Friday, March 29, 2024

Giải tỏa ‘xóm lều’ ở Anaheim, ‘nhưng sẽ được bao lâu?’

Đằng-Giao/Người Việt

ANAHEIM, California (NV) – “Hôm qua, hơn 100 người, trong đó có các bạn tôi, bị buộc không được sống ở đây nữa. Giới chức nói sẽ đưa về khách sạn hay ‘shelter’, nhưng ai là người kiểm chứng? Tôi không tin giới chức.” Ông Charles G. Miller, một “cư dân xóm lều ở bờ sông Santa Ana, gần sân vận động Angel, Anaheim, nói.

Ngay sau khi ông David O. Carter, chánh án liên bang, quyết định cơ quan công lực Orange County được phép giải tỏa khu “xóm lều,” vốn là nơi những người vô gia cư trú ngụ, lúc 8 giờ sáng Thứ Ba, 20 Tháng Hai, 2018, họ tích cực thi hành công việc, và chỉ cùng ngày, hơn 100 người đã không thể quay lại túp lều họ từng ở suốt mấy năm qua.

Ông Miller tiếp: “Trước đó, cảnh sát đã dời khoảng 400 người rồi. ‘Xóm lều’ của tụi tôi, mới hôm nào đông và nhộn nhịp lắm mà bây giờ, chỉ còn lèo tèo vài người.”

Tại sao ông còn ở đây?

“Không muốn đi đâu cả, nhưng tôi đã sẵn sàng đi nơi khác từ sáng sớm hôm nay. Rồi nhân viên viên thiện nguyện nói với tôi là quận hết phiếu ở khách sạn, tôi phải chờ. Tôi đang rất hoang mang và căng thẳng vì chắc tôi phải ngủ lại đây tối nay, mà không biết đến bao giờ.”

“Chỉ còn vài người sót lại, cảnh sát có làm gì tụi tôi trong đêm vắng, ai biết được? Cảnh sát vùng này có tiếng là ‘nặng tay’ với người không nhà lắm. Báo đăng là đã có người chết.”

Không lâu trước đây, ‘xóm lều” trên con đường dọc bờ sông còn đông kín người “ở lều” tụ tập thành từng nhóm vài người, chuyện vãn nhỏ to trước khi về lều. Bây giờ, mới sau ngày Thứ Ba, chỉ còn rải rác vài ba người ngơ ngác “dọn lều” trong khu xóm gần như vắng lặng.

Quốc kỳ Mỹ rách bươm rời rã bay trong gió. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Vài con chó, không biết của ai, rụt rè ngửi ngửi đống rác hoang vắng.

Không chỉ mình ông Miller, mà những người chưa được giải quyết chỗ ở mới đều cùng lo âu.

Lo là phải, vì đã có lệnh là họ phải dọn ra khỏi khu vực từ hôm qua. Bây giờ, sự hiện diện của họ tại đây đang là trái phép.

Cô Abigail Jones rít hơi thuốc thật dài rồi bực bội nói: “Không cho tôi ở đây mà lại không phát phiếu cho tôi vô khách sạn. Tôi không biết làm gì, vì nếu ra đường ở, họ cũng sẽ làm phiền tôi nữa.”

Kéo thêm hơi thuốc, cô nói: “Cảnh sát có thể dẹp chỗ này, nhưng sẽ được bao lâu?”

Nhìn quanh, không ai thích cái tâm trạng đợi chờ người khác định đoạt số phận mình cả.

Phập phồng cho tương lai bất ổn, ông Matthiew Stanwick thấp thỏm ngồi đợi phiếu khách sạn mà người ta hứa sẽ phát cho ông hôm nay.

“Đã có nhiều người được hứa phiếu như tôi rồi bị nói thẳng là hôm nay không có. Người ta hết phiếu rồi,” ông thở dài. “Cảnh sát đâu cần biết điều này. Họ sẽ nghĩ là chúng tôi chống đối.”

Ông Brian Clayton Davis, đã được dời về một khách sạn ở Huntington Beach hôm qua, đang ở đây để giúp bạn “dọn nhà”.

Ông hạ giọng: “Bạn tôi không có gì quí giá cả, toàn những thứ lượm lặt ngoài đường hay trong thùng rác thôi, nhưng đầy giá trị tinh thần.”

Việc đổi chỗ ở này có những tác động tâm lý mạnh cho một số người. Bà Luisa Adkison ngồi sụt sùi khóc bên gốc cây. “Bốn năm rồi, tôi ở đây. Bốn năm với bao nhiêu buồn vui. Bây giờ phải ra đi, sao không buồn được,” bà nghẹn ngào nói.

Gạt nước mắt, bà tiếp: “Tháng Chín năm ngoái, con gái tôi rủ vài người bạn rồi đem mấy cái bánh và nến ra đây làm sinh nhật cho tôi. Hai năm trước, bạn trai tôi chết lạnh trong căn lều tôi đang ở. Đây là một phần đời tôi.”

Không có tiền chôn cất, bạn trai bà được Orange County hỏa thiêu. Con gái bà đã quay lại bệnh viện tâm thần ở Fulerton.

Vừa chất đồ lên chiếc xe kéo tay, ông Thomas Fielder trầm buồn: “Ở đây người tốt rất đông và dăm ba người xấu không thể là hoen ố ký ức đẹp của tôi về khu này. Sáu năm sóng gió của kiếp không nhà bằng 60 năm đời thường, tôi nghĩ vậy.”

Ông vẫn đang chờ phiếu khách sạn từ chiều hôm qua đến giờ. Ông không sốt ruột lắm vì trong thâm tâm, ông chưa muốn rời chỗ này ngay. “Nhưng nếu tôi nay ngủ lại đây, tôi phải ngủ gần những người khác vì Cảnh Sát Anaheim đã từng giết người không nhà như tụi tôi rồi,” ông nói.

Trong mảng lều căng thẳng của ông Ricardo Montiel và bà Nicole. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Cũng ở đây sáu năm rồi, ông Ricardo Montiel và bà Nicole hết sức xúc động khi phải “dọn lều” một cách bất đắc dĩ.

Ông cho rằng đây là một sự chèn ép bất công. “Vợ tôi bị chứng tâm thần phân liệt (schizophrenia), không phụ tôi trả tiền nhà nên chúng tôi bị đuổi nhà. Ra đường, chúng tôi tìm một góc nhỏ dưới gầm xa lộ ở Anaheim, không làm phiền ai, thì bị cảnh sát dồn vào đây sống. Bây giờ, chúng tôi lại bị họ ‘đuổi lều’. Thật là bất công.” – Ông phàn nàn.

Họ đi đâu? Một nơi nương náu hay một ‘xóm lều’ khác? (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Như sực nhớ, ông nhắc vợ: “Tối nay phải rủ thêm mấy người nữa về ngủ chung lều cho an toàn. Ít người, ngủ rải rác nguy hiểm lắm.”

Một cảnh sát viên canh gác khu vực cho biết hiện thời, họ đang nỗ lực mời người dọn đi ở phía Bắc đường Katella, Anaheim. “Khu này, đúng ra phải dọn đi hết từ hôm qua. Tôi nghĩ trễ lắm là ngày mai sẽ không còn một ai ở đây cả. Chúng tôi còn phải dọn sạch rác nữa chứ.” Anh nói.

Cô Deanne Roberts, một “cư dân” ở đây bốn năm, thấp thỏm nói: “Không biết đợt này họ sẽ làm gì giúp chúng tôi. Nếu không cho những người bệnh tâm thần đi điều trị, hay không tìm việc cho người có khả năng như tôi thì chẳng bao lâu, sẽ lại có ‘xóm lều’ khác ở đâu đó quanh đây. Vô gia cư là một vấn nạn chung của nước Mỹ nên phải có giải pháp thực sự thích đáng và hữu hiệu.”

Cô cười chua chát rồi nói: “Hy vọng đây không là mảnh vải để che vết thương trầm trọng cho đẹp mắt.”


Liên lạc tác giả: [email protected]

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT