Friday, April 19, 2024

Giáo Sư Quỳnh Hạnh từ Pháp sang Little Saigon trình diễn âm nhạc cổ truyền

Văn Lan/Người Việt

WESTMINSTER, California (NV) – Viện Việt Học, Westminster, vừa diễn ra buổi thuyết trình “Vốn quý trong kho tàng văn hóa Việt Nam – Âm nhạc cổ truyền, bảo tồn và phát triển, đào tạo và kế thừa,” với diễn giả là Giáo Sư Tiến Sĩ Trương Thị Quỳnh Hạnh, từ kinh đô ánh sáng Paris nước Pháp sang, một trong những nơi xuất phát của nền văn học mỹ thuật từ xưa đến nay.

Buổi thuyết trình hôm Thứ Bảy, 10 Tháng Tám, tuy không nhiều người tham dự, nhưng thính phòng vẫn tràn ngập những âm thanh đặc biệt, có khi chưa được nghe rộng rãi nơi công chúng như hát chầu văn, hát lên đồng, ca cổ nhạc Bắc và Trung, ca tài tử miền Nam, hò ba miền, cùng tiếng đàn thi nhau hòa điệu.

Không gian rộn ràng với những âm điệu khi thì réo rắt của đàn tranh, khi thì trầm mặc u uẩn của đàn bầu, hoặc khi hòa nhịp cùng lời hát trong các làn điệu Nam Ai mang hơi hướng của miền Bắc vui tươi, hoặc u buồn của miền Nam.

Trong suốt buổi thuyết trình, diễn giả đã trình bày về những đặc sắc của âm nhạc cổ truyền Việt Nam, với những thang âm đặc biệt của dân tộc, nhất là bà đã sáng tác ra loại đàn tranh bầu, kết hợp hai loại đàn tranh và đàn bầu lại làm một để trình diễn.

Màn trình tấu vọng cổ miền Nam với những giọng buồn qua điệu vọng cổ Trường Tương Tư, Tứ Đại Oán, với làn hơi sang trọng, với điệu “Oán,” hoặc buồn hơn với hơi Xuân, hơi Ai, và Đảo Ngũ Cung thuộc hơi Nam. Làm sao phân biệt? Chính là âm nhạc cổ truyền Việt Nam vẫn còn dấu ấn truyền thống qua hệ thống ngũ cung “hò, xự, xang, xê, cống.”

Em Chí Đan thuộc Đoàn Văn Nghệ Dân Tộc Lạc Hồng, thế hệ trẻ tiếp nối nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, trình diễn đàn tranh bài “Đất Lành Lúa Trổ.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Diễn giả cho biết trong một lần trình diễn điệu “Sa Mạc,” có một nhà nghiên cứu người Trung Đông hỏi vì sao Việt Nam không có sa mạc, vậy sao có điệu Sa Mạc của Việt Nam, lại rất giống điệu Sa Mạc của vùng Trung Đông vậy, qua sự diễn tả của đàn bầu và đàn tranh?

Giáo Sư Quỳnh Hạnh cho biết, có nhiều điểm tương đồng trong âm nhạc của nhiều quốc gia trên thế giới, có thể Trung Đông ngày xưa trên con đường tơ lụa, có sự giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và các nước bạn, cái gì phù hợp với khiếu thẩm mỹ dân tộc, sẽ ở lại với dân tộc Việt Nam, và bà đánh đàn khi suy tưởng về một người lữ hành cô đơn cưỡi lạc đà đi trong sa mạc, với cây đàn trên vai, đó cũng chính là lòng của người Việt ly hương nhớ về cố quốc, nên tiếng đàn nghe ra buồn thấm thía!

Hát lên đồng, phải nghiên cứu Chầu Văn, và qua góc nhìn nghiên cứu của các học giả Tây phương, cho thấy trong tiếng nói của người Việt là đã có âm nhạc rồi. Đạo Phật cũng có âm nhạc, từ những bài tán tụng, trong câu kinh ngân nga trầm bổng. Tiếng Việt chính là âm nhạc, là nhạc tính trong tiếng nói.

Trong điệu Chầu Văn, diễn giả cũng chinh phục người nghe khi diễn tấu theo điệu nhạc và điệu bộ của người hát chầu, múa lên đồng trong các lễ hội cúng Bà trong dân gian.

Qua những công trình nghiên cứu của người Pháp, đi vào khắp các nền văn hóa, trong đó có ngồi đồng, điệu hò hát xẩm, những lời rao bán rong ngoài phố, với người Pháp đó là những lời hát ru, và các học giả Tây phương đã nhận xét: “Ngôn ngữ Việt là loại âm nhạc tuyệt vời, trong một câu nói với đủ các loại dấu nhấn, lên bổng xuống trầm giống y như một bài hát, hoặc như một câu thơ, hoặc chỉ trong câu rao bán hàng thôi, đôi lúc cũng giống như tiếng đàn réo rắt.”

Buồn, phải biến âm làm sao nói lên được nỗi buồn, như trong bài “Nỗi Buồn Vọng Phu” trong giọng ca phải có sự nức nở như câu cải lương “Cầm chiếc đờn lên nghiêng vai cõng mẹ. Tìm người thương khắp cả bốn phương… trời.”

Giáo Sư Quỳnh Hạnh biểu diễn điệu Chầu Văn, trong điệu múa “Lên Đồng,” nét văn hóa cổ truyền Việt Nam. (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Hoặc “Kiều Đánh Đàn Cho Kim Trọng Nghe” đàn tranh bầu, hoặc trong trích đoạn “Ngọn Đèn Khi Tỏ Khi Mờ,” đệm đàn bầu, hoặc “Ru Con 3 Miền” Bắc Trung Nam, bà mẹ chờ con ngủ rồi mới hát, người nghe không phải chỉ thưởng thức điệu ru mà chính là hiểu tâm tình người thiếu phụ qua khúc đàn tranh.

“Âm nhạc cổ truyền Việt Nam, một vốn quý trong kho tàng văn hóa của mình mà không giữ gìn, để đến khi xa rời rồi mới biết. Cần phải nên trân trọng giữ gìn, không phải bây giờ mà còn cho con cháu đời sau, phải bảo tồn và phát triển, đào tạo và kế thừa,” Giáo Sư Quỳnh Hạnh có đôi lời nhắn nhủ khi kết thúc buổi thuyết trình.

Bà Bửu Trâm, từ Irvine về dự buổi thuyết trình, nhận xét: “Rất thích thú khi diễn giả từ Pháp đem đến cả một kho tàng âm nhạc quê hương trong vài giờ ngắn ngủi, với hết cả tấm lòng trình diễn mà hồi nào tới giờ tôi chưa từng được nghe, nhất là người ngoại quốc rất yêu thích và nghiên cứu tường tận nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam, trong khi mình lại không!”

“Theo thiển nghĩ, con cái sẽ hướng lối sống theo cái nhìn của cha mẹ, nếu mình biết dẫn đắt khuyến khích con cháu biết yêu quý cái gì là quê hương dân tộc, qua sách vở phim ảnh, hoặc âm nhạc cổ truyền, thế hệ trẻ tiếp nối sẽ dần hiểu và thích thú. Phải hiểu mới thích được, đó là quy luật,” bà nhấn mạnh.

Giáo Sư Tiến Sĩ Trương Thị Quỳnh Hạnh tốt nghiệp Trường Quốc Gia Âm Nhạc và Kịch Nghệ Sài Gòn năm 1966. Hai năm sau bà được mời về làm phụ giảng bộ môn Nhạc Cụ Truyền Thống tại trường, và tốt nghiệp cử nhân Đại Học Văn Khoa Sài Gòn.

Người nghe thích thú suốt buổi thuyết trình “Âm Nhạc Cổ Truyền Việt Nam.” (Hình: Văn Lan/Người Việt)

Bà được học bổng sang Pháp và bảo vệ thành công xuất sắc luận án tiến sĩ nhân chủng học âm nhạc học với hạng tối danh dự tại Đại Học Paris IV Sorbonne, Pháp, vào năm 2009. Bà đoạt huy chương vàng Giải Văn Học Nghệ Thuật ở Việt Nam, huy chương vàng Giải Văn Hóa Thành Phố Paris, Pháp, năm 2006.

Bà đã thuyết trình và xuất bản sách về đề tài “Musiccotherapie” (Phương Pháp Trị Liệu Bằng Âm Nhạc) dưới sự đỡ đầu của Hàn Lâm Viện Âu Châu. Bà cũng nhận được Giải Thưởng Hàn Lâm Viện Âu Châu thơ Quốc Tế.

Giáo Sư Quỳnh Hạnh hiện là giám đốc Nhà Văn Hóa Cổ Truyền Việt Nam tại Paris, thường tổ chức diễn hành Văn Hóa Việt Nam vào dịp Tết cổ truyền. Bà đã sáng tác và hòa thanh cho năm tập khúc viết cho Đàn Tranh Bầu, và 18 tập khúc này được trình diễn thành công rực rỡ tại nhiều buổi hòa nhạc ở Paris và quốc tế.

Qua ba giờ đồng hồ thuyết trình với biết bao là tâm huyết của một đời nghiên cứu để tập hợp một kho tàng vô giá của nghệ thuật cổ truyền Việt Nam, mà theo cô Kim Ngân, giám đốc Viện Việt Học, Giáo Sư Tiến Sĩ Quỳnh Hạnh là một vốn quý trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, cần phải tôn trọng giữ gìn. (Văn Lan)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT