Thursday, March 28, 2024

Cựu tù Thanh Cẩm tìm về nhau dịp Tân Niên Mậu Tuất

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Gia đình cựu tù Thanh Cẩm vừa có buổi họp mặt đầu năm Mậu Tuất với sự trở về của nhiều cựu tù từ các tiểu bang xa như Washington DC, Massachusetts, Florida, có cả từ Pháp, đông nhất vẫn là Nam California.

Dù đã hơn 20 lần hội ngộ, nhưng cũng như thuở ban đầu, buổi họp mặt gia đình cựu tù Thanh Cẩm vừa diễn ra trưa Chủ Nhật, 11 Tháng Ba, tại hội trường của khu Mobile Home Mission Del Amo, trên đường Bolsa, Westminster, luôn đầm ấm tình cảm gia đình với gần 100 thành viên về tham dự.

Ông Dư Văn Hạ, người được ủy nhiệm làm gia trưởng suốt từ năm 1994 khi gia đình được thành lập, cho biết tuy đã tổ chức được hai lần họp mặt vào năm 2008 và 2010, nhưng bây giờ chắc không thể được vì đa số anh em lớn tuổi, chỉ có thể gặp nhau vào dịp Tân Niên và ở vùng Nam California mà thôi.

Trời vẫn còn lạnh sau cơn mưa dài chưa dứt, các bà phu nhân đến thật sớm, khệ nệ mang những khay thức ăn ngon lành khoản đãi mọi người, nhất là nồi ra-gu (ragout) nóng hổi bốc khói thơm lừng.

Quang cảnh buổi họp mặt cựu tù Thanh Cẩm Tân Niên 2018. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mở đầu là lời chúc sức khỏe đầu năm mới đến các anh em gia đình Thanh Cẩm và các thân hữu, của ông hội trưởng (còn gọi là “Bố Hạ” từ khi còn ở trong tù). Tiếp lời là ông Lê Sơn, báo cáo tình hình năm qua rất là “yên ổn,” không có thay đổi gì nhất là về nhân sự, và mong rằng gặp lại đông đủ mọi người trong năm tới.

Tiếp theo là tường trình của ban điều hành, với nhiều ý kiến được đưa ra để duy trì hoạt động hội, cùng là báo cáo tài chánh.

Có rất nhiều ý kiến, có người nói rằng “thèm” gặp nhau lắm, đừng bỏ cuộc họp để được nhìn thấy nhau là mừng lắm rồi, vì nơi gắn bó nhất là trại tù Thanh Cẩm, Thanh Hóa, với những kỷ niệm không bao giờ quên trong đời.

Với tinh thần đoàn kết, mọi người cùng tán thành ý kiến yêu cầu ông Hạ tiếp tục đảm trách việc chăm sóc hội, mặc dù ông có đề nghị được giao lại cho các người trẻ cho tiện việc quán xuyến. Vậy là ông Hạ được bầu làm “hội trưởng muôn năm” trong tiếng vỗ tay hoan nghênh của mọi người.

Và ông Đỗ Việt Anh, sau nhiều ý kiến đề nghị, đã xung phong nhận lời tiếp tục lo việc thủ quỹ do ông Phạm Phú Minh giao lại.

Ông Dư Văn Hạ (thứ hai, phải) chúc Tết anh em cựu tù Thanh Cẩm. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mọi người cùng nhau vui vẻ sát cánh chụp bức hình lưu niệm nhân ngày đầu năm, mà theo lời ông Hạ thì đây là bức hình quan trọng và có giá trị nhất trong tương lai, bởi vì tuổi đời ngày càng chồng chất, nào ai biết ra sao ngày sau!

Buổi họp mặt càng rôm rả hơn với những chuyện kể, nào là những kỷ niệm buồn vui thời ở tù, chuyện các bà vợ đi thăm nuôi chồng, đến cả chuyện sức khỏe, con cháu học hành ra sao… biết bao nhiêu tâm tình được dịp kể trong khi thưởng thức các món ăn tươm tất do các bà nội trợ trổ tài nấu nướng.

Bà Thi Nga, vợ một cựu tù, cho hay mỗi lần đi thăm nuôi chồng phải mất ba ngày trời lặn lội đi xe lửa ra Thanh Hóa, sau đó phải đi đường bộ đến Chợ Vạt, từ đó đi xe trâu vô tới Cẩm Thủy đến đêm mới tới.

“Khi gặp được chồng khoảng hai tiếng, nói bất cứ chuyện gì cũng có cán bộ đứng theo dõi. Sau đó vì trời tối nên phải ngủ lại đêm đến sáng hôm sau mới lên đường về trong nỗi thương chồng vô cùng trong cảnh tù đày hết tám năm trời,” bà Nga xúc động nói.

Ông Trần Văn Trình, từ Massachusetts sang, cho hay: “Tôi từ trại tù Quảng Ninh chuyển về Thanh Cẩm từ năm 1976 cho đến 1984 chuyển về Nam. Thuộc những anh em trẻ từ 16 đến 25 tuổi, bị khép tội trong phong trào Phục Quốc, sau thời gian ở tù chung với các bác lớn tuổi hơn, được trao lại những hiểu biết về thời sự, về cách sống để tiếp tục sống và tồn tại trong trại tù khắc nghiệt này.”

Gia Đình Cựu Tù Thanh Cẩm trong bức hình lưu niệm Tân Niên Mậu Tuất 2018. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông Võ Duy Khiết, cựu giáo sư trường Quốc Gia Nghĩa Tử, cựu thẩm phán VNCH, thì nhớ như in từng ngày trong tù khi cho biết ở tù được 5 năm 6 tháng 10 ngày, làm đội trưởng coi các anh em, cùng cảnh tù nên thương nhau lắm, còn hơn ruột thịt trong nhà, gặp nhau đây là quý lắm rồi.

Ông Lê Sơn, từ các trại tù Hoàng Liên Sơn, Yên Bái, chuyển về Thanh Cẩm từ 1979 đến 1983 thì được về. “Đói triền miên là điều đầu tiên nhắc đến, mỗi khi đi rừng về xuống sông Mã tắm, mọi người đều trơ xương y như con khỉ. Đời tù cùng cực khổ sở như thế nên anh em ai cũng thương nhau, cùng chia sẻ từng miếng ăn khoai sắn, đói no cùng chia sẻ, bệnh tật cùng nhau chịu đựng. Qua đến đây gặp lại nhau trong tình cảm như thế thì còn gì quý bằng,” ông nói.

Theo lời ông Dư Văn Hạ, trại Thanh Cẩm nằm trên địa phận tỉnh Thanh Hóa, có dòng sông Mã chảy ngang qua. Từ thời thời Pháp gọi là trại Lý Bá Sơ, thuộc trại tù khổ hình khét tiếng nhất, có khoảng 27 anh em đã nằm xuống tại đây, vì đói rét, vì thời tiết, vì bị cai ngục hành hạ đánh chết tù nhân, dù đã không còn sức kháng cự. Cũng đã có những vụ vượt ngục, thường thì khó thoát và kết cuộc bi thảm trong những cái chết tức tưởi.

“Trại tù Thanh Cẩm, nơi giam giữ mọi thành phần quân dân cán chính VNCH từ sau 1975, từ các ngành hành pháp, lập pháp, tư pháp,  những anh em còn rất trẻ, tuổi đời mới 16, 17 trong phong trào Thanh Niên Phục Quốc, cả những vị linh mục,” ông cho biết.

“Chúng tôi mong muốn mỗi năm gặp nhau chí ít là một lần như thế này cũng thỏa lòng, nhân dịp điểm danh quân số ai còn ai mất. Đã cùng nhau trải qua một thời ngục tù Cộng Sản, cùng gian khổ sống sót trở về, bây giờ sống được ngày nào thì cùng chung vui ngày đó, nhất là chúng tôi vẫn gởi tiền giúp đỡ anh em tù Thanh Cẩm trong nước còn trong điều kiện sống khó khăn,” ông hội trưởng nói thêm. (Văn Lan)

Hai người lớn, hai trẻ nhỏ chết trong xe ở Garden Grove

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT