Thursday, March 28, 2024

Đưa đón người cao niên ở Little Saigon: Dễ mà không dễ

Quốc Dũng/Người Việt

SANTA ANA, California (NV) – Đều đặn mỗi ngày, từ Thứ Hai đến Thứ Sáu, sáu “bác tài” tại Hội Cộng Đồng Người Việt Orange County (VNCOC), một tổ chức bất vụ lợi, rong ruổi xe từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều đến từng nhà “hành khách” để đón các vị cao niên đi bác sĩ khám bệnh.

“A lô, nhà bác Xuyên phải không ạ, khoảng 15 phút nữa cháu đến đón bác đi bác sĩ nha.” Khi gần đến nhà một “hành khách” cao niên, anh Tom Trần đều thông báo trước để khách chuẩn bị. “Nhiều lúc mình tới rồi, đợi rất lâu mới thấy khách ra. Nguyên tắc của hội là đưa đón tận cửa, không được vào nhà, nên nhiều trường hợp thấy khách yếu lần mò đi ra mà nhà không có người thân hỗ trợ, tôi xót lắm,” anh Tom Trần nói.

Dìu, đỡ, cõng, bế…

Anh Tom Trần cho biết, tùy vào sức khỏe của khách mà khi khách ra khỏi nhà, “bác tài” kiêm thêm việc dìu, đỡ, cõng, bế… để đưa khách ngồi vào xe. Cũng vậy, khi khách đến văn phòng bác sĩ, nếu bác sĩ ở trên lầu mà khách yếu không tự lên được, “bác tài” cũng phải dìu, đỡ, cõng… khách đến tận phòng và sau khi được bác sĩ khám xong, “bác tài” lại tiếp tục công việc như lúc đầu đã làm cho đến khi chở khách về đến nhà. Chưa kể, những ngày mưa phải dìu, phải che dù… “bác tài” cực hơn rất nhiều.

“Có nhiều bác lên xe than phiền chuyện gia đình, rằng con cái không quan tâm chăm sóc, bỏ người già tự đi một mình. Tôi mới nói cuộc sống bên này là phải như vậy, chứ không phải con bác bất hiếu đâu, ở Mỹ này có hiếu cỡ nào thì Thứ Bảy, Chủ Nhật mới làm được. Bác mà kêu ở nhà chăm sóc bác như ở Việt Nam thì chỉ có nước đi ra ngoài đường ở. Bởi vậy, bác thấy con bác không ở không thì phải mừng cho họ, chứ ở nhà chăm sóc bác thì lấy tiền đâu mà trả tiền nhà, tiền điện nước, xe cộ& Nghe xong, nhiều bác suy nghĩ và nói tôi nói đúng,” anh Tom chia sẻ.

Xe chạy chậm và dừng trên đường Sawgrass ở Santa Ana để đón bác Xuyên. Một sự tình cờ, bác Xuyên là mẹ người bạn học chung thời đại học với anh Tom Trần. Rồi xe lại lăn bánh qua đường McClure ở Garden Grove để đón bác Yên, mà theo anh Tom thì: “Bác Yên là người quen của gia đình tôi ngày trước bên đảo ở Philippines khi vượt biên sang Mỹ. Nhờ làm ‘bác tài’ mà gia đình tôi gặp lại bác, cũng như gặp những người quen khác, hay bạn bè cũ, vui lắm!”

Xe khởi hành, ba con người vừa lạ, vừa quen chuyện trò rôm rả suốt đoạn đường.

Bà Xuyên nói: “Không có chương trình chuyên chở y tế không khẩn cấp này thì người già chúng tôi sẽ phải tốn rất nhiều tiền để đón taxi, hoặc phải đi thật xa để đón xe buýt. Trong khi đó, tham gia chương trình này chúng tôi chỉ trả $2 cho một lượt đi và còn được xe đón tận nhà.”

Niềm vui của… đợi chờ

Đối với các “bác tài,” sau khi chở một chuyến đến nơi hẹn gặp bác sĩ thì sẽ hỏi giờ để quay lại đón khách. Trong thời gian chờ đợi đó, “bác tài” tiếp tục đi thêm chuyến khác. Vòng quay một ngày cứ xoay tròn và sít sao thời gian từng chút một.

Anh Tom Trần chia sẻ: “Mấy bác dễ chịu lắm, dễ thương lắm. Nhiều bác nói: ‘Con chỉ cần chở bác tới bác sĩ thôi, khi nào xong bác sẽ gọi,’ hay ‘Con không cần chạy nhanh đâu, chạy từ từ thôi, không cần gấp, chạy an toàn là tốt nhất.’ Nhiều lúc để các bác ngồi chờ cả tiếng đồng hồ mới tới rước, cũng tội các bác lắm, nhưng không có cách nào khác vì khi đó nhiều khách nên phải chạy vòng vòng. Các bác nói không sao nhưng cũng có bác khó chịu vì phải đợi chờ lâu.”

Bà Yên góp lời: “Tôi chờ bác sĩ còn mau hơn chờ tài xế, nhưng đôi khi cũng đợi bác sĩ ‘mút chỉ.’ Nhiều lúc tôi cũng ái ngại vì thấy tài xế chờ mình lâu, hay đang đi giữa đường đón người khác mà mình gọi giật lại để đón mình.”

Anh Tom cười nói: “Chuyện nhỏ bác ơi, mấy bác thông cảm đợi tụi con vài phút là tụi con tới liền. Con giúp mấy bác thì sau này con già mới có người giúp lại tụi con. Trái đất quay tròn bác ơi. Đời mà, chớp mắt mấy hồi.”

Bà Xuyên cảm động nói: “Thương tụi con lắm chứ. Thấy khách ra là đứng ngay cửa xe, đỡ khách lên. Luôn nhắc mọi người cài dây an toàn, chưa cài được thì đều giúp. Bởi vậy tụi con chở bác đi là bác mừng rồi. Đôi khi chờ đợi là niềm vui, mình hiểu cái tình của con người với nhau hơn. Không có tụi con thì bác sẽ chật vật cho những chuyến đi như thế này.”

“Thường chúng tôi không muốn để các bác chờ lâu nhưng một là đông quá, hai là những bác có hẹn bác sĩ cần phải tới đúng giờ hơn là bác đi về nhà. Có bác lên xe nói tại sao anh kia tôi gọi là đón liền mà sao anh lâu vậy. Tôi mới nói với bác là có ngày này ngày kia, chẳng hạn khi đang chở người khác đi bác sĩ thì bác gọi, do tiện đường nên tẻ vô đón bác luôn, thành ra bác về sớm hơn dự định,” anh Tom Trần kể.

Mở cửa xe, dìu khách lên xe, cài dây an toàn cho khách. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

Một ngày hơn 60 chuyến

Anh Tom kể tiếp những buồn vui trong nghề, trong những chuyến xe chở người cao niên đến những buổi hẹn đi bác sĩ: “Có bác trong thời gian đi chữa bệnh cần uống thuốc nhưng quên mang thuốc hay có bác quên mang theo giấy tờ khiến ‘bác tài’ phải mất công quay xe lại. Hay có bác không tự chủ được đi cầu đầy ra phải dọn dẹp, hay những người cao niên tuy lớn tuổi nhưng lúc nào cũng cười đùa vui vẻ…”

Theo anh Tom, một tháng trung bình tài xế đi hơn 1,000 chuyến, trong đó một ngày thường hơn 60 chuyến, tức cỡ 20-30 người trở lên. Ngoài ra, tài xế có ngày đi xa, có ngày đi gần (trung bình một ngày chạy 70-100 dặm), nên người xếp lịch hành trình thường phải sắp xếp khoa học, để tài xế đón được khách ở gần nhau trên những con đường lân cận.

Ông Trịnh Ngọc Luyện, người phụ trách các công việc của cộng đồng thuộc VNCOC, cho biết: “Tài xế nhiều lúc phải làm việc với áp lực cao nhưng lúc nào cũng phải vui vẻ, điềm tĩnh, kiên nhẫn, nhỏ nhẹ, nhã nhặn, nhanh nhẹn, cẩn thận, không nóng tính. Luôn luôn lái xe đúng tốc độ, biết cách xử lý an toàn khi lái xe.”

Ông Luyện cũng cho biết: “Chúng tôi không chỉ giúp người Việt Nam, mà còn người Nam Hàn, người Mexico, người Trung Đông… Và dù với sắc dân nào thì tài xế khi lái xe phải luôn luôn theo dõi, hỏi thăm bệnh nhân để biết bệnh nhân có vấn đề gì không… Dù tài xế không biết được cá tính bệnh nhân nhưng phải nói chuyện với bệnh nhân để biết bệnh nhân cần gì từ mình, chứ không chỉ chăm chăm vào lái xe.”

Từ 60 tuổi được tham gia chương trình

Ông Trịnh Ngọc Luyện cho biết: “Chương trình chuyên chở y tế cao niên không khẩn cấp sẽ đón tất cả hành khách có tuổi từ 60 trở lên, thường trú tại các thành phố Garden Grove, Huntington Beach, Santa Ana, Westminster, Midway City, Stanton, Cypress. Địa bàn hoạt động bao gồm các thành phố này và trong khoảng cách 15 dặm từ nơi cư ngụ đến nơi có dịch vụ y tế.”

“Để bảo đảm đúng hẹn y tế, hành khách gọi lấy hẹn chuyên chở ba ngày trước ngày hẹn qua số điện thoại (714) 558-3097. Nếu muốn hủy bỏ cuộc hẹn chuyên chở, hành khách phải báo trước ít nhất một ngày. Nếu không, cuộc hẹn sẽ bị coi là vắng mặt không báo trước. Bởi vì hành khách có hai lần vắng mặt không báo trước trong vòng sáu tháng thì sẽ bị loại ra khỏi chương trình,” ông Luyện nhấn mạnh.

Anh Tom Trần nói thêm: “Chương trình cho mỗi người được tám lần trong một tháng đi bác sĩ. Nếu hành khách có yêu cầu hơn thì phải có giấy chứng nhận của bác sĩ là tại sao người này phải đi hơn tám lần. Bởi vì có trường hợp, một số ít người thấy cước phí mỗi lượt đi chỉ có $2 nên gọi xin xe để đi bác sĩ nhưng thực tế là đi chợ, đi ăn…, trong khi chương trình dành cho những người thật sự có nhu cầu cần thiết đi.” (Quốc Dũng)

——————

Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT