Thursday, March 28, 2024

Bác Sĩ Đông Xuyến: ‘Người ta chỉ chọn cái chết khi không biết phải sống như thế nào’

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Nhân câu chuyện viết về nỗi lòng của chị Lý Trí Anh (nhật báo Người Việt số ra ngày Thứ Năm, 24 Tháng Giêng), một người mẹ có con trai quyết định chọn cái chết khi mới 17 tuổi, phóng viên Người Việt đã có cuộc phỏng vấn với Bác Sĩ Tâm Lý Đông Xuyến về vấn đề liên quan đến tâm bệnh trầm cảm ở lứa tuổi thanh thiếu niên, cũng như thái độ, cách hành xử cần có ở các bậc cha mẹ, phụ huynh khi con em rơi vào chứng bệnh này.

Bác Sĩ Tâm Lý Đông Xuyến hiện là giám đốc chương trình Sức Khỏe Tâm Lý của Southland Integrated Services, Inc., cố vấn của Hội Yểm Trợ Sức Khỏe Tâm Thần Người Việt Quận Cam.

Theo Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh Hoa Kỳ CDC, tự tử là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Mỹ. Riêng với giới trẻ, đặc biệt với các em từ 10 đến 24 tuổi, đây là nguyên nhân xếp hàng thứ ba. Mỗi năm, có khoảng 4,600 người trong độ tuổi này tự kết liễu đời mình.

Dấu hiệu con em bị trầm cảm, tâm bệnh

Bác Sĩ Đông Xuyến cho biết, có nhiều yếu tố cộng hưởng để đưa đến tâm bệnh, trầm cảm.

Biểu hiện trầm cảm của các em thiếu niên khác với người lớn. Người lớn có thể biểu hiện bằng thái độ mệt mỏi, không có năng lượng, không muốn làm gì hết. Trong khi các em có thể biểu hiện bằng những thay đổi bất thường như ngủ nhiều hơn hoặc ít hơn, cô lập hơn với gia đình, bạn bè, học hành sa sút, con gái khóc nhiều hơn, con trai thì ít biểu hiện cảm xúc ra mặt, không thể cười nhiều.

Nhiều em đi xa hơn nữa là có những suy nghĩ rất tiêu cực về bản thân, không nhìn thấy màu hồng trong đời sống, không có niềm tin, không có sự lạc quan.

Bệnh trầm cảm giống như bệnh suyễn, bệnh ung thư cần điều trị

Bác Sĩ Đông Xuyến cho rằng nếu thật sự cha mẹ không gần con, cứ đi làm rồi về, cho con ăn uống, rồi đưa đi học ở trường, học đàn, học võ, học thêm, chỉ biết con tốt hay xấu qua điểm số, thì sẽ không thể nào biết được những tâm tư suy nghĩ của con, và như vậy con cũng không cảm thấy an toàn để nói chuyện với cha mẹ về những cảm nhận của nó.

Tuy nhiên, cha mẹ có thể nhìn thấy những dấu hiệu thay đổi ở các em, vì các em bị trầm cảm rất dễ tức giận, dễ nóng nảy, dễ nhạy cảm, dễ tổn thương.

Cha mẹ cần hiểu rằng bệnh tâm não không phải là do đứa bé này yếu đuối, vì nó hư hỏng, hay vì nó không được như người khác. Có những em sinh ra có nhiều tài, nhiều điểm đặc biệt, nhưng mà rồi các em cũng có những thử thách trong sức khỏe tâm não, trong cảm xúc của các em.

Cha mẹ hãy nên nhìn con mình bị bệnh tâm não, trầm cảm, giống như bị bệnh suyễn, bệnh tiểu đường, hay một loại bệnh nào đó cần được chữa trị. Chứ không phải đi so sánh, chê bai, rồi gắn cho các em những nhãn hiệu như nó yếu đuối, nó ủy mị… thì sẽ càng làm cho con mình rơi vào tình trạng bế tắc mà thôi.

Phụ huynh hãy nên hiểu rằng ngoài việc phải làm vừa lòng cha mẹ, các em còn có áp lực trong trường học để làm sao được bạn bè chấp nhận, để không bị đẩy ra dòng lề xã hội. Các em có áp lực về học vấn, vì ai cũng muốn học thành công hết. Đó là chưa kể đến các em còn có áp lực nếu như trong gia đình cha mẹ có những vấn đề xung khắc với nhau. Hoặc cha hay mẹ cũng có tâm bệnh mà họ cũng không biết, đưa đến cách hành xử, cách sống làm tổn thương đứa bé.

Các yếu tố này cộng hưởng, không có yếu tố nào là duy nhất để đưa các em đến con đường bị tâm bệnh.

Bác Sĩ Tâm Lý Đông Xuyến (phải) trong cuộc phỏng vấn với phóng viên Ngọc Lan. (Hình: Thanh Long/Người Việt)

Người ta chỉ chết vì không biết cách nào để sống

Với kinh nghiệm là trưởng phòng của Khoa Ngoại Chẩn Tâm Thần cho vùng phía Tây của Orange County, Bác Sĩ Đông Xuyến cho biết, thật sự lý do đưa các em đến quyết định kết liễu đời mình thật ra chỉ là chất xúc tác chứ không phải là nguyên nhân, vì khi một người lớn hay một em vị thành niên quyết định kết liễu cuộc đời mình thì họ đã phải trải qua thời gian bị tâm bệnh rất dài.

Tuy nhiên, cô cũng cho rằng không nên đổ hết trách nhiệm này cho cha mẹ. Vì có thể các em đã không chịu nói với cha mẹ, nhưng lại nói với bạn bè mình.

Nghiên cứu cho thấy thường ai cũng muốn sống, không ai muốn kết liễu đời mình. Người ta chỉ chọn cái chết khi không còn biết cách nào để sống, khi sự đau thương đã quá sức chịu đựng. Họ chọn cái chết như một sự giải thoát ra khỏi những đau khổ mà họ đang mang.

Theo Bác Sĩ Đông Xuyến, khi người ta ở trong tình trạng bế tắc tột cùng thì không thể thấy ánh sáng cuối đường hầm. Cho nên, khi đó rất cần có những cuộc nói chuyện giúp họ thấy được một tia sáng, một tia hy vọng nào đó.

Đặc biệt đừng bao giờ có sự phán xét những người này vì họ ở trong tột cùng của đau thương rồi, nên đừng chê trách họ nữa.

Thế nên khi nghe con nói muốn chết thì đừng bao giờ phán xét “đồ dở hơi, tự dưng đòi chết,” cũng không được bỏ qua, mà phải xem đó là một vấn đề nghiêm trọng để tìm cách giúp đỡ. Đối với phụ huynh ở Quận Cam, hãy gọi số điện thoại (714) 517-6353 để được những người chuyên môn có sự chẩn định khẩn cấp.

Có những trường hợp phụ huynh gọi cảnh sát. Tuy nhiên, hãy nên cho cảnh sát biết đây là người có tâm bệnh để có người chuyên về tâm bệnh đi cùng với cảnh sát. Vì nếu cảnh sát có những phản ứng cường độ như còng tay đưa đi, vì đó là nguyên tắc của họ, thì có thể sẽ làm cho người kia càng trở nên căng thẳng hơn, càng cảm thấy khủng khiếp hơn, đó là chưa kể có khi còn làm các em bị xấu hổ nữa. Nghĩa là trong trường hợp này, đòi hỏi phải có sự tinh tế, đầy cảm thông.

Khi nghe con nói muốn chết thì đừng bao giờ phán xét “đồ dở hơi, tự dưng đòi chết,” cũng không được bỏ qua, mà phải xem đó là một vấn đề nghiêm trọng để tìm cách giúp đỡ. (Hình minh họa: ct.counseling.org)

Cha mẹ phải nhìn ra sự bất thường nơi con em

Bác Sĩ Đông Xuyến phân tích, thực sự không ai 24/24 có thể bảo vệ được một người khi người đó thực sự muốn tự tử. Khi biết con đang có thay đổi bất thường, nếu con không nói chuyện với mình thì hãy đưa con đi gặp người có chuyên môn.

Hãy hình dung cuộc đời các em có những trang cần phải lần giở ra, nhưng nếu không biết cách mở thì nó cứ đóng kín mãi, chất chồng, tích tụ trong đó bao nhiêu là áp lực từ chuyện học hành, trường lớp, bạn bè, đến áp lực từ gia đình cha mẹ… thì đến lúc các em hoàn toàn bế tắc, không chịu đựng nỗi những cảm xúc đau khổ của mình, muốn sống mà không biết phải sống như thế nào nên đành chọn cái chết để giải thoát đau khổ, chứ không phải vì các em thấy hào quang của cái chết.

Điều quan trọng là phụ huynh phải nhìn ra được những dấu hiệu bất thường nơi các em, chứ không cần phải hiểu hết các em, vì làm sao cha mẹ có thể bước hẳn vào thế giới của con mình, của một thế hệ khác để mà hiểu, đó là chưa kể đến sự khác biệt văn hóa? Cho nên, chỉ cần nhìn thấy dấu hiệu tâm bệnh của con mình là phải đi tìm sự giúp đỡ ngay.

Bên cạnh đó, cha mẹ cần có sự đồng cảm với con, có được sự đồng cảm mới có được sự tế nhị, tinh tế trong ứng xử với con. Làm sao để các em thấy rằng các em rất quan trọng với cha mẹ, nhất là trong khoảnh khắc các em có ý định tự tử. Vì các em muốn chết thường có suy nghĩ mình không có giá trị, mình sống chết chẳng ai màng tới, không ai để ý tới.

Cha mẹ ngay từ bây giờ nên cho con biết các con quan trọng với mình như thế nào, hãy nói cho con biết con quan trọng với cha mẹ hơn bề ngoài của con, hơn những gì con đạt được, cuộc sống, niềm vui, sức khỏe của con mới là quan trọng nhất. (Ngọc Lan)

—-

Liên lạc tác giả: [email protected]

Nỗi lòng người mẹ gốc Việt có con nhảy lầu tự tử

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

MỚI CẬP NHẬT