Thursday, March 28, 2024

Đặng Thông Phong: Võ đã ngấm vào máu một cách ngẫu nhiên

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Từ nhỏ, võ đã ngấm vào máu tôi một cách rất ngẫu nhiên từ khi tôi được chọn đi biểu diễn ở trường tiểu học Trương Minh Ký. Cả cuộc đời tôi chỉ có học võ, dạy võ, không có gì khác, trừ thời gian khi mới qua Mỹ trong 18 tháng đầu tiên phải đi cày kiếm tiền, nhưng sau đó thì tôi thấy mình phải trở lại với nghề võ, để phát triển và quảng bá võ thuật hầu trả ơn công sức của Thầy mình.”

Võ sư Đặng Thông Phong, người có nhiều đóng góp to lớn trong việc xây dựng và phát triển môn võ Aikido từ Việt Nam sang đến Hoa Kỳ, bắt đầu cho cuộc trò chuyện với phóng viên Người Việt như thế.

Sự nghiệp võ thuật của ông bắt đầu vào năm 1950, tại Học viện Võ thuật Hàn Bái, Sài Gòn. Ở đó, ông bắt đầu huấn luyện Hàn Bái Đường Việt Kungfu của Thiếu Lâm và Judo. Năm 1963, ông bắt đầu đào tạo tại Taekwondo tại Học viện Quân sự võ thuật và Giáo dục thể chất tại Thủ Đức.

Năm 1967, ông đi thăm trụ sở Aikikai Thế giới ở Tokyo, Nhật Bản để huấn luyện thêm cho mình và ông được cấp Đẳng 3 ở môn võ Aikido. Khi trở về Việt Nam, ông được đề cử làm Giám đốc kỹ thuật của Học viện Quân sự võ thuật và Giáo dục của chính phủ miền Nam Việt Nam.

Năm 1968, ông được tổ sư O-Sensei Ueshiba Morihei trao thẩm quyền tổ chức, đào tạo và mở rộng Aikido trong toàn Việt Nam theo tinh thần của tình yêu và hòa bình. Từ đó, ông thành lập Liên đoàn Aikido Tenshinkai (Thiên Tâm Hội) trong đó ông đã giữ vị trí Chủ tịch cho đến ngày hôm nay.

Năm 1970, võ sư Phong bắt đầu một chương trình dạy Aikido tại các Hàn lâm viện quân sự khác nhau và trong một số đơn vị chiến đấu của quân chủng của Việt Nam Cộng hòa.

Sau 1975, ông đã 18 lần vượt biên, bị bắt. Tuy nhiên, sau cùng ông cũng đến được Mỹ vào năm 1986.

Bài phỏng vấn do Người Việt thực hiện dưới đây nhân kỷ niệm 60 năm dốc lòng vì sự nghiệp truyền bá võ thuật cho thế hệ sau của người võ sư nổi tiếng này.

*****

Võ sư Đặng Thông Phong tại Ngày truyền thống Tenshinkai 2016. (Hình: Facebook Đặng Thông Phong)

Ngọc Lan (Người Việt): Từ lúc bắt đầu tập những môn võ đầu tiên, những động tác đầu tiên, thầy có cảm nhận được điều gì đó đặc biệt ngay không?

Võ sư Đặng Thông Phong: Trong những ngày tháng đầu khi mới bước vào ngưỡng cửa của võ thuật thì tôi chẳng thấy có gì đặc biệt. Tuy nhiên, khi lần đầu tiên tôi được nhà trường chọn đi trình diễn ở trường tiểu học Trương Minh Ký cuối niên học 1950, thì có lẽ điều đó đã ghi một dấu ấn trong đời tập luyện võ thuật của tôi. Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ theo nghiệp võ, không bao giờ tin như vậy, nhưng không ngờ nó lại đeo đuổi theo mình suốt cả cuộc đời. Ở ngoài đời cũng dạy võ, vào quân đội cũng dạy võ, qua đến Mỹ cũng dạy võ, cuộc đời không rời khỏi võ được. Mà cũng vì đam mê võ thuật, chỉ muốn dành hết thời gian tâm sức cho võ, nên đến năm 39 tuổi tôi mới lập gia đình. Tôi có hai người con, nhưng rất tiếc là không có đứa con nào nối nghiệp tôi.

Người Việt: Tại sao thầy lại quyết định chọn Aikido để đeo đuổi?

Võ sư Đặng Thông Phong: Trước đây tôi rất đam mê Judo, Thiếu lâm, và ngay cả Taekwondo; nhưng khi học qua Aikido tôi lại chọn môn này. Đó là môn võ của Hòa Bình, môn võ của Tình Thương, không dùng võ thuật để tranh hơn thua với ai mà chỉ để phòng thân, bảo vệ cho mình mà thôi. Aikido đã thấm vào xương máu của tôi rồi. Trên thực tế, con người của tôi chẳng bao giờ muốn hơn thua với ai, chẳng muốn gây sự với ai, mình làm những gì mình cho là “phải,” không muốn làm những gì vừa lòng người khác mà bán rẻ lương tâm của mình. Luyện tập Aikido là một hình thức thư giãn, rèn luyện sức khoẻ, vừa là cách tìm sự thanh thản, hướng đến những nét cao đẹp trong tinh thần. Nói tóm lại Aikido không tập trung vào việc đánh thắng người mà chủ yếu là tập trung vào lợi ích rèn luyện sức khoẻ , không đề cao sự huy hoàng của chiến thắng mà đề cao sự hài hoà của con người và vũ trụ, thể hiện triết lý sống cao đẹp của con người. Đó là lý do tôi chọn Aikido để theo đuổi suốt cả cuộc đời của tôi.

Người Việt: Học võ khi đang ở tuổi thiếu niên và theo nghiệp võ gần trọn cuộc đời, như thế có bao giờ thầy “khiêu chiến” với bất kỳ ai hay dùng võ để bắt nạt ai chưa?

Võ sư Đặng Thông Phong: Tôi bắt đầu nhìn thấy võ, và tập võ vào năm 15 tuổi. Từ lúc học võ đến nay đã 67 năm, chưa bao giờ tôi mang “sở học” của mình ra để khoe khoang hay “khiêu chiến” với bất cứ ai. Ngoại trừ chỉ duy nhất một lần tôi đánh nhau với một người tù khác trong phòng giam tại Ty công an Battambang, Cambodia lúc tôi đi vượt biên bị bắt. Trong nhà giam có một anh bộ đội bị tội gì đó nên cũng bị bắt nhốt chung. Anh ta ra vẻ phách lối, khoe khoang võ nghệ này kia. Một hôm tôi trao đổi với anh ta về võ thuật, tôi nói bây giờ tôi muốn đá vào mặt anh, anh hãy cố đỡ. Tôi bắt đầu đá nhử phía dưới, anh ta dùng tay đỡ thì nhanh như chớp tôi đá vòng lên mặt, anh ta té xuống đất. Đó cũng là một cách dằng mặt ta và thử sức khả năng võ thuật của mình tới đâu.

Đó là lần đầu tiên mà cũng là lần duy nhất trong đời. Về sau suy nghĩ lại, tôi thấy mình đã phạm một lỗi lầm là không tự kiềm chế mình được.

Người Việt: Từ lúc học võ cho đến khi nhận trọng trách phát triển Aikido, có bao giờ thầy cảm thấy vất vả, mệt mỏi, muốn bỏ cuộc để chọn một công việc khác không?

Võ sư Đặng Thông Phong: Cũng có lúc tôi cảm thấy mệt mỏi và muốn buông tay nhưng lòng đam mê võ thuật không cho phép tôi dừng lại; và khi nghĩ đến trách nhiệm trước mắt là phải quảng bá lại những gì mình đã có được cho người khác, tôi cảm thấy mình phải tiếp tục con đường đang đi vì đó cũng là một hình thức trả ơn cho những người Thầy đã bỏ công lao dạy dỗ mình ngày trước.

Người Việt: Dạy võ từ Việt Nam sang đến Mỹ, theo thầy có nhận thấy sự khác nhau trong cách dạy ở Mỹ và Việt Nam không?

Võ sư Đặng Thông Phong: Nói chung, cũng không có gì khác nhau cho lắm. Ở quê nhà kỹ thuật tôi hướng dẫn có phong thái mạnh bạo hơn vì lúc đó đang ở trong thời chiến. Tại Mỹ, tôi có sáng tạo một số kỹ thuật cho phù hợp với dạng người tại đây. Hơn thế nữa, tôi đặt nặng sự an toàn trên sân tập là hàng đầu.

Dạy võ ở Mỹ cũng khác ở Việt Nam ở chỗ ngày xưa bên Việt Nam học trò không cao lớn như ở đây, nơi có nhiều người to lớn. Do đó mình phải có những thế võ đặc biệt dùng để chống lại người cao to hơn, nếu không thì họ sẽ không phục mình. Chính vì vậy mà tôi phải nghiên cứu và sáng tạo. Thí dụ khi xưa tôi học được một trăm thế, trải qua hơn 60 năm đứng lớp thì nay tôi có cả ngàn thế. Tôi thường nói với môn sinh mình, “Hãy tham gia vào các lớp huấn luyện, vì ‘Dạy tức là học.’” Khi đứng lớp để dạy, ta sẽ gặp nhiều thành phần khác nhau, nhỏ có, lớn có; phản ứng của mỗi người cũng khác nhau; v.v. và lúc đó mình sẽ ra đòn khác nhau. Cùng một kỹ thuật mà mình thay đổi cách dạy theo từng trường hợp. Vì vậy mà đòn thế trong Aikido rất đa dạng và phong phú.

Người Việt: Thầy có điều gì muốn chia sẻ với những người đã, đang và sẽ học võ?

Võ sư Đặng Thông Phong: Điều mà tôi xin được chia sẻ ra đây không ngoài câu “Võ thuật phải đi đôi với Võ Đạo.” Nắm vững được những kỹ thuật trong Võ học đã là điều rất khó, không phải ai cũng làm được. Nó đòi hỏi sự vững tâm và một ý chí sắt đá, nhất định không bao giờ bỏ cuộc… Nhưng một khi đã đạt được mức độ kỹ thuật nào đó rồi thì người luyện võ cần phải bắt đầu quan tâm đến những điều cao hơn nữa. Những điều đó thuộc về phần Võ Đạo. “Đạo” là con đường của người quân tử, tức là con đường chân chính. Người tôn trọng Võ Đạo sẽ luôn luôn làm lành tránh dữ, và sẽ không bao giờ mang cái vốn võ thuật của mình ra để làm những điều tà gian, hay để phục vụ cái Tham, Sân, Si của chính mình.

Võ sư Đặng Thông Phong cùng các môn sinh sau Lễ kỷ niệm 60 năm giảng dạy võ thuật. (Hình: Facebook Đặng Thông Phong)

Người Việt: Nhìn lại 60 năm đi dạy võ, điều thầy tâm đắc nhất là gì?

Võ sư Đặng Thông Phong: Nhiều lắm! Tôi thích được chia sẻ những gì tôi đã học hỏi được với người khác, cũng như cơ hội được bàn luận với những võ sư, những chuyên gia từ các môn võ khác để nghiên cứu, học hỏi thêm. Đó là lý do tôi thường xuyên đi dạy seminar cũng như tham dự những lớp seminar do các thầy khác dạy để được nhìn thấy và thu thập thêm những cái hay, cái đẹp, cái mới hầu bổ sung cho sự hiểu biết hạn hẹp của mình. Tôi cũng thấy thực sự tâm đắc khi được sống với chính mình, được làm những gì mình vẫn luôn mong muốn, để thỏa mãn những đam mê và khát khao mà từ thuở thiếu thời vẫn nung nấu trong tâm tư của tôi. Tuy nhiên, tôi biết rõ là tôi còn nhiều khiếm khuyết và những thành quả mà tôi đã đạt được cho đến ngày hôm nay chưa hẳn đã là tuyệt đối. Dĩ nhiên, tôi cũng mong muốn người khác cũng sẽ sống chân thật với chính họ! Được như vậy thì con người nói chung sẽ dễ dàng thông cảm nhau hơn, sẽ chung sống với nhau một cách hòa bình hơn một cách hài hòa hơn, và đó sẽ là điều tâm đắc nhất của tôi.

Là thầy dạy võ mình phải là tấm gương cho môn sinh noi theo, đừng nói một đường làm một nẻo, phải có lập trường rõ ràng, biết đâu là đúng, đâu là sai, không nên có thái độ “ba phải” khiến cho mất đi cái cao quí nhất của một ông “thầy võ.”

Người Việt: Ở tuổi ngoài 80, với 67 năm theo nghiệp võ và 60 năm đi dạy võ, điều gì thầy cảm thấy tự hào nhất?

Võ sư Đặng Thông Phong: Thưa chị, 67 năm theo nghiệp võ và 60 năm đi dạy võ quả là một thời gian dài cho một đời người, nhưng thật sự là tôi chẳng dám nói rằng tôi tự hào, mặc dù tôi biết rằng trong 60 năm làm công việc giảng dạy võ thuật đó tôi cũng đã có một số cống hiến cho cộng đồng và cho xã hội. Trên con đường dài từ khi còn là một cậu học trò đầy tính đam mê cho đến khi trở thành một người thầy dạy võ với những trách nhiệm nặng nề do các bậc thầy của mình giao phó, tôi luôn luôn là con người học hỏi và cầu tiến. Tôi chỉ mong mọi người nhìn thấy được những bước đi, những việc làm của tôi trong quá khứ, từ trước cũng như sau chiến tranh, tuy phải đối mặt với muôn vàng khó khăn nhưng vẫn mạnh dạn tự mình tìm chỗ đứng không những trong cộng đồng của chúng ta thôi mà cả trong cộng đồng quốc tế. Tất cả chúng ta phải luôn luôn học hỏi để vươn lên. Tôi mong muốn cho những môn đồ của tôi sẽ tiến bước xa hơn tôi và có tinh thần trách nhiệm cao hơn tôi để có thể hướng dẫn lớp đàn em sau nầy, dạy cho họ sự thương yêu và đoàn kết hầu xây dựng cho một thế hệ Việt Nam tương lai biết sống trong niềm tự hào dân tộc. (Ngọc Lan/NV)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT