Friday, April 19, 2024

Đêm nhạc ‘Gợi Giấc Mơ Xưa,’ một dấu ấn chưa bao giờ phai

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Giới yêu thích dòng nhạc tiền chiến Việt Nam lại có dịp được trở về những ngày xưa cũ, qua chương trình nhạc thính phòng chủ đề “Gợi Giấc Mơ Xưa,” tổ chức tại Viện Việt Học, Westminster, vào chiều Thứ Bảy, 9 Tháng Ba.

Khi chiều còn lãng đãng ánh hoàng hôn và những cơn gió lạnh tràn về, là lúc thính phòng Viện Việt Học đã đầy kín chỗ ngồi, với những náo nức đợi chờ những nhạc phẩm vượt thời gian, từ trước 1945 đến tận hôm nay, được trình diễn qua 22 tiết mục.

Cô Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, nói lời khai mạc: “Chúng ta thường tìm về những gì thanh thản, để giải tỏa tạm thời những cơn biến loạn trong đời sống, và dường như dòng nhạc tiền chiến bao giờ cũng như cái nôi êm đềm trong một thời huy hoàng mà không bao giờ tìm lại được. Dòng nhạc lãng mạn diễn tả tình yêu, tình thương qua thiên nhiên, trăng sao vũ trụ, tất cả tâm tình của kẻ sĩ thời ấy biến tất cả nguồn tâm tư và văn chương, cộng vào cái học của thời mới, biến hóa tuyệt vời, đặc biệt là thời gian 40 năm qua, mà bây giờ không còn nữa những tình người mượt mà, để lại từ một thuở xa xưa!”

Ban hợp ca Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học rộn ràng mở đầu buổi diễn với nhạc phẩm “Đoàn Lữ Nhạc,” sáng tác Đỗ Nhuận.

Nhạc phẩm “Tiếng Sáo Thiên Thai” với giọng hát điêu luyện của Bác Sĩ Thiên Hương và em Mê Linh, nhận được tràng pháo tay nồng nhiệt. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Cả thính phòng cùng vỗ tay hòa theo nhịp điệu pasodoble rộn ràng, nghe là muốn tung mình trong gió, theo cánh chim giang hồ, “Ra đi mang cây đàn theo trên hai vai. Cất tiếng hát rung trời mây, hát tiếng gió ru ngàn cây. Ra đi khắp nơi xa vời. Gió bốn phương, kìa gió bốn phương, kìa gió bốn phương ào ào cuốn lá rơi. Người đi khúc nhạc chơi vơi. Gió khắp nơi kìa gió khắp trời, vang vang khúc nhạc say đời!”

Người thường tham dự những buổi nhạc tại Little Saigon, “Ông Già Lãng Tử” nhận xét về ca khúc này: “Nếu tôi nhớ không lầm, ‘Đoàn Lữ Nhạc’ được nhạc sĩ Đỗ Nhuận sáng tác từ năm 1943, tới nay cũng hơn 70 năm rồi. Nói đến ông, ai cũng nhớ ca khúc nổi tiếng này, từng được giới yêu nhạc miền Nam yêu mến, nhiều ban nhạc và ca sĩ Sài Gòn ngày trước đã hát nhiều lần trên làn sóng phát thanh.”

Ông già hào hứng kể tiếp: “Hôm nay nghe lại bài này, tôi như được trở về thời gian và không gian ngày cũ, khi còn là học sinh trung học thường hát vang trong những buổi cắm trại, du khảo, băng rừng lội suối. Nhịp điệu và lời ca như ngọn lửa bùng cháy thôi thúc ý chí lớp trẻ bọn tôi thời ấy, cứ nghe là muốn lên đường. Tôi cho rằng chỉ cần bài này thôi cũng đủ làm nên tên tuổi của người nhạc sĩ, dù sau này ông có sáng tác thêm nhiều bài nữa!”

Tiếp nối chương trình, xen kẽ trong những nhạc phẩm đơn ca, phần hợp ca được trình bày qua các nhóm: Tứ Ca Hương Xưa, Ban Gió Núi, Nhóm Cát Trắng, Ban Hợp Ca Viện Việt Học, mỗi nhóm đều có một phong cách biểu diễn, nhận được sự tán thưởng nồng nhiệt.

Hợp ca “Đoàn Lữ Nhạc” mở màn buổi diễn, do ban hợp ca Câu Lạc Bộ Viện Việt Học trình bày. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Trong tiết mục đơn ca, giọng hát của hai mẹ con, Thiên Hương và em Mê Linh khiến người nghe như quên cả đường về, khi song ca nhạc phẩm “Tiếng Sáo Thiên Thai,” sáng tác Phạm Duy. Có người còn cho rằng quá tuyệt vời, không biết đâu là giọng của mẹ hoặc của con.

Bác Sĩ Thiên Hương, trưởng Liên Đoàn Hướng Đạo Hướng Việt, thường xuất hiện trong phong trào du ca Nam California, cho biết: “Để trình bày nhạc phẩm này, có những đoạn phải đi bè cho thật khớp mà không át lẫn nhau, hai mẹ con phải tập ở mọi lúc, như khi mẹ lái xe chở con đi học, cháu ngồi kế bên bắt đầu luyện giọng, hoặc cùng nhau tập trên giường trước khi ngủ, hoặc trong nhà bếp, phòng ăn. Cứ như thế, tập trong khoảng ba tuần là vững rồi!”

Riêng Mê Linh, đã khiến mọi người nhiệt liệt yêu cầu hát thêm, sau khi nghe em trình diễn nhạc phẩm “Dạ Lai Hương,” sáng tác Phạm Duy, thuộc loại rất khó so với trình độ của mình, khiến khán giả nhận xét ngay cả ca sĩ cũng phải dè dặt khi trình bày.

Những bản nhạc với âm điệu khi lả lướt chơi vơi, khi trở về những thời thanh bình trên quê hương ngày cũ, hoặc rộn ràng trong những giai điệu vui tươi, hoặc thổn thức những nỗi niềm, đã dẫn dắt thính giả đi từ thích thú đến ngưỡng mộ những giọng ca đã cống hiến một đêm nhạc tuyệt vời.

Ca sĩ Thanh Mỹ, trong tâm tư buồn vời vợi, đã khơi lại nỗi sầu viễn xứ qua ca khúc “Hận Ly Hương,” và tâm tình của những ai đã từng yêu và được yêu, qua nhạc phẩm “Nỗi Lòng” sáng tác Nguyễn Văn Khánh. Cô cho biết rất nhớ lại ngày xưa khi đứng trên sân khấu, và thính giả hôm nay thật dễ thương, ngồi thưởng thức cho đến giờ chót, đó là niềm khích lệ lớn cho ca sĩ.

Khán phòng đông kín người đến tham dự đêm nhạc “Gợi Giấc Mơ Xưa” tại Viện Việt Học. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Ông bà Phong Đào và Phùng Ann Kim đến dự sớm nhất và ra về sau cùng. Bà Kim cho biết: “Những bài nhạc hôm nay thật sự đưa nguời nghe về một thời quê hương thanh bình đã quá xa vời. Cảm giác thật tuyệt khi được trở về quê hương qua âm nhạc tiền chiến, dù ca sĩ chưa chuyên nghiệp nhưng tất cả đều hát với tấm lòng, với sự quý mến, trân trọng dòng nhạc tiền chiến, cả với những người đi nghe nhạc.”

Ông Phong Đào nói: “Khi lớn lên, may mắn được sống trong miền Nam tự do. Tất cả những bài nhạc hôm nay hầu như tôi đều thuộc lòng. Và 60 năm sau, đêm nay tại một sân khấu tự do ở nước Mỹ, được nghe lại những bài nhạc này, xin cảm ơn Viện Việt Học cho tôi sống lại những ngày niên thiếu của mình, cảm ơn các ca sĩ đã có tấm lòng bảo tồn sự nghiệp văn nghệ của dân tộc.”

Ban Gió Núi trình diễn nhạc phẩm “Dừng Bước Giang Hồ.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Khi ca sĩ Ngọc Quỳnh nhận được tràng pháo tay tán thưởng nhiệt liệt qua ca khúc “Hướng Về Hà Nội,” sáng tác Hoàng Dương, trong niềm xúc động, cô cho biết: “Thông thường có một mối liên hệ rất lớn giữa tác giả, tác phẩm, và ca sĩ. Tôi thường gởi gắm hết cả tâm tình của mình vào bài nhạc khi hát, trong đó có cả tâm trạng của tác giả nữa, đó là mối giao tình thắm thiết giữa ba yếu tố ấy.”

Cùng ý kiến trên, MC Mai Ngọc Dung thật duyên dáng khi điều hợp chương trình, cho rằng khi người ca sĩ trình bày một nhạc phẩm, thường thì gởi gắm hết cả tâm tình của mình vào đó, mong rằng những tình tự ấy khán giả cũng cảm ứng được, tất cả đều tương tác nhau, sẽ thành công.

Đêm nhạc “Gợi Giấc Mơ Xưa” đã mang lại một chiều cuối tuần thật đẹp, với những bài nhạc vượt thời gian cho đến tận hôm nay, làm sống lại những sáng tác của 75 năm âm nhạc Việt Nam, và giấc mơ ấy vẫn chưa bao giờ phai. (Văn Lan)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT