Thursday, April 18, 2024

Hai bác sĩ trẻ dọn về Little Saigon để con học tiếng Việt

Đằng-Giao/Người Việt

FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Hai bác sĩ trẻ, Thảo Võ và Chính Mai, quyết định đưa Andy, 7 tuổi, và Audrey, 5 tuổi, về Little Saigon để hai con được học tiếng Việt và văn hóa Việt.

Đang ở Bakersfield, Bác Sĩ Thảo và Bác Sĩ Chính từ giã học trò và bệnh nhân để về Little Saigon với mục đích chính là chăm lo văn hóa cho con mình.

Bác Sĩ Chính tâm sự: “Chuyện ăn ở có trước, có sau, hay ăn ở biết kính trên, nhường dưới là những điều rất hay của người mình mà tôi muốn các con tôi học hỏi.”

Có lẽ do ở ngay tại Little Saigon nên nhiều người không để ý đến nề nếp văn hóa Việt Nam mà cộng đồng âm thầm cung cấp. Phải những người ở xa như hai bác sĩ Thảo và Chính thì mới cảm nhận sự thiếu thốn đó nên mới có ý định tìm về.

“Văn hóa Việt, hay nhất là về chuyện hiếu phụng, là điều tôi muốn các con tôi hấp thụ ngay từ bây giờ. Muốn vậy thì các cháu phải học tiếng Việt. Mà học tiếng Việt thì chỉ về Little Saigon là tốt nhất. Ở đây có đủ mọi chương trình Việt Ngữ, tha hồ mà lựa chọn,” Bác Sĩ Chính nói. “Quá nhiều lựa chọn đến nỗi về đây gần hai tháng rồi mà tụi tôi chưa tìm ra được chỗ tốt nhất cho các cháu.”

Anh thêm: “Chúng tôi đã liên lạc với trường tiểu học Murdy ở Garden Grove vì muốn cháu Andy theo chương trình ‘bilingual’ Anh-Việt ở đây để làm thủ tục chuyển trường cho con tôi nhưng rất tiếc, chương trình đã đủ học sinh nên chỉ được vào ‘waiting list’ thôi. Thôi thì đành phải đợi đến niên khóa tới.”

Không để mất thời gian, trong thời gian chờ đợi, hai bác sĩ liên lạc Trung Tâm Văn Hóa Hồng Bàng về các lớp tiếng Việt. “Trung tâm Hồng Bàng thì nhận ghi danh ngay, nhưng chỉ dạy mỗi Chủ Nhật, từ 1 đến 3 giờ chiều thôi. Chúng tôi được chị Huỳnh Ngọc của trung tâm hướng dẫn rất tận tâm.”

“Dĩ nhiên, chúng tôi cũng đang tìm hiểu những chương trình ở trung tâm khác có lớp tiếng Việt vào Thứ Bảy hoặc những sinh hoạt tiếng Việt khác, như gia đình Phật tử hay Hướng Đạo. Phải thu thập hết tin tức rồi mới thu xếp thời khóa biểu hợp lý cho các cháu được,” Bác Sĩ Chính cho hay. “Không thể coi thường chuyện thời khóa biểu được vì chúng tôi sẽ rất bận ở phòng mạch.”

Bác Sĩ Chính Mai, chuyên môn về nội khoa tổng quát, và có nhiều kinh nghiệm về ung thư. Anh nói: “Tôi may mắn thực tập điều trị ung thư ở bệnh viện MD Anderson Center thuộc Texas.” Đây là bệnh viện lớn nhất nhì của Mỹ cũng như của thế giới về ung thư, không thua bệnh viện Johns Hopkins ở Maryland.

Bác Sĩ Thảo Võ theo ngành chuyên môn là nhi khoa. Cô chăm sóc trẻ em từ khi mới lọt lòng đến năm 21 tuổi. “Tôi yêu quý con nít từ hồi xưa nên chọn nhi khoa cũng là điều tự nhiên thôi,” cô chia sẻ. “Đây là ngành cho phép tôi chăm lo cho sức khỏe của thế hệ tương lai.”

Cô cho thí dụ: “Nếu được nuôi dưỡng đúng cách, trẻ em rất ít có bệnh tật gì cả. Ở Mỹ, thói quen ăn uống có ảnh hưởng rất lớn đối với sức khỏe của các em.”

Bác Sĩ Chính cười nói: “Đó, từ 16 tuổi trở xuống thì Bác Sĩ Thảo khám. Còn từ 16 trở lên, tôi khám.”

Có thể nói họ là thuộc nhóm bác sĩ trẻ nhất tại Little Saigon, một người 42, một người 43 tuổi.

Bác Sĩ Chính nói: “Tôi muốn mở một phòng mạch vừa phải, không lớn lắm và chỉ nhận vừa đủ bệnh nhân để có thời gian chăm sóc họ một cách tận tình hơn. Tôi muốn bệnh nhân đến phòng mạch tôi trong tình thân mật gia đình thôi. Sống như vậy, tôi thấy hay hơn và làm việc có hiệu quả hơn.”

Một phòng đợi trong phòng mạch của hai bác sĩ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Về những dự tính sẽ đóng góp cho cộng đồng, Bác Sĩ Chính trình bày: “Bắt đầu từ phòng mạch, chúng tôi muốn có những đổi mới như khám bệnh qua ‘Facetime,’ hay bất cứ loại ‘video call’ nào để một số bệnh nhân khám định kỳ không cần phải mất thời gian đến phòng mạch.”

Ngoài ra, vẫn trên tinh thần tiết kiệm thời gian cho bệnh nhân, phòng mạch VM Clinic của hai bác sĩ trẻ còn tận dụng “e description” để khi vừa khám xong, phòng mạch chuyển toa thuốc qua Internet thẳng đến nhà thuốc Tây theo lựa chọn của bệnh nhân.

“Như vậy, nếu muốn, chỉ cần đợi vài phút, sẽ có người đem thuốc đến phòng mạch ngay lập tức,” Bác Sĩ Thảo nói: “Dĩ nhiên, nếu muốn họ giao tại nhà như từ trước tới giờ thì vẫn được.”

Muốn gần gũi hơn với bệnh nhân cũng như cộng đồng, hai bác sĩ muốn đưa thông tin y tế cập nhật trên Facebook để mọi người theo kịp những gì mới nhất về y khoa.

Vẫn muốn phục vụ cộng đồng hơn nữa, cặp vợ chồng bác sĩ trẻ này sẽ có những buổi nói chuyện về những đề tài y tế liên quan trực tiếp sức khỏe hàng ngày của người gốc Việt.

Tâm nguyện của hai bác sĩ trẻ này là “Chăm Sóc Cho Sức Khỏe Cả Nhà,” bởi vì cả nhà khi tới với hai bác sĩ này thì không cần đi đâu hết. “Cùng hẹn, cùng khám, rồi cùng về. Đỡ biết bao nhiêu thời gian,” Bác Sĩ Chính nói.

Bác Sĩ Thảo nói thêm: “Tôi muốn mở phòng mạch ở đây vì hàng ngày, ba mẹ con có thể sang Mile Square Regional Park, ngay bên kia đường chạy bộ. Cuối tuần thì cả nhà ra biển chơi. Little Saigon thật thuận lợi.” (Đằng-Giao)

–———-

Liên lạc tác giả: [email protected]

Mời độc giả xem phóng sự “Bỏ cao học, nuôi gà kiểng xuất về Việt Nam”

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

MỚI CẬP NHẬT