Thursday, March 28, 2024

Đầu năm thăm mộ thân nhân, ‘sống mình thương, chết mình vẫn thương’

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Đầu Xuân, trong lúc mọi người quây quần chúc tuổi nhau, mời nhau miếng mứt và nắm hạt dưa hay bù khú chén chú chén anh, râm ran ngày Tết thì lại có những người ra nghĩa trang Peek Family thăm mộ thân nhân.

Nửa ngồi, nửa quì bên nấm mộ, ông Trương Viết Kỳ, ở Fontana, trầm mặc nhìn di ảnh vợ qua làn khói thuốc. “Hồi còn sống, bà ấy hay cằn nhằn tôi hút thuốc. Lúc ấy tôi bực lắm, cãi nhau hoài. Bây giờ tôi thèm được nghe lời cằn nhằn ấy quá,” ông nói nhỏ.

Năm nay 83 tuổi, ông Kỳ suy ngẫm về cái chết là tôn vinh cuộc đời. “Đầu năm đi viếng mộ người nhà là hợp lý nhất. Nhớ tới người quá cố là biết quí sự sống,” ông chia sẻ.

Như ông Kỳ, có người âm thầm lặng lẽ ngồi trước mộ, nhưng lại có người đi với gia đình già trẻ, lớn bé đông vui. Và ở một góc khác, có người âm thầm cắt cỏ một mình.

Bà Tôn Nữ Anh Thư bên mộ ca sĩ Ánh Tuyết “Ánh Đèn Màu”. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Bà Tôn Nữ Anh Thư, cư dân Riverside, thuộc nhóm này. Bà đến thăm mộ mẹ là ca sĩ Ánh Tuyết, người đã một thời làm bao nhiêu người ngẩn ngơ qua nhạc phẩm “Ánh Đèn Màu” (nhạc phim Limelight của Charlie Chaplin).

Tay cầm đồ cắt cỏ như cái tông-đơ, bà tỉ mỉ tỉa xén mảng cỏ trên mộ mẹ thành hình cây thánh giá có viền quanh. Vừa làm, bà vừa lẩm bẩm gì đó trong miệng.

“Tôi có cầu xin gì đâu. Thăm hỏi thân nhân mình mà cầu xin thì đâu phải là đến thăm,” bà lắc đầu. “Tôi chỉ nói chuyện với mẹ tôi thôi. Y như hồi bà còn sống vậy.”

Khi hỏi ngày đầu năm ra nghĩa trang, bà có thấy hơi bị vướng bận không, bà Anh Thư mỉm cười: “Không. Tết, ở đây đông người, tôi thấy nhộn nhịp, vui chứ. Ngày thường, chung quanh vắng lặng, nhiều khi tôi hơi ‘ớn ớn’. Cứ sợ người ta đóng cửa, nhốt mình trong này.”

Phải lái xe xa, nhưng tuần nào bà cũng viếng mộ. “Còn sống mình thương. Chết rồi mình vẫn thương. Coi như làm gương cho con cái vậy mà,” bà tâm sự.

Qua khu dành cho người theo Phật giáo, mùi khói nhang thơm tỏa một góc trời.

Bà Châu Hồng Mai, cư dân San Diego, nói: “Tôi thấy chuyện thăm mộ thân nhân vào ngày Tết là việc hết sức tự nhiên và bình thường.”

Bà giải thích: “Tết thì con cái phải mừng tuổi cha mẹ. Sống hay chết thì các cụ vẫn là cha mẹ mình, thế thôi.”

Khi cha mẹ bà Mai còn tại thế, cứ Mùng Một Tết, bà đưa các con đến chúc Tết hai cụ rồi làm gì thì làm. “Có năm tôi không được xông nhà cha mẹ vì kỵ tuổi, thì tôi cho đứa con gái lớn vào trước,” bà kể.

Thăm mộ, bà nhờ hai con, mỗi người bê một chậu cúc vàng có bao giấy kiếng đỏ, còn bà, tay cầm một bó hoa huệ và thẻ nhang. “Thuở sinh thời, cha mẹ tôi chỉ dùng hoa huệ để cúng Phật. Với tôi, mẹ tôi là Bồ Tát nên tôi cúng mẹ bó huệ,” bà cười.

Ông Scott Sơn Nguyễn, ở Bakersfield, tay cầm hai chai bia, một Michelob, một Heineken, tiến đến ngôi mộ ở góc xa. Ông khui nắp chai Heineken, tưới một ít lên mộ bia rồi đặt xuống. Chai Michlob, ông vặn nắp rồi uống một hơi.

Ông nói: “Đây là mộ thằng bạn chí cốt của tôi. Hồi nó còn sống, cái gì tụi tôi cũng giống nhau, cùng thích nghe nhạc cổ điển, bệnh thì ăn cháo trắng với cá lóc kho tiêu, thậm chí hai đứa lấy hai chị em.”

(Hình minh họa: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông uống thêm ngụm bia rồi cười: “Chỉ có cái khác nhau là mỗi đứa thích một loại bia.”

Mùng Một, ông ra thăm bạn rồi mới đi chúc Tết họ hàng.

Trên đường ra xe, ông quay lại, chỉ tay về hướng mộ bạn và nói: “Có trái thận của tôi ở dưới đó.”

Đi cả gia đình ra nghĩa trang, ông Thanh Trần, ở Claremont, cho biết: “Tụi tui ở không xa lắm, lái xe chừng 45 phút thôi. Trong năm, tuần nào, tôi cũng đi với con cháu tới thăm mộ vợ tôi. Tết thì lại càng muốn đi thăm hơn nữa.”

Đứng bên con ruột, con dâu, con rể, ông lặng thinh nhìn mộ phần vợ. Mắt ông không giấu hẳn được thoáng buồn.

Mấy đứa cháu ông, còn bé mà biết thương bà, đứng nghiêm chỉnh chắp tay lạy bà trước rồi mới tung tăng chạy nhảy.

Dọc theo con đường nhỏ, xe đậu càng nhiều hơn.

Cô Carol Trần, ở Los Angeles, đi với vị hôn phu bước lên quãng dốc hướng về mộ cha.

Cô nói: “Hồi còn sống, cha tôi cứ hối tôi lấy chồng cho ông có cháu bồng. Bây giờ, tôi đưa ‘fiancé’ lên chào ba. Tôi biết cha tôi rất vui.”

Bà Leila Lệ Nguyễn, cư dân Chula Vista, khệ nệ bê một khay bánh mứt ra. Đặt trước mộ phần, bà loay hoay đốt nhang. Một lúc sau, bà lâm râm khấn khứa, thắp nhang rồi chia phần còn lại cho các ngôi mộ chung quanh.

“Con gái tôi, mới 19 tuổi, rất giỏi, đang học ở UCLA thì bị một bà say rượu lái xe đụng chết. Đầu năm ra thăm con mà ruột tôi quặn đau. Cứ nhớ mới hai năm trước, nó còn ngượng nghịu chúc tuổi tôi bằng tiếng Việt mà thương ghê.”

Bà chặc lưỡi rồi ngậm ngùi: “Đang còn là con nít mà đã ra người thiên cổ rồi.”

Hầu như tất cả những người này đều thăm mộ hàng tuần, nhưng không vì lẽ đó mà ngày Tết lại không ra “mừng tuổi”.

Người Việt, theo quan niệm Á Đông, tin rằng hương hồn người khuất mặt luôn ở quanh mình nên việc viếng mộ đầu năm chỉ là việc hết sức tự nhiên.


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT