nếu như Sài Gòn có được giải pháp với phía “bên kia” thì mọi nhân viên của đài Mẹ Việt Nam và những nhân viên dân sự của VOF sẽ lại quay trở về. Nhưng tàu đã phải nhổ neo rời bến khi Sài Gòn thất thủ. Từ đó, anh chị em tản lạc khắp nơi trên đất Mỹ. Khi bắt được liên lạc với nhau, ai nấy đều mong mỏi một cuộc hội ngộ để thấm cái tình “tha hương ngộ cố tri.”

“Nhà Số 7,” nơi làm việc của nhiều phần hành Tâm Lý Chiến của Nha Kỹ Thuật, gồm có hai đài phát thanh, một đài “xám” là Tiếng Nói Tự Do, một “đen” là Gươm Thiêng Ái Quốc, tọa lạc tại số 7 đường Hồng Thập Tự, Quận 1, Sài Gòn, trước năm 1975.

Sau năm 1972, lại có thêm đài Mẹ Việt Nam. Ngoài ra, còn có các phòng ban Lừa Địch, Truyền Đơn phối hợp cùng các đoàn công tác ra Bắc trong các công tác phức tạp.

VOF được thành lập vào năm 1964, thoạt đầu được các chuyên viên trong phái đoàn đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) huấn luyện. Lúc đầu chương trình phát thanh được thu vào các băng, rồi chuyển lên một chuyến bay thuộc Hạm Đội 7 để phát thanh ra Bắc. Sau gần một năm, Trung Tâm Phát Tuyến tại Thanh Lam, rồi Cồn Tè ở Huế, xây cất xong thì chương trình của đài phát thẳng ra Bắc 24/24, có lúc lên tới 28/24 khi đài có thêm chương trình tiếng Quan Thoại. Các trụ phát tuyến của đài được chỉnh để tiếng nói tự do bao phủ khắp miền Bắc tới cả một phần Quảng Đông, Quảng Tây của Trung Quốc, vì trung tâm phát tuyến Cồn Tè có một công suất mạnh nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ là 500 kW/giờ. Ở miền Nam, một phần vùng Huế và Quảng Trị cũng nghe được.

Chương trình của đài rất phong phú dưới sự điều hành đầu tiên của Thiếu Tá Phạm Thế Phiệt, sau đến Trung Tá Đặng Xuân Thoại, người đã tự vẫn trong ngày 30 Tháng Tư, 1975, và sau chót là Đại Úy Vũ Quang Ninh, sau lên trung tá. Hầu hết nhân viên của đài là dân sự, chỉ có tám sĩ quan thuộc Nha Kỹ Thuật nắm giữ các chức trưởng về chương trình cùng với hai hoặc ba cố vấn Hoa Kỳ.

Những nhân viên dân sự của đài trong các phần hành biên tập, thực hiện, nghiên cứu sưu tầm được tuyển chọn và mời cộng tác là những văn nghệ sĩ có tiếng như Thái Thanh, Khánh Ly, Kim Tước, Quỳnh Giao, Mai Hương, Thanh Lan, Bích Thủy, Linh Sơn, Vũ Huyến, ban AVT, gia đình Phạm Duy, Từ Công Phụng, Phan Tùng Mai, Lê Tuấn, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Trần Dạ Từ, và hầu hết văn nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ. Có người chỉ cộng tác trong các chương trình văn học, nghệ thuật, ca nhạc, kịch nghệ. Có người làm việc cho đài toàn thời gian trong các ban Biên Tập, Thực Hiện, Xướng Ngôn…

Riêng phần hành kỹ thuật hạ tần và cao tần, một số là kỹ sư còn lại là những chuyên viên đã được các chuyên viên kỹ thuật của Hoa Kỳ huấn luyện chu đáo để làm việc tại các trung tâm phát tuyến Thanh Lam, Cồn Tè ở Huế và ở Thủ Đức cũng như Vũng Tàu.

Không khí làm việc trong đài lúc nào cũng như trong một gia đình nhất là vào những giờ giải lao trưa, anh chị em tụ tập nhau chật câu lạc bộ của đài, chuyện trò rôm rả, bàn luận đủ thứ chuyện trên trời dưới đất cứ vui như… Tết.

Chắc chắn không khí ấy vẫn còn sống trong tâm tưởng của những người đã từng làm việc trong “Nhà Số 7.”

Nhưng riêng các phần hành bí mật như đài Gươm Thiêng Ái Quốc, phòng Truyền Đơn, phòng Lừa Địch, thì hầu hết các nhân viên cả quân lẫn dân sự đều ít khi có mặt tại câu lạc bộ, có lẽ vì lý do bảo mật, nên “Nhà Số 7” được coi như là cơ sở của các đài phát thanh VOF và Mẹ Việt Nam.

Theo bà Khuê, vì những lần trước chỉ thông báo trong nội bộ nên những cuộc hội ngộ anh chị em chỉ được gặp gỡ những cựu nhân viên của VOF mà chưa thấy xuất hiện nhân viên thuộc các phần hành khác. Hy vọng lần này có thể có thêm nhiều người thuộc các phần hành khác của “Nhà Số 7” cũng sẽ có mặt khi được biết.

Mọi liên lạc xin gọi số điện thoại (714) 368-9606.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT