Thursday, March 28, 2024

‘Ga Cuối Đường Tàu’ của nhà văn Huy Phương

Ngọc Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – “Nếu cuộc đời là một chuyến tàu thì cuối cùng, chúng ta ai cũng có một nhà ga để xuống, có điều sớm hay trễ mà thôi. Và đến một tuổi, một lúc nào đó, chúng ta phải nghĩ là đã đến lúc sắp xuống tàu. Vì vậy, tác phẩm này, hôm nay đến tay bạn đọc, được xem như là một nhà ga cuối, cuộn chỉ thời gian đã kéo gần hết, quỹ thời gian chẳng còn được bao nhiêu!”

Đây không là lần đầu tiên tôi được chọn làm người viết bài giới thiệu cho một tập sách mới xuất bản của nhà văn Huy Phương, nhưng đây lại là lần đầu tiên tôi thấy có điều gì đó mênh mang, rưng rưng khi lật nhẹ từng trang, và chậm rãi đọc từng dòng mà tác giả viết “Thay lời tựa” cho “đứa con Út” mang tên “Ga Cuối Đường Tàu” – “Tuyển Tập 80.”

“Ga Cuối Đường Tàu” có lẽ là tập sách dày nhất trong số các tác phẩm mà nhà văn Huy Phương đã xuất bản. Bởi, có đến 80 bài tạp ghi tiêu biểu cho lối viết tạp ghi của ông được chọn lựa để đưa vào đây nhằm gửi đến độc giả, những thân hữu, tri kỷ lâu năm, nhân ngày tác giả bước vào tuổi 80.

Đánh dấu “cột mốc” này, bài đầu tiên trong “Ga Cuối Đường Tàu” chính là bài tác giả… tự viết cho mình: “Viết cho ngày lên tám… (mươi)”

“Tuổi 80 đã được xếp vào loại ‘thượng thọ’.” Dẫu biết rằng vậy, nhưng bài viết của “ông già đầu bạc” sao chứa đầy những nỗi niềm, những tâm sự chất ngất. Những người cùng một thời với ông, những người không ít lần xuất hiện trong các buổi ra mắt sách trước đây của ông, như ký mục gia Bùi Bảo Trúc, như Trung Tá Hạnh Nhơn, như nhà báo Vũ Ánh, như Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích,… giờ đều đã là “những người muôn năm cũ”. Phải chăng bước vào tuổi này, nhìn lại bạn bè, tri kỷ chung quanh nay dần thưa, đã khiến ông cảm thấy chút gì đó chông chênh, chơi vơi:

“Ngoảnh lại trước, người xưa vắng vẻ
Trông về sau, quạnh quẽ người sau
Ngẫm hay trời đất dài lâu
Mình ta rơi hạt lệ sầu chứa chan.”
(Thơ của Trần Tử Ngang – do Trần Trọng San dịch)

Tâm trạng này xuất hiện bàng bạc trong nhiều tạp ghi mà ông chọn lọc đưa lại vào đây, như “Bữa ăn một mình,” “Buổi tối một mình,” “Một bờ vai,” “Ngày giỗ,” “Ngày tốt nghiệp,” “Nỗi buồn cuối năm, nỗi buồn cuối đời,” “Bữa cơm gia đình,” “Mẹ vẫn chờ con bên cửa,” “Tri âm tri kỷ đời nay,”…

Tâm trạng này, qua những câu chữ mộc mạc, giản dị của người đã trải qua nhiều ghềnh thác cuộc đời nói lên được nhiều lắm tâm sự của bao người cùng cảnh ngộ: “Nhiều khi trên đường lái xe về nhà buổi chiều một mình, khi thấy trời đã bắt đầu tối, phố xá đã lên đèn, tôi bỗng tự hỏi, buồn biết bao nếu đêm nay không có một nơi để về, hay về một nơi hiu quạnh!” (Buổi tối một mình), “Cha mẹ Việt Nam tự an ủi, ru mình bằng bốn tiếng ‘nước mắt chảy xuôi’ là mọi chuyện đều cho qua, nhận thức đời sống một phần cũng cho là duyên, là phước. Phải chi cha mẹ như cha mẹ nơi quê người, không hề lưu luyến, bịn rịn, ngay từ lúc đứa con đã trưởng thành rời mái ấm ra đi.” (Nỗi buồn cuối năm, nỗi buồn cuối đời)

Bên cạnh những đau đáu về tình người riêng chung trong giềng mối gia đình, ông bà, cha mẹ, con cái, tạp ghi Huy Phương còn là nơi chứa đựng “những niềm riêng làm sao nói hết” của bao người về những điều tưởng như vụn vặt, nhỏ nhoi trong cuộc sống hằng ngày, nhưng thực ra, đó chính là nơi người ta thể hiện trách nhiệm với cuộc đời, với xã hội.

Không khó để nhận ra điều đó qua “Người khách trọ vô tình,” “Cái mặt Việt Nam,” “Đất nước ăn xin,” “Phải biết đỏ mặt,” “Thảm trạng di dân,” “Vũ khí của kẻ yếu,” “Không còn nước mắt,” “Hả hê trên nỗi đau người khác,” “Tình đời và cái xương cụt,”…

Thử đọc lại một đoạn trong bài “Cái mặt Việt Nam”:

Cái mặt Việt Nam CS ở Nhật mà đại diện là phi công, tiếp viên hàng không, người mẫu, du học sinh ăn cắp… không kể hết tên.

Cái mặt Việt Nam CS ở Phi Châu mà đại diện là nhân viên ngoại giao Vũ Mộc Anh, bí thư thứ nhất của “Đại Sứ Quán Việt Nam” tại Nam Phi, buôn lậu sừng tê giác.

Cái mặt Việt Nam CS ở Đài Loan mà đại diện là công nhân “xuất khẩu” ăn trộm chó làm thịt.

Cái mặt Việt Nam CS ở Nga, Tiệp Khắc, Ba Lan, Đông Đức với những nhóm băng đảng, buôn người có các tòa đại sứ Việt Cộng… chống lưng.

…Phần tôi, mỗi khi soi gương, tôi vẫn nhớ, ‘Tôi là người Việt Nam!’ và cảm thấy thương cho tôi và thù ghét những con người CS đã làm cho hình ảnh Việt Nam xấu xa đi như hôm nay.”

Hay đôi dòng trong bài “Không còn nước mắt”:

Mới mấy tháng trước đây thôi, vào lúc nửa đêm, tại một tiệm bánh pizza Papa John ‘s ở thành phố Helena, Montana, một người đàn ông bịt mặt vào tiệm, tiến đến quầy thu ngân, đưa ra một mảnh giấy đòi nộp tiền. Công nhân của cửa tiệm vội vã mở hộc, hốt hết tiền đưa cho “kẻ cướp,” nhưng không, người đàn ông bịt mặt, ngần ngừ rồi bỗng bật khóc và nói rằng, ông ta chỉ cần ít thức ăn cho các con ông ở nhà đang đói, chứ ông không phải là tên ăn cướp chuyên nghiệp. Người đàn ông, sau đó rời khỏi tiệm với một hộp pizza và một ít cánh gà, cho gia đình của ông, đang không có gì ăn tối nay. Chủ tiệm đã báo cảnh sát ngay sau đó.

Người ta thường lên án nạn cướp bóc, trấn lột, nhưng nghĩ sao trong trường hợp này, liệu nhân viên cửa tiệm có thể rộng lượng cho đi một ít thức ăn, nếu có một người đàn ông đói khát bất ngờ, thay vì bỏ tiền ra mua thức ăn, lại ngửa tay xin một vài cái cánh gà, hay một miếng bánh cho gia đình và chính ông ta không?”

Người đọc, như tôi, như những ai đang đọc đến những con chữ này, cảm thấy điều gì đang trỗi lên trong tâm trí mình? Một điều gì phẫn uất, đau đớn? Một điều gì tê tái, xót xa?

Cuộc sống với bao lo toan thường nhật kéo chúng ta đi “băng băng,” nhưng những điều nhà văn Huy Phương, trong từng bước đi chậm rãi của mình, nhìn nhận, góp nhặt, và trải bày, đã giúp chúng ta có dịp tự nhìn lại những điều mình vô tình, hay cố ý bỏ quên. Để rồi suy ngẫm, để rồi thấy mình cần nên làm gì trước khi bước chân đến “ga cuối đường tàu.”

Giống như một bài được chọn đặt gần cuối quyển sách, “Tôi biết thế nào anh cũng đến,” có lẽ nhà văn Huy Phương cũng sẽ có một nụ cười mãn nguyện để nói rằng “Tôi biết thế nào quý độc giả cũng đến” khi nhìn thấy “đứa con út” của mình – “Ga Cuối Đường Tàu” – được các độc giả tìm đến.

—————–
Liên lạc tác giả: [email protected]

Người Việt ở Little Saigon đón mừng nhạc sĩ Việt Khang đến miền đất tự do

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT