Thursday, March 28, 2024

Dòng Nhạc Xưa qua cuộc trưng bày và trình diễn tại Viện Việt Học

Uyên Nguyễn/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Chiều Chủ Nhật 28 Tháng 11, tại Viện Việt Học trên đường Brookhurst, Westminster, một buổi trưng bầy và trình diễn một số nhạc phẩm trong “Dòng Nhạc Xưa” do các cộng tác viên và Ban Văn Nghệ của Viện đứng ra tổ chức.

Buổi sinh hoạt mang chủ đề “Dòng Nhạc Xưa” có thể nói là một sinh hoạt khá đặc thù trong sinh hoạt văn hóa của cộng đồng người Việt tại Little Saigon.

Hàng trăm bản nhạc xưa, từ những năm sau năm 1954 cho đến những năm trước 1975 do các nhà xuất bản tại miền Nam Việt Nam ấn hành đã được trưng bầy trên ba chiếc bàn dài. Khách tham dự đã được thấy lại những bản nhạc xưa, hầu hết đều cũ nát in dấu thời gian rõ rệt. Đó là những ấn phẩm của các nhà xuất bản lớn nhỏ của miền Nam lúc bấy giờ như Tinh Hoa, Ly Tao, Lam Sơn, An Phú, Nam Cường và cũng có một số bản do chính tác giả tự ấn hành. Người xem rất thích thú khi được thấy lại một phần hình ảnh hoa niên của mình. Nếu để ý kỹ, có thể thấy thời gian xuất hiện của những bản nhạc này. Nếu nhìn trong con mắt của người sưu tầm cổ vật, ta có thể nhận ra được ý nghĩa của buổi triển lãm này. Bởi, dòng nhạc xưa cũng là dòng thời gian lịch sử cận đại mà một số lớn trong cộng đồng người Việt hải ngoại đã từng sống trong quãng thời gia đó.

Họa sĩ Văn Mộch và kỹ sư Nguyễn trung Nam bên máy hát dĩa 33 và 45 tour. (Hình: Uyên Nguyễn/Người Việt)

Thời gian đó là sau năm 1954 đất nước bị phân chia Bắc Nam cách trở không chỉ về địa dư mà cả về chính trị xã hội. Miền Nam trong chế độ tự do đang phục hồi và xây dựng sau chiến tranh. Sự phát triển có mặt trong mọi sinh hoạt của người dân. Văn học nghệ thuật được chính phủ khuyến khích nâng đỡ nên từ văn học nghệ thuật cho đến ca nhạc kim cổ đều như nấm mọc sau cơn mưa. Điều đáng ghi nhận đó là sự phát triển tự phát nên đã thể hiện được khá trọn vẹn tâm tư, tình cảm, nếp nghĩ của người dân miền Nam. Trong vườn hoa âm nhạc, muôn điệu thi nhau ra đời, có nhạc tình mà phần lớn là nhạc tình với muôn điệu từ tình yêu đôi lứa, tình cảm cách chia đôi bờ Nam Bắc, cho đến tình yêu đời lính…

Nếu tính từ năm 1954 cho đến 1975, dòng lịch sử Việt Nam có thể phân làm ba thời kỳ, thời đệ I Cộng Hòa, thời chinh chiến điêu linh và thời suy thoái của đệ II Cộng Hòa, thì, dòng nhạc xưa cũng như ứng với ba thời kỳ đó để phát sinh những nhạc phẩm “vượt thời gian” không chỉ là một dấu mốc mà còn là những chứng tích cho các nhà xã hội học sau này muốn tìm hiểu phân tích về xã hội Việt Nam trong chiến tranh Nam Bắc.

Hai ca sĩ Dzuyên Hà và Hoàng Anh mở đầu chương trình “Dòng Nhạc Xưa” với bài “Xuân Miền Nam” của Văn Phụng. (Hình: Uyên Nguyễn/Người Việt)

Trong cuộc triển lãm “Dòng Nhạc Xưa,” người cùng thời đã như tìm được lối về. Một thiếu phụ, bà Ngọc Lê ở Anaheim, đứng trước những bản nhạc “Sắc Hoa Mầu Nhớ” của Nguyễn Văn Đông, “Đêm buồn tỉnh lẻ” của Tú Nho & Bằng Giang, “Tạ Từ Trong Đêm” của Vân Tùng… tâm sự: “Thấy những bản nhạc này tôi như sống lại thuở học trò ngày nào. Chắt chiu nhịn quà sáng mấy ngày mới đủ 7 đồng để mua được bản ‘Cung Đàn Xưa’ của Phạm Duy. Tuy bụng đói đến trường nhưng lòng thì no vì nghĩ đến vừa mua được bản nhạc tôi yêu thích.”

Chủ nhân của những bản nhạc trong dòng nhạc xưa được trưng bầy này là hai ông họa sĩ Văn Mộch và kỹ sư Nguyễn Trung Nam.

Ông Văn Mộch cho biết: “Tôi là lính hải quân VNCH. Những ngày tháng lênh đênh biển cả, ngoài giờ làm tôi chỉ còn biết hát nghêu ngao nên đã mua khá nhiều bản nhạc để ca hát đỡ buồn. Ngày di tản, những bản nhạc ấy cũng được tôi mang theo. Ra đến hải ngoại khi ổn định được cuộc sống rồi, nhớ lại cái thú nghêu ngao trước và nhất là nhớ Sài Gòn trằn trọc mỗi đêm, tôi mới dò hỏi anh em xem có ai mang theo được ít nhiều bản nhạc không để mua hoặc chép tay lại. Anh em có người cho, có người bán lâu dần tôi tích tụ được mấy trăm bản nhạc xuất bản trong mọi thời gian trước năm 1975. Khi gia nhập sinh hoạt trong Viện Việt Học, tôi thấy những bản nhạc này cũng là một kho tàng quí cho Viện nên tôi đã mang đến Viện và các anh chị Kim Ngân và Nguyễn Kim Lân điều hành Viện đã khuyên tôi nên tổ chức một cuộc triển lãm tại Viện. Mục đích là để bà con và tuổi trẻ Việt Nam hải ngoại có dịp nhớ lại một giai đoạn lịch sử ở miền Nam, chúng ta vừa phải chiến đấu chống cộng sản xâm lăng vừa vẫn phát triển được mọi mặt.”

Hai ông Văn Mộch và Nguyễn Trung Nam còn đem đến một máy hát đĩa của thời gian đó. Máy có thể chạy hai loại đĩa 33 và 45 tour rất thịnh hành vào lúc bấy giờ, kỹ thuật cao hơn khi nghe bằng băng cassette.

Bên cạnh chiếc máy cũng là bốn chồng dĩa cổ nhạc, cải lương. Đó là loại nhạc cổ truyền dân tộc đã được phát triển cao độ vào thời đệ I Cộng Hòa.

Theo ông Văn Mộch thì trong chương trình trình diễn một số nhạc phẩm trong Dòng Nhạc Xưa do các ca sĩ của Ban Văn Nghệ Viện Việt Học trình bầy sẽ được ông phát lại từ những dĩa 33 và 45 thu trước đây với các giọng ca Thanh Thúy, Thanh Tuyền, Nhật Trường để chúng ta cùng thẩm định dòng nhạc xưa qua thời gian hơn nửa thế kỷ mà vẫn còn làm say mê lòng người.

Vào lúc 2 giờ chiều, một chương trình văn nghệ đặc sắc bắt đầu với dàn ca sĩ nam nữ của Ban Văn Nghệ Viện Việt Học qua 22 ca khúc mà ca khúc nào cũng gợi lên cả một thời biết bao luyến lưu thương nhớ. (Uyên Nguyễn)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT