Thursday, March 28, 2024

Hy hữu trong cộng đồng Việt Little Saigon: Thắng kiện, đưa trát tòa cho cô dâu chú rể tại đám cưới

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Trong một vụ kiện dân sự liên quan đến hai cửa tiệm bán “Đông Trùng Hạ Thảo” ở Little Saigon, gọi nôm na cho dễ nhớ là tiệm của Bảo Lê và tiệm của Hải Lê, thì tiệm Bảo Lê được tòa xử thắng $140,000.

Bên thắng cho là họ không có cách nào tìm được người thua để đưa giấy bắt trả tiền. Thế là một tình huống hy hữu đã xảy ra vào ngày Thứ Bảy, 21 Tháng Bảy 2018: ngay lúc chú rể Hải Lê dìu cô dâu bước lên “ngựa hoa” (xe hoa do ngựa kéo) trong ngày cưới của mình thì người của Bảo Lê xuất hiện dúi “trát tòa” vào tay đôi uyên ương.

Thực hư vụ kiện này như thế nào và hành động tống đạt (serve) trát tòa như thế là đúng hay sai, là điều mà nhiều người muốn biết.

Bảo Lê thắng kiện Hải Lê

Anh Bảo Lê, một trong những người đại diện bên thắng vụ kiện cho biết, “Tòa xử bên Bảo Lê thắng, bên Hải Lê phải bồi thường cho bên tôi $140,000, cùng với số tiền tòa, thông dịch và các chi phí khác, tổng cộng là $180,000.”

“Dù biết mình thắng án, nhưng bên phía Bảo Lê vẫn im lặng, không lên tiếng trong lúc chờ luật sư làm các công việc cần thiết. Trong khi đó bên Hải Lê vẫn tiếp tục lên đài nhạo báng, bóng gió các sản phẩm của Bảo Lê y chang như cách anh ta đã làm trước đó. Thậm chí anh ta còn nói chưa bao giờ thua kiện, khiến những người ở các tiểu bang khác hoang mang không biết thực hư thế nào,” Bảo Lê nói.

Theo ghi nhận từ hồ sơ Tòa Thượng Thẩm California, Orange County, vào Tháng Năm, 2016, công ty American Wellness INC., anh Bảo Lê (tên thật là Timothy Tuney) và cô Dianna Carroll Trần đồng đứng tên kiện anh Hải Lê (tên thật là Hương Thanh Nguyễn) và công ty Đông Trùng Hạ Thảo Hải Lê 950. Hồ sơ kiện số 30-2016-00849987-CU-DF-CJC.

Anh Bảo Lê trong lúc đang làm “talk show” bán các sản phẩm của mình. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Lý do kiện được ghi nhận trong hồ sơ tại tòa “liên quan đến sản phẩm Đông Trùng Hạ Thảo Vàng của công ty American Wellness INC. bị anh Hải Lê và công ty Đông Trùng Hạ Thảo Hải Lê 950 xuyên tạc thông tin trên các hệ thống truyền thông, gây thiệt hại hàng trăm ngàn đô la.”

Phiên tòa xử kiện diễn ra từ ngày 22 Tháng Giêng, 2018, kết thúc ngày 25 Tháng Giêng, 2018, với Luật Sư Hoyt E. Hart II đại diện bên Bảo Lê; và Luật Sư Andrew Weiss đại diện bên Hải Lê.

Ngày 12 Tháng Tư, 2018, Chánh Án Sheila Fell ra phán quyết, xử công ty American Wellness INC. cùng hai nguyên cáo là Bảo Lê và Dianna Carroll Trần được thắng.

Phán quyết ghi rõ:

“Bị cáo Hương Thanh Nguyễn tự Hải Lê và Đông Trùng Hạ Thảo Hải Lê 950 phải bồi thường cho nguyên đơn Timothy Tuney tức Bảo Lê số tiền $50,000.

Bị cáo Hương Thanh Nguyễn tự Hải Lê và Đông Trùng Hạ Thảo Hải Lê 950 phải bồi thường cho nguyên đơn Dianna Carroll Trần số tiền $40,000.

Bị cáo Hương Thanh Nguyễn tự Hải Lê và Đông Trùng Hạ Thảo Hải Lê 950 phải bồi thường cho công ty American Wellness INC. số tiền $50,000.”

Như vậy tổng số tiền mà Hải Lê và công ty Đông Trùng Hạ Thảo Hải Lê 950 phải bồi thường cho bên nhóm Bảo Lê là $140,000.

Liên quan đến vụ kiện này, anh Hải Lê, bên đang bị xử thua, nói vắn tắt, “Đây chỉ là chuyện cạnh tranh trên thương trường, anh ta (Bảo Lê) ‘gõ’ mình thì mình nói lại, giờ anh ta lại mang ra đi kiện Hải Lê. Nhưng anh ta kiện không đúng, vì công ty Đông Trùng Hạ Thảo Hải Lê 950 ra đời sau khi anh ta kiện, hơn nữa bây giờ nó đã do người khác điều hành. Hiện tại bên Hải Lê còn đang chống án.”

Tống đạt lệnh của tòa ngay lúc cô dâu chú rể lên xe hoa

Những ai đã từng phải bước vào con đường “đáo tụng đình” có lẽ đều hiểu rất rõ chuyện từ lúc được xử thắng cho đến lúc lấy được tiền bồi thường của bên thua là cả một… chuyện dài nhiều tập, đôi khi không có hồi kết.

Liên quan đến cách thức thực hiện án lệnh của tòa, Luật Sư Đỗ Hiếu Liêm, thuộc văn phòng Luật Sư Liem H Do & Associates, giải thích, “Sau khi tòa ra bản án judgment rồi thì bên thua có 60 ngày để kháng án. Nếu họ không kháng án thì bên thắng có quyền thi hành án ‘to enforce the judgment’, nghĩa là người thắng sẽ làm đơn ‘Abstract of Judgement’ để báo cáo với Phòng Lục Sự của quận hạt (County Recorder) để ghi nhận vào hồ sơ bất động sản của người thua. Khi người thua muốn bán bất động sản, thì ‘escrow’ sẽ buộc họ phải trả cho người thắng kiện số tiền tòa quy định cùng 10% tiền lời kể từ ngày có phán quyết của tòa.”

Vợ chồng anh Hải Lê và hoa hậu phu nhân Kiều Diễm tại cửa tiệm của mình. (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Cũng theo Luật Sư Liêm, “Người thắng kiện cũng có thể xin ‘Writ of Execution’ để nếu những người thua có tài khoản trong ngân hàng thì người thắng có quyền buộc phải lấy tiền đó trả. Hoặc người thắng cũng có thể gửi lệnh thi hành án đến nơi những người thua làm việc để buộc phải trừ lương của họ, có thể lên tới 25% thu nhập chưa trừ thuế để đưa cho người thắng.”

Một luật sư từng có nhiều năm làm việc trong lãnh vực “đòi nợ” không muốn nêu tên, giải thích thêm, “Để bắt bên thua phải thi hành án, thì bên thắng có thể xin tòa ra lệnh ‘Order to Appear for Examination’, gọi nôm na  là lệnh xét con nợ, buộc phía bên thua phải ra tòa để chịu xét hỏi xem có tài sản, thu nhập gì không để trả nợ.”

Và, chuyện có thể xem là hy hữu đã xảy ra khi anh Hải Lê được tống đạt “tận tay” lệnh “xét con nợ” ngay lúc anh bước lên xe hoa cùng cô dâu là Hoa Hậu Phu Nhân Kiều Diễm hôm Thứ Bảy, 21 Tháng Bảy vừa qua. Đó cũng là thời điểm “livestream” đám cưới của đôi vợ chồng “Hoàng gia Ai Cập lai Pháp” như lời tự nhận của anh Hải Lê, đang được chiếu cho khách hàng của anh ở khắp nơi xem.

Kể về sự việc này, anh Bảo Lê nói, “Thứ Tư, 18 Tháng Bảy, tức ba ngày trước đám cưới Hải Lê, là ngày anh ta bắt buộc phải ra tòa để kê khai tài sản, nhưng anh ta đã trốn, không ra trình diện tòa.”

“Sau đó tôi có nghe bên văn phòng luật sư bàn về việc phải tìm cách trao trát tòa tận tay Hải Lê. Tuy nhiên, tôi không biết giấy mà họ ‘serve’ (tống đạt) là giấy gì. Và tôi cũng chỉ được biết hôm Thứ Năm trước đám cưới Hải Lê, người chuyên đi ‘serve’ giấy tờ có tìm Hải Lê ở tiệm Đông Trùng Hạ Thảo Hải Lê chỗ khu chợ ABC, người này thấy Hải Lê trong tiệm nhưng anh ta lại không ra nhận,” Bảo Lê cho biết.

Không tìm được anh Hải Lê để đưa trát tòa, theo như lời anh Bảo Lê, nên luật sư bên anh đã nhờ người xuất hiện đúng thời điểm đám cưới của Hải Lê để trao trát tòa tận tay theo luật định.

Là người rơi vào tình huống không có trong kịch bản này, anh Hải Lê nói, “Mình làm đám cưới đó có hai lý do, thứ nhất là làm livestream cho đẹp để mọi người khắp nơi coi, thứ hai là mình cũng chuẩn bị mở dịch vụ mới này nên muốn để cho giới trẻ coi biết cách tổ chức một đám cưới quy mô và đẹp như thế nào.”

“Thế nhưng lúc bước lên xe ngựa thì có một anh chàng đến nắm áo kéo mình, mình nhìn lại, thực sự nếu một người đi serve chuyên nghiệp ăn mặc đàng hoàng thì mình đỡ mất hồn, còn đây giống như là một người vô gia cư đến thì mình rất ngạc nhiên khi nghe anh ta nói “I am serving you with a document,” anh Hải Lê kể lại.

Hình ảnh từ video clip cho thấy người đi tống đạt giấy tòa đã đứng đợi sẵn. Chờ sau khi cô dâu ngồi lên “ngựa hoa,” rồi đến chú rể Hải Lê vừa ngồi xuống thì người đàn ông mặc áo T-shirt này bước đến, rút từ trong túi ra một tờ giấy và nói câu gì đó. Khi đó cả cô dâu Kiều Diễm và chú rể Hải Lê đều chăm chú nghe, rồi người đàn ông này trao tờ giấy cho anh Hải Lê cầm xong thì ông ta bước đi ngay. Cũng ngay lúc đó, hình ảnh cho thấy cô dâu cầm lấy tờ giấy từ chú rể, nói gì đó và thả xuống. Một người phụ nữ đứng kế bên cô dâu đưa lại tờ giấy, Hải Lê định với tay cầm thì cô dâu lại nói gì đó với vẻ mặt không vui và lại cầm tờ giấy thả xuống.

Nói chuyện với Người Việt gần hai tuần sau khi sự việc xảy ra, Hải Lê kể, “Mình định lấy đọc luôn vì mình không làm gì sai nên đâu có sợ, nhưng Kiều Diễm giựt lại nói anh ơi anh đã biết đó lả rác rồi thì đừng coi làm gì.”

“Thật tình tuần trăng mật của mình không vui, cảm thấy mình bị chà đạp ngay trong ngày đám cưới, mà người bị tổn thương nhiều nhất là cô dâu Kiều Diễm. Lúc đó nhắm mắt lại là thấy Bảo Lê,” Hải Lê cho biết.

Hải Lê nói thêm, “Anh ta có hai cái sai khi làm việc này. Theo luật là Kiều Diễm có quyền kiện Bảo Lê, vì anh ta kiện Hải Lê là chuyện của anh ta, nhưng đám cưới của Kiều Diễm và video của Kiều Diễm đang quay, anh ta làm nó xấu đi, nếu ra tòa là bà tòa không chấp nhận chuyện đó rồi, bà sẽ dùng búa gõ để nói ‘you là người không đàng hoàng rồi.’ Kiều Diễm là người bị tổn thương nhiều nhất trong ngày hôn nhân của cô ấy, và hình ảnh đó đã bị các đài TV đã quay rồi. Nếu thực sự Kiều Diễm kiện chuyện này thì bà tòa chắc chắn sẽ thấy được Bảo Lê chơi xấu rồi. Nhưng cổ không kiện.”

“Còn tờ giấy ‘serve’ cho mình bữa đó mà mình muốn kiện là luật sư của Bảo Lê cũng gặp rắc rối luôn, vì tờ đó là luật sư bên anh ta phải đưa cho luật sư bên mình chứ đâu cần phải đưa cho Hải Lê đâu, vì hai bên đã có luật sư nên đâu cần nói với cá nhân mình. Tờ này giống như anh ta móc ở đâu ra để đưa vậy,” Hải Lê nói một cách chắc nịch.

Trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt “Đó là giấy gì?” anh Hải Lê nói, “Đó là một tờ giấy quá cũ, nói mình bị thua $140,000, chuyện đó ai cũng biết rồi, chứ đâu phải anh ta đưa một cái gì mới, như một đơn kiện mới chẳng hạn. Như vậy mục đích của họ chỉ phá đám mà thôi.”

Tuy nhiên, theo hình chụp lại “tờ giấy quá cũ” mà Hải Lê gửi cho phóng viên Người Việt thì đó chính là lệnh xét con nợ “Order to Appear for Examination” tòa ban ra ngày 18 Tháng Bảy, 2018 yêu cầu Hương Thanh Nguyễn, tức Hải Lê phải có mặt tại tòa lúc 9 giờ sáng ngày 30 Tháng Tám, 2018 để “cung cấp thông tin hỗ trợ trong việc thi hành phán quyết về số tiền mà tòa đã tuyên”; và “trả lời những thắc mắc liên quan đến tài sản của người thua kiện để thi hành án”.

“Mà lệnh ‘Order to Appear for Examination’ này thì bắt buộc phải đưa ‘tận mặt’ con nợ mới có hiệu lực chứ không phải gửi cho người thứ ba được,” luật sư chuyên về “đòi nợ” cho biết.

“Order for debtor examination”, gọi nôm na là “Lệnh xét con nợ” chính là thư được tống đạt đến anh Hải Lê ngay trong ngày đám cưới của anh. (Hình: Hải Lê cung cấp)

Đúng hay sai khi tống đạt trát tòa trong ngày đại hỷ?

Khi được hỏi về chuyện tống đạt trát tòa ngay trong ngày đám cưới liệu là đúng hay sai, Luật sư Đỗ Hiếu Liêm nói, “Về chuyện tống đạt thì họ có quyền đưa bất cứ lúc nào, không có vấn đề gì hết. Tui không tìm anh được, anh trốn tui thì chỉ còn có cách tìm anh trong đám cưới thôi, chuyện đó bình thường.”

“Vì anh thiếu nợ tui thì tui phải ‘serve’ anh giấy nợ. Họ có quyền “serve” bất cứ lúc nào, trong đám cưới, đám ma gì cũng không có gì vi phạm hết. Thực sự cũng không cần chụp hình quay phim làm bằng chứng, chỉ cần đến đưa tận tay người có tên, rồi người ‘serve’ sẽ ký giấy làm xác nhận là ngày hôm đó tôi có đưa cho giấy đó cho người đó tại đâu, mấy giờ, vậy là tòa chấp nhận. Còn chuyện người nhận cầm hay liệng hay xé thì không thành vấn đề,” Luật Sư Liêm nói thêm.

Còn vị luật sư giấu tên giải thích, “Về mặt pháp lý, lệnh này có thể được tống đạt bất cứ lúc nào. Còn về mặt đạo đức của người Việt thì có thể nhiều người thấy hơi kỳ, nhưng họ đã ghét nhau, đấu nhau tốn cả mấy trăm ngàn thì chơi vậy kỳ hay không là chuyện khác. Hơn nữa lệnh này bắt buộc phải đưa tận tay chứ không phải gửi cho người thứ ba được. Cho nên nếu bình thường không đưa được thì phải canh ngày giờ mà người đó chắc chắn có mặt để đưa thôi, thì trong trường hợp này là ngày đám cưới.”

Vị luật sư này có đưa thêm ví dụ về trường hợp một cầu thủ bóng chày nổi tiếng của Mỹ bị kiện đòi tiền cấp dưỡng cho con “child support” bởi người đã sanh con với anh ta. Tuy nhiên, vì anh ta là người nổi tiếng, người đưa trát tòa rất khó tiếp cận để tống đạt thư. Không còn cách nào khác, người này phải mua vé vào xem trận đấu của anh ta. Đợi ngay khi cầu thủ vừa ra sân, người đưa thư chạy ào vào đưa trát tòa, dù ngay sau đó người đó bị cảnh sát áp tải ra ngoài.

“Chuyện người tống đạt trát tòa có bị phạt gì không khi leo vào cầu trường là chuyện khác, nhưng về mặt pháp lý, thì cầu thủ kia được xem như đã nhận được trát tòa rồi. Có người cho rằng không nhận hoặc không ký giấy tờ thì coi như việc tống đạt không có hiệu lực là hoàn toàn sai. Người làm công việc tống đạt trát tòa, là ‘process server’, chỉ cần đưa hoặc quăng xuống trước mặt là đủ,” luật sư không nêu tên cho biết.

“Nên hiểu thêm một điều nữa là ở Mỹ thiếu nợ dân sự thì không bị ở tù, nhưng khi có lệnh tòa kêu ra ‘xét con nợ’ mà không chịu ra, trong khi đã có người đưa lệnh đó tận mặt rồi thì có thể sẽ bị tòa khép vào tội khinh tòa, tội này thì có thể bị giam cho đến khi chịu tuân theo lệnh của tòa, có nghĩa là ra trước tòa để bị phía bên thắng xét coi có tài sản hay thu nhập gì không,” luật sư này nói thêm.

Về phần anh Bảo Lê, sau hai lần nói chuyện với phóng viên Người Việt, anh cho rằng “thực sự không biết luật sư gửi giấy gì cho Hải Lê.” Nhưng trước khi bài báo hoàn tất, anh cũng kịp hỏi luật sư và email cho phóng viên Người Việt giấy mà luật sư bên anh cho người tống đạt đến Hải Lê. Đó chính là “lệnh xét con nợ” (Order to appear for examination), và người thực hiện việc trao giấy đó là ông Ben Ari Manes.


Liên lạc tác giả: [email protected]

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

MỚI CẬP NHẬT