Friday, March 29, 2024

Little Saigon: Mướn ‘gia sư’ dạy con chơi game ‘Fortnite’?

Thiện Lê/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Ngày nay, chơi game online không là chuyện xa lạ đối với mọi người, nhất là giới trẻ, dẫn đến việc có rất nhiều người trẻ bị bệnh nghiện chơi game. Năm 2017, khi “Fortnite” xuất hiện, người ta lại càng thích chơi game nhiều hơn, thậm chí nhiều phụ huynh còn thuê người dạy con mình chơi sao cho giỏi hơn. Trong khi đó, game “Fortnite” này lại là nguyên nhân dẫn các em đến nhiều hành động không hay như la hét và đập phá khi thua.

Từ năm 2017 đến nay, game loại “battle royale” rất phổ biến. Đây là loại game đối kháng có nhiều người chơi và ai sống sót cuối cùng sẽ là người thắng cuộc. “Fortnite” là một trong những dạng “battle royale” được phát hành vào Tháng Mười, 2017 được những người yêu game chọn chơi nhiều nhất. Trong game này, mỗi trận đấu diễn ra trên một hòn đảo sẽ có 100 “game thủ” tham gia. Họ có thể chơi một mình hoặc theo nhóm từ hai đến bốn người. Những “game thủ” này được máy bay thả lên đảo, rồi phải tìm vũ khí để đấu với người khác hay nhóm khác. Người nào, nhóm nào sống sót cuối cùng dĩ nhiên là người thắng cuộc.

Từ khi phát hành đến nay, “Fortnite” ngày càng phổ biến, đã có hơn 125 triệu người chơi và doanh thu hơn $1 tỷ. Không chỉ vậy, số người xem thể loại game “battle royale” trên YouTube và trên Twitch lên đến 750 triệu người trong Tháng Năm, 2018. Đến những người nổi tiếng như ca sĩ nhạc rap Drake và cầu thủ bóng rổ Josh Hart của đội Lakers cũng chơi game này.

“Fortnite” phổ biến đến mức trở thành một phần của cuộc sống của trẻ em vì lúc nào các em cũng bàn tán về game này. Ngoài ra, game này còn có các điệu nhảy để ăn mừng chiến thắng hoặc trêu chọc đối thủ ngày càng có nhiều người biết, đến mức có hẳn các lớp dạy nhảy “Fortnite.” Nhiều cầu thủ bóng bầu dục, túc cầu và võ sĩ đô vật cũng dùng các điệu nhảy này để ăn mừng.

Không dừng lại ở đó, nhiều công ty đồ chơi cũng bắt đầu sản xuất nhiều mặt hàng “Fortnite.” Công ty Funko chuyên làm hình nộm những nhân vật trong phim ảnh và game cho biết họ sẽ ra mắt những mặt hàng “Fortnite.” Hãng làm súng nhựa Nerf cũng sắp ra mắt khẩu súng đồ chơi thiết kế theo kiểu dáng một khẩu súng trong “Fortnite.”

Phần lớn người chơi game này là trẻ em vị thành niên trong độ tuổi từ 12 đến 16 tuổi.

Tại sao các em lại thích game này? Nhiều người cho rằng “Fortnite” là một game miễn phí nên tất nhiên sẽ có nhiều người chơi. Không chỉ vậy, game này còn dễ chơi, có màu sắc tươi sáng và được cập nhật thường xuyên.

Trong số 125 triệu người chơi “Fortnite” có nhiều học sinh gốc Việt ở Little Saigon và game này là một phần lớn trong cuộc sống hằng ngày của các em.

Một học sinh gốc Việt có tên là Anthony của trung học đệ nhất cấp Warner, thuộc thành phố Westminster, cho biết em và các bạn đều chơi “Fortnite” mỗi đêm khoảng một đến hai tiếng. Em thường để dành tiền bà ngoại cho ăn vặt để mua những món đồ trong game.

“Em thích game này lắm và hay chơi với mấy bạn mỗi đêm một, hai tiếng rồi mới ngủ. Khi đến trường, em với các bạn cũng hay bàn luận về ‘Fortnite’ rồi rủ nhiều bạn ở lớp khác chơi,” Anthony nói.

Số người xem thể loại game “battle royale” (màu đỏ) tăng lên 700 triệu. (Hình: Super Data)

Em cho biết thêm: “Em có coi trên YouTube thấy nhiều bạn cùng tuổi lập ra nhóm nhảy ‘Fortnite’ cho các chương trình văn nghệ của trường và em cũng muốn làm thử. Em rất thích các điệu nhảy trong game này.”

Một số phụ huynh vì thấy con mình chơi “Fornite” nhiều, thấy các em bực tức, la hét khi thua nên quyết định thuê “gia sư” giúp các em chơi giỏi hơn. Mức lương của các “gia sư” hay người dạy kèm qua mạng từ $10 đến $25/giờ. Các “gia sư” này quảng cáo trên các trang web rao vặt hoặc trên mạng xã hội.

Về việc dạy kèm chơi game, em Anthony nêu cảm nghĩ: “Em nghĩ chơi game là một thú vui thôi. Em rất thích chơi, nhưng kêu thầy dạy kèm đến nhà để giúp chơi giỏi hơn thì lạ quá. Mình chơi thua bạn bè thì có sao đâu.”

Bà Thảo, mẹ em Anthony, cho hay: “Thằng nhỏ ở nhà cứ hay chơi game bắn súng gì với đám bạn, đêm nào cũng thấy chơi. Tôi kêu đi ngủ sớm thì thằng nhóc cứ nói là chơi một chút nữa rồi ngủ. Con cái chơi game thì tôi nghĩ không sao vì ai cũng cần giải trí, như tôi tối nào cũng xem phim Đại Hàn. Mà tôi thật sự không hiểu mấy phụ huynh kia họ nghĩ gì mà đi mời thầy dạy kèm cho con chơi game. Chơi game hay thì làm được gì? Không lẽ họ cảm thấy xấu hổ vì con mình chơi thua hay sao?”

Một số phụ huynh gốc Việt khác cũng có suy nghĩ như bà Thảo. Ai cũng cho rằng trẻ em thời bây giờ phải chơi game, nhưng họ không ngờ có nhiều phụ huynh lại bỏ tiền $20/giờ để giúp con mình chơi khá hơn.

Tuy việc thuê người dạy kèm để giúp trẻ em chơi game giỏi hơn là một điều lạ lùng, nhưng cũng không phải là khó hiểu vì trẻ em tuổi vị thành niên hay bị “peer pressure” hay áp lực để so sánh với bạn cùng lứa. Nhiều em thường bị bạn bè trêu chọc vì chơi không hay và muốn chơi giỏi hơn để không bị chọc ghẹo nữa.

Ông Kiệt Lê, cư dân Westminster, chia sẻ với phóng viên Người Việt: “Tôi biết là ở độ tuổi này, đứa con nít nào cũng muốn giống như bạn mình, bạn mua gì hay chơi game gì thì phải bắt chước theo. Nhưng tôi không nghĩ thuê người dạy kèm con mình chơi game là một chuyện đúng, thiếu gì cách để giúp con mình vượt qua khỏi áp lực ở trường.”

“Fortnite” là một game ngày càng phổ biến với giới trẻ và nhiều em gần như “nghiện” game này. Quả thật, với hơn 125 triệu người chơi trên khắp thế giới, trò chơi này không chỉ ảnh hưởng đến trẻ em mà còn đến cả phụ huynh. (Thiện Lê)


Liên lạc tác giả: [email protected]

Video: Tin Trong Ngày Mới Cập Nhật

Lưu ý: Để mở âm thanh, xin bấm vào nút muted icon imagephía góc phải bên dưới của khung video.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT