Friday, March 29, 2024

Đêm nhạc nồng nàn tình yêu bất tận ‘Ba Mẹ Trong Ca Dao’

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trong “Ngày Lễ Cha” sắp đến, một đêm nhạc thật ấm áp với chủ đề “Ba Mẹ Trong Ca Dao và Thơ Nhạc Việt Nam” vừa diễn ra vào tối Thứ Bảy, 8 Tháng Sáu, tại Viện Việt Học, Westminster.

Tình cha, tình mẹ thương con như dòng chảy miên man, tự bao đời nhân loại cứ thế lặp lại tình yêu bất tận ấy. Và những bài thơ, nhạc hòa quyện vào nhau trong một không gian ấm cúng, cùng những trái tim yêu nồng nàn tình mẹ cha, tình mẹ Việt Nam, tình non nước quê hương dân tộc, với 21 tiết mục, những bài hát ca ngợi ơn nghĩa sinh thành, đã làm cả thính phòng rưng rưng với những bài thơ nhạc.

Ba mẹ sinh thành, ba mẹ tinh thần, ba mẹ về tâm linh, tất cả ngợi khen về công ơn sinh thành dưỡng dục, ngoài ra còn có mẹ quê hương, người mẹ Việt Nam sinh con, nuôi con khôn lớn rồi dâng hiến con mình cho đất nước, cho quê hương được thanh bình, tất cả đau khổ mất mát chỉ mình mẹ gánh chịu. Tất cả đều được Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học trình bày.

Từ vần thơ của Phạm Thiên Thư, Trần Trung Đạo, Đỗ Hồng Ngọc, Nguyễn Linh Diệu, cho ra những cung cách phổ nhạc tài tình của nhạc sĩ Phạm Duy, Nguyễn Đình Toàn, Võ Tá Hân, Thẩm Oánh, Y Vân, Trần Tiến, Nguyễn Ngọc Phúc, Dino Phạm Hoàng Dũng, Nguyện Văn Chung, Trầm Tử Thiêng, Phạm Ngọc Lân, Lê Thương, Nguyễn Từ Mỹ, Nguyễn Đức Quang.

Làm nổi bật những giai điệu tuyệt vời của các nhạc phẩm về cha mẹ là các giọng hát Ái Liên, Ái Phương, Chế Tùng, Kim Phương, Lâm Dung, Mạnh Hùng, Minh Vũ, Ngọc Diệp, Ngọc Quỳnh, Phạm Tuấn, Trần Ngọc Lân, cùng tiếng đàn keyboard của nhạc sĩ Ngọc Tú, âm thanh Nguyễn Thái, và hai MC Kim Ngân, Giáng Tuyết, đã làm nên một đêm nhạc tuyệt vời.

Ngọc Diệp và Mạnh Hùng song ca “Vợ Chồng Quê.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Mở màn với nhạc phẩm “Mẹ Trùng Dương” sáng tác Phạm Duy với Ban Hợp Ca CLB Viện Việt Học.

Kế đến, “Lời Ru Bú Mớm Nâng Niu” thơ Phạm Thiên Thư, nhạc Phạm Duy, qua giọng ca mềm thắm thiết, Ái Phương như đưa cả lòng mẹ yêu con vào câu hát ru, mà người thi nhạc sĩ diễn tả bằng cả vòng tay ấm, bằng bầu sữa nóng ngọt ngào, bằng cả núi đồi, mây gió trên rừng núi, để cho con biết yêu tiếng dịu dàng, cho tim con chẳng có vực bờ, không oán thù người.

Đôi chút suy tư về nhạc phẩm “Lời Ru Bú Mớm Nâng Niu,” cô Kim Ngân, phụ trách Viện Việt Học, chia sẻ: “Nhìn thảm cảnh của quê hương mình mà thấy thương cho mẹ Việt Nam, khi sinh con đầu lòng, chưa lớn mà đã nghĩ đến ngày sẽ dâng hiến con mình cho đất nước, con trai sẽ tiếp nối con đường chiến đấu của cha mình. Bởi vì không ai nghĩ đến cuộc chiến sẽ tàn, quê hương vẫn triền miên khói lửa, con mình rồi cũng sẽ là con của quê hương. Người mẹ nào cũng ước mong cho con mình sẽ có một tương lai huy hoàng, nhưng trong lời ru con, người mẹ thấy rằng con mình rồi cũng sẽ chịu những mất mát trong khói lửa chiến chinh. Đó là nỗi đau khổ lớn nhất của những bà mẹ Việt Nam!”

Nói về nhạc phẩm “Mẹ Năm 2000,” cô Kim Ngân chia sẻ tiếp, với quan điểm của Viện Việt Học thì: “Nhạc sĩ Phạm Duy sáng tác bài này trước năm 2000, ông đã nhìn thấy người mẹ trong tương lai, khi những em bé gái được sinh ra và lớn lên, tuổi thơ Việt Nam bị lạc loài trên quê hương của mình, thiếu ăn, thiếu mặc và thiếu học hành, mẹ bây giờ ở miền quê oan trái, trẻ thơ vào đời chỉ thấy đơn côi.”

“Nhìn lại hiện tại, những hiện tượng đang nở rộ như tuổi xanh hung dữ, các em nữ sinh bạo lực trong trường học, rồi đi làm lao động hay bị bán làm vợ xứ người. Một đất nước không xây dựng được tuổi trẻ trong sáng thì tuổi trẻ trong tương lai sẽ thành một thế hệ tham tàn!,” cô Kim Ngân tiếp.

Mạnh Hùng trong nhạc phẩm “Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười” thơ Trần Trung Đạo, nhạc sĩ Võ Tá Hân phổ nhạc, khiến cả thính phòng chơi vơi thinh lặng, trong phút giây nghe người con trai cố nén nỗi lòng nhớ thương, sau 10 năm ly xứ chợt nghe giọng mẹ qua điện thoại.

Ban nhạc CLB Viện Việt Học hợp ca “Về Với Mẹ Cha.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bài này nói lên tiếng lòng của người con trai, vì hoàn cảnh đất nước mà phải bỏ xứ ra đi, để mẹ già ở lại nơi quê nhà. Mười năm sau, khi nghe lại tiếng người mẹ qua điện thoại, chỉ biết nén lòng thương nhớ. “Nghe tiếng mẹ ơi bỗng lặng người/ Giọng buồn hơn cả tiếng mưa rơi/ Ví mà con đổi thời gianmđược/ Đổi cả thiên thu tiếng mẹ cười!”

Hiện diện trong đêm nhạc, nhạc sĩ Võ Tá Hân chia sẻ: “Mẹ trong thi ca là cả một đề tài bao la bất tận của nhân loại. Bài ‘Đổi Cả Thiên Thu Tiếng Mẹ Cười’ thơ Trần Trung Đạo, tôi phổ nhạc năm 1997, khi chưa gặp được nhà thơ, và hầu hết các bài hát về mẹ đều do giọng nữ trình bày, vì tiếng con thốt lên gọi mẹ ơi, tiếng người nữ nghe êm đềm lắm. Nhưng khi tiếng người con trai gọi ‘mẹ ơi,’ chính lúc đó là cả một trời thống thiết!”

Rất hiếm bài hát về cha trong kho tàng âm nhạc Việt, và trong đêm nhạc này, thính giả được nghe những bài hát “Ơn Cha” (Y Vân) do Lâm Dung trình bày; và “Người Thợ May” (Dino Phạm Hoàng Dũng) qua giọng ca Chế Tùng, nhận được tràng pháo tay tán thưởng nồng nhiệt.

Bài “Người Thợ May” sáng tác Dino Phạm Hoàng Dũng, Chế Tùng trình bày theo điệu ballad, mang đến âm hưởng và giai điệu lạ, khi nói về người cha làm thợ may, đã ngồi may bao năm tháng để nuôi con ăn học, khi con lớn lên cha vẫn ngồi may, để con trai đi lính giữ gìn quê hương, lòng cầu nguyện cho con luôn được bình yên. Nhưng nay nước non điêu tàn, cha con dắt dìu nhau lưu lạc nơi xứ Mỹ và người cha trở lại nghề xưa, vẫn ngồi may miệt mài để quên nỗi buồn quê hương, cầu xin cho thanh bình nở hoa để trên môi em bé thơ nở nụ cười tươi.

Cả thính phòng như rộn ràng hẳn với bài hát “Về Với Mẹ Cha” cùng nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang đưa cả dân tộc về với tâm tình của mẹ cha, gởi gắm đến đàn con Việt một tình yêu non nước nồng nàn với cả tấm lòng dựng xây, đấu tranh cho ngày quê hương thanh bình.

Cả thính phòng hòa trong nhịp đập của trái tim dâng đời, qua tiếng hát của Ban Hợp Ca Viện Việt Học, cùng tiếng vỗ tay hòa nhịp sôi nổi của khán giả đã khép lại chương trình. (Văn Lan)

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT