Friday, March 29, 2024

Đại gia đình Công Chánh Việt Nam họp đại hội toàn cầu 2018

Nguyên Huy/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Đại hội toàn cầu của Đại Gia Đình Công Chánh Việt Nam diễn ra trong hai ngày cuối tuần vừa qua, một buổi tiền đại hội vào sáng Thứ Bảy tại nhà hàng Paracel Seafood trên đường Brookhurst, Westminster và đại hội chính vào ngày hôm sau tại nhà hàng Golden Sea trên đường Katella trong thành phố Anaheim.

Ngay buổi tiền hội nghị số người có mặt đã đông chật nhà hàng. Phần nhiều túm tụm lại thành từng nhóm vui đùa trò chuyện mà chưa chịu tìm bàn ngồi. Cái không khí thân mật thể hiện rõ nét khi nhìn quang cảnh này. Hình như mọi người đều biết nhau cả.

Ông Mai Trọng Lý giải thích cảnh thân mật này: “Anh em chúng tôi khi còn ở Việt Nam thì đều xuất thân cùng một trường trước khi phục vụ ngành công chánh Việt Nam trong nhiều năm trời. Đến khi được định cư tại Hoa Kỳ cũng như tại nhiều nơi khác thì có đến 90% anh em chúng tôi lại tiếp tục được nghề cũ sau khi thi lại cho hợp lệ của từng địa phương. Do đó mà sự kết nối với nhau được liên tục do cùng hoàn cảnh nghề nghiệp. Những anh em này đa phần được làm việc trong những tổ chức kiều lộ của các thành phố nơi mình cư ngụ. Những tiêu chẩn hành nghề thì tại Cali là cao nhất, đòi hỏi không chỉ kinh nghiệm mà cả kiến thức và sáng tạo. Đó là cái lý do để anh em trong gia đình công chánh toàn cầu giữ được liên lạc chặt chẽ với nhau”.

Cựu học viên Kỹ Sư Phú Thọ Châu Thị Phước cũng là giảng viên lớp Cán Sự tại Phú Thọ. (Hình: Nguyên Huy/Người Việt)

Trưởng ban tổ chức, ông Nguyễn Minh Trì, một người nhũn nhặn, ít nói cũng cho biết: “Gia đình Công Chánh chúng tôi hiện nay có được nhiều phân hội tại khắp nơi trên thế giới. Ở Mỹ thì có Nam, Bắc California, Louisiana, Washington DC, Texas, Washington State, Massachusetts, Florida, Indiana. Oklahoma. Ngoài nước Mỹ thì có ở Toronto và Montreal bên Canada. Rồi Pháp, Úc, Melbourne và đến tận Norway ở Bắc Âu. Thường mỗi lần đại hội toàn cầu, gần như các nơi đều có đại diện về dự. Điều này làm anh em chúng tôi rất kiêu hãnh về sự đoàn kết trong ngành nghề của mình”.

Buổi họp tiền hội nghị hầu như chỉ là để “điểm danh” anh em từ xa về mà theo ông Trưởng ban tổ chức thì “danh sách chưa được hoàn tất nhưng cũng có đến hơn một chục anh em thông báo đã đến hay đang trên đường tới”. Do đó chỉ có một bữa tiệc vui với một vài tiếng hát của một vài thân hữu văn nghệ như Quỳnh Hoa Mai Phương…

Ông Phạm Ngọc Lân, một khuôn mặt quen thuộc trong sinh hoạt cộng đồng Nam California cũng cho biết: “Tôi theo học khóa từ 1965 đến 1969 tại Phú Thọ, tốt nghiệp ra trường, tôi đậu cao có thể chọn làm việc ở Saigon, nhưng tôi đã tình nguyện về tỉnh Tây Ninh để phục vụ vì thứ nhất ở Tây Ninh tôi có nhiều bạn và Tây Ninh có nhiều công trình đang được tiến hành với kỹ thuật mới do viện trợ của Hoa Kỳ”.

Ông Phạm Ngọc Lân cũng cho biết Việt Nam mình có kỹ sư từ năm 1944. Vào năm 1952, khóa I Kỹ Sư được tổ chức tại trường Kỹ Thuật Phú Thọ, được chia làm hai loại, loại I là Kỹ Sư của Regime cũ (G1) và loại II là G2 thuộc Nouveau Regime được đào tạo cho đến ngày VNCH sụp đổ.

Bà Châu Thị Phước, ra trường năm 1969, được lưu giữ dạy các lớp cán sự của trường kỹ thuật Phú Thọ bầy tỏ: “Gặp lại nhau vui mừng lắm anh ơi. Bạn cũ nay lưu lạc khắp nơi sau ngày xẻ đàn tan nghé, nay thì cũng trọng tuổi cả rồi, còn gặp lại được nhau là điều quý hiếm không thể bỏ qua được”.

Ngày trước, trong xã hội Việt Nam cha mẹ thường kén rể là bác sĩ, kỹ sư là những người thành công trong xã hội, nhưng theo nhiều thành viên công chánh cho biết thì kỹ sư cũng là những người giang nắng đội mưa, làm việc cực khổ chứ không phải là những người được “ăn trên, ngồi trước” và như trong thời chiến tranh thì cũng phải đối diện với cái chết như trong cuộc chiến Việt Nam vừa qua, Việt cộng phá đường, công chánh VNCH đi sửa đường là đối tượng cho du kích hoặc quân Việt cộng triệt hạ”. Những người trong ngành công chánh VNCH không chỉ là những công chức cần mẫn trong các cơ sở hành chánh mà còn là những chiến sĩ trong mặt trận giao thông trước sự phá hoại của Việt cộng. Họ kiên trì xây lại từng cây cầu bị phá, từng con đường bị đào lấp trước những đe dọa của Việt cộng, và du kích địa phương. Nhưng việc bảo đảm mạng lưới giao thông để dân chúng làm ăn sinh hoạt luôn luôn là nhiệm vụ và trách nhiệm của những anh chị em công chánh VNCH.

Mời độc giả xem Điểm tin buổi sáng Thứ Năm, 13 tháng 9 năm 2018

MỚI CẬP NHẬT