Friday, April 19, 2024

‘Đêm Thứ Nhất’, đêm ra mắt ‘Thơ Trần Dạ Từ’

Đằng-Giao/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chương trình thơ nhạc “Đêm Thứ Nhất” do gia đình Việt Báo tổ chức ra mắt cuốn “Thơ Trần Dạ Từ”, đồng thời kỷ niệm 60 năm tác giả đóng góp cho văn đàn Việt Nam, diễn ra vào tối 17 Tháng Mười Một tại Galery Việt Báo, Westminster.

Đến với “Đêm Thứ Nhất”, ai cũng hiểu rằng tất cả những nhạc phẩm trong chương trình đều từ thơ Trần Dạ Từ nên mọi người đều mong đợi một chuẩn mực cao.

Xen kẽ với những giọng ca lão luyện là những giọng đọc truyền cảm của bằng hữu thi sĩ nhằm vinh danh những dòng tư tưởng nhuốm chất thơ Trần Dạ Từ.

Nhạc và thơ, thơ và nhạc, cả hai cùng phát xuất từ tâm hồn nhân bản Trần Dạ Từ để làm đẹp hơn cho thân phận loài người.

Trong gian phòng mượt mà thắm đượm sắc màu lạ lẫm từ những bức tranh độc đáo của họa sĩ Cao Bá Minh, có những ngọn nến lung linh vừa đủ sáng để người ta thấy được nỗi háo hức trên những khuôn mặt chung quanh trước giờ bắt đầu.

Sau khi tiếng xì xầm bàn tán từ khán giả suốt bài mở đầu “Đêm Thứ Nhất” vừa lắng đọng, giọng ca Paula Jeanie Bennett và Thương Linh hòa quyện vào nhau rồi bay vút lên trong nhạc khúc “Santa Barbara” như một lời tự tình của tác giả gởi đến biển cả trong điệu nhạc jazzy tình tứ và điêu luyện.

“Santa Barbara, Santa Barbara/Place of my dream…/Another sky/Another trees/They speak to me peacefully /And I’m reborn narturally by the sea/ Santa Barbara, Santa Barbara/My love is waiting with eyes full of ocean/The clouds in the mountain/A deep song inside/And I could die so happy by the sea…”

Ba gương mặt của diễn đàn văn nghệ Việt Nam trên cùng sân khấu. Từ phải, Trần Dạ Từ, Nhã Ca và Kiều Chinh. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Lòng nhân bản từ tâm hồn Trần Dạ Từ, lại một lần nữa, tỏa sáng qua giọng ca trầm ấm của Quang Tuấn với nhạc phẩm “Như Bóng Quê Xa”. Nhìn quê hương tơi tả trong chiến tranh, người nhạc sĩ không hằn học oán hờn mà bình thản tìm cứu rỗi trong tình yêu.

“Ta lớn lên, khi hờn oan đang gào thét/Ta biết nhau, khi cuộc chiến đang tràn lan/Em đã cho anh nụ cười vui trong tóc…/Người yêu ơi, nụ cười em như sao mai rạng rỡ/Còn theo ta, đêm sâu buốt giá/Khi bên tai, cái chết còn thì thầm/Người Yêu ơi. Dòng lệ em trên môi ta vẫn ấm…”

Tình yêu trong thi nhạc Trần Dạ Từ như vượt lên tất cả, vượt trên định luật vật lý của loài người.

Cứ lắng nghe ông qua “Chuông & Mưa” thì thấy.

“Chiều mưa, mưa cho ta nhớ/Ta nhớ ôi ngày thơ/Thành phố xưa, nơi hẹn hò quán cũ…/Và anh hôn em, như xóa không gian/Và anh hôn em trong tiếng chuông chiều tàn…”

Khánh Ly, giọng ca không thể thiếu trong ‘Đêm Thứ Nhất’. (Hình: Ðằng-Giao/Người Việt)

Từ khúc không nói gì cả, nhưng người nghe có cảm giác như nụ hôn ông rất nồng nàn. Nồng nàn đến nỗi, như thách đố khoa học, tiếng chuông chùa buổi chiều mưa chợt tan hòa vào giọt mưa để từng “giọt chuông” rơi rơi, chơi vơi trong cõi mộng đời.

“…Chuông còn vang/Chuông còn vang mãi trong hồn ta bồi hồi/Từng giọt chuông vang mãi/Nhắc mãi một đời…”

Phải nói, chưa thi sĩ nào trên thế giới lại có được một nụ hôn nồng cháy đến như thế.

Có thể nói ông là thi sĩ của những nụ hôn để đời. Nụ hôn ông như thoát ra khỏi riêng tư đôi lứa mà thăng hoa vào vạn vật chung quanh.

Thi phẩm “Nụ hôn Đầu” được thi sĩ Du Tử Lê đọc lại như một cái gật đầu chào đầy cảm mến.

Quang Tuấn, ‘Tôi rất cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của các con ông.’ (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

“Lần đầu ta ghé môi hôn/Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang/Vườn xanh, cỏ biếc, trưa vàng/Nghìn cây phượng vỹ huy hoàng trổ bông/Trên môi ta, vạn đóa hồng/Hôn em trời đất một lòng chứa chan/Tiếng cười đâu đó ròn tan/Nụ hôn ngày ấy miên man một đời/Hôm nay chợt nhớ thương người/Tiếng ve mùa cũ rụng rời vai anh/Trưa vàng, cỏ biếc, vườn xanh/Môi ai chín đỏ đầu cành phượng xưa.”

Lại một lần nữa, lòng bao dung tha thứ như đã thành thi phong Trần Dạ Từ được ca sĩ Bích Liên thể thiện một cách rõ nét trong sáng tác “Người Ở Với Người” bằng giọng ca trong trẻo như tiếng chim đầy thứ tha, dù bao lần thoát cảnh hiểm.

“Lòng ta ở với người/Thật thà bị lừa dối/Người trung trinh bị phản bội/Người tín nghĩa bị dập vùi/Người ơi, đây lòng tôi sục sôi bài hát/Bài hát lòng tôi ở với người…”

Ca sĩ Bích Liên, ‘…Lòng tôi sục sôi bài hát/Bài hát lòng tôi ở với người…” (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Lòng nhân hậu của Trần Dạ Từ là thế đấy. Chứng kiến những lừa dối, những phản bội, lòng người nhạc sĩ không hề sục sôi oán hờn hay khinh miệt. Lòng ông vẫn chỉ sục sôi một bài hát ngỏ lời thông cảm mà thôi.

Nhà báo, cũng là nhà thơ Đỗ Quí Toàn, mừng sinh nhật người bạn thuở ấu thơ với phần đọc thi phẩm “Thơ Lặng Lẽ Trò Chuyện”, một bài thơ độc đáo được thi sĩ Trần Dạ Từ hòa thi tứ của mình với những câu thơ của bà Agneta Pleijel, một thi sĩ Thụy Điển đa tài.

“Chào chị, Agneta Pleijel/Tôi chờ đây nhà thơ/Tôi chờ nơi chị chưa từng ở/Chúng ta chưa quen biết/Nhưng vẫn thường thấy nhau/Khi chị quay trở lại/Bước ra từ bóng mờ, anh ta bị biến dạng/Phân nửa bộ xương đã sụp đổ/Đừng ngại Agneta. Tôi đây/Tôi là phân nửa đã sụp đổ/Tôi, một mắt. Không sao/Chúng ta vẫn thấy nhau/Tôi, một tai/Không sao/Chúng ta vẫn nghe nhau khi lặng lẽ trò truyện/Tôi, một tay. Không sao/Chúng ta cùng bước đi/Yên tâm. Khi chị quay trở lại/Phân nửa bộ xương vẫn đứng đợi…”

(Phần in nghiêng là thi từ của bà Pleijel)

Bài thơ nói lên được sự chia sẻ thương đau, mất mát của nhân loại trong tinh thần Thiên Chúa. Và thi sĩ Trần Dạ Từ đã cùng hòa dòng thơ với nhà thơ Pleijel để tôn vinh Linh Mục Maximilian Kolbe, một vị tu hành được phong thánh vì đã bị Đức Quốc Xã bắt phải chết chung với người Do Thái vì hết lòng cứu giúp họ.

Sự cô đơn cùng cực của một người tù thèm được nói lên tiếng nói con người suốt bao tháng năm được tác giả khéo léo và thản nhiên lột tả trong sáng tác “Cám Ơn Dế Mèn” được chuyển tải qua giọng ca bất hủ Khánh Ly.

“Ai? Ai đó? Ai. Ai đó vừa kêu tôi?/Ahaá, anh dế mèn/Ðúng là anh dế mèn năm xưa/Ngày nào, đêm mưa/Một mùa giông tố/Có anh dế mèn phất phơ/Lạc vào cát xô/Ðùa vui với người tù/Và người và dế và mưa gió/Cùng hát, hát vang hát vang xa/Khúc tình ca gió mưa/Ôi bài hát năm xưa/Cám ơn, cám ơn em, dế mèn/Tiếng kêu vừa lạ lại vừa quen/Thịt xương đáy ngục xưa thức dậy/Lạnh một bên mà nóng một bên/Cám ơn. Cám ơn em, dế mèn/Bao nhiêu năm, bài hát ấy ta không quên/Cám ơn. Cám ơn em, dế mèn.”

Ở đây, lòng nhân ái đối với muôn loài của ông lại vẫn hiền hòa cười trước nỗi đọa đày.

Khán giả tỏ ra vui mừng đã có mặt để thưởng thức “Đêm Thứ Nhất”.

Linh Mục Hải Đăng từ Washington về dự chương trình, cho rằng ông dự “Đêm Thứ Nhất” dường như có một sự sắp xếp nào đó. “Là linh mục, về đây nhân mùa lễ mà tình cờ lại được nghe những lời nhạc về sự Phục Sinh hay lời thơ về Linh Mục Maximilian Kolbe được phong thánh (trong bài ‘Thơ Lặng Lẽ Trò Chuyện’), tôi thấy đây là những thú vị bất ngờ,” ông nói.

Ca sĩ trẻ Jimmy Nhựt cho biết lý do anh có mặt trong một buổi văn nghệ toàn những bậc trưởng thượng: “Tên tuổi thi nhạc sĩ Trần Dạ Từ bảo đảm rằng những tác phẩm của ông sẽ có giá trị văn học, nghệ thuật lâu dài. Em thích những sáng tác như vậy.”

Ca sĩ Quang Tuấn, từ San Jose, đến đóng góp cho “Đêm Thứ Nhất”, cho biết anh không từ chối chương trình của ông Trần Dạ Từ được. “Ngoài ra, tôi rất cảm động trước tấm lòng hiếu thảo của các con ông khi đứng ra âm thầm tổ chức mừng sinh nhật cho cha,” người ca sĩ nói.

Tập thơ mới của Trần Dạ Từ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ban tổ chức cho hay thơ Trần Dạ Từ thì đầy rẫy trên internet, nhưng đa phần có rất nhiều thiếu xót và sai lạc. “Bởi vậy, ‘Thơ Trần Dạ Từ’ là một tập thơ hoàn chỉnh nhất, có cả những sáng tác mới nhất của thi nhạc sĩ Trần Dạ Từ,” văn sĩ Nhã Ca nói. “Tất cả những sáng tác mới, cũ của ông đều nằm trong tập thơ này.”

Với những ý thơ mới lạ và đẹp đẽ đến mức cả ba nhạc sĩ cột trụ của âm nhạc Việt Nam đã phổ thơ Trần Dạ Từ là Phạm Duy (‘Nụ Hôn Đầu’), Phạm Đình Chương (‘Người Đi Qua Đời Tôi’ từ bài ‘Thơ Cũ Của Nàng’) và Cung Tiến (‘Thuở Làm Thơ Yêu Em’).

Giá bán “Thơ Trần Dạ Từ” là $25 (bìa thường) và $35 (bìa cứng).

“Thơ Trần Dạ Từ” có bán tại “Amazon.com”, từ chính: “Tho Tran Da Tu”, hay liên lạc Việt Báo tại (714) 894-2500.

Từ những nhạc phẩm đặc sệt hương vị Việt Nam, đến những sáng tác lời Anh mang rõ âm hưởng “Jazz” của Mỹ, đến tâm hồn chứa chan tình đồng loại, thi nhạc sĩ Trần Dạ Từ quả là một đóa hoa tỏa ngát của văn đàn Việt Nam. (Đằng-Giao)

—–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Copyright © 2018, Người Việt Daily News

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT