Thursday, March 28, 2024

Đi xăm chân mày, coi chừng rước về… cục tức!

Trúc Linh/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Xăm chân mày từ nhiều năm nay không còn là điều xa lạ mà trở nên rất phổ biến. Không chỉ riêng với những người có hàng chân mày thưa, mỏng, mà ngay cả những người có chân mày dày, đen cũng đi xăm để có hình dáng chân mày đẹp hơn. Nhưng không phải sau khi xăm, ai có bộ chân mày đẹp. Có không ít người sau khi xăm, rước về một… cục tức, rồi phải lấy nón, lấy tóc che giấu bộ chân mày xăm hư.

Người đi xăm chia sẻ kinh nghiệm… “đau thương”

“Xăm” là cách nói đơn giản mà lâu nay nhiều người quen dùng để chỉ cho việc làm chân mày, bao gồm cả xăm thường, xăm phun, xăm thêu. Tùy theo hình dáng và độ thưa, dày của khách hàng mà chuyên viên khuyên nên chọn cách nào. Tuy nhiên, dù là xăm thường, phun hay thì tùy vào tay nghề và mực, máy móc của chuyên viên mà cho kết quả khác nhau.

Nhưng làm sao để nhận diện được chỗ nào làm tốt hay không tốt để “chọn mặt gửi vàng”, bởi vì nếu chỉ xem qua các quảng cáo, nơi nào cũng cho thấy mình là số 1?

Tình cờ gặp chị Hoàng Lan, cư dân Garden Grove, tại Truc Le Permanent Makeup Advanced Skincare Center, khi chị đến đây để sửa chân mày bị xăm hư.

Chị Hoàng Lan cho biết, cách đây hơn tháng, tin tưởng lời giới thiệu của một người quen, chị đi xăm chân mày ở một chuyên viên được giới thiệu là có nhiều năm kinh nghiệm.

“Tưởng người này có tiệm đàng hoàng, đến nơi tôi mới biết đó là nhà riêng. Tôi trả 400 đô la để xăm chân mày 3D chứ có ít đâu. Vậy mà kết quả là bên cao bên thấp, bên nhỏ bên lớn. Chị Trúc nói tôi phải đến đây ít nhất 3 lần mới xong cái chuyện xóa. Rồi sau đó chờ vài tuần mới xăm lại được. Loay hoay tôi tốn tổng cộng khoảng $800 cho chân mày. Mà bực nhất là xấu và mất thời gian”, chị Hoàng Lan cho biết.

Theo chị Trúc Lê, sửa xăm là dùng máy lấy ra khỏi da phần mực đã xăm. Vùng da nơi sửa xăm sẽ bị tổn thương và cần vài tuần lễ để liền da non. Những ngày đầu vùng da này sẽ bị ngứa ngáy khó chịu. Tùy vùng sửa nhiều hay ít và tùy cơ địa của mỗi người mà thời gian phục hồi nhanh hay chậm. Nhưng trung bình, tính từ lúc lần đầu tiên bị xăm hư, rồi sửa xăm, chờ lành hoàn toàn để xăm mới, mất ít nhất 6 tháng.

Chị Trúc Lê tư vấn cho khách về các kiểu xăm, phun, thêu chân mày. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Một trường hợp nữa bị xăm hư là chị Tâm ở thành phố Santa Ana, cũng nghe lời giới thiệu của một người quen vì không yên tâm đến một nơi lạ. Người quen giới thiệu chị một chuyên viên được giới thiệu là có hơn 20 năm kinh nghiệm, từng là chủ thẩm mỹ viện, dạy rất nhiều học trò ở Việt Nam. Khi đến nơi mới biết nơi này không phải là mỹ viện là chỉ là một phòng nhỏ thuê bên trong một tiệm làm tóc trên đường Westminster. Hơi bất ngờ nhưng tin lời người giới thiệu nên chị Tâm vẫn quyết định làm.

Chị Tâm trả $250 cho người xăm và được nghe là “lẽ ra chị lấy $350 nhưng vì chỗ quen biết, chị lấy em $250 thôi”.

Xăm xong, nhìn vào gương, chị Tâm thấy hai chân mày mình như hai con sâu róm, đen sì, bên cao bên thấp. Tuy nhiên người thợ nói “không sao đâu, vài bữa tróc mài sẽ đẹp tự nhiên”. Chưa đi xăm lần nào nên chuyên viên nói sao chị Tâm nghe vậy.

Ba ngày sau, lớp mài tróc từ từ, nhìn loang lỗ, xấu xí. Khoảng 10 ngày thì lớp mài tróc hết nhưng chân mày chỗ đậm chỗ nhạt, chỗ thừa chỗ thiếu, đặc biệt là phần xăm thêu ở đầu chân mày bên cao bên thấp, hình dáng không giống nhau. Chị Tâm đến gặp người đã xăm cho chị thì người này bảo: “Em đợi khoảng 2 tháng cho lành hoàn toàn rồi đến chị xăm lại”.

Không yên tâm với người này, chị Tâm vào Yelp tìm kiếm chỗ khác. Chị chọn nơi có nhiều lời bình luận tốt để đến tư vấn. Chỗ mới bảo chị đợi 6 tuần cho da lành rồi đến họ sửa xăm, xăm lại.

Chân mày của khách trước và sau khi xăm thêu tại Viện thẩm mỹ The Face. (Hình: Phương Ngân cung cấp)

“Chỗ mới lấy $100 tiền sửa xăm, cộng với $350. Bạn đó còn trẻ lắm, nhưng rất chuyên nghiệp. Điều đặc biệt là sau khi xăm tôi đi làm bình thường, không ai biết là mới xăm vì chân mày không hề bị đen sì, nhìn vào thấy sợ như lần đầu. Tôi hỏi tại sao thì người thợ trẻ đó nói ngắn gọn là cách làm, với máy móc và mực bây giờ không giống như cách làm trước đây”, chị Tâm kể lại.

Làm sao để chọn đúng mặt gửi vàng?

Chị Trúc Lê, chủ nhân Truc Le Permanent Makeup Advanced Skincare Center trên đường Bolsa cho biết, có nhiều cách để biết. Thứ nhất là xem qua các lời bình luận của khách hàng của họ trên internet, như Yelp chẳng hạn. Khi cảm thấy tin tưởng, nên đến nơi trực tiếp tư vấn. Khi đến trực tiếp, sẽ nhìn thấy viện thẩm mỹ nhỏ hay lớn, có sạch sẽ, chuyên nghiệp không, cũng như biết người chuyên viên có bao nhiêu năm kinh nghiệm.

Nhưng cũng theo người chuyên viên có gần 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực làm đẹp này, nhiều năm kinh nghiệm chưa hẳn sẽ là người làm tốt. Bởi xã hội phát triển, tất cả các máy móc, sản phẩm làm đẹp đều luôn cập nhật mới. Nếu chuyên viên chỉ giậm chân tại chỗ với cách làm của mười mấy năm trước, sử dụng máy móc cũ, sẽ không phù hợp với xã hội hiện nay.

“Đó là chưa kể đến người chuyên viên phải có con mắt thẩm mỹ. Chân mày cho người già, người trẻ, người có mặt dài, mặt tròn, to, nhỏ… phải khác nhau. Người có chân mày thưa, mỏng, ngắn hay dài, cụp xuống… sẽ chọn cách làm khác nhau. Người chuyên viên phải biết nhìn và tạo ra chân mày phù hợp”, chị Trúc Lê nói.

Với hơn 15 năm kinh nghiệm trong nghề, chị Janie Hằng, chủ nhân Janie’s Beauty Salon ở thành phố Fountain Valley, nhận xét: “Xăm chân mày, tưởng dễ mà không dễ chút nào đâu. Có nhiều người đi xăm ở viện thẩm mỹ khác bị hư, đến đây tôi sửa hoài. Các lỗi thường gặp là xăm bên cao, bên thấp, bên to, bên nhỏ; đầu chân mày thô, nặng nề; thiếu phần đuôi… Làm nghề này, ngoài kinh nghiệm, tay nghề của thẩm mỹ viên, máy móc, phẩm chất của các loại mực, còn đòi hỏi thẩm mỹ viên phải có năng khiếu nữa”, chị Janie Hằng chia sẻ.

Chị Janie Hằng nói, các viện thẩm mỹ ngày nay thường dùng các máy digital nhưng nếu chuyên viên non tay nghề, rất dễ làm hư chân mày khách, vì máy này bấm nút là đi cái vèo. (Hình: Trúc Linh/Người Việt)

Còn nữ tài tử Phương Ngân, chủ nhân viện thẩm mỹ The Face trong thương xá Phước Lộc Thọ, cho biết cũng có rất nhiều khách đến sửa chân mày.

“Không phải nhiều mà là quá nhiều luôn, trong đó có nhiều người bị hư nặng, em nhìn mà không hiểu nổi tại sao người ta có thể xăm ra một chân mày kinh khủng như vậy. Thông thường khi khách đến sửa xăm, em khuyên nên đợi khoảng 2 tháng cho vùng da xăm trước đó lành hẳn. Có nhiều khách muốn sửa ngay vì chân mày hư nhiều, quá xấu, nhưng em khuyên cũng phải đợi 3–4 tuần. Những trường hợp sửa gấp này, da sẽ bị tổn thương nhiều hơn”, Phương Ngân nói.

Hỏi sau khi xăm nhìn có tự nhiên không hay đen sì như hai sâu róm trên mặt, rồi từ từ mới tróc ra lớp mài, Phương Ngân cho hay:

“Em không biết tại sao có người xăm như vậy, em đoán có lẽ họ dùng mực thật đậm để sau khi tróc lớp mài, mực bám được trên da bao nhiêu thì bám. Nhưng cách làm mới bây giờ mà tụi em đang làm ở đây, xăm xong nhìn rất tự nhiên, đẹp hơn vẽ. Sau khoảng 3 ngày, lớp mài tróc ra chút xíu nhưng màu sắc vẫn vậy. Nhưng quan trọng nhất là thời gian bền màu được bao lâu. Nếu sau một năm vẫn còn đẹp như mới xăm, lúc đó mới có thể nói viện thẩm mỹ này tốt hay không tốt”. (Trúc Linh)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT