Friday, March 29, 2024

Từ ‘Thư Cho Người’ đến ‘Tiếng Việt Mến Yêu’

Vương Trùng Dương

LTS: Kỷ niệm 40 năm thành lập, Nhật Báo Người Việt mở cuộc thi viết mang tên “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm” dành cho độc giả khắp nơi trên thế giới. Bài viết bằng văn xuôi tiếng Việt, theo thể loại truyện ngắn, ký, tản văn dài tối đa 2,000 chữ, kèm theo hình ảnh. Cuộc thi có các giải thưởng: Giải nhất $2,000, giải nhì $1,000, giải ba $500, giải khuyến khích $200. Bài viết đánh máy hoặc viết tay trên một mặt giấy (không tẩy xóa). Tác giả bài viết cần ghi rõ họ tên, bút danh, địa chỉ liên lạc, số điện thoại và địa chỉ email (nếu có), gửi qua đường bưu điện, hay gửi trực tiếp tại tòa soạn hoặc gửi qua emai: [email protected].

Có lẽ ở Little Saigon này, tôi là người cộng tác cho nhiều tờ báo hơn đồng nghiệp từ khi làm thân tị nạn năm 1990. Trong nhiều lần gặp gỡ, cà phê với nhau cùng bạn bè, tôi thường kể qua mẩu chuyện ở làng báo Little Saigon, bằng hữu gợi ý viết và tôi cũng có ý định đó nhưng phải đợi đến năm 2020, tròn ba thập niên…

Trước đây, tôi có trí nhớ khá tốt nhưng theo thời gian cũng bị mai một dần nên chỉ ghi chép lại chuyện bên lề, vui buồn giữa bản thân và tờ báo đã cộng tác. Với sự trung thực, khách quan, không định kiến, phê phán, đả kích; không đem chuyện đời tư cá nhân ra bàn luận thế nầy thế nọ… chỉ đề cập giữa công việc và cách hành xử với nhau. Tôi chưa “gõ cửa” đến tờ báo nào mà may mắn được gợi ý cộng tác nên lúc đến và khi ra đi xem như tàn cuộc chơi.

Nhân đọc thông báo của nhật báo Người Việt với “Tâm tình độc giả cùng Người Việt qua 40 năm,” tôi viết bài này như khởi đầu cho ý định sau này được bằng hữu gợi ý.

***

Ngày 30 Tháng Tám, 1990, gia đình tôi rời Việt Nam theo diện H.O. 4 sang Thái Lan. Vì không có thân nhân bảo lãnh (diện đầu trọc, con bà phước) nên không biết được định cư nơi nào trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Khi ở Thái Lan, biết ở thành phố Nashville, Tennessee, tôi cũng hớn hở vì nơi này nổi tiếng là cái nôi của nhạc đồng quê (country music). Hai tuần sau đến định cư tại Nashville, chẳng may gặp khu vực bất an, nhiều tệ nạn và nhất là vấn đề học hành của con cái cũng bất tiện nên liên lạc được với bạn bè đồng khóa, thuê căn phòng ở Midway City, nhận được tin vui, mua tấm bản đồ, lên xe bus greyhound, chu du từ Đông sang Tây vào đầu Tháng Mười Một.

Tôi viết “Thư cho người ở lại” (Trần Lư Nguyên Khanh) với nội dung khi đi diện H.O. được định cư ở Hoa Kỳ, vấn đề trợ cấp như nguồn tin gởi về Việt Nam tùy nơi định cư, ai có thân nhân, người bảo trợ (sponsor) thì thoải mái nhưng “diện đầu trọc” may nhờ, rủi chịu, chuẩn bị tâm tư, nếu khi gặp hoàn cảnh như tôi, khỏi vỡ mộng. May mắn được định cư nơi có đông đồng hương người Việt là niềm hạnh phúc như ở Little Saigon, có nhiều hội đoàn, đoàn thể mở rộng vòng tay tiếp nhận…

Bài viết gởi cho anh Phạm Quốc Bảo, và ba ngày sau xuất hiện trên nhật báo Người Việt. Đó là bài viết đầu tiên trong “sự nghiệp làm báo” nơi xứ người. Tôi được tòa soạn “biếu” 50 đô la để uống cà phê. Cũng nhờ bài báo, vợ chồng anh Thái Tú Hạp ghé thăm và gợi ý viết “Chuyện Trong Tuần” cho tuần báo Saigon Times ở Los Angeles (sau này tiếp tục với Lão Quán (Huy Phương), kéo dài đến nay với chị Cao Mỵ Nhân qua “Chốn Bụi Hồng”).

Cũng vào thời điểm đó Nhóm Thân Hữu H.O. gồm có năm người: anh Huy Phương, Tê-Đê Nguyễn Tiến Đức, Chu Tất Tiến, chị Bích Huyền và tôi. Chị Bích Huyền là người gợi ý thực hiện nhóm này vì có thân nhân trong tờ Người Việt.

Lúc đó đã có Hội Cựu Tù Nhân Chính Trị lo mọi việc nên Nhóm Thân Hữu H.O. chỉ xuất hiện trong giai đoạn ngắn vào dịp Giáng Sinh và Tết. Anh chị em chỉ kêu gọi tấm lòng hảo tâm hỗ trợ quà cho các cháu… trong nhóm không được nhận bất cứ tặng phẩm nào để tránh sự hiểu nhầm.

Nhật báo Người Việt (tòa soạn bây giờ của nhật báo Viễn Đông) cho mượn căn phòng phía trước để nhận vật phẩm và dành phần nhỏ của trang báo để viết về công việc này.

Đầu năm 2002, tạp chí KBC Hải Ngoại ra đời gồm có bốn người trong ban chủ biên: Nguyên Huy, Trần Bình Phương (Anh Thành), Vương Hồng Anh và Hồ Huấn Cao (Du Tử Lê).

Sau khi số 1 phát hành (không hiểu vì lý do gì, chuyện nội bộ nên không đề cập), Nguyên Huy và Lê Tường Vũ gặp tôi và bàn chuyện thực hiện tờ báo số 2. Chủ Nhiệm: Nguyên Huy, Phụ tá: Lê Tường Vũ và tôi làm Thư Ký Tòa Soạn, đảm nhận layout. Hồng Huy (Đặng Trần Hoa) nhân viên phát hành báo Người Việt đảm nhận công việc này. Nghe nói nguồn tài trợ ban đầu do anh Nguyễn Văn Cảnh.

Trang “Tiếng Việt Mến Yêu” thời tác giả Vương Trùng Dương thực hiện. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Năm 1998, khi viết bản tin về Khóa Tu Nghiệp do Ban Đại Diện Các Trung Tâm Việt Ngữ Nam California tổ chức, sau đó tôi được mời làm trưởng khối báo chí. Các thầy cô muốn quảng bá phong trào giảng dạy tiếng Việt cho con em, Ban Đại Diện gặp anh Đỗ Ngọc Yến, sáng lập viên nhật báo Người Việt, và được chấp thuận để tôi thực hiện trang “Tiếng Việt Mến Yêu” vào Thứ Năm hằng tuần. Tôi làm công tác thiện nguyện cho Ban Đại Diện nhưng được Người Việt trả nhuận bút mỗi tuần 100 đô la. Tôi save vào diskette, in ra và đưa cho tòa soạn xem, qua bốn số, anh Đỗ Ngọc Yến gặp tôi và nói giao thẳng cho họa sĩ Nguyễn Đồng thực hiện. (Vì lý do sức khỏe, anh Yến bàn giao vai trò chủ nhiệm vào Tháng Tám năm 1999 nhưng anh cũng thường lui tới tòa soạn).

Qua tờ KBC Hải Ngoại, chúng tôi thực hiện “Trang Chiến Hữu” vào Thứ Tư hằng tuần trên Người Việt (cũng đưa trực tiếp cho nhân viên kỹ thuật). Mỗi tháng được trả 800 đô la, số tiền này nhập vào quỹ để nuôi tờ báo, tôi chỉ nhận số tiền tượng trưng để uống cà phê. Tôi không để ý và chẳng biết gì về vấn đề tiền bạc của tờ báo. Khi tôi nghỉ qua vài năm thực hiện, Trang Chiến Hữu đổi thành trang “Cựu Chiến Binh” cho đến nay.

Khi Tập Thể Chiến Sĩ VNCH thành lập, tuy tờ báo KBC Hải Ngoại độc lập nhưng xem như “cơ quan ngôn luận” để phổ biến sinh hoạt của tổ chức này.

Tuần báo Trách Nhiệm (hậu thân tờ Lập Trường) được thực hiện từ lâu nhưng bị vài lần gián đoạn, đến số 75, năm 2001, tôi đảm trách layout liên tục cho đến số 272 vào năm 2008.

Garage làm báo ở nhà tôi trở thành văn phòng nên được quý vị trong Tập Thể Chiến Sĩ và Khu Hội Cựu TNCT thường lui tới và đã “ngỏ ý” tôi vào tổ chức để đảm nhiệm vai trò báo chí nhưng tôi tế nhị khước từ vì muốn giữ sự khách quan, độc lập với nghề nghiệp.

Đầu năm 2005, Tập Thể Chiến Sĩ mời ông Võ Long Triều làm ủy viên báo chí và tờ KBC Hải Ngoại giao lại cho ông. Sau 35 số (2-36), tôi không còn cộng tác. Anh Đỗ Ngọc Yến qua đời vào Tháng Tám, 2006. Sau khi anh mất, trang “Tiếng Việt Mến Yêu” được sáu năm, tôi nghỉ, trang báo đổi thành “Tiếng Việt Dấu Yêu” cho đến bây giờ.

Nói về tờ KBC Hải Ngoại, nếu người trong cuộc viết thì “chuyện dài thiên hạ sự”…“lắt léo và ngõ ngách” vào thời điểm cuối cùng đổi chác cho nhau! Rất tiếc cho Lê Tường Vũ, anh rất nhiệt tình, có công nhất trong tờ báo và trang báo qua thời gian thực hiện nhưng cuối cùng “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng!”

Riêng anh Đỗ Ngọc Yến, xin trích vài dòng bài viết của anh Vi Anh trên tờ Việt Báo (01, 03, 2006): “…Chính anh Yến âm thầm giang tay ra giúp để tạp chí KBC sống còn với sự nối tiếp của anh Võ Long Triều để làm tiếng nói cho Tập Thể Chiến Sĩ. Nhưng lực bất tòng tâm, anh Yến ngã bịnh nặng, còn anh Võ Long Triều thì ở xa phải tạm đình bản” sau khi phát hành được vài số. Sau này tờ KBC ra đời với anh Tô Phạm Thái.

Không còn tờ KBC Hải Ngoại, Tháng Năm, 2005, tôi ra trang web và tờ Cali Weekly, vừa ra tờ báo mới, vừa lo bài báo cho bạn bè và vẫn tiếp tục layout cho tờ Trách Nhiệm vì giữ lời hứa với nhau.

Tuy chưa ngồi làm việc trong tòa soạn Người Việt nhưng với hai trang báo cũng là kỷ niệm với thời gian lâu dài. Và, một lần nữa tôi lại “dính” với tờ nguyệt san chỉ nửa giờ ngồi uống cà phê với Đinh Quang Anh Thái. Cả năm, hai anh em không gặp nhau, lại giao khoán cho tôi với nhà in, “đứa con” nay đã lên mười, nó vẫn sống bình yên… Gọi là kỷ niệm thì nhắc lại chuyện quá khứ, còn hiện tại “Que sera, sera…” (Vương Trùng Dương)

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT