Friday, March 29, 2024

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy, tân hội trưởng Hội H.O.

Huy Phương/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Bà Nguyễn Thanh Thủy, một thiện nguyện viên của Hội H.O. Cứu Trợ Thương Phế Binh và Quả Phụ VNCH, có uy tín lâu năm đã nhận được số phiếu tín nhiệm cao nhất để làm tân hội trưởng nhiệm kỳ 2018-2020.

Bà được các thành viên của hội bầu trong buổi họp hằng tuần hôm 30 Tháng Giêng vừa qua để thay thế ông Nguyễn Văn Ức, sau khi bà Nguyễn Thị Hạnh Nhơn qua đời.

Bà là cựu Thiếu Tá Cảnh Sát, biệt đội trưởng Biệt Đội Thiên Nga – lực lượng tình báo của Cảnh Sát Quốc Gia VNCH, với 9 năm quân vụ nhưng có tới 13 năm tù!

Ngày trước, cô sinh viên trường Đại Học Kinh Doanh, Trường Sư Phạm Công Giáo Đà Lạt và cả Đại Học Y Khoa Sài Gòn đã bỏ dở những con đường bằng phẳng này để tình nguyện vào ngành cảnh sát làm một sĩ quan tình báo, con đường mà có thể cô không ngờ trước đã đem lại cho cô 13 năm tù “cải tạo.”

Tháng Sáu, 1975, chồng cô cũng là một sĩ quan phục vụ tại trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt đã cùng cô gánh vác nỗi gian truân của người lính thất trận, ra đi để lại cho các em gái cô, cũng trong hoàn cảnh khó khăn, nuôi ba đứa con mới lên bảy, năm và bốn tuổi của vợ chồng cô.

Nguyễn Thanh Thủy sinh trưởng tại thị xã Mỹ Tho trong một gia đình nhà giáo, nhưng lại không thích nghề dạy học. Năm 1965, cô nghe lời bạn bè thi tuyển vào ngạch Biên Tập Viên Cảnh Sát Khóa I tại Học Viện Cảnh Sát Quốc Gia, lúc mới thành lập, ở trên đường Lê Văn Duyệt.

Ra trường và sau một kỳ thi trắc nghiệm cô được chọn vào Khối Cảnh Sát Đặc Biệt, phụ trách nghiên cứu kế hoạch và tốt nghiệp khóa Trưởng Phòng Tình Báo tại Phủ Đặc Ủy Trung Ương Tình Báo, và được cử đi quan sát các tổ chức tình báo tại Mã Lai.

Sau trận Mậu Thân, vì nhu cầu quân sự cần đánh phá và thâm nhập vào hạ tầng cơ sở của Cộng Sản tại miền Nam, biệt đội Thiên Nga được thành lập, và năm 1969, cô được chính thức cử làm Biệt Đội Trưởng từ ngày đó cho đến khi miền Nam sụp đổ.

Biệt Đội Thiên Nga gồm những cán bộ nữ, được tuyển làm cảm tình viên, mật báo viên, hoạt động khắp lãnh thổ miền Nam, từ thành thị đến những thôn xóm xa xôi. Họ từ lứa tuổi từ 20 đến 40, hoạt động tình báo bí mật, có thể thâm nhập vào các tổ chức của hạ tầng cơ sở Cộng Sản để hoạt động.

Biệt Đội Thiên Nga trong thời gian này đã cấy nhân được vào trong thành phần thứ ba, hoạt động trong tổ chức Phụ Nữ Đòi Quyền Sống của bà Ngô Bá Thành. Không ít người đã được Cộng Sản móc nối đưa vào mật khu học tập, và có người đã bị hy sinh trong những trận đột kích hay đánh bom của Quân Đội VNCH.

Theo những tài liệu bắt được, Thiên Nga đã được Cộng Sản đánh giá cao và coi là nguy hiểm cho các tổ chức hạ tầng của chúng sau những tổn thất do thành tích, công tác của những con Thiên Nga nhỏ bé, đẹp đẽ và tinh khôn.

Ngày 30 Tháng Tư, 1975, khi Tổng Thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng, Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy còn đủ thời gian để thiêu hủy toàn bị hồ sơ của biệt đội và trước khi thoát được về nhà.

Qua sự truy lùng của chính quyền Cộng Sản, nhiều cán bộ trong biệt đoàn tại địa phương đã cảnh giác, trốn qua tỉnh khác, thay đổi lý lịch. Để tìm những “Thiên Nga” chưa lộ hình tích, năm 1980, Biệt Đoàn Trưởng Thiên Nga Nguyễn Thu Thủy được đưa trở lại Trung Tâm Thẩm Vấn X4 tại Tổng Nha Cảnh Sát để khai thác mạng lưới tình báo hạ tầng. Do không có kết quả, cô đã bị biệt giam trong thời gian bốn tháng tại đây.

Cựu Thiếu Tá Nguyễn Thanh Thủy. (Hình: Huy Phương cung cấp)

Trong thời gian mười ba năm từ 1975 đến 1988, Nguyễn Thanh Thủy đã bị chuyển qua lại các trại Long Thành, Thủ Đức và Z30D và đã viết hàng trăm bản tự khai.

Trong thời gian này, chồng cô, Đại Úy Lê Thành Long, trưởng ban nghi lễ trường Võ Bị, đã ra tù vào Tháng Mười, 1981. Vì ngôi nhà nhỏ ở quận 5 đã bị chính quyền địa phương chiếm đoạt, ông phải về quê ở Bình Chánh để làm ruộng, trong khi các con vẫn theo bên ngoại ở Mỹ Tho, trong hoàn cảnh khá trớ trêu này, chính ông làm người chồng đi thăm nuôi vợ tù trong bảy năm tù còn lại.

Nguyễn Thanh Thủy ra trại trong một hoàn cảnh khá khó khăn, khi chồng, vợ, con ở ba nơi; địa chỉ ra trại, địa chỉ tạm trú và địa chỉ ghi tên theo chương trình H.O. ở ba chỗ. Cô đã xin trả lại nhà mà không được, xin giấy tờ tạm trú cũng không xong. Để sống còn, Nguyễn Thanh Thủy đã trở thành bà chủ nhỏ một hàng bán cơm tấm, nước ngọt bên vệ đường cho dân lao động ở góc đường Hai Bà Trưng và Phan Thanh Giản.

Tuy vậy cựu nhân viên tình báo này đã được công an thành phố lưu ý theo dõi vì sợ hàng cơm này trở thành một nơi gặp gỡ trao đổi của các nhân viên tình báo chế độ cũ để tìm cách chống phá “cách mạng.”

Năm 1988, sau khi ra tù, cô nhận được giấy giới thiệu nhập cảnh (LOI) và năm 1989, sau khi có sự thỏa thuận giữa chính phủ Hoa Kỳ và Cộng Sản Việt Nam cho những người tù cải tạo đi định cư tại Hoa Kỳ, Nguyễn Thanh Thủy mới nộp đơn đi theo chương trình này.

Nhưng, trường hợp đặc biệt của Nguyễn Thanh Thủy, công an Nguyễn Du phải giữ hồ sơ cô lại khoảng một năm để chờ ý kiến của Cục Tình Báo Hải Ngoại. Do đó mãi đến danh sách H.O.12, cô và gia đình mới có tên và đến Hoa Kỳ vào Tháng Hai, 1992.

Trong thời gian trên hè phố, cô Nguyễn Thanh Thủy đã gặp gỡ và giúp cho nhiều cựu nhân viên hoạt động trong biệt đội Thiên Nga ngày trước, hiện nay không còn một mảnh giấy nào để chứng minh, bằng cách viết giấy tay chứng nhận cho họ và gởi qua Bangkok. Công việc này rất có kết quả và hiện nay nhiều “Thiên Nga” đã định cư tại Hoa Kỳ.

Sau 13 năm tù, sang Hoa Kỳ, gia đình cô đã gặp nhiều chuyện không vui khi con gái đầu lòng của cô qua đời đột ngột vào năm 2002 và cô còn phải nặng gánh vì một cháu út có bệnh bẩm sinh. Hai vợ chồng cô cũng đang vất vả để lo cho cuộc sống và còn có bổn phận phải giúp đỡ cho những người thân đã cưu mang các con cô ròng rã 13 năm trời.

Nhiều thuộc cấp của cô ngày trước hiện còn ở trong nước, không ở trong trường hợp là thương phế binh, quả phụ& nhưng đang có những ngày khó khăn vì hoàn cảnh, cần sự vận động giúp đỡ của cô.

Gặp Nguyễn Thanh Thủy bây giờ, một người nội trợ đảm đang, có cuộc sống gia đình đơn giản, ít ai nghĩ đó là một người đàn bà một thời, nắm một biệt đội tình báo với những viên chức gan dạ, dưới một danh hiệu mỹ miều là “Thiên Nga,” đã làm cho hạ tầng cơ sở của Cộng Sản ở miền Nam phải lo sợ và làm cho bạn bè, chiến hữu phải nể phục. (Huy Phương)

Mời độc giả xem chương trình du lịch “Thành phố tình yêu Venice”(Phần 1)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT